Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

15255 - Ngày 02/08/1945: Hội nghị Potsdam kết thúc





Vào ngày này năm 1945, Hội nghị thời chiến cuối cùng nhóm “Tam Cường” (Big Three) – Liên Xô, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh – kết thúc sau hai tuần tranh luận căng thẳng và đôi khi gay gắt. Hội nghị đã không giải quyết được hầu hết các vấn đề quan trọng lúc bấy giờ và do đó tạo tiền đề cho cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ bắt đầu ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.
Cuộc gặp tại Potsdam là hội nghị thứ ba giữa các nhà lãnh đạo nhóm Tam Cường. Liên Xô được đại diện bởi Joseph Stalin, Anh bởi Winston Churchill và Hoa Kỳ bởi Tổng thống Harry S. Truman. Đây là lần đầu tiên Truman tham dự cuộc gặp của nhóm. Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người qua đời vào tháng 04/1945, đã tham dự hai hội nghị đầu tiên tại Tehran vào năm 1943 và Yalta vào tháng 2/1945.
Tại hội nghị Potsdam, vấn đề cấp bách nhất là số phận thời hậu chiến của nước Đức. Liên Xô muốn một nước Đức thống nhất, nhưng họ cũng khăng khăng rằng Đức phải hoàn toàn giải giới. Truman, cùng với số lượng ngày càng tăng các quan chức Hoa Kỳ, đã có những nghi ngờ sâu sắc về ý định của Liên Xô tại châu Âu. Quân đội Liên Xô đông đảo đã chiếm đóng phần lớn Đông Âu. Một nước Đức mạnh mẽ có thể là trở ngại duy nhất trên con đường thống trị của Liên Xô trên toàn châu Âu. Cuối cùng, nhóm đã đồng ý chia nước Đức thành ba khu vực chiếm đóng (một khu vực cho mỗi quốc gia) và trì hoãn các cuộc thảo luận về việc thống nhất nước Đức cho đến một thời điểm sau này.
Một vấn đề đáng chú ý khác tại Potsdam lại gần như không được nói ra. Ngay khi đến hội nghị, Truman được thông báo rằng Hoa Kỳ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Với hy vọng sử dụng vũ khí này làm đòn bẩy trước Liên Xô thời hậu chiến, Truman đã vờ đề cập một cách tình cờ với Stalin rằng Hoa Kỳ hiện đang sở hữu một loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp. Vị tổng thống đã phải thất vọng khi nhà lãnh đạo Liên Xô chỉ trả lời rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ sử dụng nó để đưa cuộc chiến với Nhật kết thúc nhanh chóng.
Hội nghị Potsdam kết thúc trong không khí ảm đạm. Rời hội nghị, Truman thậm chí còn bị thuyết phục nhiều hơn rằng ông phải áp dụng một chính sách cứng rắn đối với Liên Xô. Stalin thì càng tin rằng Hoa Kỳ và Anh đang âm mưu chống lại Liên Xô. Về phần Churchill, ông không có mặt trong lễ bế mạc. Đảng của ông đã thua trong cuộc bầu cử ở Anh, và ông đã bị thay thế giữa hội nghị bởi tân thủ tướng Clement Attlee. Potsdam là hội nghị hậu chiến cuối cùng của nhóm Tam Cường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét