Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1948, Hoa Kỳ và 20 quốc gia Mỹ Latinh đã ký điều lệ thành lập Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Organization of American States – OAS). Tổ chức mới này được thiết kế để thúc đẩy quan hệ chính trị giữa các quốc gia thành viên và, ít nhất là đối với Hoa Kỳ, phục vụ như một thành lũy ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa cộng sản ở Tây bán cầu.
OAS được thành lập chỉ một năm sau khi Hiệp ước Rio được ký kết. Hiệp ước Rio thiết lập một liên minh quân sự phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Mỹ Latinh. Tuy nhiên, các nước cộng hòa Mỹ Latinh muốn thứ gì đó quan trọng hơn là chỉ một liên minh quân sự. Để đáp ứng nhu cầu của Mỹ Latinh về một hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận về các mối quan hệ kinh tế và chính trị với Hoa Kỳ, phái đoàn Hoa Kỳ đã bay tới dự một Hội nghị liên Mỹ tại Bogota, Colombia vào tháng 4 năm 1948.
Bên cạnh những mong muốn khác, các đại diện Mỹ Latinh muốn có một tổ chức chính trị nhằm đối phó với các tranh chấp nội bộ. Yêu cầu này có cơ sở là sự e ngại rằng Hoa Kỳ, với ý định về cuộc thập tự chinh chống cộng của mình, có thể sẽ tham gia vào các biện pháp can thiệp đơn phương nhằm chống lại các chính phủ Mỹ Latinh bị nghi ngờ. Hoa Kỳ miễn cưỡng đồng ý với việc thành lập OAS, nhưng nhấn mạnh rằng điều lệ tổ chức phải bao gồm một tuyên bố nêu rõ “chủ nghĩa cộng sản quốc tế hay bất kỳ hình thức chủ nghĩa toàn trị nào” cũng đều “không tương thích với truyền thống của các nước châu Mỹ”. Đối với các đại diện Mỹ Latinh, điều khoản chủ chốt trong điều lệ OAS là “Không một quốc gia hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, dù trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì, vào các vấn đề đối nội hoặc đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác.”
OAS chưa bao giờ thực sự hoạt động theo cách mà Hoa Kỳ hay các nước thành viên Mỹ Latinh đã hy vọng. Đối với Hoa Kỳ, OAS tỏ ra là một sự thất vọng vì các nước thành viên khác dường như không chia sẻ sự nhiệt thành Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ. Trong một số trường hợp – đáng chú ý nhất là Cuba của Castro – OAS từ chối đưa ra hành động trực tiếp nhằm loại bỏ điều mà Hoa Kỳ cảm thấy là “các mối đe dọa cộng sản”. Trong các trường hợp khác, chẳng hạn như khi Hoa Kỳ thực hiện biện pháp can thiệp vào Cộng hòa Dominica vào năm 1965, OAS chỉ thể hiện sự ủng hộ miễn cưỡng sau khi sự đã rồi.
Về phần mình, các nước thành viên Mỹ Latinh cũng phải thất vọng với OAS. Vụ lật đổ chính quyền Guatemala do Hoa Kỳ dàn dựng vào năm 1954, cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn thất bại tại Cuba năm 1961, sự can thiệp vào Cộng hòa Dominica năm 1965, và các ví dụ khác về việc đơn phương sử dụng vũ lực của Hoa Kỳ, cho thấy rằng Hoa Kỳ đã không từ bỏ chính sách “ngoại giao pháo hạm” của mình tại Mỹ Latinh.
Ngày nay, OAS vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù việc Chiến tranh Lạnh kết thúc đã làm giảm đáng kể tầm quan trọng của nó trong các vấn đề liên bán cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét