Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

11649 - Sông Mekong, có phải ngày tàn đã đến?



Một nông dân đang lấy nước ngầm ở tỉnh Sóc Trăng, trong vụ hạn hán lịch sử tại Đồng bằng Sông Cửu Long 2015-2016. 3/2016.
Một nông dân đang lấy nước ngầm ở tỉnh Sóc Trăng, trong vụ hạn hán lịch sử tại Đồng bằng Sông Cửu Long 2015-2016. 3/2016. AFP

Lại thêm một quyển sách nữa về sông Mekong được xuất bản. Lần này là quyển Last Days of The Mighty Mekong, tạm dịch: Những ngày cuối của Mekong vĩ đại. Tác giả là ông Brian Eyler, một nhà nghiên cứu người Mỹ có nhiều năm làm việc tại vùng Vân Nam, Trung Quốc, đồng thời ông cũng có nhiều chuyến làm việc tại các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
Loạt bài sau đây xin điểm lại khái quát những đe dọa mà con sông lớn hàng thứ sáu trên thế giới đang phải hứng chịu, đặc biệt là những gì liên quan đến Việt Nam.
Bài thứ nhất viết về những tổn hại vật chất, môi trường của con sông này.
Bài thứ hai sẽ nói về những xáo trộn xã hội văn hóa lớn đang diễn ra tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, và bài cuối sẽ nói về những xung đột, can thiệp quyền lực để thống trị con sông này.
Sông Mekong, những ngày tàn lụi!?
Sông Mekong dài hơn 4300 cây số, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, và đổ ra Biển Đông. Con sông này tạo nên Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Có ba nguồn lợi lớn nhất mà con sông này đem lại cho cư dân sống trong lưu vực của nó:
Tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn và vùng trung lưu thuộc các quốc gia Trung Quốc, Lào.
Cung cấp cá nước ngọt cho cư dân Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Việt Nam.
Cung cấp phù sa cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực sản xuất lúa gạo cây trái lớn nhất Việt Nam.
Điều trớ trêu ở đây chính là nguồn lợi thứ nhất, tiềm năng thủy điện, là nguyên nhân chính đưa đến việc hủy hoại hai nguồn lợi tiếp theo, và qua đó dẫn tới lời cảnh báo như tựa đề của quyển sách The Last Days of The Mighty Mekong của ông Brian Eyler.
Theo số liệu của ông Eyler, hiện nay trên đoạn sông Mekong chảy qua Trung Quốc, còn có tên gọi là Lan Thương, có tất cả sáu con đập khổng lồ đang hoạt động trong tổng số 19 con đập lớn nhỏ được hoạch định, và theo lời ông Eyler trong buổi ra mắt cuốn sách này tại thủ đô Hoa Kỳ hôm 19/2/2019, những con đập này ngăn cản đến một nửa lượng phù sa đổ về hạ nguồn.
Xuôi xuống vùng trung lưu thuộc nước Lào, những con đập khổng lồ cũng đã và đang được xây dựng, gây nên những tranh cãi giữa Lào với hai nước hạ lưu là Cam Pu Chia và Việt Nam, khi Lào tiến hành xây những con đập lớn là Pak Beng, Don Sahong, Xayaburi.
Những con đập vùng trung lưu sông Mekong đang đe dọa hủy diệt nguồn thủy sản của con sông này vì chặn mất dường di chuyển của các loài cá kiến chúng bị diệt vong. Nguồn thủy sản sông Mekong là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho cư dân dọc hai bờ sông từ Lào, sang Cam Pu Chia cho đến Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, làm việc tại Trung tâm biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ nói với Đài RFA về dự án Pak Beng:
Hầu hết các chuyên gia lo ngại là các đập đó sẽ giữ lại phần lớn phù sa và bùn cát ở thượng nguồn, không đi về phía hạ lưu được, làm thay đổi về mặt dòng chảy và một phần làm ảnh hưởng đến nguồn cá và các hệ sinh thái...Có nhiều vấn đề lắm. Tại vì dự án này không đánh giá đầy đủ qua những tác động của nó lên vùng hạ lưu, rất mờ nhạt. Do đó, hầu hết chuyên gia đều phản bác dự án này.”
Ngoài lượng phù sa bị chận lại, nước cũng bị các con đập ở thượng nguồn giữ lại, và đây là một trong những nguyên nhân chính được cho là đã gây nên trận hạn hán lịch sử mùa khô 2015-2016 tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lượng phù sa, bùn cát bị giữ lại, cộng với việc khai thác cát ồ ạt cho nhu cầu phát triển kinh tế gây ra một tai ương khác là nạn xói lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Một chuyên gia về sông Cửu Long là Tiến sĩ Dương Văn Ni, từ Cần Thơ, nói với đài RFA:
Mấy năm gần đây, do nhu cầu phát triển của khu vực, từ Lào. Thái Lan, qua Cam Pu Chia, qua Việt Nam, bùng nổ, quá lớn. Quốc gia nào cũng tranh thủ khai thác cát. Khi mùa lũ tới, dòng nước không còn cát cản để tiêu hao năng lượng, bèn xói vô bờ làm lở bờ sông.”
Việc xói lở bờ sông Cửu long tại Việt Nam đã trở thành một hiện tượng thường xuyên, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn của cư dân ở đây.
Ngoài những nguyên nhân mà người Việt Nam không chủ động chế ngư được như những con đập trên thượng nguồn, còn có những nguyên nhân do chính họ tạo ra đã góp phần gây nên cái mà ông Brian Eyler gọi là Đồng bằng Cửu Long lụi tàn, Whither the Mekong Delta.
Đầu tiên phải kể đến việc đắp đê bao ngăn nước lũ, trái với qui luật tự nhiên của vùng đất này để có thể có thêm vụ lúa thứ ba trong năm. Điều này dẫn đến chuyện đất bị bạc màu do không tiếp xúc với nước lũ hàng năm. Sau nhiều lần cảnh báo, nhiều khu vực tại đồng bằng Cửu Long bắt đầu phá bỏ đê bao. Tiến sĩ nông học Võ Tòng Xuân, từ Cần Thơ nói với RFA:
Mình phải biết làm kinh tế, chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống cho họ làm ra thêm lúa để được thăng quan tiến chức. Bỏ đê bao đi mình làm hai vụ, vụ kia để cho phù sa vào mình nuôi trồng thủy sản trong vụ mùa mưa.”
Tuy nhiên việc làm muộn màng này theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, lại một lần nữa làm xáo trộn cuộc sống của người dân vùng đồng bằng.
Do thiếu nước ngọt vì các đập giữ lại trên thượng nguồn, đối diện với nhu cầu dân số tăng lên, người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã phải tăng cường việc khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm này đã vượt quá sự bổ sung nước một cách tự nhiên của lòng đất, tạo nên những chổ rỗng, làm cho đồng bằng bị sụt lút. Theo con số mà ông Brian Eyler đưa ra trong quyển sách của mình, trong 25 năm qua Đồng bằng Sông Cửu Long sụt xuống trung bình 18cm, có nơi Sóc Trăng, Bạc Liêu đến 30cm.
Thiếu nước ngọt ở bề mặt, sụt lún do khai thác nước ngầm, cộng với hiện tượng nước biển dâng lên trên toàn cầu, làm cho nước biển tràn vào gây nên nhiễm mặn trầm trọng. Tất cả những điều này, theo ông Eyler đã biến Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một vùng châu thổ đứng hàng thứ ba trên thế giới về mức độ dễ thương tổn, có thể làm biến mất vựa lúa lớn nhất của đất nước, công trình khai phá hàng trăm năm nay của người Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét