Khách hàng đăng ký thông tin cho
MobiFone. RFA
Vào ngày 24 tháng 4 năm 2017,
Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định 49/2017/NĐ-CP bổ sung về xử phạt trong
bưu chính viễn thông. Theo đó thì các nhà mạng buộc phải có thông tin cá nhân
và hình ảnh khách hàng sử dụng sim điện thoại. Dư luận trong nước nghĩ gì về việc
đăng ký này và những ảnh hưởng gây ra thế nào?
Sự luồn lách của công ty viễn thông
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục
trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin
- Truyền thông, việc đăng ký thông tin và hình ảnh người sử dụng dịch vụ viễn
thông nhằm để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ người dân. Vì hiện nay Việt Nam
vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công dân, nên không thể dùng chứng minh thư để kiểm
tra được hết thông tin người dân. Do đó Nghị định 49 được ban hành là để khắc
phục điều này.
Ngoài ra, bà Lê Thị Ngọc Mơ nói với
truyền thông trong nước rằng khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các
doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ
thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm.
Tuy nghị định 49/2017/NĐ-CP đã được
Chính phủ ban hành hơn một năm nhưng đến sát ngày hết hạn 24/4/2018, các công
ty viễn thông mới bắt đầu hối thúc người tiêu dùng cập nhật “hình chân dung
chính chủ”, nếu không sẽ ngưng cung cấp dịch vụ, cắt sim của khách hàng.
Trên thực tế, nghị định 49 không
hề có hạng mục nào đề cập đến việc khóa sim khách hàng.
Bên cạnh đó, trong điều 2 nghị luật
49 còn quy định những mức phạt dành cho các công ty dịch vụ viễn thông nếu
không cập nhật thông tin đầy đủ hoặc sai lệch thông tin thuê bao.
Theo nhiều người dùng mạng tại Việt
Nam, các nhà mạng đã lợi dụng việc người dùng không rõ chi tiết về nghị định 49
để mang quyền lợi khách hàng ra làm điều kiện buộc chủ thuê bao phải tự đến nơi
để đăng ký hình ảnh.
Gây phiền nhiễu cho khách hàng
Bạn Diễm Duyên, nhân viên văn
phòng hiện đang sống tại Sài Gòn xác nhận với Đài Á Châu Tự Do:
“Cái nghị định mình đọc thấy
không rõ ràng lắm. Thông tư bảo quy định như thế nhưng mọi người không tiếp cận
được rõ ràng để đọc, nên thấy người ta làm thì mình làm thôi. Vì những tin nhắn
cứ gửi tới nói sẽ cắt một chiều nên mọi người sợ, phải làm.”
Bạn Duyên còn cho biết thêm những
đồng nghiệp trong công ty đã phải nghỉ làm nhiều lần để đi đăng ký, gây mất thời
gian và công sức. Ở thành thị là vậy, còn ở tỉnh, người dân gặp nhiều phiền hà
hơn:
“Hôm rồi mình về quê thấy các cụ
già đi làm rất phiền phức, với lại dưới quê chỗ đi làm rất xa, mà mới 6 giờ
đóng cửa rồi. Nên mọi người phải tranh thủ 4-5 giờ phải nghỉ làm đi làm (sim).”
Bộ Thông tin – Truyền thông cho
biết, tính đến ngày 20 tháng 4 năm 2018, chỉ còn 4 ngày trước thời hạn mà ba
nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, MobiFone và Vinaphone phải hoàn thành việc
bổ sung thông tin người dùng, nhưng có đến 36 triệu thuê bao vẫn chưa được đăng
ký. Do đó, các nhà mạng đã liên tục gửi tin nhắn hối thúc khách hàng đăng ký
thông tin và chụp hình ảnh.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ
Công an, tính đến năm 2017, trong số hơn 120 triệu thuê bao toàn Việt Nam có đến
38 triệu sim đang được sử dụng với tên của chủ thuê bao khác. Như vậy, các công
ty viễn thông đã lấy thông tin cá nhân của khách hàng để kích hoạt sim rác nhằm
dễ bán sim hơn, góp phần tăng thị phần của nhà mạng.
Đồng cảm với những rắc rối mà người
dân đang phải đối mặt, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại
Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
“Những nhà mạng đó đang gây ra
phiền hà cần được chấn chỉnh lại. Bộ Thông tin – Truyền thông tôi thấy là sớm
phải kiến nghị để thuận lợi cho người dân vì khi đăng ký người ta trả tiền cho
nhà mạng, nhà mạng phải có nghĩa vụ phục vụ.”
Khởi kiện nhà mạng?
Qua việc đăng ký thông tin, nhiều
người dùng lên tiếng sẽ kiện nhà mạng vì đã lấy thông tin của họ để kích hoạt
những sim khác. Giải thích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết:
“Khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp,
người dân có quyền khởi kiện và luật pháp Việt Nam cũng đã cho phép, nhưng anh
phải chứng minh những thiệt hại đó. Do đó tôi thấy đợt đăng ký này là một cơ sở pháp lý mà nếu
như nhà mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình như thông tin cá nhân
của mình có người khác sử dụng thì tôi sẽ kiện để tôi đòi bồi thường xúc phạm
danh dự nhân phẩm của tôi và bắt phải bồi thường về tinh thần và vật chất. Nếu
chứng minh được cái đó người dân có quyền kiện.”
Ngoài ra Luật sư Nguyễn Văn Hậu
còn cho rằng người dân Việt gần đây hiểu biết rõ thêm về pháp luật và mạnh dạn
hơn trong việc tạo dựng nhà nước pháp quyền, dám khởi kiện những cơ quan nhà nước
xâm phạm quyền và lợi ích cá nhân người dân.
Tuy nhiên trong thực tế, không phải
ai cũng dám đưa đơn khởi kiện. Bạn Duyên bày tỏ quan ngại:
“Ở Việt Nam mà kiện thì rất tốn
kém, mà mình không có quyền thế, thực sự kiện lên thì mình chẳng được gì cả. Nếu
mọi người cùng kiện thì sẽ quy ra tội phản động cho nên mọi người cảm thấy phiền
phức, chứ vẫn biết nhà mạng làm sai nhưng mà chắc chắn nhà mạng có nhiều mối
quan hệ hơn mình.”
Trao đổi với truyền thông trong
nước, Bộ Truyền thông – Thông tin cho biết có biết về việc nhà mạng sử dụng
thông tin khách có sẵn để đăng ký cho sim khác, tuy nhiên Bộ vẫn chưa nghĩ ra
được cách giải quyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét