Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

*10057 - Nước Nga trong mắt người Trung Quốc

Lời người dịch: Trung Quốc (TQ) hiện đang có quan hệ nhìn bề ngoài rất thân thiện với Nga. Nhiều người cho rằng đó chỉ là một cuộc “hôn nhân vụ lợi”, bởi lẽ nếu đi sâu tìm hiểu sẽ có thể thấy mối quan hệ giữa hai nước lớn này tồn tại những vấn đề có lịch sử rất phức tạp, tới mức coi nhau là kẻ thù tiềm tàng lớn nhất (mời đọc “Người Nga nghĩ gì trước sự trỗi dậy của TQ”). Mối quan hệ đó có ảnh hưởng sâu xa tới tình hình TQ, Nga cũng như tình hình thế giới, kể cả Việt Nam. Những người TQ mang tư tưởng bành trướng Đại Hán (như tác giả bài dưới đây) kết tội Nga và Liên Xô là “hàng xóm xấu” chủ yếu vì đã xâm chiếm nhiều lãnh thổ của TQ, theo họ là tới gần 6 triệu km2 (bằng 60% diện tích đại lục TQ hiện nay)! Không ít người TQ tin theo quan điểm này và vì vậy họ căm ghét Nga và Liên Xô hơn cả Mỹ. Thực ra nhiều “lãnh thổ bị chiếm” đó ở rất xa TQ, hoàn toàn chưa từng có người TQ cư trú nhưng chính quyền TQ xưa nay cứ nhận là của họ, tương tự mánh lới hiện nay họ dùng “Đường 9 đoạn” để nhận xằng hầu hết diện tích Biển Đông. Có thể thấy những tư liệu bài này đưa ra có nhiều chỗ sai sự thực, nếu không nói là bịa đặt. Bài rất dài, chúng tôi chỉ lược dịch. Các ghi chú trong dấu ngoặc [  ] là của người dịch.                                            
Nước Nga với tư cách là một quốc gia chỉ mới có lịch sử hơn 1.100 năm. Trước thế kỷ IX, từng có một số bộ lạc người Slavơ sinh sống tại vùng đồng bằng Đông Âu. Trong thế kỷ IX họ tập họp lại thành một đại công quốc [grand duchy], lấy trung tâm là Kiev [nay là thủ đô Ukraine], tự xưng là “Kievross”. Đó là quốc gia Nga [Russia] sớm nhất, lúc ấy chỉ là một tiểu quốc phía nam từ Kiev, phía bắc tới hồ Radoga, tây tới Pskov, đông tới Murom.
Cuối thế kỷ XV, công quốc Moskva lần lượt chinh phục các công quốc Russia xung quanh, lần đầu tiên hình thành một quốc gia thống nhất, tập trung quyền lực vào trung ương, lấy Moskva làm trung tâm, nằm giữa sông Volga với sông Dnepr. Năm 1547, Ivan IV tự xưng là Sa Hoàng toàn Nga, đổi tên nước từ “Công quốc Moskva” thành “Nước Nga Sa Hoàng”. Từ Sa Hoàng đời thứ nhất giữa thế kỷ XVI cho tới Sa Hoàng cuối cùng đầu thế kỷ XX, nước này đều không ngừng mở rộng lãnh thổ ra ngoài.
Cho tới năm 1547 khi Ivan IV mở rộng nước Nga về phía đông, nước này vẫn là một nước châu Âu. Nhưng năm 1552, Ivan IV chiếm nước Kazan, nước Nga vượt qua dãy Ural chiếm vùng Siberia rộng lớn, về sau tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc và do đó làm cho nước Nga kể từ đời nhà Thanh trở đi có thể qua chiến tranh, hiệp ước và điều đình mà sở hữu một số lãnh thổ của TQ.
Nước Nga Sa Hoàng rồi Liên Xô sau đó đã chiếm các lãnh thổ vốn có của TQ (từ đông sang tây) như sau: đảo Sakhalin, vùng đất phía đông sông Usuri, vùng đất phía bắc Hắc Long Giang cho đến Ngoại Hưng An Lĩnh, vùng đất phía đông hồ Baykal, vùng Tannu Uriankhai [nay là nước CH Tuva thuộc Liên bang Nga]. Trong Thế chiến II, Liên Xô thừa cơ kiểm soát vùng Đông Bắc TQ. Ngoài ra, Liên Xô có tác dụng quyết định trong sự kiện độc lập của Ngoại Mông Cổ [tức nước CHND Mông Cổ hiện nay].
NGA LÀ MỘT QUỐC GIA VÀ DÂN TỘC NHƯ THẾ  NÀO?
  1. XEM QUỐC HUY
Quốc huy là huy hiệu đại diện cho quốc gia, là tượng trưng của dân tộc, là bộ mặt của một quốc gia. Trên mức độ lớn, quốc huy phản ánh tính cách một dân tộc và định hướng giá trị của quốc gia.
Ngày 30/11/1993, Nga quyết định sử dụng quốc huy theo đồ án chim đại bàng hai đầu của thời đại Ivan Sấm sét “Ivan Bạo chúa” (Sa Hoàng đầu tiên trong lịch sử Nga) trước Cách mạng Tháng Mười: trên nền tấm khiên màu đỏ có một con chim đại bàng hai đầu màu vàng kim, trên đầu con chim là vương miện của Pyotr Đại đế [Peter the Great], móng đại bàng quặp lấy cây quyền trượng và quả cầu vàng tượng trưng quyền lực của hoàng gia. Ngực đại bàng có một lá chắn nhỏ trên đó có một kỵ sĩ và một con ngựa trắng. Đại bàng một đầu ngoảnh về phía tây, một đầu ngoảnh về phía đông. Phía tây nước Nga là châu Âu, phía đông là châu Á. Đại bàng là loài động vật hung dữ và phản ứng nhanh nhạy. Nó cảnh giác nhìn bốn phía xung quanh; trước khi hạ thủ con mồi, nó không hề phát ra một tiếng động nào, chờ dịp mới hành động, sẵn sàng xuất kích.
  1. XEM LỊCH SỬ
Nếu nói lịch sử TQ là một bộ lịch sử “Ăn người” khi mà trong cùng một dân tộc, thế lực mạnh hơn ức hiếp, giết hại các thế lực yếu hơn, thì lịch sử nước Nga theo mô tả trong sách “Lược sử nước Nga” (tác giả B.H Sumner) [A short history of Russia, 1943, New York], là một bộ lịch sử mở rộng lãnh thổ bằng cách dùng vũ lực tiến hành bắt tay với nước xa để đánh nước gần, đánh đông dẹp tây, nam chinh bắc chiến, dùng vũ lực chinh phục thôn tính bằng mọi cách, tàn sát dân để chiếm đất, dã man giẫm đạp nước khác.
“Những chuyện đã có, sau này ắt sẽ còn có. Những việc đã làm, sau này ắt sẽ lại làm” (“Kinh Thánh, sách truyền đạo” 1:9). Mao Trạch Đông từng nói: “Xem quá khứ của một người khắc biết hiện tại của người ấy; xem quá khứ và hiện tại của một người sẽ biết tương lai người đó.”  Nước Nga ngày nay lọt lòng từ Liên Xô; Liên Xô thoát thai từ nước Nga Sa Hoàng. Ta hãy khảo sát quá khứ và hiện tại của nước Nga qua việc xem xét “lịch sử ngoại giao” của Nga với 16 quốc gia khác như sau:
Với Ba Lan:
Năm 1939, Liên Xô áp dụng sách lược “Đẩy tai họa về phía tây”, liên kết với Đức, bí mật ký “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô- Đức”, vào hùa với Đức xâu xé Ba Lan, khiến Ba Lan mất nước chỉ sau một tháng, trên một triệu dân bị giết hại.
Mùa xuân năm 1940 nổ ra “Vụ thảm sát Katyn (Katyn Massacre)” , khoảng 22 nghìn quân nhân, nhà trí thức, chính khách và công chức Ba Lan bị quân đội Liên Xô giết trong khu rừng Katyn, Kalinin, nhưng Liên Xô lại gài tang vật vào để đổ tội cho Đức Quốc xã.
Theo đề nghị của Stalin, Hiệp định Potsdam không đưa Ba Lan vào phương án phân phối khoản bồi thường chiến tranh của Đức mà Liên Xô sẽ chuyển giao cho Ba Lan 15% khoản bồi thường Liên Xô được hưởng (thực tế chưa thi hành).
Tiếp sau sự kiện Potsdam, năm 1956 xảy ra “Sự kiện Tháng Mười Ba Lan”, là vụ tập đoàn lãnh đạo Liên Xô can thiệp công việc chính trị nội bộ Ba Lan, xe tăng Liên Xô bao vây thủ đô Warszawa.
Với Phần Lan  
Ngày 30/11/1939 nổ ra cuộc “Chiến tranh mùa đông” giữa  Liên Xô với Phần Lan, quân đội Liên Xô xâm nhập Phần Lan. Tháng 3/1940, hai nước ký Hiệp định đình chiến, Phần Lan cắt 10% lãnh thổ cho Liên Xô. Năm 1940 và 1947, giải đất Karelia của Phần Lan bị đưa vào lãnh thổ Liên Xô.
Với Romania
Năm 1940, Liên Xô chiếm một phần lãnh thổ Romania, vùng đất này nay là một phần nhỏ của Moldova và Ukraine. Tháng 6/1940, Liên Xô chiếm Bessarabia, tháng 8 thành lập nước CHXHCN Xô Viết Moldova nằm giữa sông Dniester với sông Prut. Đồng thời Liên Xô còn đưa vùng Bắc Bukovina ở miền bắc Romania (trước 1918 thuộc Đế quốc Áo-Hung, sau thuộc Romania) vào bản đồ Liên Xô, làm thành một phần của Ukraine.
Với Estonia, Latvia, Lithuania
Năm 1940, lãnh thổ ba nước này bị sáp nhập vào Liên Xô.
Với Nam Tư
Sau Thế chiến II, Nam Tư do Tổng thống Tito lãnh đạo thực hành chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối độc lập tự chủ và không liên kết, giữ khoảng cách với Liên Xô, trở thành nước cộng sản duy nhất ở châu Âu không tham gia Hiệp ước Warszawa. Không đi con đường sai lầm của Moskva, Nam Tư ra sức phát triển kinh tế, trở thành một nước tương đối giàu có ở Đông Âu. Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, các dân tộc ở Nam Tư giành quyền tự trị và độc lập.
Với Tiệp Khắc
Năm 1945, Liên Xô giúp đỡ giải phóng toàn bộ Tiệp Khắc [Czechoslovakia], Czech và Slovakia lại hợp tác với nhau, phần đất trước đây bị cắt nhượng cho Hungary nay trở về Tiệp Khắc, nhưng vùng Subcarpathian Ruthenia bị cắt cho nước CHXHCN Ukraine thuộc Liên Xô.
Năm 1947, Liên Xô tẩy chay “Kế hoạch Marshall” của Mỹ nhằm viện trợ vốn đầu tư và công nghệ cho các nước châu Âu, không phân chia địch ta; Liên Xô cũng cấm các nước XHCN Đông Âu (thậm chí dùng tối hậu thư cấm Tiệp Khắc) tham gia Kế hoạch này. Kết quả làm cho Tiệp Khắc – quốc gia phát triển đã tiến sang giai đoạn công nghiệp hóa bị lỡ mất cơ hội tham gia cuộc cách mạng công nghiệp mới, dần dần lạc hậu sau phương Tây.
Sự kiện “Mùa xuân Prague” tháng 1/1968 là một phong trào tìm con đường XHCN hợp với Tiệp Khắc. Phong trào tiếp diễn cho tới ngày 20/8 cùng năm thì chấm dứt do Liên Xô và các nước Hiệp ước Warszawa đưa quân đội vào chiếm đóng Tiệp Khắc. Cuộc can thiệp quân sự này đã gây ra làn sóng ra nước ngoài tị nạn của khoảng 100 nghìn dân Tiệp Khắc, trong đó có nhiều trí thức thuộc tầng lớp tinh hoa dân tộc.
Với Đức
Stalin từng thương thảo với Tư lệnh Tối cao lực lượng Đồng minh mặt trận phía tây Eisenhower (người được Churchill nói là “Không hiểu chính trị”), hai bên xác định Liên Xô sẽ nhận nhiệm vụ đánh chiếm Berlin. Ngày 30/4/1945, Hồng quân chiếm và cắm quốc kỳ Liên Xô lên Nhà Quốc hội Đức. Nhờ thế Liên Xô có nhiều lợi thế để mặc cả với phía Đồng minh trên vấn đề chia chác nước Đức. Vùng Konigsberg của Đức bị đưa vào lãnh thổ Liên Xô (nay là tỉnh Kaliningrad của Nga).
Năm 1948 Liên Xô gây ra sự kiện Phong tỏa Tây Berlin, được coi là khởi đầu cuộc Chiến tranh Lạnh.
Với Hungary
“Sự kiện Hungary” xảy ra từ ngày 23/10 đến 4/11/1956 (Hungary gọi là cuộc “Cách mạng 1956”) là cuộc cách mạng có tính tự phát trong toàn quốc do nhân dân nước này bất mãn với Chính phủ Hungary bù nhìn được Liên Xô dựng lên. Sau hai lần Liên Xô can thiệp quân sự, vụ này bị dẹp yên, có khoảng 2000 người Hungary bị chết.
Với Triều Tiên
Năm 1896, Nga và Nhật lấy vĩ tuyến 38 bắc làm ranh giới phân chia xâu xé bán đảo Triều Tiên. Tháng 8/1945, quân đội Liên Xô và Mỹ đổ bộ lên bán đảo này. Nước Nhật từng chiếm Triều Tiên 35 năm tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Hai nước Xô-Mỹ dùng đường ranh giới lịch sử nói trên để phân định phạm vi thế lực.
Năm 1950 Stalin đồng ý để Kim Nhật Thành dùng vũ lực tấn công Hàn Quốc, gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Stalin có dụng ý kéo TQ vào cuộc chiến này (để tránh khả năng Mao Trạch Đông trở thành Tito thứ hai), ràng buộc Mỹ, TQ vào bán đảo Triều Tiên.
Với Nhật Bản
Đảo Sakhalin vốn là lãnh thổ TQ. Trong những năm 50-60 thế kỷ XIX, căn cứ theo “Điều ước Ái Huy Trung-Nga”, “Điều ước Bắc Kinh Trung-Nga”, Sakhalin bị Nga Sa Hoàng chiếm. Trong chiến tranh Nhật-Nga 1904~1905, Nga thua, phải cắt nửa phía nam đảo Sakhalin cho Nhật. Trong Thế chiến II, tháng 8/1945 Nhật đầu hàng không điều kiện, phần phía nam đảo Sakhalin lại bị Liên Xô chiếm hữu.
Trong nửa cuối thế kỷ XIX, Nga và Nhật tranh nhau quần đảo Kuril. Năm 1875 Kuril bị Nhật chiếm toàn bộ (với điều kiện Nhật từ bỏ nửa phía nam đảo Sakhalin). Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng, Liên Xô lại chiếm hữu toàn bộ quần đảo này.
Với Iran
Trong lịch sử có nhiều vùng đất ở Transcaucasia [còn gọi Ngoại Kapkaz] là do Iran cai trị lâu dài. Trong chiến tranh Nga-Iran 1804~1813, Nga sáp nhập phần lớn lãnh thổ Gruzia và Azerbaijan vào Nga, năm 1828 lại sáp nhập Armenia, đến cuối thế kỷ XIX lại chiếm Turkmenistan [nguyên văn chữ Hán: Thổ Khố Mạn].
Với Afghanistan
Cuối thế kỷ XIX, Nga sáp nhập vùng Trung Á, năm 1885 chiếm vùng Kusk của Afghanistan, hình thành biên giới cực nam của Liên Xô. Năm 1979, để mở lối ra Ấn Độ Dương, Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan kéo dài 8 năm.
Với Mông Cổ
Mông Cổ vốn là một phần của TQ, gọi là Ngoại Mông Cổ. Năm 1911, nước Nga Sa Hoàng nhân dịp TQ nổ ra cuộc cách mạng Tân Hợi bèn xúi giục hoàng gia Ngoại Mông Cổ nổi loạn, tiến hành cái gọi là “độc lập” [với TQ], đặt Ngoại Mông Cổ dưới sự kiểm soát của Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười, Ngoại Mông Cổ chịu ảnh hưởng của Liên Xô, năm 1924 bỏ chế độ quân chủ lập hiến, thành lập cái gọi là nước CHND Mông Cổ. Như vậy Ngoại Mông Cổ có chung biên giới với Liên Xô.
Năm 1921, Liên Xô do Lenin lãnh đạo đưa quân tiến vào chiếm Mông Cổ. Tại hội nghị Yalta, Stalin ép Chính phủ Quốc dân TQ thừa nhận “Nước CHND Mông Cổ”, bị TQ khéo léo từ chối. Năm 1951, Mao Trạch Đông ký với Stalin “Hiệp ước hỗ trợ đồng minh hữu hảo Trung-Xô”, chính thức thừa nhận Ngoại Mông Cổ độc lập. Từ đó vùng đất 1,56 triệu km2 này tách ra [khỏi TQ]. Để mê hoặc người Trung Quốc, Lenin, người thầy cách mạng tuyên truyền “giai cấp vô sản không có tổ quốc”, từng hứa sẽ xóa bỏ mọi điều ước bất bình đẳng nước Nga Sa Hoàng đã ký với TQ nhưng lại chưa thực hiện lời hứa đó.
Với Trung Quốc
BẢNG KÊ LÃNH THỔ TRUNG QUỐC BỊ NGA HOẶC LIÊN XÔ XÂM CHIẾM
Tính từ năm 1689 cho tới năm 1945, Nga và Liên Xô đã xâm chiếm lãnh thổ TQ có diện tích tổng cộng bằng 5.883.880 km2, tương đương 60% diện tích lãnh thổ lục địa TQ hiện nay hoặc 1/3 diện tích lục địa TQ đời nhà Thanh. Cụ thể như sau (tóm dịch):
1) Ngày 7/9/1689 (năm Khang Hy 27), sau khi TQ-Nga ký Hiệp định Nerchinsk, vùng đất 250 nghìn km2 ở Hưng An Lĩnh và phía tây sông Ergun của TQ bị mất vào nước Nga.
2) Ngày 21/10/1727 (năm Ung Chính 5) Nga và TQ ký Hiệp định Qiaketu, vùng lãnh thổ TQ rộng khoảng 100 nghìn km2 ở phía nam và tây nam hồ Baykal mất vào tay Nga.
3) Năm 1790 (năm Càn Long 55), đảo Sakhalin rộng khoảng 100 nghìn km2 của TQ bị đế quốc Nga ngầm thôn tính.
4) Năm 1840 (năm Đạo Quang 20), vùng Kazakh rộng khoảng 1 triệu km2 vốn là thuộc quốc [nguyên văn: thuộc bang] của TQ bị đế quốc Nga sáp nhập.
5) Năm 1840 (năm Đạo Quang 20), vùng Prut rộng khoảng 100 nghìn km2 vốn là thuộc quốc của TQ bị đế quốc Nga thôn tính.
6) Ngày 28/5/1858 (năm Hàm Phong 8), vùng đất rộng khoảng 460 nghìn km2 nằm ở phía tây sông Hỗn Đồng, phía bắc sông Hắc Long Giang, phía nam Ngoại Hưng An Lĩnh bị đế quốc Nga xâm chiếm, về sau Nga lại ép triều đình Mãn Thanh ký hiệp định Ái Huy thừa nhận việc xâm chiếm đó.
7) Ngày 14/11/1860 (năm Hàm Phong 10) vùng đất rộng khoảng 430 nghìn km2 ở phía đông sông Hỗn Đồng và sông Usuri gần hồ Hưng Khải bị đế quốc Nga xâm chiếm, sau đó lại ép triều đình nhà Thanh ký Hiệp định Bắc Kinh thừa nhận.
8) Sau năm 1864 (năm Đồng Trị 3), vùng đất rộng khoảng 430 nghìn km2 từ Sa Tứ Đạt Ba Cáp đến Song Lĩnh bị đế quốc Nga ép triều đình nhà Thanh ký Hiệp định phân giới Tháp Thành thừa nhận là đất của Nga.
9) Năm 1688 (năm Đồng Trị 7) nước Bố Cáp Nhĩ Hãn Quốc [tiếng Anh: Khanate of Bukhara] rộng khoảng 1 triệu km2 vốn là thuộc bang của TQ bị đế quốc Nga xâm chiếm.
10) Năm 1876 (năm Quang Tự 2) nước Hạo Hãn Quốc [tiếng Anh: Khanate of Kokand] rộng khoảng 350 nghìn km2 vốn là thuộc bang của TQ bị đế quốc Nga thôn tính.
11) Năm 1881 (năm Quang Tự 7), vùng đất rộng khoảng 20 nghìn km2 từ Thiên Sơn ở tây nam Ili, núi Na Mạt Cáp Lặc Khắc [Namohalake] đến Khalda ở tây bắc Ili, bị đế quốc Nga chiếm rồi ép nhà Thanh ký hiệp định Ili thừa nhận.
12) Năm 1883 (năm Quang Tự 9), vùng đất rộng khoảng 20 nghìn km2 ở gần sông Ngạch Nhĩ Tề Tư [tiếng Nga là Ôbơ] và hồ Trai Tang, bị đế quốc Nga chiếm rồi ép nhà Thanh ký hiệp định phân giới Khovd delta boundary để thừa nhận việc đó.
13) Năm 1895 (năm Quang Tự 21) vùng Pamir ở Tân Cương, rộng khoảng hơn 10 nghìn km2 bị đế quốc Nga và Anh Quốc xâu xé.
14) Năm 1900, nước Nga dưới triều Sa Hoàng Nicholas II xuất quân xâm chiếm vùng đất rộng 3600 km2 ở Giang Đông, hơn 6000 dân TQ bị giết.
15) Năm 1921 (năm Dân Quốc 10), Nga xúi giục vùng Tannu Uriankhai tuyên bố độc lập, năm 1944 (năm Dân Quốc 33) Nga chính thức chiếm vùng này, tổng diện tích khoảng 170 nghìn km2 [nay là nước Cộng hòa Tuva thuộc Liên bang Nga].
16) Năm 1929, quân đội Liên Xô xâm nhập vùng Đông Bắc TQ, tranh giành tuyến đường sắt Trung Đông (Cáp Nhĩ Tân-Đại Liên), đánh bại quân đội TQ canh giữ ở đây và chiếm đảo Hắc Hạt Tử.
17) Năm 1944, Liên Xô ép vùng Tannu Uriankhai gia nhập Liên Xô và đổi tên là “Nước Cộng hòa XHCN Xô viết Tuva”. Năm 2001, TQ và Nga ký “Hiệp ước hữu hảo hợp tác thân thiện”, chính thức thừa nhận vùng đất này thuộc lãnh thổ Nga (Điều 6 Hiệp ước), rốt cuộc 170 nghìn km2 đất bị người Nga sở hữu.
18) Năm 1945, Liên Xô thúc ép Anh Mỹ ký Hiệp ước Yalta. [Theo Hiệp ước này] Tháng 10 cùng năm Ngoại Mông Cổ (diện tích 1,566 triệu km2) tổ chức trưng cầu ý dân (quân đội Liên Xô đóng ở đây cũng tham gia bỏ phiếu). Chính phủ TQ bị buộc phải thừa nhận Mông Cổ “độc lập”.
LIÊN XÔ GIEO MẦM CHO TAI HỌA “ĐÔNG ĐỘT”
Năm 1938, Liên Xô đưa quân đội xâm nhập vùng Cáp Mật [Hami] mưu toan tách Tân Cương với nội địa TQ. Đồng thời lại dụ dỗ Thịnh Thế Tài [Thượng tướng Lục quân, quan cai trị vùng Tân Cương thời gian 1933-1944] ký [với Liên Xô] “Hiệp ước thuê mượn mỏ thiếc Tân Cương”. Thịnh Thế Tài không nghe. Stalin nổi giận, gây chuyện với Tưởng Giới Thạch muốn dùng Tưởng giết Thịnh, nhưng không thành. Stalin phái đặc nhiệm vào Tân Cương gây phản loạn. Năm 1943, bọn côn đồ được Liên Xô vũ trang chiếm vùng Ili. Liên Xô còn cho máy bay ném bom vùng Địch Hóa, giúp đỡ chính quyền bù nhìn “Nước Cộng hòa Đông Turkistan” [“Đông Đột”].
LIÊN XÔ VÀ NHẬT ÂM MƯU BÁN TQ
Ngày 13/4/1941, Liên Xô ký kết với Nhật “Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô”, vào hùa với Nhật xâu xé TQ (Liên Xô thừa nhận lợi ích hợp pháp của Nhật tại Mãn Châu, Nhật thừa nhận lợi ích hợp pháp của Liên Xô tại Ngoại Mông Cổ)
HỒNG QUÂN LIÊN XÔ XUẤT QUÂN ĐÁNH VÙNG ĐÔNG BẮC TQ, LỢI DỤNG CHÁY NHÀ ĐỂ HÔI CỦA
Ngày 6/8/1945 Mỹ ném trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima. Ngày 8 cùng tháng, Liên Xô lâu nay ém quân án binh bất động bỗng dưng xuất quân với thế mãnh hổ xuống núi tiến vào vùng đông bắc TQ, đánh một đòn tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật, diễn lại mánh khóe cũ [chiếm Berlin trước nhất]. Đây là mưu toan đã tính toán kỹ từ trước nhằm thu “chiến lợi phẩm” từ TQ.
Toàn bộ các xí nghiệp công nghiệp của Nhật xây dựng tại vùng đông bắc TQ đều bị Liên Xô tuyên bố là chiến lợi phẩm của Hồng quân. Tất cả các trang thiết bị cơ khí tốt nhất, quan trọng nhất, cái nào có thể tháo dỡ được thì đều tháo dỡ chở hết về Liên Xô. Stalin cho rằng việc để vùng đông bắc TQ là một căn cứ địa lớn về quân sự và công nghiệp do người Nhật kinh doanh bao năm qua ở gần vùng Viễn Đông nơi lực lượng của Liên Xô yếu nhất, sẽ tạo ra sự đe dọa lớn đối với an ninh của Liên Xô, vì thế việc quân đội Liên Xô chiếm lĩnh vùng đông bắc TQ chính là cơ hội tốt nhất để giải tỏa sự đe dọa ấy.
Năm 1950, Liên Xô và TQ ký “Hiệp ước đồng minh hữu hảo tương trợ TQ-Liên Xô”, đồng ý để Liên Xô thuê hai quân cảng của TQ là Lữ Thuận và Đại Liên.
LIÊN XÔ KÉO TRUNG QUỐC VÀO CHIẾN TRƯỜNG TRIỀU TIÊN
Năm 1950 Stalin xúi bẩy Kim Nhật Thành xâm nhập Hàn Quốc, tiếp đó lại dụ dỗ Mao Trạch Đông đưa quân vào Triều Tiên. Mấy trăm nghìn thanh niên TQ bị chết nơi đất khách quê  người, TQ nợ Nga một khoản nợ quân sự nặng nề. Do gây quan hệ thù địch với Mỹ mà TQ lỡ mất dịp may nhận viện trợ theo kế hoạch ban đầu của Mỹ. TQ trở thành quốc gia bế quan tỏa cảng, bị cô lập.
Trong Chiến tranh Chống Mỹ giúp Triều, tổng cộng Liên Xô đã cung cấp cho TQ trang bị quân sự cho 64 sư đoàn lục quân, 23 sư đoàn không quân, phần lớn trang bị này TQ phải trả nửa giá. Vì thế TQ nợ Liên Xô 3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,3 tỷ USD bấy giờ. Năm 1955, Liên Xô rút quân từ Lữ Thuận về nước, bàn giao cho TQ số trang bị TQ phải trả 980 triệu NDT. Hai khoản này chiếm hơn 60% tổng kim ngạch TQ nợ Liên Xô.
LIÊN XÔ MƯU TOAN DÙNG TRUNG QUỐC LÀM TIỀN TUYẾN CHỐNG MỸ
Năm 1960 Liên Xô yêu cầu TQ cho Liên Xô xây dựng căn cứ quân sự trên đất TQ để đối phó hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (nhưng bị TQ cương quyết từ chối).
LIÊN XÔ MƯỢN DAO GIẾT NGƯỜI
Năm 1962, TQ và Ấn Độ nổ ra chiến tranh biên giới, Liên Xô ủng hộ Ấn Độ.
Năm 1979, TQ và Việt Nam nổ ra chiến tranh biên giới, Liên Xô ủng hộ Việt Nam và bố trí cả triệu quân dọc biên giới TQ-Liên Xô và TQ-Mông Cổ, chờ thời cơ xâm nhập TQ.
BIÊN GIỚI TQ-LIÊN XÔ KHÔNG NGỪNG XẢY XUNG ĐỘT QUÂN SỰ, SUÝT NỮA NỔ RA CHIẾN TRANH HẠT NHÂN
Liên Xô dưới thời Brezhnev lãnh đạo thi hành chính sách đối ngoại bành trướng nhằm mở rộng phe XHCN, nhiều lần gây xung đột vũ trang với nước khác. Nhưng năm 1969 Liên Xô lại xung đột vũ trang nhiều lần với một nước cộng sản lớn là TQ.
1) Vụ đảo Trân Bảo. Ngày 2/3/1969 Liên Xô xuất quân chiếm đảo Trân Bảo. Trong các lần xung đột hồi tháng 3/1969, quân đội TQ chết 29, bị thương 68, mất tích 1 người; phía Liên Xô chết 58, bị thương 94. Tổng cộng vụ này phía TQ chết 71 người.
2) Vụ Tháp Tư Đề (vụ Khổng Long Trân). Ngày 10/6/1969 tại bờ sông Tháp Tư Đề (núi Paluck) vùng Tháp Thành ở Tân Cương phía tây biên giới TQ-Liên Xô, bộ đội biên phòng Liên Xô ngăn cản dân TQ chăn thả súc vật. Nữ nông dân TQ Khổng Long Trân bị phía Liên Xô bắn chết. Bộ đội biên phòng TQ đánh trả, xung đột leo thang.
3) Vụ đảo Bát Xá ở đông bắc tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 8/7/1969 nổ ra xung đột giữa quân đội Liên Xô với thanh niên trí thức TQ ở địa phương này.
4) Vụ Thiết Liệt Khắc Đề ở biên giới phía tây: ngày 13/8/1969 Liên Xô huy động máy bay lên thẳng và xe tăng tập kích hai đội tuần tra của TQ, làm chết 28 người.
KÉO DÀI CUỘC ĐÀM PHÁN BUÔN BÁN DẦU MỎ TRUNG QUỐC-NGA
Dưới thời Putin lãnh đạo, năm 1999 phía Nga dùng  cuộc đàm phán về dự án đường ống dẫn dầu để chơi trò làm thân với TQ, trò chơi này kéo dài 10 năm.
NGA GIẾT NGƯỜI TRUNG QUỐC, CƯỚP TÀI SẢN VÀ TRỤC XUẤT TIỂU THƯƠNG TRUNG QUỐC
Dưới thời Tổng thống Medvedev, năm 2009 tàu chiến Nga bắn chìm tàu buôn “Tân Tinh” của TQ, làm chết và mất tích 8 người TQ. Ngày 29/6/2009, Nga cưỡng chế đóng cửa chợ Cherkizov của thương nhân TQ tại Nga, cướp hàng hóa, khiến cho hàng vạn tiểu thương TQ khuynh gia bại sản, phía Nga bắt giam 166, trục xuất 80 tiểu thương TQ.
NGA CHỈ TRẢ LẠI TRUNG QUỐC MỘT NỬA ĐẢO HẮC HẠT TỬ.
Theo hiệp định ký năm 2004 giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao TQ và Nga, phía Nga chỉ trả lại cho TQ một nửa đảo Hắc Hạt Tử, nhưng vì phía TQ không công bố tin này cho nên báo chí đưa tin Nga trả toàn bộ đảo Hắc Hạt Tử.
LÉN LÚT VŨ TRANG VIỆT NAM TRANH GIÀNH BIỂN ĐÔNG VỚI TRUNG QUỐC
Các năm 2010-2011 nổ ra cuộc khủng hoảng Biển Đông [TQ gọi là Nam Hải], Nga gấp rút bán vũ khí tiên tiến cho Việt Nam, kể cả tàu ngầm lớp Kilo, máy bay chiến đấu Su-30, tàu tên lửa, tên lửa chống hạm.
III. TÌNH HÌNH NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Nga xâm nhập Gruzia. Ngày 8/8/2008, đúng ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh, Nga bất ngờ xuất quân xâm lược Gruzia, làm 215 binh sĩ Gruzia bị chết, 1.469 người bị thương. Phía quân đội Nga chết 74, bị thương 171, mất tích 19 người; khoảng 1.600 thường dân nam Ossetia bị chết.
Nga hai lần đưa quân vào Chechnya. Dù bị dư luận quốc tế phản đối, Nga hai lần đưa quân vào Chechnya. Tháng 4/1996 Nga dò được nơi Tổng thống Chechnya là Dudayev đang ở rồi phóng tên lửa giết chết.
Nga “Ngắt cung cấp khí đốt”, tự làm theo ý mình, không kiêng dè gì cả. Tháng 1/2009 đúng lúc thời tiết châu Âu lạnh giá, do mâu thuẫn với Ukraine về vấn đề khí đốt, Nga ngắt cung cấp khí đốt vào đường ống khí đốt đi qua Ukraine đến châu Âu, làm cho ít nhất 6 nước châu Âu bị vạ lây, mất nguồn khí đốt sưởi ấm (Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ).
[……..]
Có nhà phân tích cho rằng nước Nga Sa Hoàng và Liên Xô năm 1917 và năm 1991 bị sụp đổ đều là do bành trướng ra ngoài vượt quá sức chịu đựng bình thường của một quốc gia, tiêu hao quá nhiều quốc lực, làm cho sức sản xuất trong nước bị trì trệ lâu dài không đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân, mâu thuẫn trong nước tăng lên cuối cùng nhà nước sụp đổ.
LỜI KẾT   
Các nhà lãnh đạo Nga và Liên Xô đều cực kỳ coi trọng vấn đề lãnh thổ. Như trong âm mưu xúi giục Ngoại Mông Cổ độc lập với TQ, các Sa Hoàng cũng như Stalin đều có tầm nhìn chiến lược là muốn dùng Mông Cổ làm bình phong ngăn chặn TQ mà họ tin rằng sau này sẽ lớn mạnh. Putin từng nói: “Nước Nga rộng mênh mông nhưng không thừa một tấc đất nào”, “Trên vấn đề lãnh thổ, không có chỗ để đàm phán, chỉ có chiến tranh”. Trong cuộc chiến tranh Crimea (1853-1856, với Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ), Nga thua, Nicholas I trở thành Sa Hoàng đầu tiên cắt đất cho nước ngoài, cuối cùng đã tự tử.
Trên thế giới có quốc gia và dân tộc nào bội tín, không tuân theo nguyên tắc như Nga không? Có quốc gia và dân tộc nào chiếm đất của TQ, gây thiệt hại lớn cho TQ như Nga không?
Người Nga từ xưa đã hình thành thói quen xử sự không theo quy tắc, không theo lý trí. Đối với một dân tộc như thế TQ chỉ có thể hoặc chịu vậy hoặc kính nhi viễn chi mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét