Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

8544 - Trần Đại Quang đã ‘sám hối’ quá muộn






Trăm năm bia đá còn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’…


Trái hẳn với thói ca tụng công lao của quan chức vừa chết đầy nghi vấn là ‘đồng chí Trần Đại Quang’ của một ít văn nhân cận thần chế độ cộng sản, nhiều người dân Việt và cả một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã thống kê một cách chi tiết về ‘di sản đàn áp nhân quyền’ của Quang - vào thời còn là bộ trưởng công an và kể cả trong thời gian ngắn ngủi hơn 2 năm làm chủ tịch nước.

Ngay sau khi Trần Đại Quang chết, đã có quá nhiều ý kiến chỉ trích và cả lên án Trần Đại Quang về thành tích phong tướng đến mức lạm phát vào thời ông ta còn là bộ trưởng công an, về kết quả điều hành Bộ Công an của ông Quang đã ấn tượng đến mức dẫn đến ít nhất những vụ án ghê gớm như Vũ ‘Nhôm’, ‘công an bảo kê đánh bạc công nghệ cao’… Trần Đại Quang cũng là tác giả của những chiến dịch đàn áp nhân quyền nặng nề từ Bắc chí Nam, bắt bớ người Thượng ở Tây Nguyên, bắt bớ người biểu tình chống Trung Quốc và người bất đồng chính kiến. Trong thời gian làm chủ tịch nước, Trần Đại Quang đã quá hiếm can thiệp mang tính ‘ân xá’ hay ‘đặc xá’ đối với những trường hợp oan khuất trong xã hội, trong khi lại cổ vũ cho các vụ bắt bớ và hành hung đánh đập dã man của công an đối với người dân và giới hoạt động dân chủ nhân quyền, đang tâm bỏ qua hàng trăm cảnh ‘tự chết’ của người dân trong các đồn công an…


Chưa kể việc Trần Đại Quang chính là tác giả của luật An ninh mạng mà bị dư luận xã hội trong nước, cộng đồng mạng cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích nặng nề vì vi phạm quyền con người. Và Trần Đại Quang cũng là nhân tố đã nhét biến dự luật Biểu tình - một văn bản được chính phủ giao cho Bộ Công an biên soạn - vào ngăn kéo suốt từ năm 2011 đến nay…



Ngược hẳn với lối tiếc thương ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ trên mặt báo nhà nước, chỉ thấy một bầu không khí vui mừng không thèm che giấu trên mạng xã hội. Dù nghĩa tử nghĩa tận là truyền thống muôn đời của người Việt, nhưng vẫn đành phải nói thẳng một sự thật: cái chết của ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang’ đã chỉ gom hứng được quá ít nước mắt trong khi số người hể hả nhiều hơn hẳn.


Cái chết đột ngột gây nghi ngờ rất lớn về ‘virus hiếm và độc hại’, không khí câm lặng không thèm chia buồn từ giới ‘đồng chí không đồng lòng’, cùng thái độ hể hả xen vui mừng của số đông người dân viết trên mạng xã hội… chính là một luật nhân quả thời Việt Nam chính trị độc tài và chủ nghĩa tư bản dã man: Trần Đại Quang dù có ‘sám hối’ chăng nữa thì động tác đó cũng đã quá muộn cho một đời áp chế dân chúng và quá tai tiếng về tham nhũng.



Một sự trùng hợp đặc sắc và như thể một điềm báo đã trở thành cái gạch nối giữa Nguyễn Tấn Dũng và Trần Đại Quang: cả hai đều đã đến chùa Mahabodhi - nằm ở tận Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ, nơi Thích Ca Mầu Ni đạt được Giác Ngộ và hoá Phật - để ‘thăm’. Nhưng rất nhiều người cho rằng Dũng và Quang đã cầu xin cho cá nhân họ chứ không hề có chút lòng thành tâm.

Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến chùa Mahabodhi và được cánh phóng viên ghi nhận bằng một tấm ảnh rất ‘thần thánh’: trong lúc ngồi chắp tay, hai con mắt của ông Dũng lại không hướng về tượng Phật mà đảo về một bên, ánh mắt rất ‘gian’ như thể đặc trưng cho một đặc thù thuộc loại nổi trội nhất của giới chóp bu Việt Nam là thói lật lọng tráo trở chính trị và buôn thần bán thánh.


Vào tháng Ba năm 2018, đến lượt vợ chồng Trần Đại Quang ‘thăm’ chùa Mahabodhi, được ‘lưu truyền sử xanh’ bằng bức hình ông Quang gục đầu vào phiến đá thiên trong chùa này, gương mặt có vẻ thành tâm hơn hẳn cặp mắt láo liên trước đó của Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí gương mặt Trần Đại Quang khi đó còn được cho là ‘đau khổ’.

Cũng có thể là đau khổ thật. Bởi tháng Ba năm 2018 chính là lúc mà Trần Đại Quang sắp ‘biến mất’ lần thứ hai kể từ lần đầu vào tháng Tám năm 2017 - sang Nhật điều trị căn bệnh về máu mà nguy cơ dẫn đến tử vong là khá cao. Hầu như không nghi ngờ rằng Trần Đại Quang đã cầu xin cho căn bệnh quái ác ấy rời xa cơ thể ông ta, để ông ta được tiếp tục ‘công hiến cho đảng và dân tộc’.



Không có được gương mặt đau khổ thật sự như Trần Đại Quang, thái độ cao ngạo trịch thượng kèm vẻ cười ngạo nghễ của Nguyễn Tấn Dũng đã biến chuyến thăm chùa Mahabodhi của ông ta thành công cốc: Dũng bị loại bất ngờ và thẳng cánh tại đại hội 12 vào đầu năm 2016 với dấu ấn cú knock-out mà tác giả của nó là Nguyễn Phú Trọng.

6 tháng sau khi đến chùa Mahabodhi, Trần Đại Quang đã không thể thoát khỏi cái chết, dù mới ở tuổi 62 theo bản khai lý lịch cán bộ hay 68 theo một tài liệu được mạng xã hội tung lên và cho đó là bản khai về năm sinh gốc 1950 của Quang.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét