Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

10098 - Nhắn dân Sài Gòn: Nếu thương mình, hãy yêu nước… cống!




                                                Sài Gòn buổi tối. Hình minh họa.


Đoàn làm phim thời sự - tài liệu về chống ngập ở Sài Gòn ngập vừa hoàn tất một “tập” nữa. Cho đến giờ không ai biết bộ phim này còn bao nhiêu “tập”, sẽ hết tổng cộng là bao nhiêu tiền nhưng nhìn một cách tổng quát, nếu biết thương mình, dân Sài Gòn nên bày tỏ tình yêu với nước… cống để đoàn làm phim giải tán.
Cục Thuế TP.HCM vừa đề nghị thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh của Công ty Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam. Lý do, công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Tuy Cục Thuế TP.HCM đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhiều lần nhưng Công ty Meinhardt Việt Nam vẫn không chấp hành nghĩa vụ đóng thuế, nộp phạt nên cơ quan này đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt Việt Nam (1).
Khoan bàn đến chuyện đúng – sai, đề nghị vừa kể có một điểm đáng chú ý: Công ty Meinhardt Việt Nam là doanh nghiệp đảm trách vai trò Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng chống ngập trị giá 10.000 tỉ giữa Tập đoàn Trung Nam với chính quyền TP.HCM. Thiếu Tư vấn – Giám sát, thời điểm hoàn thành dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ tất nhiên là hoãn vô thời hạn, sau khi đã trễ hạn (tháng 4 năm 2018) vì đủ thứ lý do: Tập đoàn Trung Nam – chủ đầu tư kiêm nhà thầu ngưng thi công do chính quyền TP.HCM chậm chạp xác nhận báo cáo giải ngân, hệ thống ngân hàng buộc phải rà soát kỹ về thủ tục cho chủ đầu tư vay – thủ tục thanh toán cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thiếu vốn, giải tỏa – thu hồi đất giao cho chủ đầu tư chậm chạp (2)…
Việc thực hiện hợp đồng chống ngập trị giá 10.000 tỉ giữa Tập đoàn Trung Nam với chính quyền TP.HCM không chỉ có chừng đó chuyện.
Cách nay vài tháng, với tư cách Tư vấn – Giám sát thực hiện hợp đồng, Công ty Meinhardt Việt Nam từng liệng ra một trái bom: Thông báo cho chính quyền TP.HCM rằng: Tập đoản Trung Nam – chủ đầu tư kiêm nhà thầu sử dụng vật liệu làm cửa van thép khác với thiết kế (dùng thép của Trung Quốc chứ không phải thép của các quốc gia thuộc khối G7). Điều đó có thể khiến chi phí duy tu bảo dưỡng công trình trong tương lai cao hơn. Dẫu Tập đoàn Trung Nam phản pháo ngay lập tức, theo đó, tập đoàn đã gửi văn bản cho Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TP.HCM xin chỉ dẫn và đã được cơ quan này đồng ý cho thay đổi thép chế tạo cửa van các cống nhưng chính quyền TP.HCM vẫn phải lập Đoàn Kiểm tra. Ngoài kiểm tra về việc đổi loại thép, đoàn này sẽ kiểm tra luôn cả những chuyện như thi công không đúng thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối. Đoàn Kiểm tra (không phải Đoàn Thanh tra) còn được giao thêm một số trách nhiệm khác mà tính chất là hỗ trợ chủ đầu tư kiêm nhà thầu. Chẳng hạn tạm ứng vốn, giảm chi phí lưu kho cho Tập đoàn Trung Nam (3).
Giữa lúc thiên hạ đinh ninh Công ty Meinhardt Việt Nam là một doanh nghiệp đáng tin vì chu toàn trách nhiệm, kể cả khi bị du đãng đe dọa (4), Cục Thuế TP.HCM chứng minh doanh nghiệp này chẳng tử tế chút nào, đã thiếu thuế, còn chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với hệ thống công quyền. Cục Thuế TP.HCM đã chỉ ra một con đường đối với loại doanh nghiệp này: Xóa sổ, đuổi đi. Một vài viên chức hữu trách, một số cơ quan truyền thông chính thức bắt đầu nói xa, nói gần, rằng thì là, dự án chống ngập mới nhất, trị giá 10.000 tỉ trễ hạn, không đến đâu là do dùng… nhầm những doanh nghiệp như Công ty Meinhardt Việt Nam.
***
Trong hai thập niên gần đây, nước cống đã trở thành bạn đồng hành của dân chúng Sài Gòn, bất kể họ thuộc giới nào. Chẳng cứ mùa mưa, ngay cả giữa mùa khô, vào những ngày thủy triều dâng cao, dân chúng Sài Gòn vẫn có cơ hội tái ngộ nước cống khi nước sông ào ạt theo hệ thống cống rãnh tràn vào thăm.
Để giúp dân Sài Gòn đoạn tuyệt với nước cống, chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, hệ thống công quyền ở Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ vào chuyện chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc rà riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (5). Thế nhưng tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn lại tồi tệ hơn.
Năm 2014, nhiều chuyên gia về thủy lợi, khí tượng - thủy văn, tài nguyên - môi trường, từng khẳng định, vấn nạn ngập lụt của Sài Gòn là vì quản lý tồi! Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Việc chống ngập cho Sài Gòn đi theo hai hướng trái chiều với nhau. Đó là các nghiên cứu sâu để tạo nền móng chắc chắn cho tính khả thi của các dự án rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án lại rất lớn. Theo họ, các dự án thực hiện theo những quy hoạch đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.
Song giới hữu trách không thèm bận tâm đến những khuyến cáo này. Năm 2015, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn phê duyệt đề nghị vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã lạc hậu với thực tế nhằm chống ngập ở Sài Gòn! Chính quyền thành phố Sài Gòn đã đem “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (6). Ngập lụt tại Sài Gòn không những không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác.
Tất nhiên là chẳng ai ưa chuyện gần gũi với nước cống, thành ra số lượng – trị giá công trình chống ngập tỉ lệ thuận với oán thán, chỉ trích của dân Sài Gòn về ngập lụt.
Siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam giữ vai trò chủ đầu tư kiêm nhà thầu ra đời trong bối cảnh như vậy mà đâu chỉ có chừng đó. Ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền TP.HCM, tham gia thực hiện các dự án chống ngập ở Sài Gòn giờ có Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền TP.HCM, đến giờ, Sài Gòn có ít nhất… hai Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về…. cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (7).
Tới đây, có một yếu tố phải lưu ý, bao nhiêu phần trăm dân Sài Gòn tin rằng xài thêm 100.000 tỉ, Sài Gòn sẽ hết ngập? Nếu tổ chức thăm dò dư luận, chắc chắn tỉ lệ sẽ rất thấp. Không phải dân Sài Gòn đa nghi, cứng lòng nhưng vì qui hoạch nói chung và qui hoạch chống ngập nói riêng cho Việt Nam nói chung và cho Sài Gòn nói riêng rất… đặc biệt! Chẳng hạn, theo qui hoạch, dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… qui họach, hệ thống công quyền ở TP.HCM vẫn ra lệnh lấp khỏang 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm (8). Rồi cũng theo… qui hoạch, lần này là để chống ngập, tháng 10 năm 2015, giới hữu trách ở Sài Gòn loan báo sẽ chi 300 tỉ để khôi phục lại kênh Hàng Bàng – con kênh mà những viên chức tiền nhiệm từng ra lệnh lấp vào năm 2000 (9). Việc dựa vào… qui hoạch, cho phép lấp một phần hoặc toàn bộ sông, kênh, rạch để xây dựng đủ loại công trình đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng, nay, cũng dựa vào… qui hoạch, chi thêm hàng chục ngàn tỉ đồng để khôi phục lại chắc chắn chỉ có ở… Việt Nam!
***
Đã biết khó mà… giã biệt nước cống, dân Sài Gòn nên bày tỏ tình yêu nước… cống. Tình yêu này dẫu miễn cưỡng, rõ ràng là… ép duyên nhưng có lẽ đó là cách duy nhất hạn chế nỗ lực… chống ngập nhân danh lợi ích của mình, nhờ vậy hạn chế hậu quả của “tiền mất, nợ mang” - nợ đâu chỉ có gốc mà còn thêm tiền lãi. Khi hệ thống công quyền ở TP.HCM không thể quịt những khoản đã vay để… chống ngập thì tất nhiên là phải cắt phúc lợi công cộng. Còn oán thán, chỉ trích ngập lụt, còn mất cả chì lẫn chài với tốc độ… hỏa tiễn. Nếu thật sự thương mình, thương con cháu, hãy yêu nước… cống!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét