Tháng trước, chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaidó đã tự xưng là tổng thống tạm quyền của nước này. Ông đã được chính phủ Hoa Kỳ và hầu hết các nước Tây Âu và Mỹ Latinh công nhận. Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro, người có nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu vào đầu tháng 1 sau cuộc bầu cử gian lận năm ngoái, đã mô tả biến động này như một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn. Vào ngày ông Guaidó tuyên bố là tổng thống tạm quyền, ông Maduro cảnh báo những người ủng hộ Guaidó là không nên tin tưởng vào người Mỹ. “Bọn họ không có bạn bè hay lòng trung thành”, ông nói. “Họ chỉ có lợi ích và tham vọng thâu tóm dầu, khí đốt và vàng của Venezuela”.
Cảnh báo của Maduro làm người ta nhớ lại những phản ứng trước đây của Mỹ Latinh đối với lịch sử can thiệp của Mỹ vào khu vực. Những can thiệp như vậy thường được biện minh bằng Học thuyết Monroe, một tuyên bố mà Tổng thống James Monroe đưa ra vào năm 1823. Vậy học thuyết này nói gì?
Cảnh báo của Maduro làm người ta nhớ lại những phản ứng trước đây của Mỹ Latinh đối với lịch sử can thiệp của Mỹ vào khu vực. Những can thiệp như vậy thường được biện minh bằng Học thuyết Monroe, một tuyên bố mà Tổng thống James Monroe đưa ra vào năm 1823. Vậy học thuyết này nói gì?
Đến năm 1823, nhiều nước Mỹ Latinh đã giành được độc lập từ tay Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha. Sa hoàng Nga cũng đã tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực trải dài khoảng từ Alaska đến Oregon ngày nay, và cấm tàu buôn nước ngoài hoạt động ở đó. Anh, nước có mạng lưới giao thương rộng khắp ở Mỹ Latinh và muốn cản bước các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, đã đề xuất một tuyên bố chung với Mỹ để chống lại sự can thiệp của các quốc gia châu Âu khác. Tổng thống Monroe, dưới ảnh hưởng của Ngoại trưởng John Quincy Adams, đã chọn cách đưa ra một tuyên bố đơn phương trước Quốc hội năm 1823. Ông nói rằng Tân Thế giới và Cựu Thế giới là hai thế giới riêng biệt. Ông hứa rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào các vấn đề châu Âu, và bất kỳ nỗ lực nào của châu Âu nhằm thực dân hóa một quốc gia ở bán cầu tây sẽ được coi như một hành động xâm lược chống lại Mỹ. Đó là tuyên bố rõ ràng nhất thể hiện bá quyền Mỹ đối với khu vực cho đến thời điểm đó, và biểu hiện cho một sự thoát ly khỏi châu Âu.
Trong nhiều năm, Học thuyết Monroe mang tính lý tưởng hơn là thực tế. Mỹ thiếu sức mạnh hải quân để thực thi nó. Mỹ không làm gì khi Anh chiếm Quần đảo Falkland vào năm 1833 hoặc khi Anh và Pháp áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân chống lại Argentina vào năm 1845. Nhưng khi Mỹ mạnh lên, nước này bắt đầu thể hiện sức mạnh. Họ đã hạ bệ vị hoàng đế bù nhìn người Pháp của Mexico vào năm 1867, và vào năm 1904, Tổng thống Theodore Roosevelt đã mở rộng phạm vi học thuyết với một tuyên bố bổ sung rằng Mỹ có thể thực thi “quyền cảnh sát quốc tế” ở bán cầu Tây. Đến thập niên 1930, Mỹ đã sáp nhập Puerto Rico, chiếm Cuba và khuyến khích một cuộc nổi dậy ở Panama sau khi nhà cầm quyền của Colombia từ chối lời đề nghị xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trong Chiến tranh Lạnh, Học thuyết Monroe đã được sử dụng như một sự biện minh chung cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực sân sau của mình. Năm 1962, Tổng thống John F. Kennedy đã đề cập đến học thuyết này nhằm biện minh cho lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba. Với lý do tương tự, Mỹ đã ủng hộ 18 nỗ lực thay đổi chế độ ở Mỹ Latinh kể từ năm 1945, mười trong số đó đã thành công, và cung cấp vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm quân sự trong các cuộc nội chiến ở Guatemala, Honduras, El Salvador và Nicaragua.
Học thuyết Monroe ban đầu được dự định là một biểu hiện cho tinh thần phản kháng chống lại chủ nghĩa thực dân châu Âu, chứ không phải là một cái cớ cho sự can thiệp của Mỹ vào Mỹ Latinh. Nhưng nhiều lần can thiệp như vậy đã khiến Mỹ Latinh nghi ngờ về nước láng giềng phương bắc. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội của Venezuela, Hugo Chávez và giờ là ông Maduro, đã có được phần lớn sức hấp dẫn chính trị của mình từ sự phản kháng của họ đối với “chủ nghĩa đế quốc” Mỹ. Có lẽ Tổng thống Donald Trump đã hơi lỡ lời khi nhắc lại sau tuyên bố của ông Guaidó rằng tất cả các lựa chọn đều đang để mở trong quá trình Mỹ cân nhắc các phản ứng trước sự kháng cự của ông Maduro. Một cụm từ như vậy thường được hiểu là ám chỉ khả năng hành động quân sự. Mặc dù tầm quan trọng của Học thuyết Monroe đã phai mờ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, một số người Mỹ bảo thủ vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nó. Rex Tillerson, Ngoại trưởng đầu tiên của ông Trump, nói rằng học thuyết này “vẫn còn phù hợp cho đến ngày hôm nay như lúc nó mới được ban hành”. Suy nghĩ đó có thể không khiến người Mỹ Latinh cảm thấy thoải mái.
Nguồn: “What is the Monroe Doctrine?”, The Economist, 12/02/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét