Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

15264 - Đền ơn đáp nghĩa để buôn ơn, bán nghĩa!




Cả người dùng mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang đề cập đến hai gói thầu mà theo những qui định hiện hành bị buộc phải bố cáo. Bên dưới là phần ghi chép nguyên văn tấm ảnh chụp bản in mục bố cáo của báo Đấu Thầu (1) thuộc Bộ KHĐT, mà thiên hạ đang chuyển cho nhau xem (2).
372. Bên mời thầu: Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Hà Tĩnh
Tên gói thầu: Mua sắm Lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019). Số thông báo: 20190717504-00. Thời điểm đăng tải: 22/07/2019 14:19).
Hình thức LCNT: Đấu thầu rộng rãi trong nước.
Giá gói thầu: 4.757.200.000
Giá trúng thầu: 4.757.821.400
Nhà thầu trúng thầu: Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng
Quyết định phê duyệt: Số 6077/QĐ-SLĐTBXH ngày 22/7/2019
373. Bên mời thầu: Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Ninh Bình
Tên gói thầu: Mua bánh kẹo tặng người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019). Số thông báo: 20190714093-00. Thời điểm đăng tải: 22/07/2019 16:38).
Hình thức LCNT: Đấu thầu rộng rãi trong nước.
Giá gói thầu: 8.728.305.000
Giá trúng thầu: 8.725.400.400
Nhà thầu trúng thầu: Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng
Quyết định phê duyệt: Số 307/QĐ-LĐTBXH ngày 9/7/2019
Nhìn một cách tổng quát thì nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, ít nhất có hai địa phương chi 13,5 tỉ đồng cho… lễ thắp hương (Hà Tĩnh) và mang bánh kẹo tặng những người có công cũng như thân nhân liệt sĩ (Ninh Bình).
Nếu chịu khó tìm thêm thông tin liên quan đến hai gói thầu vừa kể tại website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ KHĐT điều hành, nhằm cung cấp dữ liệu về các gói thầu sử dụng công quỹ (3), có thể thấy 13,5 tỉ đó đều trích từ nguồn dành cho “chi thường xuyên”.
Qua báo Giao Thông, đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Hà Tĩnh giải thích, “lễ thắp hương” chỉ là cách nói, khoản 4,7 tỉ đã chi cho kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là để mua quà tặng cho gia đình 23.600 liệt sĩ trong tỉnh.
Tương tự, đại diện Sở LĐTBXH Ninh Bình bảo rằng, năm nay không phải lần đầu, tỉnh này đã tổ chức đấu thầu để tìm nhà cung cấp quà, tặng 29.000 đối tượng thuộc diện chính sách trong tỉnh từ nhiều năm (4).
Cứ như cách các viên chức hữu trách ở Hà Tĩnh, Ninh Bình trả lời công chúng thì 13,5 tỉ mà hai tỉnh này đã chi cho “lễ thắp hương” và “mua bánh kẹo” là hoàn toàn minh bạch, cần thiết nhằm “đền ơn, đáp nghĩa”.
***
Hạ tuần tháng 7 hàng năm là thời điểm Việt Nam rộn ràng những hoạt động tưởng nhớ liệt sĩ và “đền ơn, đáp nghĩa” đối những cá nhân, gia đình “có công với cách mạng”, thương binh. Liệu hương hoa, bánh kẹo đã đủ?
Việt Nam hoàn toàn thống nhất đã 44 năm nhưng vẫn còn vô số gia đình “có công với cách mạng” từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng Campuchia, chống Trung Quốc xâm lược,… đang chờ được nhận hài cốt của những thân nhân đã hy sinh.
Tháng 11 năm 2017, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, từng lưu ý: Còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,… Đó là những người lính đền nợ nước khi chặn đánh quân Trung Quốc xâm lược khu vực biên giới phía Bắc và phản công giành lại lãnh thổ hồi thập niên 1980.
Tướng Cò khẩn khoản xin Quốc hội cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần để đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương (5). Hóa ra, bất kể “ta” liên tục đề cao “đền ơn, đáp nghĩa” nhưng hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt liệt sĩ vẫn nằm vạ vật ở rừng sâu, núi thẳm! “Đền ơn, đáp nghĩa” vẫn chỉ nhắm đến biết ơn anh hùng, liệt sĩ là phải giữ cho đảng ta trường tồn!
Cũng vì vậy, từ khi vấn đề được tướng Sùng Thìn Cò nêu ra, đến nay sắp tròn ba năm vẫn không thấy đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta đả động gì đến việc đáp ứng đề nghị này!
Cứ thử dùng website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ KHĐT điều hành để tìm xem trong hai tháng vừa qua, từ 1/6/2019 đến 31/7/2019 có bao nhiêu dự án liên quan đến “liệt sĩ” nhằm “đền ơn, đáp nghĩa” được đem ra gọi thầu thì sẽ tìm được khoảng 30 kết quả.
Tuy con số đó không phản ảnh chính xác số lượng các gói thầu liên quan đến “liệt sĩ” (không khớp với các dữ liệu tìm thấy trên site “bố cáo” của báo Đấu Thầu, một số gói chỉ có thể thấy trên báo Đấu Thầu, không xuất hiện trên website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ KHĐT điều hành và ngược lại), đồng thời thiếu nhiều dữ liệu mà pháp luật đặt định (ví dụ giá trị gói thầu) nhưng vẫn có nhiều điểm đáng ngẫm nghĩ.
Chẳng hạn, tuy vẫn còn không thể đếm xuể số gia đình “có công với cách mạng” đang mỏi mòn chờ nhận hài cốt thân nhân vì “thiếu kinh phí” nhưng hai tháng vừa qua, riêng Phòng LĐTBXH quận Hoàng Mai – Hà Nội đã phát hai thông báo, gọi thầu hai gói cung cấp dịch vụ “đưa đoàn công tác của quận đi thăm di tích lịch sử cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ” - một tại “một số tỉnh phía Nam” và một tại “miền Trung”! Thời gian “công tác” của mỗi đoàn ở mỗi miền là… nửa tháng!
Chẳng lẽ chỉ cần đốt các thẻ nhang, bày những vòng hoa, đọc những diễn văn tràng giang, đại hải bày tỏ sự biết ơn là đủ “đền ơn, đáp nghĩa”? Liệt sĩ, thương binh, những người đóng góp mồ hôi, máu xương, tuổi trẻ, sức khỏe, sinh mạng thân nhân chỉ cần như thế? Giữa “chi thường xuyên” cho các gói thầu cung cấp những phần quà vài trăm ngàn để “đền ơn, đáp nghĩa”, dựng và tu bổ các đài tưởng niệm, lập các “đoàn công tác” thăm nơi này, viếng nơi kia, với mang hài cốt các liệt sĩ về nhà, điều nào thiết thực hơn?
Hình như đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta quan niệm “đền ơn, đáp nghĩa” chỉ là như đã thấy, đã biết! “Đền ơn, đáp nghĩa” hoàn toàn không phải là tạo dựng một xã hội thật sự “công bằng, dân chủ, văn minh” để hậu sinh thật sự “ấm no, hạnh phúc”, thành ra càng ngày càng nhiều cá nhân cũng như gia đình có công với cách mạng cũng trở thành… dân oan.
Khi càng ngày càng nhiều cá nhân cũng như gia đình có công với cách mạng vừa công khai bày tỏ sự ân hận, vừa nguyền rủa chính thể mà họ đã từng góp mọi thứ có thể kể cả sinh mạng thân nhân để dựng lên, “đền ơn, đáp nghĩa” có khác gì buôn ơn, bán nghĩa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét