ISIS đẩy Nhật Bản vào thế giới mới
Ngô Nhân Dụng
Lúc đầu, khi hai người Nhật bị quân khủng bố ISIS dọa giết,
dân chúng Nhật Bản không mấy quan tâm. Haruna Yukawa, 42 tuổi, là một tay muốn
phiêu lưu tìm cơ hội. Kenji Goto, 47, một ký giả chuyên đi săn tin chiến trường,
đã bay qua Syria để tìm cách cứu bạn. Họ đi với tư cách riêng, không do một cơ
quan chính phủ nào hay một tờ báo nào gửi đi. Người Nhật không thích những hành
động riêng tư làm phiền đến tất cả tập thể. Năm 2004, chính phủ Nhật phải vận động,
điều đình bao nhiêu ngày mới cứu được ba thanh niên đi làm việc thiện nguyện bị
bắt cóc tại Iraq. Lúc về nước họ bị nhiều người lên đài lên báo chỉ trích, coi
họ là ích kỷ. Vì áp lực dư luận, chính phủ đòi gia đình họ bồi hoàn tiền máy
bay, hơn sáu ngàn đô la mỗi người.
Cho nên năm nay lúc đầu dư luận Nhật cũng không mấy cảm tình
với hai con tin bị ISIS bắt đòi tiền chuộc, cho tới khi Haruna Yukawa bị chặt đầu
và bà mẹ và người vợ của Kenji Goto lên tiếng kêu cứu. Nhiều người đã biểu tình
gần tư gia Thủ Tướng Shinzo Abe. Chủ Nhật vừa qua, Goto cũng chịu chung số phận,
hai đoạn phim video được ISIS đưa lên mạng.
Hai vụ hành hình này đánh thức cả nước Nhật Bản. Chính phủ của
họ hoàn toàn bất lực trong khi hai công dân bị bắt cóc ở nước ngoài, bị đe dọa
rồi bị cướp chặt đầu, công khai trước mắt cả thế giới.
Hành động của đạo quân ISIS nhắm thẳng vào chính phủ Nhật. Họ
chỉ lên tiếng đòi Nhật Bản tiền chuộc 200 triệu Mỹ kim cho hai công dân Nhật
sau khi ông Shinzo Abe thăm Ai Cập và Israel, tuyên bố viện trợ 200 triệu cho
các nước đang hợp tác với Mỹ chống ISIS ở Iraq và Syria.
Từ năm 1977, chính phủ Nhật không bao giờ trả tiền chuộc để
cứu các con tin; đó cũng là chính sách chung của các nước lớn. Năm nay họ nhờ
chính phủ Jordan đứng trung gian điều đình, nhưng chính phủ Jordan cũng hợp tác
với Mỹ thả bom đánh ISIS. Sau khi giết Yukawa, ISIS không đòi 200 triệu nữa, mà
đòi trả tự do cho cô al-Rishawai, một cán bộ của họ bị Jordan lên án tử hình, đổi
lấy Goto. Thất bại, ISIS đã giết Muath al-Kasaesbeh, một phi công Jordan bị bắt
khi máy bay bị bắn rớt tại Syria. ISIS đưa hình ảnh al-Kasaesbeh bị thiêu sống
lên mạng, hãi hùng hơn cảnh giết hai người Nhật. Ngày hôm sau, Jordan đã đem cô
al-Rishawai và một cán bộ khác của al-Qaeda ra hành quyết. Chính quyền Shinzo
Abe không thể làm gì trong khi các biến cố trên diễn ra. Và dân chúng Nhật biết
chính phủ họ hoàn toàn bất lực.
Nước Nhật không có đại diện ngoại giao tại Syria. Từ sau khi
thua trận Ðại Chiến Thứ Hai, Hiến Pháp nước Nhật (Ðiều số 9) chỉ lập “quân tự vệ”
không được thành lập quân đội và đưa quân ra nước ngoài. Nhiều người Nhật bắt đầu
thấy tình trạng này bất thường; năm ngoái không ai phản đối khi Thủ Tướng Abe
đưa quân Nhật đi đóng vai bảo vệ hòa bình. Giáo Sư Masanori Naito, chuyên khảo
về Hồi Giáo và vùng Trung Ðông thuộc Ðại Học Doshisha (Ðồng Chí Xã) ở Kyoto nhận
xét rằng, “Có lẽ chính phủ Nhật bắt đầu nghiên cứu việc đưa quân đội giải cứu
các công dân Nhật bị đe dọa ở nước ngoài. Nhật báo lớn Yomiuri cũng đề nghị
chính phủ Abe và các đảng đối lập nên họp nhau thảo luận vấn đề này.”
Có lẽ chính phủ một nước khác cũng không thể làm gì nhiều
hơn trong hoàn cảnh của Thủ Tướng Shinzo Abe. Nhưng ông Abe sẽ lợi dụng cơ hội
này mà thúc đẩy thực hiện một chính sách căn bản của ông vẫn chưa được đa số
dân Nhật ủng hộ, là giải thích bản Hiến Pháp năm 1947 theo lối mới. Trong lúc
dân đang nổi giận vì cảnh hai người Nhật bị thảm sát, ông Abe có thể chinh phục
họ chấp nhận một chủ trương quốc phòng tích cực hơn. Nước Nhật không thể thi
hành bản Hiến Pháp hòa bình theo lối cũ, vừa tạo được khả năng đối phó với những
biến động trên thế giới có ảnh hưởng tới dân Nhật. Vụ hai công dân Nhật bị sát
hại ở Syria có thể làm nhiều người Nhật ủng hộ con đường của ông Abe hơn.
Một chủ đề tranh cử của Shinzo Abe là phục hồi nước Nhật như
một cường quốc, vượt khỏi giới hạn của Ðiều 9 trong Hiến Pháp chỉ cho phép nước
Nhật quyền tự vệ mà không được tham chiến ở ngoài lãnh thổ. Hiệp ước An ninh
Chung ký kết năm 1951 vẫn còn hiệu lực, trong đó chính phủ Mỹ được đóng quân
trên đất Nhật và bảo đảm an ninh cho nước Nhật.
Ðầu năm 2014, chính phủ Abe đã giải thích Ðiều 9 theo lối mới,
bằng chủ thuyết về “quyền tự vệ tập thể” (collective self-defense). Theo họ, nếu
quân đội Mỹ bị đánh thì quân Nhật có quyền tham chiến giúp Mỹ. Một thí dụ cụ thể
là nếu Bắc Hàn phóng hỏa tiễn vào các chiến hạm Mỹ hoặc các căn cứ quân sự Mỹ
trong vùng Thái Bình Dương, chính phủ Nhật có quyền bắn hạ các hỏa tiễn đó dù
chính nước Nhật không bị tấn công (hỏa tiễn Bắc Hàn có khả năng bắn đến đảo
Guam). Theo chính phủ Abe, hành động “tự vệ tập thể” này được Ðiều 9 trong Hiến
Pháp cho phép.
Chủ trương mới của chính phủ Abe đã bị Bộ Ngoại Giao Trung
Quốc phản đối mạnh mẽ, coi đây là mở màn cho việc tái vũ trang nước Nhật và cho
phép quân Nhật tham chiến ở nước ngoài. Chính phủ Mỹ thì hoan nghênh đường lối
mới này, Tổng Thống Obama ca ngợi đó là “một bước quan trọng của nước Nhật để
tìm cách đóng góp và hòa bình và an ninh thế giới cũng như trong khu vực.” Các
nước Ðông Nam Á hoan nghênh quan điểm mới của chính phủ Nhật, nhất là Việt Nam
và Philippines.
Trong khi đó chính phủ Nam Hàn, dù vẫn giữ mối hiềm khích lịch
sử với Nhật Bản từ thời bị chiếm đóng đầu thế kỷ 20, cũng không phản đối lý
thuyết của ông Abe. Vì quan niệm “quyền tự vệ tập thể” sẽ giúp việc phòng thủ
Nam Hàn được bảo đảm hơn. Nếu chính quyền Cộng Sản Bắc Hàn tấn công, Mỹ sẽ phải
đưa quân tới giúp Nam Hàn. Số lượng quân đội và vũ khí sẽ lên cao, gấp hai lần
con số điều động tại Iraq trước đây. Chính phủ Mỹ sẽ bắt buộc phải sử dụng các
căn cứ ở Nhật Bản; đổi lại họ sẽ bảo đảm giúp người Nhật ở Nam Hàn hồi hương.
Bản Hiến Pháp hiện hành của Nhật Bản có thể không cho phép
chính phủ Nhật để quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên đất Nhật. Vì các
cuộc điều động này không nhằm mục đích bảo vệ nước Nhật, nếu Bắc Hàn tuyên bố
không xâm phạm Nhật Bản. Người dân Nhật có quyền kiện chính phủ ra tòa về tội
vi phạm Hiến Pháp, và xin tòa án ra lệnh quân Mỹ không được đặt chân trên đất
Nhật.
Ðối với Nam Hàn, đây là một vấn đề sinh tử. Nếu Bắc Hàn xâm
lăng thì họ có thể huy động tất cả các thuyền đánh cá, biến thành chiến thuyền,
Hải Quân Nam Hàn không đủ sức phòng thủ bờ biển. Nhưng Ðội quân Tự vệ của Nhật
Bản hiện có sẵn rất nhiều chiến thuyền được bố trí ở phía Tây Bắc, trong vùng
biển giữa Nhật với Bắc Hàn và với nước Nga. Nhật có thể đóng góp lớn vào việc
phòng thủ Nam Hàn.
Chính phủ Nhật và Mỹ đều lấy Bắc Hàn làm một thí dụ để giải
thich quan niệm “quyền tự vệ tập thể.” Nhưng ai cũng biết, chính phủ Nhật nghĩ
tới Trung Cộng nhiều hơn. Trung Quốc đã gia tăng sức mạnh quân sự trong hai chục
năm qua, trong khi đó vai trò của nước Mỹ trong vùng Á Ðông bị giảm bớt vì Mỹ
phải lo cho mặt trận Afghanistan và Iraq từ năm 2001. Khi Tổng Thống Obama
tuyên bố chính sách chuyển trục về Châu Á, thì chính quyền Mỹ chú ý đến mối đe
dọa của Trung Cộng trên toàn vùng này chứ không riêng gì nước Nhật.
Vì vậy, kế hoạch quốc phòng của Nhật công khai lấy Trung Quốc
làm đối tượng, lần đầu tiên vào năm 2010, mở đường cho việc duyệt xét lại các
chính sách cũ, để quân đội Nhật có thể đóng một vai trò mạnh mẽ, tích cực hơn,
chú trọng đến cả vùng biển phía Tây của Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật đã xóa
bỏ chính sách cấm xuất cảng vũ khí tự đặt ra năm 1967; đã gửi quan tham gia các
đoàn quân bảo vệ hòa bình; và đang gia tăng sức mạnh hải quân của “Lực lượng Tự
vệ.” Quân đội Nhật Bản đang dự trù sẽ gửi máy bay thám thính xuống tới vùng biển
Ðông của nước ta, để giúp các nước trong vùng. Nhưng chắc chắn một mục tiêu
chính của họ là theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Cộng. Việt Nam khôn
ngoan sẽ phải bắt lấy cơ hội này để tạo thêm vây cánh trước tình trạng xâm lấn
lộ liễu của Trung Cộng trong vùng biển nước ta.
Thủ Tướng Abe sẽ phải đưa ra trước Quốc Hội những dự luật phản
ảnh chủ trương quốc phòng mới. Hiện nay đảng Dân Chủ Tự Do của ông đang chiếm
đa số, ông không lo bị Quốc Hội bác bỏ. Nếu tâm lý dân Nhật chuyển động vì vụ
ISIS sát hại hai con tin, chính phủ Abe có thể sẽ tiến hành thể hiện chủ trương
mới, tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật, như tăng ngân sách chi tiêu về quốc
phòng. Hiện nay chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản chỉ chiếm 2.4% tổng số ngân
sách chính phủ; trong khi ngân sách của Trung Cộng chiếm 8.3% (Mỹ, 10%, 612 tỷ
Mỹ kim và lớn bằng tổng số tám nước đứng sau cộng lại, so với Trung Cộng chi
127 tỷ).
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét