Hơn ba tuần nay, chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính vẫn nóng hằng ngày, nhưng trong nước, câu chuyện có vẻ lắng xuống một cách dị thường. Mặc dù nhà cầm quyền đã tổ chức một vài cuộc biểu tình salon kiểu cùng nhau vào một khán phòng, hô hào, giương cờ xí, biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam, hoặc cho một nhóm đoàn viên mặc sắc phục cờ đỏ sao vàng lội ra biển chào cờ, khác chút nữa, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống Kiên Giang tặng 10,000 lá cờ cho ngư dân… Và sẽ còn nhiều kịch bản mới. Nhưng liệu những kịch bản này sẽ đi đến đâu, lái câu chuyện Tư Chính nói riêng và biển đảo, biên giới Việt Nam tới đâu?
Và, có một điều mà hầu hết người quan sát đều đặt câu hỏi là tại sao ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần đăng đàn kêu gọi biểu tình nhưng khác với mọi khi, dường như không có cuộc biểu tình “tự phát” nào? Và điều này dự báo vấn đề gì?
Ở khía cạnh thứ nhất, vấn đề biểu tình salon và tặng cờ, nó cho thấy một chính sách huy động nhân dân và dùng nhân dân làm lá chắn hiện ra rất rõ. Tại sao phải biểu tình trong khán phòng? Vì một mặt nhà cầm quyền một cách không chính thức (mượn tay Mặt trận tổ quốc Việt Nam kêu gọi) nhưng một mặt lại rất sợ nhân dân và hơn hết, họ lo lắng hiệu ứng domino trong vấn đề biểu tình chống Trung Quốc.
Tổ chức mít tinh, biểu tình, họ chỉ làm với nhau và đưa lên các phương tiện truyền thông nhà nước là cách mà họ đã chọn thay vì cho các đoàn biểu tình hay cổ động đi dọc các con phố để thị uy. Trong khi đó, từ những năm 1980, giáo dục Việt Nam có truyền thống thị uy bằng tuyên truyền, cứ mỗi Thứ Năm hoặc đầu tuần, thay vì chào cờ thì nhà trường cho học sinh xếp hàng rồng rắn đi khắp các ngõ quê, quốc lộ… để vừa đi vừa hô (do Bí thư đoàn hoặc lớp trưởng): “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”. Đám sau liền hô theo “muôn năm, muôn năm”. Hàng loạt câu nối đuôi nhau với nội dung yêu nước, yêu đảng, đảng kiệt xuất… Nhưng, điều ấy bây giờ lại không xảy ra.
Bởi, nếu có bất kì đoàn biểu tình nào của nhà nước tổ chức xuống đường, chắc chắn một điều, nhân dân sẽ hưởng ứng. Cho dù là các đoàn biểu tình trước đây của những anh chị, cô bác, cháu nhỏ… tổ chức và bị đàn áp có thể không hưởng ứng bởi họ thấy lòng yêu nước của mình bị nghiền nát, đàn áp và lợi dụng… Nhưng, chắc chắn một điều là một khi nhà nước tổ chức biểu tình thị uy hoặc kêu gọi biểu tình một cách ôn hòa, gửi thông điệp này đến các cơ quan, đoàn thể thì hiệu ứng của nó vô cùng lớn. Dự con số còn đông hơn cả những đoàn đi bão sau mỗi trận tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng. Và, cũng có một điều cần nhấn mạnh: Những đám đông đi bão biểu tình này không hẳn vì yêu biển đảo, không hẳn vì chống kẻ ngoại xâm mà đơn giản, thấy đông, thấy có thể hò hét, thậm chí có thể cởi áo quần để nhảy nhót trên xe… Là họ ra đường. Bởi, khác với mọi khi, bây giờ họ ra đường mà không lo bị đánh đập, không lo bị tra hỏi, thậm chí được tung hê yêu nước, bù cho những lần đi bão sau trận đấu họ bị ném đá tới tấp.
Ở một hướng khác, một khi nhà cầm quyền cho các đoàn biểu tình gồm các hội, đoàn theo lời kêu gọi của Mặt trận tổ quốc Việt Nam xuống đường để thị uy và kêu gọi chống ngoại xâm, điều ấy mặc nhiên thừa nhận hành vi biểu tình chống Trung Quốc là yêu nước. Lúc đó, nhân dân sẽ đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề các tù nhân lương tâm: Tại sao họ cũng biểu tình yêu nước, cũng kêu gọi chống ngoại xâm mà lại bị bắt? Và giữa những người đang ngồi tù, từng nhiều lần tuyệt thực vì điều kiện khắc nghiệt trong nhà tù kia có gì khác với những đám đông rồng rắn, kêu gọi chống Trung Quốc đang diễu hành ngoài đường?
Đây là những câu hỏi mà người Cộng sản chưa trả lời được và rất có thể họ không bao giờ trả lời được một khi họ chính thức phát động biểu tình chống Trung Quốc trong lúc này. Và đây cũng là cái chìa khóa hé mở về vấn đề chính trị, văn hóa, giáo dục tại Việt Nam lúc này. Bởi hơn bao giờ, vấn đề văn hóa, tính trật tự hay gương mặt tri thức, ứng xử của Việt Nam sẽ hiện ra rất rõ trong những cuộc xuống đường. Liệu những cuộc xuống đường của những người ham vui, những người bị cuốn hút bởi hiệu ứng đám đông và không phải là những người từng biểu tình trước đây có đảm bảo rằng họ sẽ biểu tình ôn hòa, không đập phá, không cởi áo quần để chụp ảnh, không hò hét…? Rất khó để trả lời câu hỏi này. Bởi chính kiểu ứng xử văn hóa, kiểu hành vi chính trị áp đặt và kiểu giáo dục phi giáo dục của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhiều năm nay đã hàm chứa hệ lụy này.
Và, một khía cạnh khác nữa, đó là thói quen, hay nói cách khác là truyền thống lợi dụng sức dân, lợi dụng nhân dân (chứ không phải mượn hay cộng hưởng sức dân một cách đơn thuần) của đảng Cộng sản đã đẩy vấn đề đến chỗ lấp liếm, giấu diếm. Vì hiện tại, tất cả mọi động thái của nhà cầm quyền Cộng sản đều cho thấy họ chưa đặt quyết tâm lên việc bảo vệ chủ quyền, biên giới và an ninh tổ quốc. Thử nhìn vấn đề nổi cộm mấy ngày nay ở Our City Hải Phòng, khu vực này đi vào hoạt động cách đây chưa đầy 10 năm. Khi xây dựng, nó hoàn toàn không mang danh là dự án liên quan đến Trung Quốc. Thế nhưng tại sao khi hoạt động, nó là khu của người Trung Quốc? Và hơn hết, tại sao phường, cơ quan quản lý hành chính hàng đầu cấp địa phương lại phải đăng ký lịch để vào khám xét? Liệu điều này có diễn ra với người Việt, có biết bao nhiêu gia đình bị công an phường, người của phường, xã đến khám xét giữa đêm khuya, không xin phép ai, thậm chí hầm hố với dân? Rõ ràng, ở đây có một sự thiên vị, nếu không muốn nói là e dè, sợ sệt trước người Trung Quốc. Và đã có một chỉ định, thống nhất từ trên xuống dưới nhằm bao che cho người Trung Quốc! Chưa dừng ở đó, tại sao hơn 400 con người tội phạm, tổ chức đánh bạc hàng ngàn tỉ đồng ấy lại nhanh chóng được dẫn độ về Trung Quốc? Trong khi đó, có nhiều phạm nhân người nước ngoài không phải là Trung Quốc nhưng quốc gia của họ vẫn nằm trong hệ thống interpol lại không được dẫn độ. Ở đây, có thể thấy rằng Việt Nam đã dùng nguyên tắc “tối huệ quốc” đối với Trung Quốc. Và không có gì đáng hoài nghi hơn về cái nguyên tắc này trong lúc này!
Khi nhà nước không muốn công khai, không muốn phát động hoặc phát động một cách ỡm ờ thì họ hay dùng những phương pháp tương đương phát động. Thay vì phát động biểu tình, đưa các lực lượng chính qui vào trạng thái ứng chiến và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì không! Tặng cờ cho ngư dân, để biến mỗi ngư dân kèm theo lá cờ trở thành những tấm bia, cột mốc trên biển. Có 10 ngàn lá cờ được cấp cho ngư dân cũng đồng nghĩa có 10 ngàn tấm bia sống bằng ngư dân (có hỗ trợ từ chính phủ) xung trận. Và câu chuyện đi đến đâu thì chưa biết. Nhưng chí ít lúc này, nó vẫn cho đảng Cộng sản Trung Quốc thấy được cái tình hữu nghị, tình anh em giữa hai đảng, nó không đẩy sự việc Tư Chính lên tầm quốc gia, nó chỉ dừng ở mức “phản đối, phản đối, phản đối” giữa hai nhà cầm quyền với nhau trên bàn cờ khu vực (thậm chí song phương) chứ không phải là lời phản đối của toàn dân.
Hơn nữa, với đà kìm hãm biểu tình, bắn tiếng không rõ ràng và đưa mọi hoạt động yêu nước vào khuôn khổ cho phép của nhà cầm quyền… Thì sẽ chẳng có người yêu nước nào đủ dại để xông ra chịu đòn. Vì chắc chắn, trong cuộc chơi này (phải nói là cuộc chơi) luôn hàm chứa những ẩn số. Người yêu nước chân chính có thể bị đánh đập , thậm chí mất mạng khi đi biểu tình theo lời kêu gọi của nhà nước. Bởi trong một đoàn bất bạo động ấy, trong đoàn yêu nước ấy, ai dám khẳng định sẽ không có kẻ quấy rối? Ai dám khẳng định không có đặc tình Hoa Nam, gián điệp Trung Hoa lẫn trong đó? Và ai dám khẳng định đây là cuộc biểu tình không đặt bẫy? Bởi thứ cần được bảo vệ nhất hiện nay, chưa hẳn là biển đảo, chủ quyền quốc gia mà là lợi ích nhóm, sự tồn tại của chế độ Cộng sản. Bởi mọi nhóm lợi ích đều sinh ra từ tổ chức này!
Nói như vậy để thấy rằng, cái giá của tự do, chủ quyền, độc lập, tiến bộ, văn minh, dân chủ… tại Việt Nam được trả giá không hề rẻ, nếu không muốn là nó đổi bằng nhiều thế hệ và nhiều thứ phải mất đi vĩnh viễn. Mất đến độ khi có được nó thì người ta không còn đủ sức lực để giữ lấy nó nữa! Đây là bi kịch của một dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét