Sự kiện Ủy ban Kiểm tra Trương ương Đảng kỷ luật giáo sư Chu Hảo đã gây nhiều phẫn uất và phản ứng từ một số trí thức Việt Nam. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất là nhà văn Nguyên Ngọc. Theo ông Ngọc thì việc kỷ luật giáo sư Chu Hảo là “một hành động thực hiện chính sách ngu dân… vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc”; và Đảng “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tuyên bố của ông Ngọc được 6.7 ngàn thích, 479 phản hồi và 1467 chia sẻ trên trang facebook của ông chưa đầy ba ngày sau.
Một người với 62 tuổi đảng, tham gia kể từ năm 1956, người tự hào đã có mặt suốt hai cuộc kháng chiến, giờ đây không ngần ngại sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để phê phán cái đảng mà ông đã tận tụy cống hiến ba phần tư cuộc đời mình.
Hai ngày sau khi báo chí đăng tin về vụ kỷ luật, ngày 27 tháng 10 một số trí thức tại Việt Nam đã cùng nhau lên tiếng phản đối, trong đó có Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo vân vân, đứng tên. Họ phê phán sự quy kết này “… là không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước.” Ông Nguyễn Quang A còn cho rằng “Với quyết định này, đảng Cộng sản Việt Nam đã dấn thêm một bước tự chôn mình”.
Ngoài các nhà trí thức tương đối có tiếng tăm, một số bạn trẻ trên mạng xã hội cũng bắt đầu tự ý tình nguyện từ giã Đội, ra khỏi Đoàn, và ra khỏi hoặc không vào Đảng. Họ cũng chúc mừng các thành viên đã ra khỏi Đảng, đứng về phía nhân dân. Trước và sau sự kiện này thì cũng đã có bao nhiêu người âm thầm khác từng bỏ Đảng trong năm qua, cũng như mấy chục năm qua.
Phản ứng quyết liệt của nhà văn Nguyên Ngọc, của các trí thức nói trên, hay của nhiều người quan tâm đến tình hình Việt Nam hiện nay, làm cho ngay cả người bàng quan nhất cũng đặt câu hỏi tại sao Ủy ban Kiểm tra TƯD quyết định tối và tồi như thế? Phải chăng họ không lường được sẽ có những phản ứng mạnh mẽ? Hay vì họ không nắm rõ ảnh hưởng của giáo sư Chu Hảo lên nhiều trí thức và thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, như đã thấy qua các phản ứng trên? Hay rằng họ biết rõ sẽ có phản ứng mạnh mẽ, nhưng nếu phải chọn một trong hai điều bất lợi, thì nên chọn cái ít bất lợi hơn! Nghĩa là giữa việc kỷ luật giáo sư Chu Hảo dù dự trù sẽ bị phản ứng (nhất thời?) với việc không kỷ luật để giáo sư Chu Hảo tiếp tục ảnh hưởng (qua đó khó thể răn đe những trí thức khác), thì nên chọn kỷ luật hơn!
Người ta có thể chê bai và kể cả khinh bỉ các hành động của Đảng, như bao nhiêu hành động khác của họ trước đây. Nhưng thái độ coi thường chẳng thay đổi được gì nếu không có tư tưởng và hành động thực tiễn.
Trước hết, với những thành tích của giáo sư Chu Hảo mà nhiều người đã đề cập đến, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên vì sao giáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra TƯĐ kỷ luật. Tất cả những tiếng nói ra sức bảo vệ thanh danh của ông đều cho thấy công trạng của ông là đáng kể, từ việc mở rộng không gian thông tin qua Internet vào Việt Nam ngay từ ban đầu cho đến việc khai sinh và điều hành nhà xuất bản Tri Thức. Tất nhiên những người quan tâm đến vận mệnh và quyền lợi chung của đất nước Việt Nam không nhìn thấy các hành động này có điều gì phải khiển trách hay kỷ luật, mà ngược lại còn rất đáng trân trọng vì có nhiều công ích. Trong khi đó TƯĐ không nhìn như vậy. Họ chỉ thấy ông Chu Hảo có “những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng…” và ông đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”.
Cách nhìn của Đảng, hay nói đúng hơn, thành phần lãnh đạo tối cao trong TƯĐ (một thiểu số rất nhỏ), hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của bao nhiêu thành phần khác trong xã hội. Nó trái ngược với đại đa số người dân. Mà đây không phải là lần đầu. Và chắc chắn không phải lần cuối. Các vụ án Nhân văn Giai phẩm của thập niên 1950, hay các chính sách phân biệt đối xử, coi thường trí thức, coi hồng hơn chuyên một thời gian dài, nhất là người dân miên Nam sau 30 tháng Tư năm 1975, hay nói chung chủ trương coi vai trò của trí thức trong các chế độ cộng sản trên toàn thế giới, đều nhất quán như thế. Đối với cộng sản, vai trò của trí thức là phục vụ mục tiêu chính trị “vĩ đại” của Đảng. Văn nghệ sĩ, truyền thông, giáo viên vân vân, đều như thế. Phục vụ, làm theo chỉ thị, nhưng lại không có quyền phản biện và không được có tư duy độc lập. Từ thời Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Castro, cho đến Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng, hay toàn bộ các quốc gia từng theo cộng sản từ xưa đến nay, cũng đều rập khuôn như thế.
Nhìn như thế thì việc kỷ luật giáo sư Chu Hảo thật ra là đi đúng chủ trương cộng sản hơn 100 năm qua trên khắp thế giới. Nó không có gì là lệch hướng gì cả. Dù trên thực tế họ không hẳn còn là cộng sản nữa, nhất là về ý thức hệ chính trị và về kinh tế, nhưng các chính sách cai trị quốc gia, các cơ chế điều hành guồng máy nhà nước, nhất là biện pháp đối với người bất đồng chính kiến, đều là theo kiểu mẫu Lenin và Stalin thời Liên Sô và có thêm phần sáng tạo của Mao cho đến nay. Đối với chế độ này, trí thức thật sự với tư duy độc lập và phản biện đều là thù nghịch và phải bị triệu tiêu hay loại trừ ảnh hưởng bằng mọi giá.
Do đó tôi cho rằng việc phản đối lại quyết định của Ủy ban Kiểm tra TƯĐ như thế là thiếu cơ sở và không hợp lý, trừ phi những người phản đối có thể chứng minh được rằng giáo sư Chu Hảo đã không làm trái với “Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng v.v…”, một lô điều luật nghị định và nghị quyết mà họ đã biện luận và nêu ra.
Nhà văn Nguyên Ngọc và một số đảng viên kỳ cựu đã, đang và sẽ bỏ Đảng qua vụ này. Chắc chắn sẽ có một số người khác tiếp tục bày tỏ thái độ. Đây là hành động rất đáng khâm phục và trân quý, dù có muộn màn đi nữa. Chọn đứng về phía người dân chứ không phải chính quyền, đứng về lẽ phải chứ không phải ngụy biện, bênh vực cho kẻ yếu chứ không phải cường quyền, là điều cần thiết và trân trọng ở mọi thời điểm mọi xã hội và mọi văn hóa chính trị. Nhưng những tiếng nói lẻ tẻ, từng đợt sóng nhỏ lăn tăn, sẽ không tạo ra cơn sóng đủ mạnh để tẩy sạch các vết nhơ. Ngoài ra các phong trào nhằm gây tiếng vang hơn là xây dựng thế lực lớn mạnh cho mục tiêu lâu dài thì rốt cuộc cũng chỉ tạo lên những âm vang mà sau đó mất cường độ qua thời gian hay hòa tan vào không gian rộng lớn.
Đất nước Việt Nam đang cần thay đổi sâu sắc hơn bao giờ hết. Chế độ hiện nay, tuy vẫn còn đủ mạnh để đàn áp mọi lực lượng dân chủ và các tiếng nói lương tâm, nhưng đã chứng minh sự túng quẫn và tối dạ không còn ngôn từ diễn tả và không còn thuốc chữa. Các lực lượng dân tộc dân chủ phần lớn vẫn chưa ngồi lại được với nhau để bàn thảo các vấn đề hệ trọng. Trong khi đó sức mạnh và sức ép của Trung Quốc lên Việt Nam ngày càng gia tăng.
Mỗi vài tháng hoặc mỗi vài năm, chúng ta lại chứng kiến thêm người bỏ đảng, chứng kiến thêm người bị đảng bỏ tù, chứng kiến thêm sự phá hoại toàn diện và triệt để của chế độ này, chứng kiến thêm sự kéo dài vô lý và vô nghĩa của một chế độ vô luân tiếp tục tồn tại. Điều tích cực là cùng lúc đó chúng ta cũng chứng kiến thêm những người thức tỉnh, những người quan tâm mới, hay những người trước đây cứ cho rằng không muốn làm chính trị mà chỉ muốn làm từ thiện, giáo dục hay tị nạn v.v… nhưng giờ đây đã nghĩ khác. Cũng cùng lúc đó, điều tiêu cực là bao nhiêu người đã mệt mõi, đã bỏ cuộc, đã ra đi, bao nhiêu tổ chức đã chia rẽ, phân tán, và bao người khác đã mất hết hy vọng cho nhau và cho đất nước.
Những đợt sóng thức tỉnh tuy muộn màn, tuy không cùng nhịp đập, tuy không cùng thời cùng lúc, để tạo sóng thần, nhưng dù sao nó vẫn là niềm hy vọng cần thiết cho đất nước Việt Nam hôm nay. Nó vẫn chiếu thêm một chút ánh sáng vào con đường Việt Nam trước mặt. Hy vọng kỷ luật của TƯĐ đối với giáo sư Chu Hảo sẽ giúp cho những người trẻ Việt Nam nhìn rõ và phân biệt được đâu là tuyên truyền dối trá và đâu là sự thật của vấn đề bấy lâu nay.
Nhưng hy vọng thôi vẫn chưa đủ. Nếu người Việt không dứt khoát thay đổi tư duy chính trị của mình thì cho dầu chế độ này sụp đổ, chế độ độc tài khác cũng sẽ lên ngôi và rồi vẫn sẽ ngồi trên đầu trên cổ người dân Việt Nam.
(Úc Châu, 29/10/2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét