Ngày 22/07/2018, Vatican và Trung Quốc đạt
thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục, vấn đề được coi là bế tắc chủ
yếu trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Trong lúc nhiều
người ca ngợi đây là một sự kiện « lịch sử » mở ra cơ hội mới cho tương lai
Công Giáo tại Trung Quốc, không ít người lo ngại Vatican đã bán rẻ hàng triệu
tín đồ thầm lặng, vốn trung thành với Tòa Thánh, để chấp nhận làm công cụ cho
chế độ cộng sản. Vậy trong thỏa thuận cụ thể này, Tòa Thánh được gì và mất gì ?
RFI xin
giới thiệu các nhận định của ông Bernardo Cervellera, linh mục, tổng biên tập
báo mạng Asianews, cơ quan phát ngôn của Dòng Truyền Giáo Nước Ngoài của Học
Viện Giáo Hoàng (Pontifical Institute for Foreign Missions). Trong bài viết
« Thỏa thuận Trung Quốc – Vatican : Một vài bước tiến tích cực, nhưng
đừng quên những người tử đạo » (1), tác giả lưu ý trước hết là những
người có quan điểm « lạc quan », khi đánh giá đây là một sự kiện « lịch
sử», đã bỏ qua sự thực, là thỏa thuận này mới chỉ được coi là « tạm
thời », và sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh (giám đốc truyền thông của
Tòa Thánh nói đến « điểm khởi đầu » cho « một tiến
trình »). Tổng biên tập Asianews cho biết ông muốn đưa ra một cách
nhìn hiện thực về những gì tích cực và tiêu cực trong thỏa thuận « tạm
thời » và mong manh này.
Giáo
hội « thân » Bắc Kinh cần đến giáo hoàng
Việc
Tòa Thánh tham gia vào quá trình bổ nhiệm giám mục được coi là điểm mới đầu
tiên, mà tác giả cho là có ý nghĩa tích cực rõ ràng. Đó là, ít nhất về mặt hình
thức, quyết định này đồng nghĩa với việc chấm dứt về nguyên tắc sự tồn tại của
cái gọi là Giáo Hội Công Giáo « độc lập » (tên chính thức là
Hội Thiên Chúa Giáo Yêu Nước Trung Quốc), một tổ chức tôn giáo mà chính quyền
Bắc Kinh lập ra hơn 70 năm trước. Theo thỏa thuận này, như vậy sẽ không có một
giám mục mới nào được bổ nhiệm, mà không có sự cho phép của giáo hoàng, cho dù
chính quyền, « hội tôn giáo yêu nước », hay hội đồng giám mục
(do chính quyền chỉ đạo) có đề xuất ứng cử viên. Theo nhiều nhà quan sát, đây
là lần đầu tiên chính quyền cộng sản Trung Quốc thừa nhận thẩm quyền tôn giáo
của người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Tuy
nhiên, chính trong điểm mới được coi là tích cực này cũng có mặt dở khác. Cho
đến nay, nhiều người nói đến quyền « phủ quyết » của người
đứng đầu Tòa Thánh, trong việc bổ nhiệm giám mục. Giáo hoàng có quyền đưa ra
quyết định từ chối trong vòng ba tháng. Thế nhưng, nếu cảm thấy quyết định của
giáo hoàng là không hợp lý, chính quyền có thể tiếp tục đề xuất việc tấn phong
và bổ nhiệm giám mục mà họ lựa chọn. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này ?
Theo
tổng biên tập Asianews, hiện tại không có văn bản thỏa thuận nói trên, nên
không thể khẳng định là người đứng đầu Tòa Thánh sẽ luôn luôn có « tiếng
nói sau cùng » trong việc bổ nhiệm hay không, hay ngược lại thẩm quyền
của giáo hoàng chỉ mang tính hình thức. Một người bạn, chuyên về giáo luật, cho
tác giả bài báo biết là « chắc chắn » giáo hoàng sẽ có tiếng
nói sau cùng đối với mọi ứng viên giám mục, bởi « Giáo Hội không thể
làm khác ». Theo nhà báo Asianews, sẽ ta sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này
trong những tháng tới, thông qua các trường hợp đề xuất bổ nhiệm cụ thể.
Bãi
quyết định « rút thông công », để thúc đẩy đoàn kết
Một
điểm khác liên quan đến thỏa thuận phong giám mục cũng được đánh giá là có mặt
tích cực. Đó là việc Vatican bãi bỏ quyết định rút phép thông công bảy giám
mục, được phong chức mà không có sự phê chuẩn của Tòa Thánh, trong thời gian từ
năm 2002 đến 2012. Việc bãi bỏ lệnh rút phép thông công không trực tiếp nằm
trong thỏa thuận, nhưng được công bố cùng ngày với thỏa thuận nói trên, và vì
vậy có thể được coi là một phần của thay đổi chiến lược ngoại giao của Vatican
trong vấn đề này.
Theo
nhà báo Asianews, điều này giúp cho cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc đoàn kết
hơn, bởi trong quá khứ, các trường hợp giám mục bị rút phép thông công, đã bị
Hội Thiên Chúa Giáo Yêu Nước Trung Quốc sử dụng để gây chia rẽ trong Giáo Hội
(2). Điểm đáng chú ý là quyết định nói trên giúp Vatican giải quyết được một
vấn đề nhức nhối kéo dài trong nội bộ. Đó là nhiều người trong số giám mục bị
rút phép thông công, từ nhiều năm nay đã sám hối và mong muốn được tha thứ.
Tuy
nhiên, điểm tiêu cực của quyết định này mà tác giả nhấn mạnh là một bộ phận tín
đồ cảm thấy thất vọng và đau buồn, khi một vài trong số các giám mục nêu trên
đã có một đời sống đi ngược lại với chuẩn mực tôn giáo, như có tình nhân, có
con cái, và thậm chí bị coi là « tay chân » của chính quyền.
Nhiều tín đồ trông đợi các giám mục được tha thứ, sẽ công khai sám hối về những
hành động tồi tệ của họ trong thời gian tham gia vào cái gọi là giáo hội « độc
lập ».
Không
còn coi « Đài Loan » là điều kiện tiên quyết
Việc
chính quyền Trung Quốc không còn coi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan là
điều kiện tiên quyết, để thiết lập quan hệ với Vatican, được đánh giá là một
điểm tích cực khác trong thỏa thuận này. Đây là một điều mà Bắc Kinh từng liên
tục đòi hỏi trong hàng chục năm nay. Thậm chí, những năm đầu tiên dưới giáo
triều của giáo hoàng Phanxicô, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục nhắc lại đòi hỏi
này. Với thỏa thuận « tạm thời » về bổ nhiệm giám mục nói
trên, Bắc Kinh coi quan hệ với Vatican là mang tính chất tôn giáo, chứ không
phải là chính trị.
Điểm
tiêu cực nhất mà nhà báo Asianews lưu ý trong thỏa thuận vừa qua giữa Vatican
và Trung Quốc : Đó là Tòa Thánh đã không hề nhắc đến trong thỏa thuận, cũng như
trong các lời giải thích, về việc người Công Giáo, cũng như các tín đồ Thiên
Chúa Giáo nói chung, bị hành hạ, bức hại trước đây cũng như hiện nay.
Bức hại
tín đồ Công Giáo : Vấn đề vắng mặt
Trong
thời gian gần đây, đúng vào lúc Vatican và Bắc Kinh sắp đạt thỏa thuận, tình
trạng đàn áp nhắm vào tín đồ các tôn giáo được tăng cường, với việc nhiều nhà
thờ bị phá hủy, thánh giá bị đốt, các giám mục, tín đồ của giáo hội trung thành
với Tòa Thánh bị bắt bớ, giới trẻ bị tước quyền đào tạo về tôn giáo, tham gia
các hoạt động tín ngưỡng.
Thỏa
thuận Vatican – Bắc Kinh được công bố trong bối cảnh này gây ra một ấn tượng kỳ
lạ, trước một « biến cố bất ngờ » chứa đầy mâu thuẫn, một quan
hệ vừa được thiết lập, rất được tán dương, nhưng dự đoán sẽ khó kéo dài. Nhiều
người tại Trung Quốc, một mặt tỏ ra vui mừng với thỏa thuận hòa giải này, nhưng
mặt khác, không tin tưởng vào chính quyền (3).
Hay,
dở, được, mất dường như trộn lẫn nhau trong thỏa thuận « tạm thời »
về phong giám mục giữa Vatican và Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ điều vượt lên
trên các hay dở, được mất nói trên là quan điểm lấy đối thoại làm cơ sở cho sự
thay đổi, của giáo hoàng Phanxicô. Nhà báo Asianews, nhắc lại là, cách đây ít
tháng trong một cuộc đối thoại, Đức giáo hoàng tuyên bố đối thoại là một hành
động mạo hiểm, nhưng chắc chắn là hơn không có đối thoại, tự thân đã là thất
bại. Chẳng thà đối thoại với một đối tác ít đáng tin cậy, còn hơn là bó tay.
Chính trong ý nghĩa này, mà thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh, cho dù chỉ là tạm
thời, chắc chắn đã mở ra « một chương mới ».
Con
đường giúp giáo hội tại Trung Quốc thực sự tự trị ?
Kết
thúc bài nhận định, tổng biên tập báo mạng Asianews nêu lên một hình ảnh đầy
tương phản, mà theo ông ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Đó là việc thông tin về thỏa
thuận với Bắc Kinh được công bố (cùng với việc tín đồ Công Giáo bị bách hại tại
Trung Quốc không được nêu ra) đúng vào lúc giáo hoàng Phanxicô có chuyến thăm
Litva, nước cộng hòa nhỏ bé vùng Baltic, là nạn nhân của Đức quốc xã, và của
chế độ toàn trị Xô Viết trước đây, để tưởng niệm các tín đồ Thiên Chúa Giáo tử
đạo tại Vilnius.
Chính
sách của Vatican hiện nay với Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người nhớ đến
việc Tòa Thánh thiết lập quan hệ với chính quyền cộng sản Litva và Ba Lan trong
những năm 1960 (được gọi là chính sách Ostpolitik/Hướng Đông), vốn bị rất nhiều
người lên án vào thời điểm đó. Lịch sử cho thấy quyết định này đã mở ra cơ hội
cho một giáo hội tự trị thực sự tại Ba Lan sau này. Điều này liệu có là hy vọng
cho người Công Giáo Trung Quốc ?
Ghi chú
1.
« China-Vatican agreement: some
positive steps, but without forgetting the martyrs »,
Asianews, ngày 24/09/2018.
2. Bài
lược thuật về « quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa
Thánh » của linh mục Federico Lombardi, nguyên phát ngôn
viên của Tòa Thánh cho biết việc cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc bị chia cắt
thành hai, một bên là « giáo hội thầm lặng » và bên kia là tổ chức Công Giáo
dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, chỉ là kết quả của một giai đoạn lịch sử,
khi chính quyền tìm cách thao túng những người Công Giáo. Bản thân giới chức
sắc Công Giáo Trung Quốc thuộc tổ chức do chính quyền lập ra cũng không muốn
đoạn tuyệt với Vatican. Năm 2007, một ủy ban của Vatican về Trung Quốc ra thông
báo khẳng định : « Gần như tất cả mọi giám mục, linh mục (tại Trung
Quốc) đều hiệp thông với Tòa Thánh ».
3. Một
trong những điều gây lo ngại nhất với người Công Giáo tại Trung Quốc hiện nay
là chính sách « Trung Quốc hóa »,
mà chính quyền Bắc Kinh ráo riết thực thi, kể từ Đại hội đảng Cộng Sản thứ 19,
2017. Giáo sư về khoa học tôn giáo Benoit Vermander, đại học Phục Đán, Thượng
Hải, lưu ý là chủ trương « Trung Quốc hóa » có thể gây ra
những « xung đột thực sự », ví dụ như việc chính quyền ép buộc
việc biên dịch và chú giải Kinh Thánh phải tuân theo các chỉ đạo của đảng.
Nhiều người lo ngại mục tiêu cuối cùng của chủ trương này là biến giáo hội tại
Trung Quốc thành một công cụ của đảng. Bài « Sinisation » de l’Église :
« le risque de voir se multiplier les tensions est réel », La Croix, 3/8/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét