Trong thời gian một vài năm qua, những diễn biến về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam đã được hệ thống truyền thông độc lập, chủ yếu là mạng xã hội facebook thông tin kịp thời và đầy đủ tới người dân. Nổi bật trong dòng chảy thời sự là tình hình kinh tế, và công cuộc chống tham nhũng mà đảng cộng sản phát động và thực thi. Để đi vào tìm hiểu bức tranh toàn cảnh của chế độ, có thể lấy các thông tin điển hình về từng lĩnh vực để phân tích và nhận định. Về lĩnh vực kinh tế, trong cả hai năm 2017, 2018 đều có thông tin về việc nhà nước vay tiền để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc. Năm 2017, chính phủ đã vay 342.060 tỷ đồng (tương đương hơn 15 tỷ đô la), trả nợ khoảng 6,4 tỷ đô la. Năm 2018, số tiền phê duyệt vay là 384.000 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ đô la), trả nợ gốc là 6,5 tỷ đô la. Về chính trị, việc chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt, một loạt các quan chức bị bắt và truy tố, đặc biệt có một ủy viên bộ chính trị, và một số tướng lĩnh ngành công an. Hiện tại, vẫn còn nhiều điểm nóng liên quan tới các quan chức cao cấp của chế độ như vụ AVG, vụ Đà Nẵng, vụ Sài Gòn… Đối với lĩnh vực xã hội, chúng ta chọn sự kiện xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức sau một năm mừng chiến thắng tạm thời trong việc giữ đất. Ngoài ra, hình ảnh cán bộ, công nhân viên báo Công an Nhân dân căng biểu ngữ công khai đòi nhà chung cư khi đã đóng góp đầy đủ mà 8 năm qua vẫn chưa được nhận nhà, trong khi kế hoạch dự kiến chỉ là 2 năm. Vấn đề đối ngoại, không còn sự kiện nào lớn và quan trọng bằng vụ nước Đức đang xét xử nghi can Nguyễn Hải Long, tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về, phục vụ cho việc chống tham nhũng.
Chỉ cần lướt qua những sự kiện tiêu biểu cho từng lĩnh vực, cùng với hiểu biết về nguyên nhân các sự kiện, chúng ta đã thấy hiện lên bức tranh toàn cảnh của chế độ. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bức tranh hoàng hôn của chế độ. Nguyên nhân sâu xa là sự cạn kiệt nguồn lực, cùng với sự phá sản của mô hình độc tài toàn trị mà đảng cộng sản đã áp đặt lên đất nước hơn 70 năm qua. Chúng ta đi vào phân tích từng lĩnh vực để nhận thức rõ hơn về xu thế sụp đổ không thể cưỡng lại được của chế độ.
1/ Về Kinh tế
Nhìn vào thông tin vay nợ của chính phủ trong hai năm qua, có thể thấy hai điều. Thứ nhất, bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc. Điều này chứng tỏ việc thu không đủ bù chi, nền kinh tế mà nhà nước quản lý làm ra giá trị không đủ cho chí phí duy trì hệ thống. Thứ hai, tiền vay và trả nợ năm sau cao hơn năm trước.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, với một nền kinh tế có thu nhập vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song hiện nay Việt Nam đã thu thuế lên đến 32% GDP, tức là cao hơn nhiều so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, tỷ lệ đóng thuế phí của người Việt Nam vào ngân sách hàng năm là 21%, cao hơn Thái Lan là 16%, Philippines là 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaysia 14%.
Tổng hợp những thông tin nêu trên, chúng ta có nhận xét, mặc dù đã tận thu đối với các khoản thuế phí, mức thu của nền kinh tế cũng không đủ chi trả cho toàn hệ thống, và vẫn phải đi vay nợ. Hiện trạng của nền kinh tế là vay để trả nợ trong khi giá trị làm ra không đủ chi trả. Nguyên nhân của tình trạng này và xu thế của nền kinh tế có thể do những nguyên nhân sau đây chi phối.
- Động lực của nền kinh tế không còn. Động lực của các doanh nghiệp, của các hoạt động kinh tế chính là lợi nhuận. Vì một loạt những bất cập của nền kinh tế chưa phải thị trường, cộng với sự can thiệp của nhà nước mà việc một doanh nghiệp tạo ra được lợi nhuận quá khó khăn. Một doanh nghiệp muốn có lợi nhuận trong môi trường hiện nay ở Việt Nam, cần tạo ra được một sản phẩm, và bán sản phẩm đó với giá gấp 4, gấp 5 lần giá thành. Đây là điều hiếm có doanh nghiệp nào làm nổi. Động lực không còn thì các hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế chỉ còn là sự cầm chừng, cố gắng để duy trì sự tồn tại.
- Công cuộc chống tham nhũng quyết liệt vừa qua có thể tạo ra được hiệu ứng nào đó về mặt xã hội, nhưng đối với sự vận hành của nền kinh tế lại rất tai hại. Lý do là, các quan chức khiếp sợ, không dám và giảm bớt nhận hối lộ. Nhưng do sự vận hành trước đó của nền kinh tế, những khoản hối lộ là sự bôi trơn của guồng máy kinh tế. Nay khoản bôi trơn dừng lại, hoặc giảm bớt thì sự vận hành vì vậy cũng ngưng trệ theo. Các doanh nghiệp khi chưa đưa được các khoản hối lộ (như trước đây) cũng không dám triển khai, hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình. Nói như vậy không phải phê phán việc chống tham nhũng, mà vấn đề là chống tham nhũng phải đúng cách, phải triệt tiêu cơ chế đẻ ra tham nhũng thì nền kinh tế mới hoạt động bình thường được.
- Xu hướng của nền kinh tế hoàn toàn không sáng sủa khi các hiệp định thương mại đã thay đổi nội dung hoặc dừng lại. Về bản chất, các hiệp định thương mại là sự ưu ái lẫn nhau giữa các quốc gia ký kết về vấn đề thương mại và giao thương kinh tế. Đối với nền kinh tế Việt Nam trong tình trạng nước đang phát triển thường được ưu đãi hơn, thậm chí có các khoản viện trợ kèm theo. Nhưng hai hiệp định thương mại quan trọng nhất, đó là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị thay đổi nội dung do Mỹ không tham gia nên không còn nhiều ý nghĩa. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang bị đình trệ do nhà cầm quyền đàn áp giới bất đồng chính kiến và sai lầm trong đối ngoại. Như vậy, xu hướng tiếp tục ảm đạm của nền kinh tế là một sự hiện hữu.
2/ Về Chính trị
Chính trị có hai vấn đề quan trọng, nhưng cả hai đều không có giải pháp để giải quyết triệt để và rốt ráo.
- Sự bế tắc về đường lối. Đến thời điểm này, khi mà các công cuộc đổi mới, các đợt cải cách nửa vời đã hết đà, hết tác dụng thì yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nền kinh tế, cho toàn xã hội là một cuộc cải cách triệt để, thật sự. Nhưng đảng cộng sản vẫn khăng khăng bám giữ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bám giữ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bất chấp thực tế tan hoang của nền kinh tế, bất chấp số nợ gấp 3 lần GDP không cách gì trả nổi. Khi mà toàn xã hội, từ người lao động, các doanh nghiệp, nhà quản lý đều nhận thức được việc vận hành nền kinh tế theo phương thức cũ là đưa tới thảm họa, sụp đổ nhưng đảng cộng sản và nhà cầm quyền vẫn không có ý định gì để thay đổi trạng thái dẫn tới việc toàn xã hội bế tắc, ngưng trệ. Sự ngưng trệ và bế tắc đang được dồn nén và đến một lúc nào đó sẽ nổ tung.
- Công cuộc chống tham nhũng với cách làm như hiện nay dẫn tới sự hoang mang và hỗn loạn. Công cuộc chống tham nhũng do đảng cộng sản phát động và thực hiện đến nay đã khẳng định được đó là việc làm nghiêm túc thật sự với nhiều quan chức cấp cao bị truy tố. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng không đề cập và không đi cùng với việc giải quyết cơ chế tạo ra tham nhũng nên tất yếu dẫn tới hai hệ lụy sau…
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét