Báo chí thế giới rất quan tâm đến sự kiện Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi 8 hoạt động địa chấn tại bãi Tư Chính của Việt Nam và tàu cảnh sát biển 35111 của Trung Quốc quấy rối giàn khoan Hakuryu tại lô 016.01 của Việt Nam. Sự quan tâm này thể hiện ở nhiều khía cạnh chuyên môn báo chí như: tin tức, bài phân tích, bài bình luận, phỏng vấn các chuyên gia và bài của các chuyên gia. Và báo chí thế giới cũng sử dụng đến cả thể tài biếm họa chính trị để thông tin và bình luận về sự kiện này.
Asia News vừa có một biếm họa chính trị xuất sắc. Biếm họa chính trị này có ba họa hình: người ngư dân Việt Nam, giàn khoan dầu khí cắm cờ Trung Quốc đang có ống khói đưốc khí và một công nhân Trung Quốc. Trong biếm họa chính trị này, người ngư dân Việt Nam đầu đội nón lá, tay cầm một lá cờ tổ quốc rất to, đã thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước bằng cách hét lên GAAA. Tiếng thét của người ngư dân phát ra hình đuốc khí. Tiếng thét GAAA cũng có thể là HAAA, những cũng có thể là GAS( khí đốt). Và, kẻ cướp biển Trung Quốc cầm lá cờ nhỏ hơn, mỉa mai người ngư dân Việt Nam bằng câu nói: "Wow! Giá như chủ nghĩa dân tộc quá nhiệt tình cũng có thể là một nguồn năng lượng". Tiếng hét to GAAA của người Việt Nam dù cầm ngọn cờ tổ quốc to tướng cũng chỉ là sự hô hào bất lực. Câu nói thâm trầm của người Trung Quốc dù có ngọn cờ tổ quốc nhỏ hơn là sự mỉa mai về sự yếu ớt của người Việt Nam trong sự kiện bãi Tư Chính và lô 06.01.
Việt Nam đang tiến tới việc hoàn thành dự án tặng 1.000.000 lá cờ tổ quốc cho ngư dân để nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, để khuyến khích người dân bám biển và bảo vệ chủ quyền. Dự án này từ lâu đã bị cộng đồng mạng phản đối vì cho rằng đây là một giải pháp không thiết thực và không có hiệu quả. Cái mà người ngư dân Việt Nam cần không phải là những lá cờ tổ quốc, mà chính là sự bảo vệ của hải quân Việt Nam, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng kiểm ngư Việt Nam trước việc họ luôn luôn bị các lực lượng Trung Quốc đâm tàu, cắt lưới và phá hủy ngư cụ, chấn lột các loại hải sản đánh bắt được. Một Facebooker có gần 100.000 người theo dõi đã bình luận cay đắng về dự án 1.000.000 lá cờ: “ tặng cờ cho ngư dân để họ chạy có cờ à?”.
Không chỉ người Việt Nam hiểu rằng, không thể bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách phát cờ tổ quốc cho ngư dân. Qua biếm họa chính trị xuất sắc của Asia News, có thể khẳng định rằng, báo chí nước ngoài hiểu rõ điều đó như chính nhiều người Việt Nam đã hiểu và đang hiểu..
Biếm họa là phần quan trọng của báo chí, và biếm họa chính trị là loại khó nhằn nhất của biếm họa. Biếm họa chính trị đề cập đến chính trị gia và chính trường, các bất công và bất bình đẳng nảy sinh từ những chính sách méo mó thông qua các họa hình hài hước. Báo chí miền Nam trước năm 1975 với sự tự do báo chí tương đối luôn luôn xuất hiện biếm họa chính trị. Họa sĩ biếm họa chính trị Chóe là một tài năng về biếm họa chính trị.
Trên thế giới, có rất nhiều nguyên thủ quốc gia cực kỳ yêu thích biếm họa chính trị, dù biết chắc rằng, các biếm họa đó đả kích và chê bai mình. Có nhiều nguyên thủ quốc gia đã thể hiện nỗi buồn nếu như trong vòng khoảng một tuần mà mình không xuất hiện trong bất cứ biếm họa chính trị nào. Giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer cũng đã nhiều lần trao giải cho các họa sĩ biếm họa chính trị.
Báo chí nhà nước Việt Nam không hề có biếm họa chính trị . Có chăng chỉ là những bức tranh đả kích thô tục, phản cảm mang tính tuyên truyền rằng các chính trị gia bên phái kẻ thù đều là ngu dốt, tàn độc và tham lam.
Cho đến năm 1995, mầm mống về biếm họa chính trị xuất hiện trên báo chí nhà nước. Người viết bài này nhớ rõ, vào tháng 7 năm 1995, trong một văn phòng báo chí ở đường Trần Đình Xu, quận 1, Sài Gòn, họa sĩ Chóe ( tên thật là Nguyễn Hải Chí) nói : " Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao rồi. Bọn Mỹ thế nào cũng sang đây. Tao có nên làm một cái biếm họa chính trị cho vui không?”. Người viết bài này nói với người họa sĩ râu ria xồm xoàm, tóc tai tua tủa, thân hình vạm vỡ như một con gấu: " Ok, anh. Báo chí từ lâu không có biếm họa chính trị. Buồn lắm". Ngay lập tức, họa sĩ Chóe vẽ biếm họa, diễn tả một người đàn ông Mỹ vác một túi tiền to căng phồng, cười toe toét và nói: "Good morning, Vietnam!". Báo Lao Động và báo Tuổi Trẻ rất thích biếm họa chính trị này của Chóe. Sau đó Chóe cho biết: Tuổi Trẻ trả giá cao hơn nên ông dành cho Tuổi trẻ. Có lẽ, "Good morning, Vietnam " của Chóe là biếm họa chính trị đích thực đầu tiên của báo chí nhà nước. Và rất lẻ loi!
Trên trang Việt Nam Thời Báo của Hội nhà báo độc lập Việt Nam thỉnh thoảng xuất hiện các biếm họa chính trị khá hấp dẫn của Trần Thế Kỷ. Chỉ tiếc rằng người họa sĩ này vẽ bằng chương trình đồ họa nên nét vẽ không mềm mại.
Biếm họa chính trị của báo chí cách mạng không phát triển được vì các họa sĩ biếm không thể biếm họa về chính trường Việt Nam đa đoan với những chính trị gia bất tài, về những bất công và bất bình đẳng đầy rẫy trong cuộc sống. Nguyên nhân rất đơn giản. “ Báo chí nhà nước chỉ là công cụ tuyên truyền, không có chỗ cho biếm họa chính trị”, Chóe nói vào một ngày đầu năm 1996.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét