Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

*10081 - Bỏ Đảng, bỏ Đoàn sẽ thành phong trào?


Việt NamBản quyền hình ảnhFACEBOOK
Image captionGS Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, PSG.TS Mạc Văn Trang, Nguyên phó Chủ tịch quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, ông Hà Quang Vinh, tuyên bố 'từ bỏ Đảng'

Người trẻ 'bỏ đảng'

Việc có thêm các bạn trẻ tuyên bố 'bỏ đảng' 'bỏ đoàn' làm dấy lên câu hỏi liệu đây có trở thành một phong trào lan rộng hay không?
Chỉ vài ngày sau khi GS Chu Hảo bị kỷ luật hôm 25/10, tới nay đã có gần 20 người tuyên bố 'bỏ Đảng', theo danh sách được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.
Ngày 27/10, GS Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay cũng "từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.

Trong số những người tuyên bố bỏ đảng cùng GS Chu Hảo, có người là nhà văn, có người là quân nhân, có người từng làm trong bộ máy chính quyền nhà nước. Đại đa số đã về hưu. Tuy nhiên cũng có một số người trong độ tuổi 25 đến ngoài 40.
Một trong số đó là trường hợp của Nguyễn Hữu Hiếu, sinh năm 1990.


Việt NamBản quyền hình ảnhNHH
Image captionNguyễn Hữu Hiếu thời còn trong quân ngũ

Trả lời BBC ngày 27/10, ông Hiếu cho biết từng quân nhân và là đảng viên. Tuy nhiên có nhiều sự kiện xảy ra khiến ông thay đổi tư tưởng, và quyết định ra khỏi đảng từ tháng 3/2018. Sau vụ GS Chu Hảo, ông Hiếu quyết định công bố việc này.
"Từ năm 2014, vụ dàn khoan Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều tới lòng tự tôn dân tộc của tôi. Sau đó tới vụ Formosa. Đến lúc đó tôi vẫn nghĩ chủ chương của đảng là đúng, vấn đề là do cán bộ xấu. Nhưng càng về sau tôi càng thấy không thể chịu đựng được."
"Ngoài ra, những sự việc trong đơn vị khiến tôi càng thấy những điều đó là xấu. Không được tự do thoải mái, lúc nào cũng phải trong khuôn khổ, không có tự do ngôn luận."
"Phải mãi đến năm 2017 tôi mới chính thức nhận ra rằng cái sai là từ gốc... Đến năm 2017 tôi đã xin ra quân. Tháng 3/2018 tôi xin trả lại thẻ đảng."
Trong thời gian trong quân ngũ, ông Hiếu nói từng bị cảnh cáo bên Đảng, bị kỷ luật giam quân hàm do đăng bài trên Facebook về Biển Đông, Trung Quốc và sai lầm của Đảng Cộng sản.
"Cháu rất tiếc không thể sống giả tạo như vậy được. Từ lâu cháu đã biết chế độ này sai quá sai rồi với lại cháu có nhiều mục tiêu và lí tưởng khác để theo đuổi. Cháu yêu nước nhưng không yêu đảng cộng sản và cháu biết rằng không một đảng phái, một tổ chức nào có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mình....," ông Hiếu từng viết trên Facebook để trả lời một bình luận phê phán việc ông công khai 'bỏ Đảng'.
Một trường hợp khác là ông Hoàng Tiến Cường sinh năm 1970, là kỹ sư giao thông, thành viên Câu lạc bộ bóng đá và thiện nguyện No-U. Ông Cường nói vào đảng từ những năm đang tuổi 20.
"Tôi đã hoạt động trong tổ chức đó [Đảng Cộng sản Việt Nam] được 10 năm. Nhưng nay thấy người ta đối xử với các nhân sỹ trí thức như bác Chu Hảo theo cách đó nên tôi chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng," ông Cường nói với BBC hôm 29/10.
"Chuyện bỏ đảng của tôi không phải là chuyện to tát, nó quá đỗi bình thường. Tôi đã từ bỏ đảng trong tư tưởng từ lâu rồi, nhưng nay là cơ hội để công khai."
Theo lời ông Cường, "vào Đảng chỉ là chuyện con gà tức nhau tiếng gáy". Thấy hàng xóm, đồng nghiệp vào đảng thì "mình cũng vào đảng". Và cũng phải khá vất vả mới được vào đảng.
"Tôi cũng phải mất ít quà cáp để được vào đảng. Rồi người ta phải điều tra ba đời dòng họ nhà tôi, đủ trong sạch mới cho vào đảng. Tóm lại cũng khá vất vả," ông Cường nói.
Nhưng trong suốt thời gian là đảng viên, ông Cường nói ông nhìn thấy những sự việc khiến tư tưởng của ông dần thay đổi.


Việt NamBản quyền hình ảnhTBT
Image captionTrịnh Bá Tư tuyên bố 'bỏ đoàn TNCS'

"Tôi thấy nhiều người vào đảng chỉ để 'mũ ni che tai', làm căn cứ để leo lên chức bậc này nọ."
Ông Cường nói ông từng xuống đường nhiều lần để phản đối một số chính sách của nhà nước. Ông từng bị an ninh Hà Nội bắt về quận, về phường và nhiều lần cưỡng chế.
"Cũng chính vì thế mà từ năm 2011 đến nay tôi bị chính quyền tước hết công ăn, việc làm. Tôi đã tự đi làm lao động tự do để kiếm sống."
"Tôi hoạt động độc lập, không muốn làm ảnh hưởng đến ai, chỉ mong họ tự cảm nhận và hành động. Từ việc viết blog, biểu tình và làm từ thiện."
"Nay, khi tuyên bố bỏ cái tổ chức ấy. Tôi xác quyết tôi không làm theo trào lưu, không "đi hai hàng" như một vài người phán xét."
"Tôi làm vậy vì tôi tôn trọng những vị nhân sỹ, trí thức đã đóng góp nhiều hơn tôi rất nhiều cho đất nước cũng như cái tổ chức đó [Đảng Cộng sản Việt Nam] mà còn bị đối xử như vậy, thì tôi "phận mỏng cánh chuồn" còn không tuyên bố [từ bỏ đảng] được sao?"

Khó trở thành trào lưu?



Việt Nam
Image captionPGS.TS. Mạc Văn Trang (trái) và nhà văn Nguyên Ngọc là những trí thức đầu tiên tuyên bố 'từ bỏ đảng' để ủng hộ GS Chu Hảo

Không chỉ 'bỏ đảng', một số thanh niên đã tuyên bố công khai trên Facebook cá nhân về việc 'bỏ Đoàn', và sẽ 'không vào Đảng'. Như trường hợp của Trịnh Bá Tư, con trai bà Cấn Thị Thêu - người từng đi tù hai lần liên quan đến vụ xử đất oan.
Hay chị Trần Thị Kim Thoa, làm nghề bán hàng online.
Trong trao đổi với BBC, chị Thoa nói vụ kỷ luật GS Chu Hảo chỉ là một trong những 'cái cớ' để chị tuyên bố từ bỏ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và quyết không vào Đảng.
Chị Thoa nói lý do chính là do chị thấy vào đảng hay không không có ý nghĩa gì nhiều với cuộc sống của chị.
"Không là đảng viên, tôi vẫn là một công dân tốt." Chị Thoa cũng nói rằng qua báo chí, chị thấy đảng viên chưa phát huy được vai trò của mình và vẫn không có dân chủ ở nhiều cấp.
Nhưng những trường hợp như vậy không nhiều.
Đến nay, danh sách tuyên bố bỏ Đảng, bỏ Đoàn được cộng đồng mạng chia sẻ mới có khoảng dưới 20 người. Trong đó có thêm một vài nhân vật tên tuổi như ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Tiến sỹ Phạm Gia Minh (rút khỏi chức vụ Phó Tổng thư ký của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài) ; Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu, v.v..
Khi được hỏi việc bỏ Đảng, bỏ Đoàn liệu có trở thành trào lưu trong giới trí thức nói chung và giới trẻ nói riêng, ông Nguyễn Tiến Cường nói với BBC rằng ông "chỉ hi vọng".
"Tôi hi vọng là như vậy. Nhưng tôi nghĩ cũng khó. Vì việc thay đổi nhận thức cần phải trải qua một quá trình rất lâu dài. Như tôi đã tốn hết 10 năm," ông Cường nói với BBC từ Hà Nội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nói: "Tôi cho rằng khó thành phong trào". Lý do, theo ông, là vì với những người lớn tuổi, chủ yếu có hai xu hướng, một là "biết đường lối sai nhưng im lặng", hai là "nghĩ rằng đường lối đúng nhưng cách làm sai", nên vẫn ở lại.
Với giới trẻ, ông Hiếu nói "xu hướng chung là vô cảm, không chịu đọc, không chịu học, nhiều bạn chỉ thích sống an nhàn, mê chuyện ngôn tình, hài nhảm".
Ngoài ra, "do nhà tôi có điều kiện, tôi còn trẻ, còn nhiều cơ hội nên quyết định buông bỏ. Nhiều người mà tôi có dịp nói chuyện cũng bày tỏ ý chán nản, nhưng vẫn yên lặng làm việc để kiếm kế sinh nhai," ông Hiếu nói với BBC từ Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét