Có một Paris
nổi tiếng với những toà nhà vuông thành sắc cạnh theo kiến trúc Haussmann sang
trọng, nhưng bên cạnh đó còn có một Paris đậm chất dân dã, ẩn mình trong khoảng
chục ngôi làng thanh bình còn sót lại.
Một
con đường nhỏ lát đá, gồ ghề và láng bóng, uốn theo hai dãy nhà sơn đủ mầu sắc
bên đường. Sắc tím của tử đằng, mầu cam của lan tiêu, điểm thêm vài chùm ti
gôn, phủ đầy mặt tiền ngôi nhà, vươn sang cả hàng rào và chiếc cổng sắt chỉ
nhỉnh hơn đầu người, mang tính trang trí hơn là chống trộm. Nhìn qua song sắt,
người ta có thể nhìn thấy những chậu hoa rực rỡ, thêm chút tiểu cảnh hoặc một
góc trồng rau xinh xắn của gia chủ.
Tản
bộ theo những con phố nhỏ của làng Charonne, quận 20 Paris, người ta có cảm
giác lạc vào vùng Nông thôn ở Paris (La Campagne à Paris), nơi
thời gian chầm chậm trôi, bước chân vội vã được thay bằng dáng đi đủng đỉnh của
những chú mèo thỉnh thoảng ngoái nhìn “người lạ”, tiếng ồn của xe
cộ được thay bằng tiếng xào xạc của lá cây.
Nông thôn ở Paris,
quận 20.RFI / Tiếng Việt
Làng
công nhân
Hầu
hết các “làng” còn lại hiện nay đều nằm ở các quận vành đai do
quá trình mở rộng Paris, lấn thêm 11 làng và thị trấn xung quanh vào năm 1860
theo kế hoạch của nam tước Haussmann : Từ 12 quận, Paris chính thức có 20 quận.
Những
khu vực mới được sáp nhập chủ yếu hoạt động nông nghiệp, trồng và sản xuất rượu
nho hoặc khai thác mỏ. Ví dụ làng Vaugirard, quận 15, cho đến thời Phục Hưng
vẫn trồng rau cung cấp cho nội đô và trồng nho. Đến thế kỷ XVIII thì xuất hiện
nhà máy hóa chất đầu tiên và từ đó nhiều nhà máy khác xuất hiện dọc sông Seine
trong khu vực.
Làng
Charonne ở quận 20 từng là khu vực trồng nho và là nơi điền dã của giới quý tộc
Paris tìm cảnh sắc nông thôn. Từ giữa những năm 1911 đến 1928, khu Nông
thôn ở Paris được xây dựng trong khu vực này, gồm 92 ngôi nhà dành cho
công nhân, công chức và nhân viên có thu nhập thấp. Chính vì lòng đất đầy hầm
mỏ nên không thể xây những tòa nhà cao tầng, thay vào đó là những ngôi nhà nhỏ
xinh, vẫn được gọi là “nhà đá cối” (meulière), theo tên gọi
loại đá thường được đẽo thành cối xay và được sử dụng để xây nhà.
Tương
tự, làng Butte-aux-Cailles (quận 13), còn nổi tiếng với tên gọi tiểu vùng
Alsace (la Petite Alsace), gồm khoảng 40 ngôi nhà, thiết kế theo kiểu kèo gỗ
đặc trưng của miền bắc nước Pháp. Từ khu Mouzaïa (quận 19), làng Charonne (quận
20) đến làng Peupliers (quận 13), tất cả có một điểm chung là được xây từ giữa
thế kỷ XIX đến những năm 1930 nhằm cải thiện điều kiện sống và vệ sinh của công
nhân, chủ yếu làm việc trong các mỏ thạch cao và đá vôi ở trong khu vực thời
bấy giờ.
Làng
Bercy, ở quận 12 cách đó không xa, với lợi thế nằm ngay cạnh sông Seine, trong
suốt nhiều thế kỷ là chợ bán buôn rượu vang và đồ uống có cồn lớn nhất thế
giới. Bị bỏ hoang vào cuối những năm 1970, những căn nhà nhỏ nối liền nhau của
khu chợ đã được cải tạo thành các cửa tiệm, nhà hàng, bên cạnh là khu công viên
Bercy nổi tiếng.
Một
phóng sự nhỏ trong chương trình Bonsoir Paris miêu tả “hình
ảnh bí ẩn” của quận 19 trong những năm 1960 : Biệt thự Faucheur nằm ở
Belleville :
“Phía
đầu khu vực Belleville, là con phố nhỏ nhất Paris tên là Allée des Faucheurs.
Đây là “bộ mặt bí ẩn” của quận 19. Vì con phố đó mà có rất nhiều người yêu quận
19. Con phố khiến nhiều người gốc nông thôn ở Paris phải mơ mộng và mang người
dân thủ đô vào một thế giới khác : nông thôn giữa lòng Paris. Thời gian như
biến mất, các con phố được gọi là “đường”. Tên gọi không được đặt theo tên các
vị tướng hay chiến tích mà là tên của những danh họa, thi sĩ, nhạc sĩ”.
Nông thôn ở Paris, quận 20.RFI / Tiếng Việt
Làng...
của người nổi tiếng
Quận
16 ở phía tây Paris có hai làng Passy và Auteuil. Làng Passy, trước chỉ là
những ruộng nho của nhà dòng, trở nên nổi tiếng nhờ giới quý tộc Paris muốn tìm
không gian tĩnh lặng mà không cách quá xa trung tâm. Rất nhiều ngôi nhà có vườn
riêng được xây từ thế kỷ XVIII dọc những con phố nhỏ được lát đá. Cách đó không
xa là làng Auteuil với những khu biệt thự được thiết kế theo phong cách Nghệ
thuật mới (Art Nouveau).
Khu
biệt thự Montmorency trong làng Auteuil hoàn toàn khép kín là nơi ở của rất
nhiều nhân vật nổi tiếng và chủ doanh nghiệp giầu có như Xavier Niels, tổng
giám đốc nhà cung cấp mạng viễn thông Free hay Vincent Bolloré, tổng giám đốc
tập đoàn cùng tên. Với khoảng 50 biệt thự, trong đó biệt thự nhỏ nhất, rộng chỉ
có... 145 m2, khu Montmorency còn có nhiều biệt thự mang phong cách
Anglo-Normand và một trang viên duy nhất tại Paris được xây theo phong cách tân
gôtic, do kiến trúc sư Danjoy thiết kế.
Ngược
lên phía bắc Paris là làng Butte Montmartre ở quận 18, cũng nổi tiếng trồng nho
và vườn Belleville (quận 19) có khoảng 170 gốc nho được trồng từ năm 1993 tiếp
tục được duy trì đến hiện nay. Trả lời đài truyền hình France 24, bà Pénélope
Komitès, trợ lý về không gian xanh của thị chính Paris, cho biết :
“Đây
chính là lời giải thích : Nho có thể mọc ở Paris, người ta có thể sản xuất rượu
vang tại Paris. Nho mọc như thế nào ? Thu hoạch nho ra sao ? Lúc nào cũng có
nhiều người tham gia thu hoạch. Người dân Paris rất quan tâm. Đây là cách công
dân tham gia mà chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển theo quy mô tăng dần của các
khu trồng nho tại các vườn ở Paris”.
Villa
Léandre, cách biệt với khu du lịch ồn ào nhà thờ Montmartre, vài ruộng nho và
cối xay gió là những dấu tích còn đọng lại của làng Montmartre. Vào đầu thế kỷ
XX, đây là nơi dừng chân sáng tác của nhiều họa sĩ chưa thành danh như Renoir,
Modigliani, Picasso, Dufy, Satie, Ernst, Valadon, Utrillo… Khác với vẻ bình yên
trong làng, phía dưới chân đồi Montmartre là không khí hội hè với những tiệm
rượu và cabaret, trong đó nổi tiếng nhất là quán Lapin Agile.
Nông thôn ở Paris, quận 20.RFI / Tiếng Việt
Làng
giữa lòng Paris
Đảo
Saint-Louis (quận 4) và khu Le Marais (quận 3) nằm giữa lòng Paris vẫn còn lưu
lại được nhiều nét của một ngôi làng cổ. Những ngôi nhà ở Paris biến mất theo
thiết kế quy hoạch đô thị của bá tước Haussman vào năm 1860, vừa nhằm phục vụ
nhu cầu nhà ở, vừa để giải quyết tình trạng mất vệ sinh công cộng và thay đổi
bộ mặt thủ đô.
Hình
ảnh đại công trường Paris trước và trong quá trình thực hiện kế hoạch của nam
tước Haussmann đã được nhiếp ảnh gia Charles Marville thời Napoléon III ghi lại
trong vòng 5-6 năm thông qua 40 tấm ảnh được triển lãm năm 2009. Sử gia Patrice
de Moncan giải thích với AFP :
“Họ
đã phá 20.000 tòa nhà tồi tàn và xây mới 30.000. Họ đã mở 300 km đường phố, đào
600 km cống ngầm. Một công trình khổng lồ và chỉ được làm từ xẻng, cuốc… mà
chẳng có công cụ nào khác hơn”.
Theo
thống kê của Insee, được Le Figaro (04/09/2017) trích lại, Paris có 13.094 ngôi
nhà. Những ngôi nhà trung cổ gần như không còn gì, chỉ còn lại một vài biệt thự
tư nhân (hôtel particulier) được biến thành bảo tàng (bảo tàng Carnavalet) và
một vài ngôi nhà kèo gỗ có đầu hồi hướng ra phố, bị cấm xây dựng ngay từ năm
1667 sau vụ cháy thảm khốc nhiều ngôi nhà như vậy ở Luân Đôn.
Những
ngôi nhà mang giá trị đặc biệt được bảo vệ nhờ luật Malraux được thông qua năm
1962. Tuy nhiên, theo giới sử gia, cần phải có thêm những giải pháp hợp thời
hơn trong bối cảnh Paris không ngừng mở rộng vì “đó là những thời điểm
lịch sử mang cùng giá trị như các viện bảo tàng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét