GS Vũ Quốc Thúc: " Phải chọn con đường vì dân tộc"
Tập hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc có tựa đề “Thời đại của tôi” ( gồm 2 cuốn “ Nhìn lại 100 năm lịch sử “ ( xuất bản năm 2009 ) và “Đời tôi trải qua các thời biến” ( xuất bản năm 2010) đã được sang tiếng Anh và vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ.
Đây là một sự kiện đáng chú ý bởi vì Giáo sư Vũ Quốc Thúc không những có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam trước năm 1975, mà còn từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm : Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển...Đặc biệt, GS còn là đồng tác giả hai bản phúc trình Stanley-Vũ Quốc Thúc ( 1961 ) và Phúc trình Lilienthal-Vũ Quốc Thúc ( 1968 ) về tái thiết thời hậu chiến. Ấy là chưa kể rất nhiều sách và bài khảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Sinh năm 1920, tức là năm nay đã 94 tuổi, có thể nói GS Vũ Quốc Thúc là một trong số hiếm hoi các nhân chứng trực tiếp của thời cuộc Việt Nam suốt gần 100 năm qua, từ thời chế độ Pháp thuộc năm 1900 cho đến thời chế độ Cộng sản, cụ thể là đến năm 2000. Toàn bộ 100 năm lịch sử đó đã được Giáo sư tóm gọn trong cuốn đầu của tập hồi ký, qua cái nhìn của người trong cuộc.
Khác với cuốn đầu, gần như thuần túy mang tính biên khảo, cuốn thứ hai mới thật sự là hồi ký Vũ Quốc Thúc, vì trong đó ông trình bày rất nhiều chi tiết về cá nhân, về gia đình, dòng tộc và sự nghiệp chính trị của ông. Nhưng Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng không quên đưa vào hồi ký những suy tư, nhưng trăn trở của ông về thời cuộc Việt Nam trước đây và hiện nay.
Ngày 08/12/2014 vừa qua, chúng tôi đã được Giáo sư Nguyễn Thái Sơn dẫn đến nhà riêng của Giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Nanterre, nằm không xa khu La Défense, ngoại ô Paris, để phỏng vấn ông nhân dịp cuốn hồi ký được xuất bản bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ. Tuy năm nay đã 94 tuổi, nhưng bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân, lòng yêu nước thương nòi, nỗi lo cho tiền đồ dân tộc hầu như vẫn nguyên vẹn trong con người Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Càng nói giọng của ông càng hùng hồn, lập luận càng khúc chiết, rành mạch, tưởng như Giáo sư vẫn còn đứng trên bục giảng đường đại học năm xưa.
Trích đoạn phỏng vấn :
GS Vũ Quốc Thúc: Thực ra, khi tôi viết cuốn hồi ký kể về nhiều câu chuyện liên quan đến bản thân và gia đình mình, tôi không hề nghĩ đến khả năng cuốn hồi ký đó được phổ biến cho nhiều người ngoài gia đình đọc.
Mục đích của cuốn hồi ký này là để cho cháu chắt tôi hiểu được tại sao ông cụ của mình đã phải rời bỏ quê hương sang định cư bên Pháp, khiến cho chúng mình bây giờ trở thành công dân Pháp, xem Pháp là quê hương chính, còn Việt Nam là quê hương thứ hai, mặc dù chúng ta không bao giờ quên cái quê hương thứ hai đó. Tôi muốn cho cháu chắt tôi biết trong hoàn cảnh nào tôi đã phải bỏ nước ra đi, để thấy tâm tư của một bậc tiền bối, đâu phải là ra đi chỉ mưu cầu những an ninh, lạc thú ở ngoại quốc, mà trái lại luôn luôn hướng về quê cha đất tổ.
Thành ra hồi ký tôi chỉ viết bằng tiếng Việt, xuất bản từ Mỹ vào năm 2010, tức là cách đây đã 4 năm rồi. Nếu tôi có ý đồ vận động dư luận các nước Tây Phương, nhất là ở Âu Châu hay là Mỹ, thì tôi đã viết bằng tiếng Pháp rồi, vì tôi đã được đào tạo ở Pháp trong bao nhiêu năm rồi, viết bằng tiếng Pháp dễ hơn ! Chứ còn biểu tôi viết bằng tiếng Anh thì, thú thật, trình độ Anh ngữ của tôi còn kém lắm ! Vì vậy nên có chuyện dịch ra tiếng Anh này.
Khi được đề nghị cho dịch cuốn hồi ký sang tiếng Anh thì tôi thấy không có gì trở ngại cả, bởi vì trong cuốn hồi ký của tôi, những sự việc xảy ra như thế nào thì tôi viết y như thế, không thêm, không bớt. Tôi tự xem mình như là một nhân chứng được mời ra trước tòa án lịch sử, tòa án dư luận trong nhiều thế hệ. Khi ra trước một tòa án như thế, nhân chứng phải tuyên thệ: " Tôi xin thề nói sự thực, tất cả sự thực và chỉ có sự thật". Tôi đã áp dụng đúng phưong châm dó trong cuốn hồi ký, không thêm mắm thêm muối cốt để tự mình khoa trương mình.
Trong hai cuốn hồi ký được dịch ra thì tôi chú trọng đến quyển hai, vì trong đó tôi kể nhiều chuyện riêng tư, chứ còn trong quyển một, tôi chỉ kể lại lịch sử, như là một thầy giáo giảng bài cho học sinh: Đây là những gì tôi đã được biết, đã được phổ biến, mà tôi còn nhớ để thuật lại, những điều mà tôi tin đó là sự thực.
RFI : Giáo sư có hy vọng là cuốn hồi ký này, khi được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Hoa Kỳ, sẽ có tác động phần nào đến dư luận Mỹ, để họ hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của Việt Nam trước đây và hiện nay?
GS Vũ Quốc Thúc : Tôi không dám ngông cuồng đến độ tin rằng cuốn sách của tôi sẽ làm sáng tỏ hơn nhiều chuyện hãy còn mờ ám trong lịch sử, nhất là trong quan hệ Việt - Mỹ. Nhưng tôi thấy rằng ở Hoa Kỳ, trước khi ra một biện pháp gì đó, hay thay đổi một chính sách nào đó, người ta thường thăm dò dư luận. Tôi coi việc phổ biến hồi ký của tôi phần nào như là một cách để họ thăm dò dư luận, không chỉ trong người Mỹ gốc Việt, mà cả những người Mỹ khác và dư luận thế giới.
Tại sao ? Là tại vì trong cuốn hồi ký của tôi, ngoài những chuyện mà tôi kể lại, mà có thể một số người nay mới biết về chi tiết, tôi còn có những suy tư về những chuyện trọng đại, như chính sách chống cộng, chiến tranh lạnh, việc Hoa Kỳ can thiệp...
Tôi hy vọng khi hồi ký được dịch sang Anh ngữ thì sẽ có nhiều người biết hơn, chứ còn nếu chỉ là bản tiếng Việt thì chỉ có một số nhỏ người Việt tha thiết với các vấn đề của dân tộc mới đọc thôi. Tôi cũng hy vọng là khi sách được dịch sang Anh ngữ, được phổ biến trong giới sành Anh ngữ, thì chính đồng bào Việt Nam ở quốc nội sẽ quan tâm hơn đến. Tầng lớp trẻ, nhất là những người du học ở nước ngoài, có khi đọc tiếng Anh còn dễ hơn đọc tiếng Việt và khi họ đọc được bản tiếng Anh, có thể họ sẽ trở lại tìm đọc nguyên bản tiếng Việt
Còn cuốn sách của tôi sẽ có tác động gì đến chính sách của Hoa Kỳ hay không, thì quả thật tôi không dám tin như thế, vì Hoa Kỳ có chính sách của họ, họ cứ làm. Ở đây họ chỉ thăm dò dư luận. Có thể họ sẽ dùng cuốn sách của tôi để biện minh cho một số biện pháp mà họ sẽ thi hành. Đó là hy vọng của tôi thôi.
RFI : Quan hệ Mỹ-Việt là vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay, nhất là vì giới lãnh đạo Hà Nội hiện nay có vẻ muốn dựa nhiều hơn vào Hoa Kỳ và Hoa Kỳ thì muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, cụ thể gần đây họ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong hồi ký, Giáo sư đã nói nhiều đến thái độ của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nhất là sau khi đã ký hiệp định Paris để có thể rút quân. Khi miền Bắc tấn công miền Nam, tức là vi phạm hiệp định Paris, Hoa Kỳ đã không có phản ứng gì, khiến miền Nam lọt vào tay Cộng sản. Nhìn lại giai đoạn lịch sử ấy, Giáo sư có nhận định như thế nào?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Hoa Kỳ, cũng như tất cả các cường quốc khác, phải chú tâm trước hết đến uy tín quốc tế của họ, rồi đến những quyền lợi thực tế của họ. Thành ra, khi Hoa Kỳ can thiệp vào bất cứ nơi nào trên thế giới, mục đính trước tiên của họ là bảo vệ uy tín của đệ nhất siêu cường thế giới hiện nay, rồi nghĩ đến những quyền lợi thực tiễn, như là về dầu hỏa, về xuất cảng...
Chứ còn bảo rằng Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam để tranh đấu cho Việt Nam thì đời nào ! Cái đó về sau thì có thật đấy, tức là khi mà người ta gởi quân lính sang, trợ giúp khí giới, thì tất nhiên là người ta cũng muốn cho mình đạt được một kết quả nào đó. Chứ chính mình thì đời nào chúng ta chấp nhận cho ngoại quốc xen lấn vào, để rồi mình phải thi hành đường lối của ngoại quốc !
Chính quyền nào ở nước ta cũng vậy, Không một chính quyền nào, dù thiên tả hay thiên hữu, lại quên các vấn đề của dân tộc. Dù không công khai nói là bảo vệ quyền lợi dân tộc, nhưng trong thâm tâm, bất cứ chính quyền nào cũng phải nghĩ đến quyền lợi dân tộc.
Đâu phải một khi người ta nắm quyền được chính quyền là người ta quên hẳn quyền lợi dân tộc. Việt Nam mình đâu phải lúc nào cũng nhắm mắt theo các cường quốc ! Bao giờ mình cũng ý thức được quyền lợi trường tồn của dân tộc. Tôi tin là như thế. Đã là người Việt thì không thể nào phản bội quyền lợi dân tộc ! Dù muốn dù không, tiềm ẩn trong trái tim người ta vẫn có lòng yêu nước, vẫn nhớ lại những truyền thống oai hùng của dân tộc mình. Không ai dám phản bội Tổ quốc một cách trắng trợn.
RFI : Thưa Giáo sư, trong bối cảnh mà hiểm họa xâm lăng từ Trung Quốc ngày càng rõ nét, việc Hoa Kỳ bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là một điều tốt ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Việc mình trông cậy hoàn toàn vào ngoại bang để bảo vệ quyền lợi dân tộc là chuyện bất đắc dĩ. Trong hoàn cảnh lịch sử mà mình chưa đủ sức để tự bảo vệ, thì mình phải dựa vào một ngoại bang. Nhưng điều trước tiên là mình phải bồi dưỡng nội lực của mình đã, để có thể tự vệ được.
Khi nói bồi dưỡng lực lượng của chính mình, thì không chỉ có lực lượng quân sự mà thôi. Bây giờ ta có thể được Hoa Kỳ bán chịu một số vũ khí hiện đại, nhưng ta đâu có thể hưởng cái đó mãi ? Đến một lúc nào đó chúng ta phải trả nợ.
Mà vũ khí là để làm gì, để giết ai ? Tôi chỉ sợ là Việt Nam mình, nếu không cẩn thận, sẽ lại rơi vào tình trạng như xưa, tức là có hai phe trong nhân dân, một phe thì muốn dựa vào Trung Hoa, phe thì muốn dựa vào Hoa Kỳ. Hai phe đó tất nhiên là xung đột nhau. Hoa Kỳ sẽ dùng hai phe đó để sử dụng các vũ khí sát thương của họ. Chúng ta phải cẩn thận.
Nước ta còn nghèo, còn yếu, nếu mà chỉ nghĩ đến chuyện đánh nhau, thì chẳng qua là chúng ta xuất khẩu xương máu. Trước khi phải sử dụng đến vũ khí hiện đại thì mình phải dùng đến ngoại giao. Trong thế yếu hiện nay của Việt Nam, mình chỉ có thể len lõi giữa những xung đột của các cường quốc, vì quyền lợi của họ có khi là mâu thuẫn nhau, phải tìm cách lái cho họ đi đến chỗ phải bảo vệ chúng ta trên các diễn đàn ngoại giao.
RFI : Tránh một cuộc chiến tranh với Trung Quốc có vẻ cũng là đường lối hiện nay của các nhà lãnh đạo Hà Nội, phải làm hòa với Trung Quốc sau vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 . Nhưng đồng thời Việt Nam cũng đang cố tranh thủ thêm sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trong cuốn hồi ký, Giáo sư gọi đó là chính sách đu dây giữa các cường quốc. Nhưng chính sách có nguy cơ sẽ đưa Việt Nam vào thế kẹt ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Trong vụ xung đột về giàn khoan, kết quả là Trung Quốc cũng đã rút giàn khoan đi. Cho nên tôi quan niệm thế này : phải luôn phân biệt chiến lược với chiến thuật. Về mặt chiến lược, phải nghĩ đến quyền lợi lâu dài của dân tộc, còn về mặt chiến thuật thì có khi ta phải đi đến một đồng minh này, có khi phải đi với một đồng minh khác.
Chiến lược lâu dài đối với tôi thì không có chuyện lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay Trung Quốc, mà chỉ có con đường duy nhất là chọn lựa Việt Nam, tranh đấu cho Việt Nam. Cái gì có lợi cho Việt Nam, thì tôi làm, cái gì ngược lại với quyền lợi trường tồn của Việt Nam, thì tôi chống.
Người ta cứ luôn nói đến chính sách đu dây, nhưng bây giờ tôi nghĩ đến một hình ảnh khác, đó là cái bản lề. Nhìn bản đồ Việt Nam, tôi thấy nó chẳng khác chi bản lề, giúp cho cánh cửa, khi mở, khi đóng, khi quay về tai trái, khi quay về tay mặt. Cho tới nay, cái bản lề ấy chỉ đóng vai trò thụ động, thì tại sao ta không tìm cách điều khiển nó? Mình phải làm chủ cái bản lề ấy để mà ngăn chận, không cho bên nào lấn sang bên kia cả.
Nói cách khác, mình phải có một chính sách dân tộc rõ ràng. Phải có một lực lượng, hay một phần lực lượng để tự vệ đã, rồi mới có thể sử dụng cái vị trí bản lế ấy. Các lực lượng quốc tế nào định sử dụng ta như quân cờ thì lúc đó họ sẽ e dè. Lúc đó, chính là ta đã chọn lựa dân tộc.
RFI: Xin cám ơn Giáo sư Vũ Quốc Thúc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141215-gs-vu-quoc-thuc-phai-chon-con-duong-vi-quyen-loi-dan-toc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét