Hồi ký của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có tên “My Land and People” (Quốc Thổ và Quốc Dân tôi) do Chánh Quang dịch và đăng trên Tạp chí Từ Quang số 182 (tháng 10-1967). Bài viết chỉ gồm 6 trang nhưng đã cho thấy nhiều minh chứng về một số sự kiện liên quan đến việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tổ chức đánh Tây Tạng bằng vũ lực vào năm 1950, mặc dù chính quyền Trung Quốc cho là họ giải phóng hòa bình Tây Tạng, hay hợp nhất Tây Tạng.
Sau đó khoảng 9 năm, một lần nữa vấn đề Tây Tạng lại bùng phát và lần này thì bi kịch xảy ra: Tây Tạng bị chiếm đóng vào năm 1959 và Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng Chính phủ của ông và dân chúng phải lưu vong ra nước ngoài. Trước biến cố này, Ngài có viết ba bức thư cho tướng Tan Kuan-san, quyền đại diện của Chính phủ trung ương Trung Quốc tại Tây Tạng và là chính ủy của Quân khu Tây Tạng.[1]
Nay chúng tôi xin trình bày lại các bức thư để bạn đọc hiểu thêm vấn đề này, qua đó cũng cho ta thấy rõ tâm trạng của Đạt Lai Lạt Ma trước sự an nguy của quốc dân của ông.
Trong các tác phẩm cổ văn của Tây Tạng, quốc gia này thường có tên gọi “Khawachen”, có nghĩa là “Xứ Tuyết” hay “Sildanjong”, có nghĩa là “Vùng đất khí hậu lạnh”. Tây Tạng được thế giới xem như một quốc gia xa xôi ở Trung Á, ít người lui tới vì quanh năm xứ này được bao bọc bởi các núi tuyết. Tây Tạng có thủ đô là Lhasa (Lạp Tát), năm đó có dân số 40.000 trên tổng số dân Tây Tạng là 6 triệu, trong đó có khoảng 18% là nhà sư và 2% là ni cô. Thời xa xưa, Phật giáo từ Ấn Độ bắt đầu du nhập vào Tây Tạng, đặc biệt là vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 7 dưới triều vua Songtsen Gampo (605-650). Theo truyền thuyết, người ta tin rằng nhà Vua là hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát và là vị vua ủng hộ Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng. Nhà vua đặt ra 16 điều răn đạo đức khuyên dân chúng thực hành theo, đã kiến lập thủ đô Lhasa và xây dựng nhiều chùa khắp nơi trong nước. Phật giáo Tây Tạng phát triển từ đó.
Sau khi chiếm chính quyền tại trung ương, ngày 07/10/1950, quân đội Trung cộng bắt đầu mở cuộc tấn công sáu mặt vào lãnh thổ Tây Tạng. Khi ấy đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 –Tenzin Gyatso – mới 15 tuổi. Tháng 1 năm 1951, Đạt Lai Lạt Ma gửi thư cho Chính phủ Bắc Kinh, trong thư nói “Tôi lần này tiếp nhận yêu cầu chấp chính nhiệt liệt và thành khẩn của toàn thể nhân dân Tây Tạng”, “quyết định đạt được hòa bình như nguyện vọng của nhân dân”, phái đại biểu “đến Chính phủ nhân dân trung ương mưu cầu giải quyết vấn đề Tây Tạng”.
Ngày 07/11/1950, Ngài gửi thư nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp giúp đỡ, nhưng lời yêu cầu của Ngài không được đáp ứng. Cùng lúc, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng gửi công hàm cho chính quyền Trung Quốc nhắc lại tình hữu nghị xưa nay giữa hai nước và yêu cầu họ rút quân khỏi Tây Tạng cũng như giao trả các tù binh Tây Tạng bị bắt. Nhưng chính phủ Trung Quốc làm ngơ. Điều này cho thấy, vào thời điểm đó Ngài xem Trung Hoa và Tây Tạng là hai quốc gia với hai chính phủ riêng biệt.
Dưới áp lực quân sự của Trung cộng, nhận thấy không đủ sức đương đầu về mặt quân sự, nên chính phủ Tây Tạng buộc lòng phải gửi phái đoàn sang Bắc Kinh nghị hòa ký hiệp ước gồm 17 điều vào ngày 23/05/1951; sau đó nhà cầm quyền Trung Quốc đã không giữ đúng hoàn toàn tất cả những điều cam kết đã ký.
Năm 1951, khoảng 6.000 quân Trung Cộng tiến vào chiếm thủ đô Lhasa. Trong năm này, quân đội Trung Quốc áp đặt một Thỏa ước gồm 17 điểm cho Tây Tạng và thực tế tiến hành cách mạng vô sản theo kiểu Mao trên hai tỉnh Kham và Chamdo ở miền Đông.
Tháng 2 năm 1951, Đạt Lai Lạt Ma lệnh cho Ngapoi Ngawang Jigme đứng đầu làm đại biểu toàn quyền, cùng với bốn đại biểu Khemey Sonam Wangdi, Thuptan Tenthar, Thuptan Lekmuun và Samposey Tenzin Thondup đến Bắc Kinh toàn quyền xử lý vấn đề đàm phán với Chính phủ nhân dân trung ương.
Trung cộng tiến hành chính sách Cải cách ruộng đất tại đây, đến cuối năm 1955 tình hình lại càng tồi tệ hơn.
Hè năm 1956, đức Đạt Lai Lạt Ma được Hội Ma Ha Bồ Đề mời qua dự lễ Phật Đản năm 2500 tại Ấn Độ. Trong lúc Ngài vắng mặt, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và Tây Tạng.
Cuối năm 1956, dân chúng Tây Tạng bắt đầu ồ ạt bỏ nước ra đi tỵ nạn. Đầu năm 1957, quân đội giải phóng Tây Tạng chiến đấu anh dũng đã lấy lại được một số cứ điểm do Trung cộng chiếm đóng trước kia,
Quân đội Trung cộng đã pháo kích, ném bom, phá hủy các làng mạc, chùa chiền khắp nơi. Nhiều dân lành Tây Tạng bị tra tấn, sát hại. Những nông dân nào tỏ ý chống đối chính quyền Trung Quốc, con gái của họ từ 13 đến 20 tuổi bị cưỡng bức lõa thể đi diễu hành ngoài đường phố, các ni cô Tây Tạng bị lính Trung cộng hãm hiếp tập thể, hoặc bộ đội Trung Quốc dùng súng, lưỡi lê cưỡng bức các nhà sư và ni cô lấy nhau trước mặt họ. Nạn nhân đôi khi bị tra tấn bằng cách lột da sống. Chồng bị tàn sát trước mặt vợ; các phụ nữ và con gái bị cưỡng hiếp và bắn chết trước sự chứng kiến của thân nhân. Trẻ con Tây Tạng bị bắt buộc cầm súng bắn giết cha mẹ.
Cuối năm 1958, dân chúng Tây Tạng nổi dậy chống Trung Quốc khắp nơi.
Trong thời gian này tướng Tan Kuan-san có liên lạc với Ngài và Ngài đã hồi âm bằng 3 lá thư đề ngày 11 và 12/03/1959. Theo Đạt Lai Lạt Ma:[2]
“ …Trong bức thư thứ nhất, tôi nói cùng ông (Tướng Tan Kuan San), thật tôi bối rối biết bao trước hành vi thù địch của quần chúng đối với việc nhà cầm quyền Trung Hoa (CS) thỉnh mời tôi.
Bức thư thứ nhì, tôi báo tin ông hay tôi đã truyền lệnh cho quần chúng giải tán và, đồng ý với ông, tôi nhận thấy vì muốn bảo vệ tôi, quần chúng chỉ làm phương hại cho sự giao hảo giữa Trung Hoa và Chính Phủ Tây Tạng.
Trong bức thư thứ ba, tôi ngỏ ý muốn giải quyết sự tranh chấp giữa phe đồng bào tôi phản đối việc tôi ưng thuận đến trại của Trung Hoa, với phe tán thành việc ấy.
“Tôi thú thật rằng, nếu tôi đoán biết sau này họ lợi dụng mấy bức thư để chống đối tôi, tôi cũng vẫn gởi vì lúc ấy tôi rất muốn và thấy có phận sự lớn lao ngăn ngừa cuộc xung đột giữa dân Tây Tạng và lực lượng Trung Hoa.
Tôi lập lại rằng tôi quả quyết bao giờ cũng trung thành với lý tưởng bất bạo động và, như thế, tôi không tán thành thái độ hung hăng của dân chúng Lạp- Tát, mặc dù tôi nhận đúng giá trị tình thương mến của họ đối với tôi và tình thương đó chứng minh cho cuộc toàn dân khởi nghĩa”.
“Bởi vậy cho nên, với tất cả thành thật, ngày ấy tôi đã kêu gọi chúng dân bình tĩnh, và tuy mấy bức thư tôi gởi cho tướng lĩnh Trung Hoa có mục đích che đậy ý muốn thật sự của tôi, ngày nay tôi cũng cho rằng thơ ấy hoàn toàn chính đáng.”
Sau này Trung cộng công bố mấy bức thư này và nói rằng Ngài “đã cố sức đến ẩn náu trong Tổng hành dinh Trung cộng “và Ngài đã bị những kẻ mà họ gọi là “bè đảng phản động” cầm giữ trong Đền Norbulinka, để sau cùng buộc Ngài phải tỵ nạn qua Ấn Độ, trái với ý muốn của Ngài.
Trong hồi ký của mình Ngài nói rõ: “Một lần nữa, tôi cũng sẽ minh xác việc tôi đã tựý rời khỏi Lạp-Tát. Tự tôi quyết định như thế vì tánh cách thất vọng của tình hình. Tôi không bị áp lực bởi một ngoại bang nào, tôi không bị cận thần tôi bắt đi, và nếu đồng bào tôi cố nài xin tôi ra đi là vì thấu rõ dã tâm Trung Hoa sắp oanh tạc Tòa Đền, nếu tôi ởlại Kinh Đô, có thể tôi bị nguy tánh mạng”.
Tôi quả quyết vị tướng Trung Hoa không hề ép buộc tôi phải nhận lời mời của ông ta, tôi không bị nguy hiểm gì đe dọa và tôi yêu cầu mấy thủ lĩnh không nên gây ra một tình trạng có thể sanh hậu quả tai hại…..
…..Sau cùng họ (các vị lãnh đạo nhân dân Tây Tạng lúc đó) ưng thuận không nhóm họp trong Đền Norbulinka nữa, nhưng lại tổ chức nhiều cuộc mít tinh trong làng Shol, dưới chân Đền Potala, và sau mỗi phiên nhóm họp sẽ phúc trình tôi rõ. Theo các phúc trình này, tình hình thay đổi: Nhân dân tiếp tục bảo vệ tôi và họ buộc người Trung Hoa rời khỏi Lạp-Tát và Tây Tạng, để cho người Tây Tạng tự quản trị việc xứ sở họ.”
Tôi nhận được bức thư cuối cùng của tướng Tan Kuan-san vào buổi sớm ngày 16-3 và tôi đã phúc đáp cùng ngày ấy.”
Ngày 10/03/1959, quân đội Trung cộng bắt đầu đánh vào Tây Tạng; ngày 16/03/1959 đức Đạt Lai Lạt Ma được tin quân đội Trung Cộng đang chuẩn bị pháo kích cung điện Potala ở Lhasa. Đây cũng là ngày mà Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi âm bức thư thứ ba, bức thư cuối cùng của sự kiện này.
Để tiếp tục lãnh đạo cuộc tranh đấu giải phóng đất nước, Ngài đã quyết định cùng với một số thân quyến, các vị bộ trưởng trong chính phủ và dân chúng rời khỏi Tây Tạng ngay trong đêm ấy.
Theo một tư liệu, “cuộc nổi dậy tháng 3 năm 1959 ở Lhasa bùng nổ từ những nỗ lo ngại về một âm mưu bắt cóc Dalai Lama và đưa ông đến Bắc Kinh. Khi các quan chức quân đội Trung cộng mời ông đến thăm trụ sở của họ để xem kinh kịch và uống trà, ông được bảo là phải đến một mình, và không vệ sĩ hay nhân viên quân sự Tây Tạng nào được phép đi qua ranh giới khu trụ sở.”[3]
Thật ra, trong hồi ký của mình, Ngài cũng đã viết: “Nếu quả thật như vậy, tôi sẽ bị nguy to, vì Trung Hoa sẽ dùng những biện pháp nghiêm khắc đặng ngăn cản tôi đào tẩu”.
Qua các dữ kiện trên cho thấy từ những năm 1950, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thái độ ôn hòa, mong muốn hợp tác cùng chính quyền Trung cộng trên tình thần bảo vệ đạo Pháp và tự do hành đạo tại Lhasa, mọi hành động trước đó của chính quyền Tây Tạng đều trên tình thần bất bạo động. Nhưng do những chính sách đàn áp của Trung cộng, và sau này là hành động tàn sát giáo dân, nông dân, mà tình hình chống đối ngày càng bùng phát. Thực hiện chính sách cải cách ruộng đất tại vùng này, Trung Hoa đã phá tan cơ cấu của Chính phủ tự trị Tây Tạng, phá nát cơ cấu giáo hội. Trước an nguy quốc gia, để xoa dịu tình hình, để kéo dài thời gian, cố tìm con đường hòa giải khác, Ngài đã gởi (hồi âm) đến tướng Tan Kuan-san bằng 3 lá thư nêu trên, chứng tỏ ý muốn khoan nhượng để tìm lối thoát chứ không vì thái độ cầu an của Ngài. Việc nhà chức trách Trung cộng công bố 3 bức thư đó là nhằm xuyên tạc ý định của Ngài.
————–
[1] Nội dung bản dịch tiếng Anh ba bức thư do Tân Hoa Xã công bố có tại: http://www.bjreview.com/special/tibet/txt/2008-05/08/content_115524.htm
[2] Trích “ Quốc thổ và Quốc dân tôi”, Chánh Quang dịch, đăng trên Tạp chí Từ Quang số 182-tháng 10 năm 1967. Những dòng in nghiêng được trích lại theo lời dịch của Chánh Quang.
[3] Theo “10/03/1959: Cuộc nổi dậy Tây Tạng bùng nổ”, Nghiencuuquocte.org, 10/03/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét