Hoa Kỳ bị dọa - và bị dụ
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Hai mặt bi hài cuối năm 2014
Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu, mà cũng gần như một hải đảo ở
giữa hai đại dương lớn nhất và hai láng giềng rất yếu. Mâu thuẫn đó có thể giải
thích được một phần đối sách ngoại giao và ảnh hưởng rộng lớn của nước Mỹ với
các quốc gia khác trên thế giới.
Hoa Kỳ cũng có bản hiến pháp và các giá trị tinh thần thiên
về đạo đức, đề cao nhân quyền và nguyên tắc dân chủ cùng quy luật tự do của thị
trường. Chẳng những vậy, nước Mỹ còn tin rằng và muốn là các quốc gia trên thế
giới đều nên theo đuổi giá trị đó.
Nhưng, cũng từ những mâu thuẫn trên, gần trăm năm qua, Hoa Kỳ
có một chiến lược ngoại giao và an ninh được cả hai đảng cùng theo đuổi. Đó là
làm sao để không cường quốc nào trên địa cầu có thể thách đố sức mạnh và đe dọa
quyền lợi của nước Mỹ. Từ chiến lược mang tính chất “đế quốc” lại còn hàm ý đạo
đức, Hoa Kỳ kết hợp cả hai mặt thiện ác, lý tưởng và gian hùng, trong chính
sách ngoại giao. Cụ thể là vẫn đề cao nguyên dân chủ mà sẵn sàng hợp tác với chế
độ độc tài để tạo cán cân thăng bằng giữa các cường quốc bên ngoài.
Cụ thể hơn nữa, Hoa Kỳ có thể vừa dọa vừa dụ các nước cùng
đi theo chủ trương này. Mục tiêu vẫn là để các nước canh chừng nhau và tìm cách
hợp tác với nước Mỹ.
Rồi cán cân ấy có khi chuyển dịch vì Mỹ không kiểm soát được
mọi chuyện dưới vòm trời này. Khi ấy, Hoa Kỳ có thể thay đổi chánh sách, như đả
kích và còn khuynh đảo các đồng minh về tội độc tài, hoặc hợp tác với một chế độ
hung đồ, kẻ thù cũ, để tạo một thế thăng bằng khác. Sau vụ 1975, người Việt ta
thấy dần tính chất gian hùng vô đạo và hay dời đổi của ngoại giao Mỹ.
Nhưng 40 năm sau, người ta cũng cần đặt lại lên bàn cân kết
quả của chiến lược kỳ quái ấy: Qua nhiều thập niên số quốc gia có hòa bình và
hưởng lợi nhờ chánh sách của Mỹ thật ra lại khá đông - đông hơn các nước độc
tài chống Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc, Liên Bang Nga, Iran, Syria hay Bắc Hàn,
Cuba, Venezuela, v.v... các chế độ độc tài chống Mỹ này lại ít đồng minh hơn.
Và chẳng có một biểu hiện đạo đức hay lý tưởng để đề cao, như nước Mỹ.
Bối cảnh đó dẫn ta đến câu chuyện cuối năm khi Hoa Kỳ bị hai
xứ hung đồ cỏn con dụ dỗ và đe dọa. Đó là vụ Tổng Thống Barack Obama quyết định
thay đổi đối sách với Cuba để hy vọng làm thay đổi chế độ Cộng Sản độc tài ở
đây, và vụ tình báo Bắc Hàn Cộng Sản xâm nhập và phá hoại hệ thống điện tử của
hãng Sony nhằm khủng bố và khuynh đảo quyền tự do tư tưởng và kinh doanh của xã
hội Mỹ.
Nước Mỹ vừa bị Cuba dụ dỗ vừa bị Bắc Hàn đe dọa!
Trước hết, ngược với cách tường thuật thiển cận và thiên lệch
của truyền thông, Hoa Kỳ chưa thu hồi đạo luật phong tỏa kinh tế Cuba, có tên gọi
là LIBERTAD (Cuban Liberty and Democratic Solidarity). Quyết định ấy thuộc thẩm
quyền Quốc Hội và được bàn thảo sau khi Quốc Hội mới, Khóa 114, khai mạc vào
tháng tới. Tổng Thống Obama chỉ có thể nới lỏng một số hạn chế để bày tỏ thiện
chí và qua từng bước, hai nước sẽ canh chừng nhau trong vụ “múa đôi” này để đi
tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Bên trong là cách Obama dàn trận với đối lập Cộng Hòa nay vừa
chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc Hội. Khi ấy, ta sẽ được nhắc nhở về kinh
nghiệm hợp tác với Trung Quốc, Việt Nam, hoặc hòa giải với Nga hay Bắc Hàn.
Trong những tính toán toàn cầu mang tính chất lưỡng diện, vừa
đạo đức vừa gian hùng, siêu cường Hoa Kỳ cũng có khi bị dụ. Là đại cường quốc,
nước Mỹ vẫn có thể thắng trong canh bạc ấy, nhưng người dân của nhiều xứ khác
có khi trắng tay, hay mất mạng. Nhẹ nhất là mất tự do, nên cuối cùng vẫn phải
trông chờ vào khía cạnh đạo đức của ngoại giao Hoa Kỳ!
Chúng ta sẽ thấy điều ấy tại Cuba trong nhiều năm tới.
Với Bắc Hàn Cộng Sản thì sự thể còn ly kỳ hơn. Cơ quan FBI
chính thức xác nhận Bắc Hàn tấn công doanh nghiệp Sony. Nhưng từ biến cố ấy, ta
thấy ra hai cách suy diễn.
Chính quyền Obama gọi đó là hành động “cướp phá,” vandalism,
hàm ý là ăn cướp và phá hoại, rồi trách cứ giới quản trị Sony đã ngưng phát
hành bộ phim khôi hài “The Interview.” Phe đối lập gọi đó là hành động khủng bố
vì uy hiếp một doanh nghiệp Mỹ để đạt mục tiêu chính trị. Nhỏ là việc Sony
không chiếu tác phẩm có nội dung mà Bắc Hàn cho là châm biếm chế độ Bình Nhưỡng.
Lớn là thu hẹp quyền tự do tư tưởng trong xã hội Mỹ, điều tối kỵ mà đến Quốc Hội
và tổng thống Mỹ cũng không làm được. Lớn hơn nữa là hăm dọa doanh nghiệp Hoa Kỳ,
tức là thu hẹp quyền tự do kinh doanh rất thiêng liêng của nước Mỹ.
Ngoài ra, ta còn thấy hai khía cạnh khác của vụ này:
Vì sao Hoa Kỳ không bảo vệ được không gian điện toán mà bị
thua trong trận đánh đầu tiên trên mạng điện tử? Một vụ Trân Châu Cảng khác? Một
vụ khủng bố 9-11 khác? Đây là một yếu kém kỹ thuật hay, nguy ngập hơn, tình trạng
“thiếu trí tưởng tượng để phòng ngừa” của hệ thống an ninh điện tử sau khi nhiều
doanh nghiệp và cả Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng bị xâm nhập - và cướp phá?
Khía cạnh thứ hai là tại sao để ngăn đòn tấn công này, Hoa Kỳ
lại ngỏ ý yêu cầu Bắc Kinh hợp tác? Phải chăng, đạo “chiến binh trên mạng” của
Bắc Hàn xuất quân từ lãnh thổ Trung Quốc và học được kỹ thuật này từ các chiến
binh trên mạng của Bắc Kinh? Xa hơn nữa, vì sao qua các nhiệm kỳ tổng thống
Bill Clinton, George W. Bush rồi Obama, Hoa Kỳ đã vận động Bắc Kinh tham gia việc
cải thiện chế độ Cộng Sản Bình Nhưỡng mà không có kết quả?
Chúng ta không quên là từ năm 2000, Ngoại Trưởng Madeleine
Albright của Tổng Thống Clinton từng đến Bình Nhưỡng “múa đôi” với lãnh tụ Kim
Chính Nhật, với nhiều đề nghị có tính cách vừa dụ vừa dọa, mà chẳng thay đổi được
tình hình. Bây giờ, Kim Chính Ân còn hung hăng hơn cha. Như Raúl Castro tại
Cuba đã chẳng khá hơn người anh là Fidel, từ khi lên cầm quyền vào năm 2111 còn
đàn áp đối lập nặng hơn trước.
Hiển nhiên là một chế độ hung đồ khác đang theo dõi rất sát
hai vụ Bắc Hàn và Cuba. Các giáo chủ Iran đều hiểu đòn dọa và dụ của Hoa Kỳ: Phải
từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm thì mới khỏi bị cấm vận và sẽ phát triển
xứ sở cho người dân Ba Tư được hưởng. Họ còn hiểu rằng chiến lược hai mặt đó
cũng là con đường hai chiều.
Ngẫm nghĩ lại thì siêu cường Hoa Kỳ có thể ba đầu sáu tay
thi hành nhiều đòn lạ. Nhưng các nước khác cũng có khả năng trả lễ. Nhất là khi
gặp một tổng thống như Barack Obama.
Chuyện chỉ có ở nước Mỹ
Hoa Kỳ là nơi mà sự sợ hãi - và bị dọa - là hiện tượng phổ
biến hơn ta thường nghĩ. Không thiếu gì người khá giả, sống giữa khu sang trọng
có cổng sắt và cảnh sát tư bảo vệ. Vậy mà trong nhà vẫn có hai ba khấu súng, và
ra ngoài thì kêu gọi kiểm soát việc bán súng. Họ còn thích nuôi chó trong nhà
nên có thể giật mình vì tin này.
Cảnh sát tại miền Bắc tiểu bang Wyoming cho biết hôm 15 vừa
qua, ông Richard L. Fipps đã bị trúng đạn từ trong xe của mình bắn ra. Hung thủ
là con chó của ông Fipps, được lệnh chủ từ ghế trước phải nhảy xuống ghế sau.
Khi di chuyển, con khuyển đạp phải cò súng và đạn bay vào tay ông chủ.
Merry Christmas!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét