Số nợ thực của các doanh nghiệp nhà nước là 1,5 triệu tỷ đồng theo báo cáo hay đến 5 triệu tỷ đồng theo giới chuyên gia phản biện độc lập?
Tại kỳ họp quốc hội tháng Mười năm 2018, Bộ Tài chính vẫn đưa ra ‘số ma’ về tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với 2016 và chiếm hơn một nửa tổng tài sản của các đơn vị.
Nhưng theo một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một phản bác nào phát sinh từ các cơ quan quản lý Việt Nam hay giới chuyên gia ‘phản biện trung thành’ của đảng đối với phân tích trên của ông Vũ Quang Việt.
Từ năm 2014 đến nay, nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước còn tăng mạnh hơn hẳn (vấn đề này đã được chính Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thừa nhận), và nếu tính theo tỷ giá VND/USD thì giá trị nợ của khối doanh nghiệp nhà nước có thể đã vọt lên đến 5,5 - 6 triệu tỷ đồng chứ hoàn toàn không phải chỉ có 1,5 triệu tỷ đồng như báo cáo của Bộ Tài chính và chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc.
Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp vỡ và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Có lẽ đây là một trường hợp hiếm hoi được thống nhất cao trong nội bộ đảng: không chỉ thủ tướng Phúc quá đam mê thành tích ‘tăng trưởng kinh tế’ mà cả các ủy viên bộ chính trị và các bộ ngành đều không hề muốn dính dáng gì đến núi nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù đó là con đẻ của cơ chế ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Đó chính là nguồn cơn vì sao Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) - được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017 - lại cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, dù loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.
Từ vài năm qua, đã xuất hiện một ít doanh nghiệp nhà nước bị phá sản, tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh nghiệp tư nhân.
Nhưng năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ khác hẳn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ “đồng hành” với tình trạng khốn khó của doanh nghiệp tư nhân.
Tại nhiều doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 3 lần. Đơn cử, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân có hệ số nợ lên tới 45,56 lần; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 8,07 lần; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 7,88 lần; Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) 3,3 lần...
Trong khi đó, một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay khủng từ các ngân hàng lớn., như PVN nợ hơn 146.580 tỷ đồng; EVN hơn 132.000 tỷ đồng; TKV gần 48.700 tỷ; Viettel gần 43.500 tỷ; Vinachem gần 28.420 tỷ đồng. Ngoài vay từ các ngân hàng trong nước, các DNNN cũng vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài gần 616.000 tỷ đồng…
Ngay cả nếu con số nợ của các doanh nghiệp nhà nước ‘chỉ có’ 1,5 triệu tỷ đồng theo báo cáo, đó cũng là con số khổng lồ mà vào thời buổi suy thoái kinh tế như hiện thời thì khó mà trả nổi.
Còn con số nợ thực lên đến 231 tỷ USD hoặc hơn thì việc trả nợ gần như vô vọng!
Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2019 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.
Và sẽ ập đến cả một phong trào “bắt doanh nghiệp nhà nước”, đi đôi với chiến dịch “bắt ngân hàng” đã, đang và sẽ gây náo loạn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét