Chatham House & Đại học Cambridge
Cuộc họp đầy kịch tính giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng nhiệm Bắc Hàn, Chủ tịch Kim Jong-un, đại diện cho một bước đột phá lịch sử rõ ràng, ít ra là về hình ảnh của hòa giải song phương và tinh thần phấn chấn nó mang lại cho người dân Hàn Quốc.
Các thỏa thuận được tuyên bố tại cuộc họp - Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Phồn vinh và Thống nhất của Bán đảo Triều Tiên, liệu có đưa ra được sự kết hợp hoàn hảo giữa các biện pháp để thúc đẩy hai miền và cộng đồng quốc tế tiến tới hòa bình lâu dài vẫn là một câu hỏi ngỏ. Không thể đánh giá thấp tác động mang tính biểu tượng khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn đặt chân lên đất Nam Hàn lần đầu tiên.
Quyết định táo bạo của ông Kim, tự tin bước sang lãnh thổ được coi là thù địch, cho thấy sự tự tin của nhà lãnh đạo trẻ, cũng như cảm nhận sắc bén về sân khấu chính trị và cách chọn thời điểm hết sức khôn khéo.
Cử chỉ thông minh, dường như là không sắp đặt trước mà ông Kim có trước ông Moon khi ông 'đáp lễ' việc bước chân sang Nam Hàn bằng cách mời ông Moon bước lại sang đất Bắc Hàn là một cách đầy cảm hứng để khẳng định quyền bình đẳng giữa hai nước và hai nhà lãnh đạo.
Cử chỉ này, bằng cách làm mờ ranh giới giữa hai nước, cũng ám chỉ mục tiêu thống nhất mà cả Seoul và Pyongyang từ lâu đã mong hiện thực hóa.
Thời gian còn lại ngày hôm đó đầy những sự việc diễn ra lần đầu tiên và là một chuỗi những hình ảnh được dàn dựng một cách thông minh khi hai nhà lãnh đạo nói chuyện không chính thức và thân mật ngoài trời - chủ ý vẽ nên một câu chuyện mới đầy sức mạnh về hai miền triều Tiên làm chủ vận mệnh của chính mình.
Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ và cái hôm hôn thắm thiết càng nhấn mạnh thông điệp người Triều Tiên đang quyết định tương lai của họ, trong quá trình đó họ bỏ qua ký ức trong quá khứ về một bán đảo thường xuyên bị thống trị bởi lợi ích của các thế lực bên ngoài, cho dù đó là Trung Quốc, Nhật Bản, hay gần đây hơn, trong Chiến tranh Lạnh, là Mỹ và Liên Xô cũ.
Khoảnh khắc Kim Jong-un bước chân qua biên giới Nam Hàn
Các thông cáo chung của hai nhà lãnh đạo với truyền thông quốc tế là một khoảnh khắc hoàn hảo khác để ông Kim thách thức lại những định kiến của thế giới.
Một người bi quan có thể coi đây vừa là một thắng lợi tuyên truyền cho ông Kim, vừa là nỗ lực để khóa lại những tiến bộ về hạt nhân và tên lửa mà Bắc Hàn đã đạt được bằng cách kêu gọi "giải trừ quân bị... theo giai đoạn" - bằng cách cố ý hạ thấp kỳ vọng có tiến bộ tức thì đồng thời nhấn mạnh cần có đàm phán từng bước.
Tuyên bố chung lặp lại chủ đề của những thỏa thuận trước đây, trong đó có các hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Triều Tiên năm 2000 và 2007, và hiệp ước Hòa giải và Phi hạt nhân hóa song phương hồi năm 1991.
Các kế hoạch thành lập các cơ quan liên lạc, các cuộc đối thoại quân sự và các biện pháp xây dựng lòng tin chung, hợp tác kinh tế và mở rộng liên hệ giữa công dân hai nước đã được nêu trong các thỏa thuận trước.
Tuy nhiên, tuyên bố hôm thứ Sáu tuần trước có những đề xuất cụ thể hơn, chẳng hạn, với việc hai nước cam kết "ngừng mọi hành động thù địch lẫn nhau trên mọi địa bàn, gồm đường bộ, đường thủy và hàng không..." và đưa ra hàng loạt thời điểm quan trọng để hai bên sớm thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.
Các đề xuất này gồm tạm ngưng "mọi hành động thù địch" gần vùng phi quân sự hóa trước ngày 1/5, bắt đầu đàm phán quân sự song phương vào tháng Năm, hai bên cùng tham gia vào Thế vận hội Châu Á 2018, tái lập chương trình đoàn tụ gia đình trước ngày 15/8, và, có lẽ quan trọng nhất, chuyến đi thăm Bắc Hàn của Tổng thống Moon vào mùa thu năm nay.
Cam kết thực hiện các bước đi sớm, cho dù nhỏ, hướng về hòa bình, dường như có động lực từ mong muốn tạo đà và tạo cảm giác cấp bách không thể đảo ngược của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuyên bố cũng kêu gọi các cuộc đàm phán hiệp định hòa bình tương lai với sự tham gia của cả hai nước Triều Tiên, cùng với một hoặc cả hai quốc gia Trung Quốc và Mỹ.
Logic đằng sau việc buộc các bên nước ngoài phải theo một thời gian biểu cụ thể - nhưng tiếp tục thay đổi - về các vấn đề lớn là điều này sẽ làm giảm rủi ro có xung đột ở bán đảo - điều mà cả hai miền Triều Tiên đều muốn tránh và điều mà họ luôn có lý do để lo sợ sau những lời nói hiếu chiến của một ông Donald Trump đầy "lửa và giận dữ".
Tìm cách kéo dài thời gian là một sự lựa chọn khôn khéo, nhất là vì Tổng thống Moon đang ở năm đầu trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông. Đây là điều tương phản lớn so với các hội nghị thượng đỉnh những năm 2000 và 2007, khi các vị lãnh đạo lúc đó của Triều Tiên, ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, đã nắm quyền khá lâu trong nhiệm kỳ tổng thống của họ.
Ông Moon có thể tin tưởng vào các cuộc gặp lặp lại với ông Kim, và hai người dường như thực sự mong muốn duy trì đối thoại và có tiến bộ trong một loạt các sáng kiến trên nhiều lĩnh vực đã đưa ra trong bản tuyên bố chung.
Thông cáo của riêng ông Kim tại hội nghị cũng là một tiếng nói ủng hộ chính trị về danh tính của Triều Tiên, nhất là khi ta xét đến việc ông nhấn mạnh vào "một dân tộc, một ngôn ngữ, một dòng máu", và việc ông liên tục chối bỏ các cuộc xung đột trong tương lai giữa hai miền - hai chủ đề sẽ được hoan nghênh bởi người dân Hàn Quốc, những người vốn thông cảm với chủ nghĩa dân tộc mang tính tự tin mà không ồn ào.
Dù có nhấn mạnh rằng hai miền Triều Tiên sẽ quyết định tương lai chung của mình, không thể không thấy vai trò quan trọng mang tính quyết định của Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim đang rất được trông đợi vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 sẽ là chủ chốt để thử mức độ chân thành trong cam kết cho một giải pháp hòa bình của Bắc Hàn.
Cam kết công khai về "phi hạt nhân hóa" của Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ rất khác với yêu cầu giải trừ hạt nhân "tổng quát, được thẩm định và không đảo ngược được" của Washington.
Cuộc gặp Trump - Kim không những sẽ là cách đo được khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề này mà còn là một dịp quan trọng để biết Mỹ đã phát triển chiến lược riêng của họ để thu hẹp khoảng cách với Bắc Hàn đến đâu.
Tổng thống Moon đã khôn khéo và liên tục cho ông Trump nhận công cho những bước đột phá trong quan hệ liên Triều. Ông Moon nhận ra rằng có lẽ ve vãn cái tôi của vị tổng thống Mỹ là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ chiến tranh và giữ ông Trump đối thoại với Bắc Hàn.
Cho dù kết quả dài hạn thực chất của thượng đỉnh Bàn Môn Điếm là gì, sự kiện này đã cho thấy độ sắc sảo về chính trị, nhạy bén về ngoại giao và tầm nhìn chiến lược của cả hai vị lãnh tụ Triều Tiên.
Các diễn biến đầy kịch tính hôm thứ Sáu vừa rồi một lần nữa nhắc nhở rằng tính cách và khả năng lãnh đạo là hai yếu tố chủ đạo để làm nên thay đổi lịch sử, đôi khi cho phép những quốc gia tương đối nhỏ có thể theo đuổi lợi ích của mình cho dù có lợi ích cạch trach của các quốc gia lớn hơn, nhiều ảnh hưởng hơn.
TS John Nilsson-Wright - Nhà nghiên cứu cao cấp cho Chương trình Bắc Á, Châu Á - Thái Bình Dương, Chatham House. Giảng viên cao cấp về Chính trị và Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, Đại học Cambridge
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét