Tâm Don (VNTB)
Khu vực an táng cố Chủ tịch nước Trần Đại
Quang.
|
Các triết gia đều cho rằng, con người chỉ thực sự bình đẳng khi sinh ra và khi chết đi. Nhưng Việt Nam thời hiện đại đã chứng minh rằng, con người vẫn bất bình đẳng cả khi chết đi rồi. Khu an táng cựu chủ tịch Trần Đại Quang ở Ninh Bình rộng đến 3,2 hecta có lẽ chỉ thua khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng về mặt diện tích được báo chí nhà nước loan tải đã làm nhiều người nhói lòng.
Nước Mỹ giàu mạnh và hùng cường vào loại bậc
nhất thế giới, nhưng mộ phần của các công dân Mỹ, các tỉ phú Mỹ và mộ phần của
các tổng thống Mỹ bao giờ cũng nhỏ nhoi, đơn sơ và bình dị. Mộ phần của tổng
thống John Kennedy và tổng thống Richard Nixon chỉ là mảnh đất bằng phẳng rộng
4-5 m2, trên đó có nắp mộ khắc ghi cây thánh giá, tên và năm sinh năm mất. Mộ
của tổng thống, tỉ phú hay vĩ nhân Mỹ đều lặng thầm như những ngôi mộ của
thường dân.
Với sự nhân bản, nhân văn tột cùng, người Mỹ chỉ
luôn nghĩ về người sống, giành hết vật chất để chăm sóc người sống, không hoang
phí vật chất của cải vào mộ phần. Một đám tang ở Mỹ chỉ có chi phí trung bình
1000 USD. Mọi phúng điếu đều hạn chế hoa, và tiền phúng điếu được giành cho các
quỹ thiện nguyện.
Khu mộ các nhà lãnh đạo: Cố Chủ tịch nước
Việt Nam Trần Đại Quang (0); cố Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill
(1); cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (2); cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro
(3); cố nhà triết học K.Marx.
|
Mộ của thủ tướng Anh lừng danh Winston Churchill
cũng chỉ là nấm mộ nhỏ bé, đơn sơ. Vào năm 2015, thay vì một quốc tang trang
trọng, cố vương Arab Saudi Abdullah được chôn cất giản dị trong một ngôi mộ nhỏ
vô danh theo tín ngưỡng của phái Wahhabi, với niềm tin rằng tất cả mọi người
đều bình đẳng trước Thượng đế khi chết.
Nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện rất khác. Bức ảnh
đầu tiên có xuất xứ từ báo Thanh Niên online ngày 24-9 cho biết, khu đất rộng
mênh mông này sẽ là nơi đặt mộ phần của chủ tịch Trần Đại Quang (dù ông Quang
có suất mộ phần ở nghĩa trang Mai Dịch giành cho cán bộ cao cấp nhưng có lẽ gia
đình có nguyện vọng an táng tại quê nhà) với những công trình phụ trợ cầu kỳ.
Chắc chắn trên khu đất bao la này sẽ hiện hình một ngôi mộ hoành tráng như
những ngôi mộ hoành tráng khác ở Việt Nam được hình thành từ hoặc những nguồn
tiền không sạch, hoặc từ ngân sách nhà nước- tiền thuế của dân, hoặc từ nguồn
tiền của gia đình.
Khu an táng rộng mênh mông và ngôi mộ to vật vã
có ý nghĩa gì đối với người đã chết và đối với người sống? Chắc chắn, nó chẳng có
ý nghĩa gì đối với người đã chết. Có phải gia đình thực hiện các giải pháp
phong thủy để mong mỏi vượng phát cho con cháu trong tương lai? Hay chính quyền
chủ động xây dựng một khu phức hợp tâm linh để tạo nên một “huyền thoại” qua đó
nô dịch nhận thức của người dân?
Mộ phần to và hoành tráng hoàn toàn không có khả
năng khẳng định tầm vóc nhân cách- trí tuệ của một người khi còn đang sống.
Nhưng chắc chắn, mộ phần to và hoành tráng khẳng định tính không nhân bản và
nhân văn trong quá khứ của người đã chết, khẳng định nhận thức thấp kém của
những người quyết định xây dựng mộ phần đó, khẳng định một thực tế đau xót rằng
người vừa chết có một gia sản rất đồ sộ.
Trẻ em Tây Bắc mà mái
trường xiêu vẹo.
|
Có những tấm hình làm con người phẫn nộ, nhưng
cũng có tấm hình làm con người day dứt không nguôi. Vào đầu tháng 9-2018 này,
tấm hình chụp một lớp học ở Mường Nhé- Điện Biên đã gây xúc động, gây bão trên
mạng xã hội. Tấm hình này được chụp vào một ngày cuối tháng 8-2018 bởi anh Đào
Xuân Tùng, một người Hà Nội hay làm thiện nguyện. Anh Đào Xuân Tùng đã bật khóc
nức nở khi chụp tấm hình này. Nhiều người cũng đã phải nhắm mắt lại sau khi xem
kỹ hình ảnh. Anh Đào Xuân Tùng đã hứa với nhiều quan chức ở Điện Biên rằng, anh
sẽ không công bố tấm hình này. Nhưng lương tâm anh ray rứt, vật lộn, cào cấu,
cắn xé dữ dội. Anh cho rằng, nếu công bố tấm hình, nó sẽ có tác dụng lay động
lương tri của các quan chức, của chính quyền trong việc chăm sóc trẻ em nói
riêng và nâng cao cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa và vùng cao nói
chung. Và anh đã nhờ bạn bè công bố tấm hình trên mạng xã hội. Trong tấm hình
này, tất cả các em bé đều suy dinh dưỡng, quần áo rách rưới, tất cả đều không
có giày dép, tất cả các em đều buồn và thiểu nảo...Ánh mắt nhìn của các em hiện
hình lên sự tuyệt vọng, khổ đau và cầu cứu. Phía sau lưng các em là một lớp học
tận cùng tiêu điều và xơ xác, chơ vơ và cô đơn giữa núi rừng hiu quạnh.
Tấm hình của anh Đào Xuân Tùng là minh chứng
sống động để bác bỏ luận điệu của một kẻ tâm thần chính trị đã từng nói rằng,
không nước nào trên thế giới chăm sóc thiếu nhi tốt như ở Việt Nam.
Khi đăng tải lại tấm hình của anh Đào Xuân Tùng
trên tài khoản cá nhân ở mạng xã hội Facebook, cô giáo Trần Thị Bích Hà ở Sài
Gòn đã đanh thép: “Chính quyền bao nhiêu năm qua đã bỏ mặc người dân. Chỉ một
số ít nhân dân với những nỗ lực khủng khiếp đã có một cuộc sống tương đối dễ
chịu về kinh tế, còn lại đa phần đều đói nghèo và bất hạnh. Chính quyền đừng tự
huyễn hoặc mình mà hãy nhìn vào thực tế đắng cay của nhân dân và đất nước!”.
Nước mắt nào sẽ nhỏ xuống một khu an táng hoành
tráng, nước mắt ai sẽ nhỏ xuống một lớp học rách nát, những hình hài trẻ thơ
tiều tụy…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét