Lãnh đạo Bắc Triều
Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc họp báo
chung tại Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018 REUTERS
Cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc
Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay, 27/04/2018, tại khu phi quân sự thực sự mang
tính lịch sử, nhưng thượng đỉnh Liên Triều này chỉ đánh dấu sự hòa dịu giữa hai
miền, tiến đến một nền hòa bình lâu dài chứ chưa thể giúp giải quyết được vấn đề
phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, ngày 21/04 vừa qua, lãnh
đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã loan báo chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên
lửa liên lục địa, cũng như đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, người
đứng đầu chế độ Bình Nhưỡng đã không nói đến chuyện giải trừ kho vũ khí nguyên
tử của nước này. Cho nên, cả thế giới đang chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận
tiến hành phi hạt nhân hóa đến mức độ nào.
Nhưng theo các nhà phân tích được hãng tin CNBC của Mỹ trích
dẫn hôm nay, tổng thống Moon Jae In thật ra muốn sử dụng thượng đỉnh Liên Triều
để thiết lập lòng tin giữa Seoul với Bình Nhưỡng, hơn là nhằm thúc đẩy tiến
trình giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, mặc dù theo lời một quan chức
Hàn Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn, trong cuộc họp sáng nay, lãnh đạo của
hai miền có đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa.
Cho dù tuyên bố chung của Moon Jae In và Kim Jong Un có nói
là hai ông sẽ cùng nhau làm việc để đi đến “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo
Triều Tiên”, nhưng đó chỉ là những từ ngữ rất chung chung. Theo lời ông Jasper
Kim, giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột Toàn cầu, Đại học Ewha, Seoul, phải đợi
đến thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới,
mới có thể có những chi tiết về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại
giao của Mỹ, Scott Snyder cho biết, “Bắc Triều Tiên vẫn xem phi hạt nhân hóa là
vấn đề riêng với Hoa Kỳ”. Dẫu sao đây là một vấn đề quá phức tạp để có thể được
giải quyết chỉ trong một ngày họp thượng đỉnh.
Bước đầu tiên phải làm đó là tìm ra một định nghĩa về phi hạt
nhân hóa được tất cả các bên chấp nhận. Liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận yêu cầu của
quốc tế là tiến trình phi hạt nhân hóa phải “hoàn toàn, có thể kiểm chứng được
và không thể đảo ngược được” ?
Hôm thứ Ba vừa qua, tổng thống Trump đã tuyên bố rằng đối với
Hoa Kỳ, phi hạt nhân hóa có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ các
vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, cho tới nay, Bắc Triều Tiên
vẫn nói họ chỉ chấp nhận làm như thế với điều kiện Mỹ chấm dứt sự hiện diện
quân sự ở Hàn Quốc, một điều kiện mà Wasshington khó có thể chấp nhận.
Ngoài mục tiêu thiếp lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo
Triều Tiên, tổng thống Moon Jae In đã nói rõ là ông sẽ dùng thượng đỉnh Liên
Triều như là một cầu nối đến thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un, theo lời cố
vấn đặc biệt của lãnh đạo Hàn Quốc được hãng tin CNBC trích dẫn. Cũng theo viên
cố vấn này, tổng thống Moon Jae In sẽ cố chuyển thông điệp của tổng thống Trump
đến ông Kim Jong Un và ngược lại. Tổng thống Hàn Quốc dự kiến công du
Washington vào tháng 5 tới và như vậy ông sẽ có thể đóng vai trò trung gian hòa
giải giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét