Hiệu đính: Nguyễn Huy
Hoàng
Đây có vẻ là điều thích hợp cho một quốc gia vẫn luôn tôn kính lịch sử của mình và đang mắc kẹt trong quá khứ: kể từ ngày hôm nay (15 tháng 8/2015), mọi người dân Triều Tiên sẽ đi ngược thời gian khi chỉnh đồng hồ sớm hơn nửa giờ. Vương quốc bí ẩn này đã có hệ thống lịch riêng với số năm tính từ 1912, năm sinh của người sáng lập và là “chủ tịch vĩnh cửu” Kim Il Sung [Kim Nhật Thành]. Sự thay đổi trong tuần này cũng đồng nghĩa với việc đất nước này sẽ có một múi giờ riêng, giờ Bình Nhưỡng. Vậy tại sao Triều Tiên lại đổi múi giờ?
Chuyện “du hành thời gian” như vậy là ví dụ mới nhất cho truyền thống lịch sử lâu đời của giới cai trị muốn thể hiện quyền lực chính trị của mình bằng cách điều chỉnh đồng hồ và lịch. Làm như vậy là đảo lộn 180 độ một khía cạnh cơ bản của cuộc sống hàng ngày. Điều gì có thể minh họa sức mạnh của một nhà lãnh đạo tốt hơn việc tự mình kiểm soát thời gian cơ chứ?
Cũng phải thừa nhận rằng không phải sự thay đổi nào như vậy cũng trụ được trước thử thách của thời gian: Cuộc cách mạng Pháp, muốn nhấn mạnh sự đoạn tuyệt với quá khứ quân chủ, đã không thể giữ được bộ lịch hoàn toàn mới và hệ thống đếm thời gian 10 giờ một ngày của mình sau khi áp dụng chúng năm 1793. Những thử nghiệm một tuần gồm năm và sáu ngày của Liên Xô trong những năm 1930 cũng đã thất bại.
Thế nhưng sự thay đổi nào tồn tại được sẽ giúp các nhà lãnh đạo quá cố được tưởng nhớ nhiều hơn bất cứ tượng đài nào. Tháng 7 (July) được đặt tên theo Julius Caesar năm 45 CN [Julius sinh đầu tháng 7], và tháng 8 (August) được đổi tên theo Augustus Caesar [Augustus mất cuối tháng 8]. Họ và đế chế của họ phai tàn đã lâu, nhưng hai nhân vật La Mã nổi tiếng vẫn sống mãi trong bộ lịch phương Tây.
Trong thời hiện đại, kiểm soát thời gian là một cách để nhấn mạnh sức mạnh của chính quyền trung ương: cả Trung Quốc và Ấn Độ, bất chấp kích thước rộng lớn của đất nước, đều dùng một múi giờ duy nhất cho toàn quốc để giữ mọi người bắt nhịp cùng thủ đô. Nó cũng cho giới lãnh đạo cơ hội nhấn mạnh nền độc lập và thể chế riêng biệt của đất nước.
Hugo Chávez chỉnh đồng hồ sớm hơn nửa giờ vào năm 2007 để đưa Venezuela vào múi giờ riêng – được cho là để “phân phối ánh nắng một cách công bằng hơn cho người dân,” nhưng cũng để đảm bảo rằng đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa này không đội múi giờ chung với Mỹ. Có lẽ trường hợp kỳ quặc nhất là của Turkmenistan dưới thời Tổng thống Saparmurat Niyazov, người đã đổi tên tất cả các tháng và hầu hết các ngày trong tuần vào năm 2002, thậm chí còn đổi tên tháng 4 theo tên mẹ ông.
Còn Triều Tiên thì đang vặn ngược múi giờ để đảo ngược việc “đế quốc Nhật Bản ác ôn” đã áp đặt múi giờ Tokyo lên bán đảo Triều Tiên năm 1912. Hàn Quốc từng làm vậy vào năm 1954, nhưng rồi đổi lại múi giờ Nhật Bản vào năm 1961. Vì thế, múi giờ mới của Triều Tiên cũng đang mở rộng sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên sang cả lĩnh vực thời gian lẫn không gian.
Về lý thuyết, công nghệ hiện đại đem đến lối thoát khỏi sự chuyên chế về thời gian bằng cách cho phép người dùng sử dụng bất cứ hệ thống nào họ muốn. Điện thoại thông minh và máy tính có thể chuyển đổi dễ dàng giữa các hệ thống lịch và múi giờ, cho phép người dùng sử dụng bất cứ múi giờ nào họ thích.
Tuy nhiên, trên thực tế, múi giờ và lịch không chỉ là một cách độc đoán để kiểm soát thời gian. Chúng không chỉ đơn thuần là cách xác định một khoảnh khắc hoặc giai đoạn cụ thể; mà còn chỉ thị và phối hợp các hoạt động trong toàn xã hội, đặc biệt là bằng cách xác định ngày nào là ngày làm việc và ngày nào là ngày lễ quốc gia. Chúng phải nhất quán trong một quốc gia và trong một số trường hợp là giữa các quốc gia với nhau: cứ hỏi Ả Rập Xê-út mà xem, năm 2013 họ phải chuyển cuối tuần từ thứ 5/thứ 6 sang thứ 6/ thứ 7 cho trùng với các quốc gia Ả Rập khác.
Nhu cầu cho sự phối hợp như vậy cũng đồng nghĩa với việc không có cách nào tránh được sự kiểm soát tập trung về thời gian và lịch – điều này giải thích tại sao xu hướng sửa đổi chúng vì những mục đích chính trị là vô tận./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét