Tom Fawthrop đã làm việc với tư cách một nhà báo ở Cambodia trong 8 năm, Đông Timor, Philippines và Thái Lan trong khoảng thời gian 30 năm, và thực hiện một loạt các phim tài liệu về vùng Mekong và xuất bản một cuốn sách về Cambodia.
Có lần Tom Fawthrop hỏi tôi: “Việt Nam có một lịch sử lâu dài về cuộc đấu tranh giành độc lập – Trung Quốc, thực dân Pháp và chiến tranh Hoa Kỳ. Bạn có thấy những phản đối mạnh mẽ trong những năm gần đây về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại Việt Nam, vai trò của nó trong các đảo Biển Đông và kiểm soát sông Mekong như là một sự liên tục với quá khứ? Hay là hiện tượng hoàn toàn khác với niềm đam mê định kỳ về độc lập chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nước ngoài nào hay các mối đe dọa hiện tại mà Trung Quốc đặt ra cho sự độc lập của Việt Nam?”
(Vietnam has a long history of independence struggles- China, French colonialism and the US war. Do you see the strong protests in recent years over China”s increasing role in Vietnam, its role in East Sea islands and control of the Mekong as a continuity with the past? Or is radically different phenomenon to the recurring passion for independence against any foreign invader or the current threats posed by China to Vietnamese independence?)
Một câu hỏi khó và ẩn chứa cả một chiều dài lẫn chiều sâu lịch sử.
Thực ra, để đánh giá một cách khách quan và tương đối chính xác về cái nhìn và quan niệm của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ, có thể dựa vào kết quả khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew của Mỹ vào Tháng Sáu năm 2015 về khảo sát quan điểm toàn cầu về Mỹ, Trung Quốc. Theo đó, có đến 78% người Việt Nam được khảo sát cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước Mỹ. Nhưng lại có đến 74% người Việt Nam có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, trong khi chỉ 19% người Việt Nam có quan điểm tích cực về Trung Quốc.
Cần chú ý rằng từ trước đến nay không có một cơ quan quản lý hay cơ quan nghiên cứu nào của chính quyền Việt Nam công bố kết quả khảo sát nào về người Việt Nam “thích Trung Quốc” và “không thích Trung Quốc,” cũng không có khảo sát nào so sánh thái độ của người Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ. Cũng từ trước đến nay, đã không có một tổ chức khảo sát độc lập (phi nhà nước) nào ở Việt Nam được phép nghiên cứu về vấn đề này hay công bố kết quả khảo sát về vấn đề bị chính quyền xem là rất nhạy cảm chính trị này.
Trung Quốc từng có lịch sử xâm lược Việt Nam, và Mỹ cũng từng có lịch sử can dự vào chiến tranh Việt Nam. Nhưng kết quả khảo sát của Pew có thể là bằng chứng rõ nhất cho thấy một quy luật về quan điểm chính trị – xã hội của người Việt Nam đối với nước ngoài: nước nào xâm lược hoặc đô hộ Việt Nam càng lâu thì càng bị người Việt Nam căm ghét hoặc căm thù.
Lịch sử xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam là khoảng 1000 năm, trong khi lịch sử can dự chiến tranh của Mỹ vào Việt Nam là chưa đầy 30 năm.
Trong các chuyến thăm của các tổng thống Mỹ Clinton và Obama đến thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào các năm 2001 và 2016, hình ảnh hàng chục ngàn người dân Việt Nam đứng chật kín hai bên đường với biểu ngữ ủng hộ và thân thiện, cười rất tươi và reo hò và vẫy tay chào đón cho thấy phần lớn người Việt Nam đã quên lãng quá khứ chiến tranh và trở nên thân thiện với Mỹ, đặc biệt khi đại đa số người Việt Nam đang khao khát một chế độ dân chủ, hoặc tối thiểu là một chế độ cải cách để thay thế cho chế độ độc tài bảo thủ trong nước.
Còn các chuyến thăm Việt Nam của các tổng bí thư Trung Quốc như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đều nhận được sự đón tiếp rất lạnh nhạt từ người dân Việt Nam, trái ngược hoàn toàn với cảnh người Việt Nam đón tiếp các tổng thống Mỹ.
Với Pháp có lịch sử đô hộ Việt Nam 100 năm, và Nhật Bản có một ít năm xâm lược Việt Nam, nhưng cũng nhận được thái độ thân thiện của người dân Việt Nam, đặc biệt là sự đồng cảm với văn hóa Pháp.
Những dẫn chứng trên cho thấy người dân Việt Nam không phải sẵn sàng xuống đường biểu tình phản đối bất cứ kẻ thù quá khứ nào như một truyền thống, một thói quen hay một niềm đam mê “bài ngoại,” mà họ phản đối một cách có chọn lọc.
Từ năm 1975 đến nay, đã chưa từng diễn ra cuộc biểu tình nào của người dân Việt Nam chống Mỹ, chống Pháp hay chống Nhật Bản, mà hầu hết chỉ chống Trung Quốc.
Điều hiển nhiên là phần lớn người dân Việt Nam, trừ những quan chức Việt Nam bị xem là “cõng rắn cắn gà nhà” khi khiến Việt Nam bị phụ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh về kinh tế và chính trị, đã phân biệt rất rõ là Mỹ, Pháp, Nhật Bản đã mang lại cho Việt Nam những lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa nào, trong khi Trung Quốc đã và đang biến Việt Nam thành một bãi rác thải công nghệ khổng lồ, một thị trường nhập siêu đến khoảng $50 tỷ hàng năm từ Trung Quốc, một nền chính trị bị Trung Quốc chi phối, thao túng về đường lối đối ngoại, đối nội và cả về nhân sự chủ chốt, và Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ cùng hành động độc chiếm Biển Đông, biến phần biển thuộc lãnh hải Việt Nam thành “ao nhà” của họ.
Các cuộc phản đối và biểu tình chống Trung Quốc của người dân Việt Nam đã trở nên quy mô về số lượng, có chiều sâu về kỹ thuật và gia tăng phạm vi ở Việt Nam từ năm 2011. Các cuộc biểu tình này được khởi xướng từ giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Hà Nội, Sài Gòn và đã lan nhanh đến các tầng lớp dân chúng.
Vào năm 2014, cuộc biểu tình ở Sài Gòn phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông đã lần đầu tiên lên tới 10,000 – 12,000 người.
Vào năm 2018, cuộc biểu tình ở Sài Gòn phản đối Luật Đặc khu đã lần đầu tiên lên tới hàng trăm ngàn người và lan rộng trên 50% tỉnh và thành phố ở Việt Nam.
Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014) và Luật Đặc Khu (năm 2018), cùng với mạng xã hội phát triển mạnh, hệ thống báo chí nhà nước (hơn 800 tờ) cũng tham gia vào việc lên án Trung Quốc, ảnh hưởng của truyền thông đã tác động rộng rãi đến dân chúng và tạo nên những cuộc biểu tình khổng lồ.
Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày quốc khánh 2 Tháng Chín năm 2018 và gần như ngay sau khi xuất hiện thông tư “Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc” của Ngân Hàng Nhà Nước, trang báo điện tử VietNamNet chợt nổi lên một bài lược sử với tiêu đề: “Kết cục bi thảm của những kẻ bán nước nhà Trần” (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/trac-nghiem/ket-cuc-bi-tham-cua-nhung-ke-ban-nuoc-nha-tran-va-bai-hoc-cho-hau-the-474526.html).
Tuy nhiên, có một thực tế đáng ngao ngán là dù mạng xã hội ngày càng chiếm vai trò quan trọng và có đến 60 – 70% người Việt Nam dùng mạng xã hội, song tỷ lệ người Việt Nam quan tâm đến các vấn đề chính trị, dân chủ và nhân quyền lại khá thấp, và họ thường đọc các nội dung chính trị trên báo nhà nước chứ không phải trên mạng xã hội là nơi họ chủ yếu dùng để giải trí. Vậy nên bài học cần rút ra là: nếu nhiều tờ báo nhà nước đồng thuận với mạng xã hội trong việc đưa tin bài về phản đối Trung Quốc, chắc chắn sẽ có nhiều người dân quan tâm và tự tin xuống đường biểu tình hơn.
Nhưng cho đến nay, toàn bộ hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn bị siết cứng về tư tưởng và nội dung bởi Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Tất cả những gì mà một ít tờ báo nhà nước còn chất phản biện và còn dám lên tiếng cũng chỉ giống như một hòn đá nhỏ ném xuống cái ao tù bị đùn lên mặt nước hàng đống bọt ô nhiễm hôi thối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét