Thị trường xối nước
vào chiến trường của Putin
Hùng Tâm/Người Việt
Trong bài phân tách
cuối năm ngoái (“Chính quyền mới của Thủ Tướng Angela Merkel - Mưu trí của nước
Ðức giữa Ba Lan và Liên Bang Nga”) Hồ Sơ Người Việt giới thiệu nội các mới của
thủ tướng Ðức như sau: “Sau 12 tuần, Thủ Tướng Angela Merkel đã lập được một chính
phủ “đại đoàn kết,” lần thứ hai. Ngay sau đó, bà phải giữ vai trung gian để bảo
vệ được quyền lợi của Ðức ở giữa Ba Lan và Liên Bang Nga. Những tính toán đó có
thể ảnh hưởng đến tình hình Ukraine trong năm 2014. “Hồ Sơ Người Việt” xin
trình bày chuyện này đi cùng lời chúc “bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Quả nhiên là suốt năm
2014, vụ khủng hoảng Ukraine trở thành đề tài nóng giữa Ðức với các nước Âu
Châu và giữa Tây phương (Âu Châu và Hoa Kỳ) với Liên Bang Nga.
Nhưng đến cuối năm,
tình hình có vẻ lắng dịu một cách bất ngờ sau khi Quốc Hội Ukraine biểu quyết
hôm Thứ Ba, 23 tháng 12, việc thu hồi một đạo luật có nội dung bảo đảm thế
trung lập của quốc gia này giữa hai khối Ðông-Tây (nhìn trên bản đồ chiến lược,
Ðông là Nga và Tây là Âu Châu).
Ai cũng có thể đoán
là dưới sự đe đọa của Nga, khi một chế độ thân Tây phương như Ukraine mà quyết
định từ bỏ chủ trương trung lập thì bước kế tiếp sẽ là gia nhập Minh ước Phòng
thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO. Và nếu thế, trong năm tới tình hình Ukraine sẽ thêm
căng thẳng, chứ làm sao lắng dịu được? Sự thật lại không hẳn như vậy. Hồ Sơ Người
Việt vào buổi cuối năm xin tìm hiểu về chuyện đó - cũng với lời chúc bình an dưới
thế...
Sự non yếu của dân chủ
Ukraine là nước cộng
hòa xưa kia từng nằm trong lãnh thổ Liên Bang Xô Viết và có trọng lượng kinh tế
lẫn an ninh rất cao trong hệ thống Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, xứ
này tách ra ngoài thành một quốc gia độc lập, coi như tiến ra vị trí trung lập.
Hôm 23 vừa qua, Quốc Hội quyết định từ bỏ vị trí trung lập đó. Ngoại trưởng
Ukraine là Pavlo Kilmkin lập tức tuyên bố rằng quyết định này cho thấy sự chuyển
trục của Ukraine về phía Tây phương. Sau một năm bị Liên Bang Nga uy hiếp, nếu
Ukraine mà chuyển trục thì sẽ phải gia nhập Minh ước NATO để tự vệ. Hầu hết các
bài bình luận của truyền thông Âu Châu đều nhấn mạnh đến chiều hướng đó. Có khi
với sự e ngại là Kyiv sẽ gây thêm mâu thuẫn với Moscow.
Nhưng lý luận như vậy
là sai.
Trên đà tan rã của
Liên Xô, Ukraine quyết định giành lại độc lập từ giữa năm 1990. Sau đó, ưu tiên
của xứ này là thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị khi Liên Xô tiêu vong
vào cuối năm 1991. Trong 10 năm kế tiếp, từ 1994 đến 2004, ngoại giao của
Ukraine dưới triều đại của Tổng Thống Leonid Kuchma là đu dây giữa hai khối
Ðông-Tây: tìm nguồn lợi kinh tế từ phía Tây khi buôn bán với Âu Châu, mà không
cắt cầu qua hướng Ðông để bị đe dọa về an ninh từ Liên Bang Nga mới được thành
lập.
Cuộc Cách Mạng Màu Da
Cam (Orange Revolution) năm 2004 - xuất phát từ vụ bầu cử gian lận khiến Thủ Tướng
Viktor Yanukovich thắng cử - đã đảo lộn tình hình. Truyền thông Tây phương coi
đó là thắng lợi của nền dân chủ, nhất là khi chính quyền mới khẳng định ưu tiên
là hội nhập với Liên Hiệp Âu Châu và gia nhập NATO.
Như mọi khi, truyền
thông Tây phương và truyền thông thông ngôn của ta đã quá lạc quan!
Vì chính quyền dân chủ
bất tài bất lực, hai lãnh tụ cách mạng là Tổng Thống Vyktor Yushchenko còn
tranh giành ảnh hưởng với Thủ Tướng Yulia Tymoshenko nên sau cùng, Yanukovich đắc
cử tổng thống năm 2010. Yanukovich từ bỏ đường lối thiên Tây mà ngả về Ðông, và
Quốc Hội thân Nga khi ấy mới ra đạo luật cấm Ukraine xin gia nhập NATO. Từ đó
Ukraine trở lại chủ trương “trung lập.”
Khi Yanukovich bị lật
đổ vào cuối năm 2013, Liên Bang Nga liền lấy đó là lý do tấn công Ukraine và
chiếm mất bán đảo Crimea - rồi cho đặc công khuynh đảo các tỉnh miền Ðông. Bây
giờ đạo luật trung lập đó bị thu hồi. Con đường vào NATO đã có vẻ thênh thang rộng
mở.
Nhưng đấy là khung cửa
hẹp.
Khung cửa hẹp vào
NATO
Ðang có 28 thành
viên, Minh ước NATO lập ra trong tinh thần phòng thủ hay gián chỉ (deterrence)
để tránh chiến tranh, với điều 5 trong hiến chương quy định là tấn công một
thành viên có nghĩa là tấn công cả tổ chức khiến các thành viên khác đều tham
gia bảo vệ. Hiến chương ấy cũng quy định là bất cứ ai xin gia nhập đều phải có
sự đồng ý của mọi thành viên.
Diễn giải cho dễ hiểu,
các nước đều muốn gia nhập để được bảo vệ. Nhưng thói đời cho thấy là xứ nào
cũng ngại nếu chính mình phải đem xương máu bảo vệ xứ khác. Nền dân chủ và quy
tắc đồng thuận có ưu điểm là hiếu hòa để tránh loạn. Nhưng mặt trái vẫn là sự
ngần ngại khi phải góp quân chống giặc... ở nhà bên cạnh. Vì thế, NATO cũng quy
định là chỉ nhận các thành viên không có tranh chấp hay mâu thuẫn an ninh với một
xứ khác.
Cần nhắc lại nguyên
lý sơ đẳng này để ta thấy ra sự khác biệt giữa NATO và tổ chức Warsaw do Liên
Xô lãnh đạo năm xưa. NATO giữ thế thủ là chính, như một tấm khiên. Còn Minh ước
Warsaw là công cụ của Moscow, như mũi dáo thọc vào hệ thống Tây Âu.
Ngày nay, Ukraine
đang có tranh chấp lãnh thổ với Liên bang Nga, một mâu thuẫn không dễ hòa giải
qua biện pháp ngoại giao, lại còn có nguy cơ bùng nổ thành chiến cuộc dù đôi
bên đã tạm đồng ý với quyết định ngưng bắn. Trong cả năm tranh chấp và xung đột
giữa Nga và Ukraine, lập trường của Tây phương (Hoa Kỳ, Liên Âu và NATO) là
bênh vực Ukraine bằng chính trị và kinh tế nhưng tránh giải pháp quân sự. Ngay
trong tiềm thức, Tây phương có triết lý phản chiến.
Ðôi khi vì đó mà gặp
chiến tranh, nhưng đấy là chuyện khác.
Dù sao thì nếu nhìn lại
tương quan và những ràng buộc của đôi bên, việc các thành viên NATO cho Ukrainc
gia nhập là điều khó. Có xác suất rất thấp. Những ai lo sợ chiến tranh vì
Ukraine sẽ được vào NATO có thể yên tâm ăn Tết.
Huống hồ Tổng Thống
Vladimir Putin của Nga lại vừa gẫy mất mũi giáo!
Khi thị trường hạ hỏa
chiến trường
Liên Bang Nga đang bị
khủng hoảng kinh tế không vì các biện pháp cấm vận của Tây phương sau khi tấn
công Ukraine.
Nga bị khủng hoảng
trước tiên vì lý do nội tại, y hệt như Liên Xô thời xưa với nhược điểm của chủ
nghĩa cộng sản. Nhược điểm của Nga là chủ trương kinh tế nhuốm mùi tư bản nhà
nước, nhà nước đây là tay chân của lãnh tụ Putin. Gần 25 năm sau khi Liên Xô
tan rã (1989) rồi sụp đổ (1991) hệ thống kinh tế Nga chưa thoát khỏi tình trạng
lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu thô, nguồn cung cấp cho hai phần
ba tổng số xuất cảng và gần phân nửa ngân sách.
Giữa cơn khủng hoảng
kinh tế, Tổng Thống Putin có nói thật và nói đúng trong bài phát biểu cuối năm,
vào tuần trước, rằng vụ cấm vận gây ra từ 25 đến 30% những khó khăn cho nước
Nga. Ông không thể nói sự thật kia, là chỉ vì Nga vẫn còn sống nhờ bán dầu nên
kinh tế mới khủng hoảng khi giá dầu từ khoảng 115-117 đô la một thùng vào tháng
6 đã sụt phân nửa và nay chỉ còn chưa tới sáu chục bạc.
Lý do thứ ba, chẳng
có gì lạ thường, là khi dầu thô mất giá, ngân sách thất thu, kinh tế thất bát mất
mùa thì tư bản tháo chạy. Các đại gia được Putin nâng đỡ để bảo vệ chế độ độc
tài của ông ta đều tìm cách tẩu tán tài sản làm đồng rúp càng thêm mất giá.
Chính quyền Putin đánh ngược sóng bằng cách bán đô la trong dự trữ để nâng giá
đồng bạc, rồi hạ lãi suất tới 6,5% vào đêm 16 vừa qua, mà không thể ngăn được nạn
thủy triều rút, kéo theo sự suy sụp của kinh tế.
Vì vậy, sau khi chửi
bới lung tung suốt một tuần, Putin đang cho rút củi dưới cái nồi Ukraine.
Các nhóm “dân quân độc
lập” đòi giải phóng miền Ðông của Ukraine - thực chất là lực lượng xâm lược của
Nga - đã im tiếng súng. Giới chức Moscow thì cho biết có thể đàm phán về quy chế
của các tỉnh miền Ðông đã ly khai với chính quyền Ukraine tại Kyiv. Và hôm Thứ
Hai vừa qua, Putin điện đàm với lãnh đạo của Ukraine là Tổng Thống Petro
Poroshenko, của Ðức là Thủ Tướng Angela Merkel và của Pháp là Tổng Thống Francois
Hollande.
Ngược lại, Tổng Thống
Poroshenko cũng tránh đổ dầu vào lửa khi tuyên bố rằng Ukraine chưa dự tính nộp
đơn xin gia nhập NATO, ít ra cho tới năm 2020. Người dân Ukraine có thể sẽ mừng
Giáng Sinh và ăn Tết rất vui với hy vọng khá hơn cho năm tới.
Kết luận ở đây là gì?
Năm 2014 mở ra với vụ
khủng hoảng Ukraine và nhiều thảm kịch chết người trước sự thắng thế của Putin
và sự ngần ngại, bất nhất và lúng túng của các nước Tây phương. Ðến cuối năm
thì tình hình lại có vẻ lắng đọng, chủ yếu vì tác động của thị trường đã thu hẹp
khả năng tác chiến của bạo chúa.
Quyết định thu hồi đạo
luật trung lập của Quốc Hội chỉ cho lãnh đạo Kyiv cái thế biểu kiến, chứ cái lực
nằm trong quyết định của các thành viên NATO. Dù vậy, Ukraine vẫn thấy mình còn
có khả năng xoay trở khá hơn trước.
Liệu rằng nhờ vậy mà
họ rút tỉa được bài học thất bại của các lãnh tụ dân chủ thời 2004?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét