Thứ tư, Trí thức kiểu Nguyễn Phú Trọng và trí thức kiểu Chu Hảo?
Chu Hảo hơn Nguyễn Phú Trọng 4 tuổi. Cả hai đều thuộc thế hệ “hạt giống đỏ”, được đào tạo tại Liên Bang Xô viết những năm 60-70. Chu Hảo học đại học bách khoa Kiev (1960) rồi làm việc tại Viện năng lượng nguyên tử. Năm 1979, Chu Hảo bảo vệ tiến sĩ tại Pháp sau đó về giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nguyễn Phú Trọng học lịch sử tại viện Khoa học xã hội Liên Xô (1981) bảo vệ tiến sĩ năm 1983 sau đó về làm việc cho tạp chí Cộng sản. Chưa thấy tài liệu nào ghi Nguyễn Phú Trọng đi dạy khi nào, ở đâu, hướng dẫn luận án cho ai mà được phong làm Giáo sư?
Cả hai đều ở những cương vị lãnh đạo rất cao trong bộ máy nhà nước. Cùng thời điểm 1996, Chu Hảo làm Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ. Nguyễn Phú Trọng làm Phó Bí thư thành phố Hà Nội. Đến năm 2005, Chu Hảo nghỉ hưu thì một năm sau Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó là con đường quan lộ thần tốc của Nguyễn Phú Trọng trong tứ trụ được củng cố trong suốt 12 năm liền. Năm 2018, Nguyễn Phú Trọng đương làm Tổng Bí thư kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Là người nắm quyền lực tuyệt đối trong bộ máy công quyền. Người được cho là quyền lực ngang ngửa với Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn thời kỳ trước 1986.
Công lao lớn nhất của Chu Hảo là cùng với các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo tiến bộ đương thời đưa internet vào Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập nhà xuất bản Tri Thức và cho xuất bản hàng ngàn cuốn sách thuộc tủ sách tinh hoa nhân loại, đem đến một không khí học thuật mới cho người Việt. Ông còn lên tiếng phản biện các vấn đề mang tầm cỡ quốc gia như luật Đặc khu, luật An ninh mạng, gửi thư kiến nghị về một số vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Nguyễn Phú Trọng nổi lên như một bố già sau đại hội XII. Ông áp dụng chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã tiêu diệt được nhóm đối thủ không đội trời chung với mình và hàng chục tướng tá trong đội ngũ công an và quân đội. Nhưng trên hết vẫn là cuộc đấu đá phe nhóm để củng cố quyền lực cho mình, để chiếc ghế TBT-CTN được vững như bàn thạch.
Vậy, Nguyễn Phú Trọng có phải là một người trí thức không? Chúng ta cần phải xem ông ấy đã làm gì để phát triển trí thức xã hội thì mới đánh giá ông ấy là một nhà trí thức hay là không. Trước hết phải nói rằng Nguyễn Phú Trọng là một người lao động trí óc. Với vóc dáng nhỏ nhắn và cử chỉ chậm chạp trông Nguyễn Phú Trọng giống một thầy giáo hơn một chính trị gia. Để leo lên nắm hai chức danh cùng một lúc, nhất định ông phải hoạt động trí óc nhiều hơn bất kể một người nào khác. Không thể phủ nhận khả năng lao động trí óc phi thường của ông. Hơn nữa Nguyễn Phú Trọng còn có khả năng về mặt lý luận, bởi thế ông có một thời gian dài làm chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, một cơ quan đầu não nắm tư tưởng, lý luận và nhận thức chung của đảng. Các phát ngôn của ông đều biến hóa một cách khéo léo, khôn lường, không mất lòng ai nhưng cũng đủ để đe dọa nhiều người. Các khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do ông nghĩ ra cũng được nâng lên một tầm lý luận ở thời kỳ ông làm Tổng Bí Thư.
Nguyễn Phú Trọng là một người đứng đầu đảng đang nắm quyền tại Việt Nam nên việc ông ra sức bảo vệ đảng là một điều không khó hiểu. Nhưng điều mà chúng ta quan tâm ở đây là việc đó có góp phần vào xây dựng dân trí hay tạo nên một nhận thức tiến bộ trong xã hội không? Không. Với lối lý luận “chủ nghĩa Mác Lê là duy nhất và luôn luôn đúng” đã thâm căn cố đế trong tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng. Ông không chấp nhận bất kỳ một lý luận nào khác về thế giới, về xã hội và con người. Mọi thứ nằm ngoài tư tưởng Marxit đều bị ông thẳng thừng từ chối và coi đó là phản động.
Ông bị dị ứng với hai từ “tư bản”. Trong mọi phát biểu, mọi bài viết ông đều cố gắng đưa vào đó các cụm từ “chủ nghĩa Mác-Lê nin”, “tư tưởng Hồ Chí Minh”, “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản”, “chuyên chính vô sản”, “giai cấp công nông lãnh đạo”… Ông luôn luôn đề cao chủ nghĩa xã hội – cái mà ông nói “có thể đến hết thế kỷ này chúng ta chưa tới đó được”. Nhưng trước các vấn nạn tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền của cán bộ cộng sản thì ông không có giải pháp nào khả thi để xử lý dứt điểm. Mọi phương án của ông đưa ra cũng chỉ là tình thế tạm thời như tuyên truyền, răn đe, cảnh cáo hoặc nặng nhất là kỷ luật khai trừ đảng.
Với những nhóm xã hội dân sự thì ông thẳng tay bắt bớ, đánh đập, bỏ tù, đàn áp. Đây không phải là cách giải quyết các mâu thuẫn xã hội mà chính ông đang là người trực tiếp dẫn dắt nó. Ông phải có trách nhiệm cao nhất trong mọi mâu thuẫn xã hội, mọi tồn tại xã hội: Sự tụt hậu về kinh tế, sự suy thoái đạo đức trong xã hội, sự bất công, nạn thất nghiệp, tham nhũng… ông phải chịu trách nhiệm về nó. Nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy ông nhận trách nhiệm về việc gì cả. Điều đó có thể khẳng định Nguyễn Phú Trọng không phải là một người trí thức, mặc dù suốt cuộc đời ông làm công việc lao động trí óc.
Giáo sư Chu Hảo, người đã góp công mang Internet về Việt Nam. Đây là một chướng ngại rất lớn đối với nền chính trị thời kỳ đầu mở cửa những năm 1996. Chính điều này đã đưa người dân Việt Nam tiếp cận gần hơn với văn minh nhân loại. Ông cùng với nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các lão thành cách mạng, các nhà trí thức khác đưa ra những đóng góp để cải thiện chính sách của Việt Nam trên rất nhiều các lĩnh vực. Một trong những điều họ làm là việc kêu gọi thay đổi tên đảng, tên nước, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, chấm dứt ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Sau khi về hưu, Chu Hảo đã thành lập nhà xuất bản Tri thức. Ông cho dịch in hàng ngàn cuốn sách tinh hoa nhân loại, tạo ra một không khí học thuật ở Việt Nam sôi nổi hơn bao giờ hết. Điều đó đã khiến ông đi ngược lại với đường lối chung của đảng nên mới có vụ kỷ luật lùm xùm như vậy. Ông xứng đáng là một nhà trí thức chân chính. Chúng ta trân trọng những gì ông đóng góp cho dân tộc.
Từ hai nhân vật quan trọng này chúng ta có thể kết luận rộng hơn: vậy những người làm việc trí óc, những nhà giáo, nhà khoa học, công nhân viên chức… họ có phải là trí thức không? Họ cúi mặt để được yên thân. Họ không dám nói lên điều sai trái. Họ lảng tránh với những bất công xã hội. Họ dèm pha người khác khi đề cập đến các mâu thuẫn xã hội. Mặc dù cả đời họ làm việc trí óc. Họ có phải là trí thức không?
Không phải ai lao động trí óc cũng là trí thức. Bởi trí óc mà không biết nhận thức, không biết phản biện, không biết tư duy thì không khác gì tay chân cả. Cũng chỉ là một công cụ lao động mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét