TT Hoa Kỳ Donald Trump, phải, bắt tay với các giới chức Việt Nam, bên cạnh
người đồng cấp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội, Việt
Nam ngày 21/11/2017. (Luong Thai Linh/Pool Photo via AP)
Những nghi vấn về tương lai chính trị của Chủ tịch nước Việt
Nam lại rộ lên trên các trang mạng xã hội sau lần vắng mặt kéo dài thứ nhì của
ông trong trên dưới 9 tháng. Trong khi sự vắng mặt của ông Trần Đại Quang không
được giải thích đầy đủ và minh bạch, có tin ông đang ở Nhật Bản để chữa bệnh.
Nhiều bài báo trên các trang mạng xã hội thậm chí nói rằng sự nghiệp chính trị
của Chủ tịch Trần Đại Quang coi như đã được định đoạt, và việc ông sang Nhật chữa
bệnh chỉ là một sự ‘dàn xếp’ trước những thay đổi nhân sự sẽ được công bố tại Hội
nghị Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, dự kiến diễn ra vào tháng
5 năm 2018. Lần này, một số nhà quan sát nhận định những đồn đoán rằng ông
Quang có thể bị loại, hoặc rút lui khỏi chính trường là ‘có cơ sở’ và bình luận
về một số nhân vật có tiềm năng thay thế ông, trong số đó có ông Nguyễn Thiện
Nhân, ủy viên Bộ Chính trị và hiện là Bí thư Thành ủy thành phố HCM, ông Nguyễn
Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một kịch bản khác là Tổng
Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch nước. Từ Paris, nhà báo độc
lập Bùi Tín trao đổi với VOA-Việt ngữ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang không xuất hiện trước công
chúng từ ngày 4/4 năm nay, khiến các trang mạng xã hội nóng lên với những tin đồn
về sự vắng mặt ‘bất thường’ của ông. Dư luận chú ý tới sự vắng mặt của ông tại
các hoạt động và nghi lễ ngoại giao thường có mặt của Chủ tịch nước. Họ lưu ý rằng
ngay cả hình ảnh của ông cũng không thấy xuất hiện trên báo chí hay các phương
tiện truyền thông khác.
Nhiều dấu hỏi đã được nêu lên về tình trạng sức khỏe và thậm
chí, tương lai chính trị của ông. Đây không phải là lần đầu ông Trần Đại Quang
trở thành tâm điểm của sự chú ý vì đã vắng bóng trên chính trường một cách bất
thường. Hồi năm ngoái, sự vắng mặt ‘bí ẩn’ của ông trong một tháng - từ tháng 7
năm 2017- dẫn đến những tin đồn về một cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ lãnh đạo
hàng đầu Việt Nam, gây sự chú ý của báo chí quốc tế. Một nguồn tin từ Nhật bản
lúc đó cho biết ông Trần Đại Quang được điều trị y tế tại nước này. Lần này những
thông tin tương tự cũng lan truyền trên các trang mạng xã hội khi người ta
không thấy ông Quang tới dự một số sự kiện quan trọng, chẳng hạn như không gặp
bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Chính phủ và là nhà lãnh đạo ‘trên thực tế’ của
Myanmar, tới thăm chính thức Hà nội trong 2 ngày 19-20/4, khi bà gặp tất cả các
lãnh đạo cao cấp nhất, ngoại trừ Chủ tịch nước.
Nhà báo Bùi Tín từ Paris nói về những tin đồn liên quan tới
Chủ tịch Trần Đại Quang:
“Người ta đồn đoán vì có thể là ông Nguyễn Phú Trọng muốn
thay đổi người ở cái chức vụ Chủ tịch nước, hạ ông Quang xuống thay người
khác.”
Trong bài viết tải lên trang mạng nghiencuuquocte.org về khả
năng thay đổi nhân sự đáng kể tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng
Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Yusof Ishak ở Singapore, nói có
nhiều khả năng vị trí của ông Quang sẽ được thay thế “do vấn đề sức khỏe”.
Ông Bùi Tín nói ông cũng có được nghe tin đồn rằng ông Trần
Đại Quang đang ốm nặng:
“Ba tháng nay ông ấy ốm, có tin nói ông ấy ốm nặng và phải
sang Nhật Bản để điều trị, nghe nói là bị bệnh ung thư. Nhưng mà có thể đây là
một cách sắp xếp bố trí của ông Nguyễn Phú Trọng để đưa dần, dưa dần ông Quang
ra, và có thể còn thay 3, 4 ủy viên Bộ Chính trị nữa.”
Ba ủy viên mới là để thay thế các ủy viên đang đối mặt với vấn
đề sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm, trong đó
ngoài Chủ tịch Trần Đại Quang, có ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư,
nhân vật số 5 của chế độ bị ngừng công tác vì sức khỏe kém, và ông Đinh La
Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bị loại khỏi Bộ Chính trị vào
tháng 5/2017 do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế.
Tư liệu: Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) đến thăm ông Nguyễn Tấn
Dũng (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)
Như Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhà
báo Bùi Tín tin rằng ông Nguyễn Thiện Nhân là nhân vật có thể được chọn để thay
thế ông Trần Đại Quang trong vai trò chủ tịch nước. Ông Bùi Tín nêu lý do vì
sao dưới con mắt ông Nguyễn Phú Trọng, ông Thiện Nhân là ứng viên sáng giá cho
chức vụ này:
“Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là vì ông
Nhân nổi tiếng là con người rất là ‘hiền lành, có thể nói là mềm yếu, người ít
có ý kiến độc lập, chuyên môn nghe theo lãnh đạo.”
Hai ứng viên khác được nhắc đến như những ứng viên có tiềm
năng là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- hiện là Trưởng
ban Kinh tế Trung ương, và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng tin rằng sẽ có 3 thành viên mới được
đưa vào Bộ Chính trị. Trong số 5 ứng viên mà ông cho là có triển vọng nhất, có
ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và ông Phan Đình Trạc, Trưởng
Ban Nội chính.
Nhà báo Bùi Tín nói ông không tin là cựu Thống Đốc Ngân hàng
Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ được chọn bởi vì ông Bình có liên can trong một số
vụ tai tiếng trong ngành ngân hàng, trong khi bà Ngọc Thịnh, theo ông, chưa có
đủ mức tín nhiệm cần thiết.
“Người ta đồn về ông Nguyễn Văn Bình là vì ông Bình mới đây
đã được cử sang Bắc Kinh, đây là một vị trí hiếm hoi, nhưng đây chỉ là giả thuyết
thôi. Về bà Ngọc Thịnh thì tôi nghĩ là chưa đến đủ mức tín nhiệm về chuyên môn
để có thể tham gia Bộ Chính trị.”
Nhà báo Bùi Tín nói loại trừ Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi
song song với chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng, mà mục đích, theo
nhà báo, là để trừ khử ‘một cách chọn lọc’ các đối thủ chính trị và phe cánh của
họ.
“Vâng ý muốn của ông Trọng là đốt lò lên, không phải là để
trừ khử mọi sâu bọ đâu, mà đây chỉ là cái cớ để mà diệt, nhưng mà diệt ‘có chọn
lọc’ những đối thủ của ông. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để đấu tranh trong nội
bộ để giành lấy quyền lợi và vị trí cho phe phái riêng của mình.”
Hầu như đã rõ ràng ông Trần Đại Quang là một đối thủ sắp bị
loại. Lần gần đây nhất mà các báo nhà nước đưa tin về ông là ngày 2 Tháng Tư,
khi ông Quang tiếp đón Thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mông Cổ Amarjargal
Gansukh tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội.
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch đốt lò “có chọn lọc”
của ông Nguyễn Phú Trọng, hiện đang nhắm vào hai thành phố lớn là Đà Nẵng và
thành phố HCM, đang gây nhiều hoang mang trong nội bộ và có nguy cơ tác động tới
tinh thần đảng viên. Một loạt vụ bắt giữ và truy tố những nhân vật từng làm mưa
làm gió trên chính trường và thương trường Việt Nam, chưa kể tới nhiều tướng
công an từng được vinh danh “anh hùng lực lượng vũ trang”, hé lộ một bức tranh
u ám về cuộc đấu đá quyền lực vẫn đang tiếp diễn, kịch liệt, đàng sau chiến dịch
đốt lò.
Theo nhà báo Bùi Tín và các tác giả của nhiều bài viết dồn dập
tải lên các trang mạng xã hội trong vài ngày qua, thì chiến dịch đốt lò sẽ tiếp
tục và sẽ còn nhiều màn ngoạn mục trong việc sắp xếp nhân sự trong thời gian dẫn
tới Hội nghị Trung ương 7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét