Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

18196 - Ngày 24/12/1952: Đạo luật McCarran-Walter chính thức có hiệu lực




Vào ngày này năm 1952, Đạo luật McCarran-Walter đã chính thức có hiệu lực, làm thay đổi chính sách nhập cư của Mỹ. Luật này được những người ủng hộ nó ca ngợi như một bước cần thiết nhằm ngăn chặn cộng sản xâm nhập và lật đổ, trong khi những người phản đối lại tuyên bố Luật McCarran-Walter có tính bài ngoại và phân biệt đối xử.
Đạo luật này, được đặt theo tên Thượng nghị sĩ Pat McCarran (Đảng Dân chủ, bang Nevada) và Hạ nghị sĩ Francis Walter (Đảng Dân chủ, bang Pennsylvania), không thay đổi nhiều hệ thống hạn ngạch nhập cư vốn đã được thiết lập theo Đạo luật Di trú năm 1924. Bởi bản chất thiên lệch của hệ thống hạn ngạch này đã quá rõ.
Dân nhập cư từ Anh, Ireland và Đức được phân bổ hai phần ba tổng số hạn ngạch 154.657 người/năm. Tuy nhiên, đạo luật McCarran-Walter đã loại bỏ các rào cản chủng tộc được thiết lập trước đó nhằm ngăn chặn người nhập cư từ các quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc. Nhóm quốc gia này giờ được trao một hạn ngạch rất nhỏ.
Đối với các nhà phê bình, những thay đổi đáng quan tâm hơn tập trung ở điều khoản về quá trình kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và gắt gao dành cho những người nhập cư tiềm năng. Theo đó, bất cứ ai bị Tổng Chưởng lý tuyên bố có ý định “lật đổ” sẽ bị cấm nhập cư, đồng thời các thành viên của các tổ chức Cộng sản và Mặt trận Cộng sản phải bị trục xuất.
Để biện minh cho đạo luật, Thượng nghị sĩ McCarran tuyên bố, “Nếu ốc đảo này của thế giới bị quá tải, ô nhiễm hoặc bị phá hủy, thì ánh sáng le lói cuối cùng của nhân loại cũng sẽ bị dập tắt.” Tổng thống Harry S. Truman lại có một quan điểm rất khác, gọi đạo luật này là “phi Mỹ” (un-American) và vô nhân đạo.
Khi dự luật được thông qua vào tháng 06/1952, Truman đã sử dụng quyền phủ quyết, nhưng Quốc Hội đã bỏ phiếu bác bỏ quyền phủ quyết của ông và Đạo luật McCarran-Walter bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12, đặt ra các tiêu chuẩn nhập cư của Mỹ cho đến khi một luật mới được thông qua vào năm 1965.
Nguồn: McCarran-Walter Act goes into effect, History.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét