Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

11633 - Ông Vỹ lại đúng một cách thiên lệch


Chu Mộng Long

Thấy thiên hạ ném đá nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, một người tôi tin tưởng nhất trong các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi lại mất thời gian đọc kỹ điều ông nói. Ông Vỹ đồng ý chủ trương của lãnh đạo thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quận 1, và không chỉ đối với tượng Trần Hưng Đạo mà còn đối với tượng đài Lý Thái Tổ ở thủ đô Hà Nội.
Cùng với những bài viết, những phát ngôn trước đó về tệ nạn mê tín dị đoan trong các lễ hội, ông Vỹ nói trong bài này: “Không thể để một xã hội “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo”. Đây là tư tưởng đúng và phân biệt ông với đa số các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác, những người xem mê tín dị đoan như một bản sắc văn hóa Việt.
Tôi hoan nghênh ông ở tư tưởng này. Ở Việt Nam, đất nước không chịu tiến bộ mà cố tình duy trì cuộc sống nguyên thủy, đúng là ở đâu, chỗ nào cũng mù mịt khói hương đồng bóng. Khỏi dẫn thêm cái tổ mối, cây gạo, cây đa cho đến con chó, con mèo chết… chỗ nào người ta cũng đặt bát nhang và sì sụp lạy để cầu may, tôi chỉ nói về các tượng đài danh nhân. Người Việt, đúng ra là những kẻ cầm đầu hay lãnh đạo văn hóa, không phân biệt tượng nghệ thuật và tượng thờ, cứ thấy tượng là đặt bát nhang và sì sụp lạy. Có địa phương đặt bát nhang luôn ở công viên thiếu nhi, trước tượng Bác Hồ bế một em bé. Tôi không thể hiểu nổi cái em bé kia thành ma thành quỷ hay thành thánh như Bác mà cũng bị biến thành đối tượng tín ngưỡng. Rồi cái công viên vui chơi của các cháu không chừng cũng hóa thành nơi bị… ma ám!
Về nguyên tắc, tượng nghệ thuật khác tượng thờ ở chỗ, tượng thờ trang nghiêm đại diện cõi chết (dù là được xem bất tử), tượng nghệ thuật dù là tượng về người đã chết, thậm chí cho danh nhân, là cái đại diện cho sự sống đời thường. Bác Hồ với thiếu nhi hay Bác Hồ đọc sách cũng như các pho tượng nghệ thuật về thần linh và danh nhân ở phương Tây luôn được xem là biểu trưng của sự sống, không ai sụp lạy hay trang nghiêm tưởng niệm bao giờ, trừ người Việt u mê.
Tục khói hương chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngay cả ở những nước không khí tín ngưỡng phủ trùm lên đời sống của mọi người như Hy Lạp, Ấn Độ và các nước Trung Đông, kể cả Campuchia, người ta cũng không dại sì sụp ngửi khói độc để tỏ ra thành kính thần linh.
Tiếc là nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, cũng như GS.TS. sử học Phạm Hồng Tung trước đó, đã đúng một cách thiên lệch, thậm chí đánh tráo cái đúng vào đối tượng có vấn đề phe phái chính trị nên bị thiên hạ ném đá cũng phải. Sao lại chỉ đòi dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo và Lý Thái Tổ mà không phải cho tất cả các tượng đài khác? Nếu cái đúng đó phải áp dụng công bằng cho tất cả, các ông có dám đòi dời lư hương trước các tượng đài liệt sỹ chống Pháp chống Mỹ, kể cả tượng đài Hồ Chí Minh ở những nơi công cộng mà các lãnh đạo vẫn đến đó sì sụp thắp hương không?
Thiên vị như vậy liệu có phải đang thực hiện âm mưu dọn đường cho sự độc tôn tôn giáo mà các ông đang tự diễn biến từ chủ nghĩa duy vật đến chủ nghĩa duy tâm độc thần?
Mà thiên hạ nguyền rủa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đâu phải chỉ chuyện di dời lư hương theo cái lý của bà bí thư quận ủy Quận 1? Họ đặt vấn đề tại sao lại giăng xe rác ô uế trước tượng đài và lại di dời lư hương vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm chống bành trướng Trung Quốc? Và càng nghi ngờ hơn khi chính ông Nguyễn Hùng Vỹ đòi dời luôn lư hương trước tượng đài Lý Thái Tổ, khi đây là hai nơi bọn “phản động yêu nước căm giặc Tàu” thường hay tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chống Tàu.
Liệu có khi nào bức xúc đến mức không chống được bọn “phản động yêu nước” đó, các ông cho đập luôn tất cả các tượng đài của bất cứ ai từng chống Tàu xâm lược để được tự do ăn ngon ngủ yên với giặc Tàu?
Trả lời rốt ráo các câu hỏi trên thì cái lý rất đúng của ông mới thật sự thuyết phục thiên hạ, ông Nguyễn Hùng Vỹ ạ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét