Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

*11629 - Triều Tiên sẽ học được gì từ Việt Nam?


Sau kỳ nghỉ Tết dài truyền thống, Hà Nội và chính phủ Việt Nam đang tất bật bắt tay vào việc tổ chức kỳ họp thượng đỉnh 2 giữa Hoa kỳ (HK) và Triều Tiên. Đây cũng là dịp hiếm có Việt Nam được phô trương vai trò chính trị và trung gian của mình trên trường ngoại giao thế giới, và theo tuyên bố của chính phủ Hà Nội, cũng là dịp quảng bá thành tích Đổi Mới của Việt Nam.

Chủ tịch K. Jong-Un đã ngỏ ý là trong kỳ viếng thăm chính thức này sẽ thảo luận để học hỏi mô hình kinh tế đổi mới của Việt Nam từ 1986, được coi là “thích hợp với hoàn cảnh đặc biệt của Triều Tiên”. Chính yếu là sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không thay đổi về chính trị, tức là vẫn duy trì chế độ toàn trị như VN. Đương nhiên Việt Nam rất hân hoan với việc “làm thày” này, và lại có dịp quảng cáo “mô hình phát triển kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”, mô hình mà chính Ông cựu Bộ trưởng Bộ Đầu tư Kế hoạch Bùi Quang Vinh thành thật thú nhận là “không có trong lý thuyết mà cũng không ai hiểu trong thực tế”. 

Điều thú vị là VN sẽ có dịp “đổi ngôi”, từ vai trò “người thày” dạy về đổi mới kinh tế cho Triều Tiên từ hôm ông Jong-Un sẽ thăm chính thức Việt Nam vào ngày 25/2, sang vai trò “lãnh hội” kinh nghiệm về cải cách thể chế và thị trường với Mỹ vài hôm sau, từ 28/2 khi TT Trump có cuộc viếng thăm chính thức với Việt Nam. 


Triều Tiên sẽ học được gì từ Việt Nam để đổi mới kinh tế? 


Hàn Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng nhất: Triều Tiên có điều kiện lợi ích nhất là sự dẫn dắt và giúp đỡ của Hàn Quốc trong vấn đề cải tổ thị trường, đầu tư xây dựng hạ tầng vốn là điểm mạnh có sẵn của Triều Tiên với các chi tiêu cao về quân sự, sản xuất hàng tiêu dùng với sự chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thị trường xuất khẩu với lợi thế sẵn của Hàn Quốc, và nhất là tham dự chuỗi sản xuất của nước này trong các khu liên hợp có sẵn ở khu vực biên giới hay mở thêm ở các nơi khác với sự đoàn tụ gia đình Hàn-Triều… 

Từ kinh nghiệm cũ của Việt Nam, làm sao thích ứng được với việc bỏ cấm vận từ từ theo lịch trình của thế giới với Triều Tiên, tùy theo lịch phi hạt nhân hóa và thực hiện thực sự của nước này, như sẽ đồng ý với Hoa Kỳ. 

Cốt lõi nhất của cải tổ thị trường là lập lại hệ thống giá cả tự do, nhất là cho các nông sản thiết yếu (thí dụ cải tổ thị trường lúa gạo của Việt Nam những năm 1985-86 là kinh nghiệm quý báu), xóa bỏ các hợp tác xã sản xuất và cho tự do luân chuyển hàng hóa giữa các miền vùng; mở rộng các mặt hàng tiêu thụ, ngay cả vài mặt hàng xa xỉ phẩm, để tăng cường động lực làm việc, sản xuất và tiêu thụ trong đa số tầng lớp dân chúng vốn đã sống trong nhiều thập niên nghèo khổ, cả thiếu lương thực chết đói trong nhiều năm. 

Bài học hay nhất như là lối tắt (“short cut”) mà Việt Nam có thể truyền cho Triều Tiên là tránh dùng những “quả đấm thép” như VN trong thập niên 2007-2016, tức là tránh giao vốn cho các xí nghiệp nhà nước lớn thua lỗ trong sản xuất như Vinashin, Vinalines… Đây là kinh nghiệm xấu nhất của Đổi Mới ở Việt Nam đã để lại núi nợ công và nợ xấu ngân hàng, mà các chính phủ đương thời và tương lai ở Việt nam phải “đổ vỏ”. Triều Tiên có may mắn và khôn ngoan phải biết kinh nghiệm này của Việt Nam mà tránh! 

Sau khi mô hình kinh tế hoạch định dựa trên xí nghiệp quốc doanh được gỡ bỏ dần để giải quyết ngay bế tắc trong cung sản xuất như kinh nghiệm của Việt Nam trước Đổi Mới, Triều Tiên phải tiến tới thiết lập các thể chế thích hợp cho kinh tế thị trường, nhất là để lo về các vấn đề tài chính và tiền tệ. 

Về khu vực tài chính, Triều Tiên có thể được tài trợ nhiều ban đầu bởi Hàn Quốc và các định chế quốc tế như ADB, Ngân hàng Thế giới và IMF nên có thể chi trả những năm đầu cho bội chi ngân sách tăng vọt vì các chi tiêu công, nhất là cho đầu tư phát triển. 

Trong lãnh vực ngân hàng, nên mở ngay một Ngân hàng Trung ương điều hành và hỗ trợ nền kinh tế thị trường dù phôi thai, và cho phép sớm các ngân hàng tư hỗn hợp (joint ventures) với vốn nước ngoài để thiết lập từ đầu một hệ thống ngân hàng thương mại vững chắc với sự chuyển giao quản trị và công nghệ từ bên ngoài, nhất là từ Hàn Quốc. Các ngân hàng này sẽ giúp Triều Tiên thu nhận và phân phối hiệu quả một lượng đầu tư trực tiếp ngoại quốc lớn, dự kiến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đây sẽ là bước đi vững chắc so với Đổi Mới ở Việt Nam, thiếu một hệ thống ngân hàng phát triển ổn định và đang tiềm tàng quả bom nổ chậm của khối nợ xấu ngân hàng được ước tính bởi các cơ quan tín dụng quốc tế ở mức 10-12% GDP, thay vì con số chính thức 2-3%. 

Tóm lại, kinh nghiệm cải cách kinh tế thì còn nhiều và đòi hỏi thời gian và quyết tâm thực hiện, như Việt Nam đã mất hơn 30 năm mà vẫn còn loay hoay quanh vấn đề thiết lập một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, như TT Trump được dự kiến sẽ kêu gọi đề xuất trong chuyến viếng thăm cuối tháng 2 ở Hà Nội. 

Triều Tiên trong bước đầu cần giải quyết ngay vấn đề thiếu thốn lương thực và các nhu yếu phẩm, sau đó là vấn đề vận hành nền kinh tế sản xuất trực tiếp (“directly productive activities”) với các hãng vừa và nhỏ, cũng như hướng các doanh nghiệp nhà nước lớn có sẵn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, thay vì quân sự như từ vài chục năm nay, với sự giúp đỡ vật chất và kỹ thuật của Hàn quốc. 

Tóm lại, hội nghị Trump-Jong-un không chỉ là cơ hội ngoại giao mà còn là dịp để Việt Nam xem mình thực sự đang đứng ở đâu, đã đi những bước gì đúng, sai, để đi tiếp. Lộ trình thách đố với ông Kim Jong-un sẽ thực hiện được ra sao đang thu hút sự tò mò của cả thế giới, còn với nước 'đăng cai' hội nghị, câu chuyện là Việt Nam đã tiến bộ rồi nhưng có dám tiến bộ tiếp không, nghĩa là tiến tới cải cách thể chế?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét