Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

8537 - Chủ nghĩa đa phương : Trật tự phương Tây sắp đến hồi cáo chung ?





Phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73, New York, ngày 25/09/2018REUTERS/Shannon Stapleton

Mục Quốc tế các báo Pháp số ra ngày 25/09/2018 dồn mọi sự chú ý vào phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73. Theo nhận định chung của các báo, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này ngày càng tỏ ra suy yếu, mất dần ảnh hưởng, trong khi mà một trật tự thế giới mới đang hình thành, ở đó Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, tìm kiếm một vai trò lãnh đạo hàng đầu.
Phiên họp năm nay diễn ra trong một bầu không khí « nghi kị » như ghi nhận của Le Monde. Từ năm 2013, chưa có phiên họp đại hội đồng nào lại quy tụ đông đảo nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ như lần này – 133 đại diện so với con số 114 năm 2017.
Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi được thành lập cách nay 73 năm, định chế quốc tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như thế : Từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc và dân túy cho đến các bế tắc trong việc xử lý các xung đột Ukraina, Syria hay Yemen.
Năm 2018 còn được khởi đầu bằng một loạt các tuyên bố thể hiện rõ « thái độ nghi kị » của Hoa Kỳ với các định chế đa phương. Washington lần lượt thông báo rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa ước thế giới về di dân, UNESCO và Hội Đồng Nhân Quyền.
Đáng chú ý là trong phiên họp năm nay, không có sự tham gia của lãnh đạo hai cường quốc khác là Trung Quốc và Nga, cũng như là sự hiện diện của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nói tóm lại, phiên họp lần thứ 73 gần như mang không khí của một hồi kết.
Trung Quốc : Tân lãnh đạo trật tự thế giới mới ?
Một quan điểm đã được nhật báo kinh tế Les Echos đồng chia sẻ. Bài phân tích đề tựa « Chủ nghĩa đa phương : Hồi kết của trật tự phương Tây đang đến gần », khẳng định chủ nghĩa đa phương không chết, nhưng tâm điểm của trật tự này đang dần dịch chuyển sang hướng đông, với những luật chơi mới và tác nhân chủ đạo mới là Trung Quốc.
Đầu tiên hết, bài viết khẳng định Liên Hiệp Quốc đang mất ảnh hưởng và một trật tự đa phương mới đang hình thành, ở đó phương Tây chỉ là một thành viên thảm hại. Trên thực tế, dấu hiệu báo động sự suy sụp này đã có từ lâu. Đó chính là hai cú sốc liên tiếp : Vụ khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cú sốc thứ nhất được xem như là một sự chối bỏ các giá trị tự do phương Tây. Còn cú sốc thứ hai đã làm rúng động sâu sắc nhiều nền kinh tế mới trỗi dậy, biến họ thành một trong số các nạn nhân hàng đầu. Những nước này từng ủng hộ toàn cầu hóa, giờ đây muốn viết lại luật chơi, bắt đầu từ việc từ chối phương Tây hóa. Điều đó giải thích phần nào cho thắng lợi của phe theo tư tưởng Ấn Giáo của ông Modi hay việc ca tụng một Thổ Nhĩ Kỳ thời đế chế Soliman của ông Erdogan.
Theo Les Echos, việc viết lại luật chơi đó đều có thể thực hiện được. Đó là nhờ vào chiếc đầu tầu kinh tế Trung Quốc mà nhiều nước mong muốn đi theo. Sức mạnh mới này cho phép Trung Quốc tái tổ chức trật tự quốc tế theo như cách nhìn của họ và tập trung xung quanh đế chế Trung Hoa.
Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ trong thế kỷ XXI, đang tái vũ trang cũng như là tạo ra các con nợ và các thị trường trên một nửa hành tinh với chương trình « Một vành đai, Một con đường ». Bắc Kinh hình thành một loạt các định chế mới : Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á AIIB, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải OSC … Trung Quốc vẫn tiếp tục tài trợ cho các định chế quốc tế được hình thành sau Đệ Nhị Thế Chiến, để có được nhiều tiếng nói hơn cả ở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF lẫn Liên Hiệp Quốc.
Như vậy, chủ nghĩa đa phương vẫn còn lâu mới chấm dứt. Nhưng trung tâm đã dịch chuyển, không còn ở địa chỉ số 47 đường phía đông ở New York, trụ sở Liên Hiệp Quốc. Định chế quốc tế này giờ tỏ ra bất lực trong việc giải quyết các xung đột. Tình liên đới và các tham vọng cũng khác nhau. Các nước mới trỗi dậy lại sát cánh nhau và cùng dựa vào các giá trị chống phương Tây, nhất là chủ nghĩa can thiệp.
Ấn Độ bám lấy Nga, Trung Quốc điều khiển một liên minh tập trung chủ yếu các con nợ từ Pakistan cho đến Bắc Triều Tiên, đi qua cả châu Phi để rồi sang đến cả châu Mỹ Latinh. Nhất là tại châu Phi và Mỹ Latinh, những nước đó có thể tìm thấy lợi ích của họ ở liên minh này, hoặc thông qua kinh tế, hoặc là vì cùng chống Mỹ.
Trong khi đó, nước Nga của ông Vladimir Putin chỉ quan tâm đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hơn là tái gia nhập khối G8. Ông biết rằng từ đây đến năm 2050, Pháp và Anh sẽ phải rời sân chơi ngay từ năm 2030 để nhường chỗ cho Indonesia, Brazil và Mêhicô.
Les Echos trích nhận định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine cho rằng phương Tây « nên khẩn trương sàng lọc giữa những gì cơ bản và những gì có thể đưa ra một đồng thuận trước khi Trung Quốc đặt phương Tây vào thế việc đã rồi ».
Cuối cùng, theo giải thích của ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế, từng dự đoán về hồi kết của hệ thống quốc tế và chủ trương ủng hộ toàn cầu hóa, « người ta phát hiện ra là sự ổn định của quốc tế không còn lệ thuộc vào thế cân bằng sức mạnh đến như thế nữa, mà là một thế cân bằng rất bấp bênh các điều kiện xã hội. Nói một cách khác, vị thế của nước yếu và sự bất lực quá mức của nước đó đương nhiên đang trở thành nguồn cội của nhiều mối đe dọa lớn đang đè nặng lên sự ổn định của cả thế giới ».
Tóm lại như hàng tựa của La Croix : « Một thế giới mới đang định hình tại Liên Hiệp Quốc ».
Chiến tranh thương mại : Bắc Kinh bất ngờ phản công
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục sa lầy. Bắc Kinh ngày 24/09/2018 công bố sách trắng « tố cáo Donald Trump gây rối loạn thương mại ».
Với hơn 36.000 ký tự, được chia đều trong 6 chương khác nhau, Trung Quốc đã quyết định phản ứng mạnh mẽ nhằm bảo vệ các lợi ích của mình trong sách trắng, được công bố vài giờ sau khi các biện pháp áp thuế thêm 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc của chính quyền Washington có hiệu lực.
Bắc Kinh không còn muốn thương lượng trong thế « bị dí sung vào đầu » nên đã lên án mạnh mẽ chính sách « Nước Mỹ trước đã » của Donald Trump là một sự từ bỏ các nguyên tắc cơ bản trong giao thương quốc tế, cáo buộc Hoa Kỳ « gây rối loạn thương mại » và đưa « các cáo buộc giả tạo » nhằm « hăm dọa » các nước khác với hy vọng buộc các nước này theo ý của Washington.
Theo Les Echos, lời cáo buộc này được đưa ra vào lúc tại châu Âu ngày càng có nhiều lời chỉ trích về thái độ cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Cường quốc kinh tế này e ngại bị cô lập trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong tình thế này, ông Timothy P. Stratford, cộng tác viên cho văn phòng luật sư Covington & Burling tại Bắc Kinh đặt câu hỏi lớn : « Liệu Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản, vốn cũng có cùng mối lo ngại với Hoa Kỳ về Trung Quốc, có sẽ liên kết với Washington hay là sẽ xích lại gần với Trung Quốc để cố tránh bị liên lụy trong cuộc xung đột thương mại này ».
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp dành cho tình hình ngân sách năm 2019. Le Monde nói về « Kẻ được và người thiệt trong ngân sách 2019 ». Les Echos thông báo : « Thuế khóa, nền kinh tế : diện mạo cho năm 2019 ». Le Figaro có vẻ bi quan : « Thuế khoá, thâm thủng, kinh tế : một ngân sách với bước tiến chậm ».
Tờ Liberation thì quan tâm đến ý định ra tranh cử chức thị trưởng Barcelona của Manuel Valls, từng là thủ tướng Pháp dưới thời tổng thống François Hollande.
Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix chú ý đến « Sự chờ đợi mòn mỏi của những người Harkis », tức những người đã từng cộng tác hay tham gia quân đội Pháp trong suốt cuộc chiến tranh Algeri đến sinh sống tại Pháp từ sau thỏa thuận Evian. Một thỏa thuận đánh dấu kết thúc cuộc chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét