Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

18284 - Tin chính trường Việt Nam những ngày cuối năm 2019

BTV Tiếng Dân
Tuyên án vụ sai phạm Mobifone mua AVG
Sau 4 ngày nghị án, sáng 28/12/2019, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án đối với 14 bị cáo trong vụ mua gian bán lận giữa MobiFone và AVG. Trái với dự đoán của rất nhiều người, rằng người bị quy trách nhiệm “cầm đầu” trong vụ này rất khó thoát án tử, thế nhưng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lĩnh án Chung thân, VOV đưa tin.
Son lãnh bản án 16 năm tù về tội ‘Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng’, án chung thân với tội ‘Nhận hối lộ’, tổng hợp hình phạt là án chung thân.
Lý do Son thoát án tử: Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã khắc phục xong 66 tỷ đồng, theo VietNamNet. Thẩm phán Trương Việt Toàn xác nhận, gia đình Son đã nộp cho tòa biên lai số tiền 66 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ Mỹ kim, tính theo thời giá lúc xảy ra vụ sai phạm. 
Diễn biến này cho thấy, một trong các mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” là thu hồi tiền từ phe cánh “đồng chí X”, kết hợp với việc thanh trừng nội bộ. Án chung thân dành cho Son cũng thể hiện khả năng phe “đốt lò” vẫn có thể lần tới các mục tiêu cao hơn, vì nếu Son chết ở đây thì không ít bí mật giữa Son và “đồng chí X” sẽ mãi chìm trong bóng tối. 
Báo Một Thế Giới có bài: Việc phía ông Nguyễn Bắc Son nộp lại 3 triệu USD dưới góc nhìn luật sư. LS Nguyễn Ngọc Hùng bình luận: “Nếu bị cáo Son khai cho con gái và giờ nộp lại thì khó mà thoát tử hình. Nhưng nếu khai lại là tiêu dùng hết và nộp lại 3/4 số tiền trở lên để ‘khắc phục hậu quả’ thì đương nhiên thoát tử hình. Đến đây chúng ta đã hiểu ra và khó mà trách con gái ông Son được, bởi đây cũng là một bài học rất xuất sắc của ông Son và có sự tính toán rất kỹ lưỡng”.
Về phần ái nữ của Son, HĐXX nhận định, không đủ căn cứ xử lý hình sự con gái của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, theo báo Gia Đình và Xã Hội. Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái Son “không thừa nhận việc nhận tiền từ bị cáo Son. Căn cứ kết quả điều tra, kết quả xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với chị Nguyễn Thị Thu Huyền”.
Với người tiền nhiệm của Son, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lãnh án 14 năm tù, theo báo Thanh Niên. Tuấn nhận 6 năm tù về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng’ và mức án 8 năm về tội ‘Nhận hối lộ’, tổng hình phạt là 14 năm tù.
Lý do Tuấn nhận án quá nhẹ là vì, bị cáo Tuấn “có nhiều thành tích trong công tác, bằng khen và có công với cách mạng, tích cực khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, sức khỏe yếu nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định của pháp luật”.
Video Player
00:00
02:09
Còn các đồng phạm của Son, Tuấn, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà bị tuyên mức án 23 năm tù, theo báo Thanh Niên. Phía VKS lưu ý, lẽ ra Trà bị tuyên án ở mức chung thân, nhưng được giảm nhẹ do “có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình bị cáo là gia đình có công với cách mạng”. Cao Duy Hải, cựu TGĐ MobiFone thì bị tuyên án 14 năm tù; Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ 4T, nhận án 5 năm tù.
Hai cựu Thành viên HĐTV MobiFone Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, cùng ba cựu Phó TGĐ Mobifone là Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long đều nhận án 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cựu Phó TGĐ MobiFone chỉ nhận án 2 năm tù.
Bị cáo Võ Văn Mạnh, TGĐ AMAX, dù đã thổi giá của AVG lên đến hơn 16.500 tỉ đồng chỉ nhận án 3 năm 6 tháng tù. Bị cáo Hoàng Duy Quang, thẩm định viên của AMAX nhận án 3 năm tù.
Riêng tay “mafia đỏ” được cho là một trong những kẻ gây thiệt hại lớn nhất cho ngân sách nhà nước trong vụ này, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị tuyên phạt 3 năm tù, báo Lao Động đưa tin. Chi tiết này cho thấy luật pháp ở VN hiện đang bị các tay “mafia đỏ” thao túng như thế nào. 
***
Vụ Nhật Cường: Phó Chánh văn phòng Thành ủy và Chánh văn phòng Sở KH&ĐT TP Hà Nội bị bắt
Ngày 28/12/2019, cơ quan chức năng đã khởi tố Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội liên quan vụ Nhật Cường, báo Dân Việt đưa tin. Ông Nguyễn Văn Tứ, cựu GĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội, hiện là Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án Nhật Cường Mobile bị cáo buộc trốn thuế, rửa tiền. Ông Tứ bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Tứ, cựu GĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Nguồn: DV

Công an khám nhà chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, theo báo Pháp Luật TP HCM. PV báo này tường thuật, ngôi nhà bị khám xét là biệt thự số 20, khu đô thị thường được gọi tên “làng Việt kiều châu Âu” ở Mỗ Lao, Hà Đông, “một nhóm cảnh sát đi xe biển xanh 80A đã vào trong căn biệt thự. Đồng thời, xe của Công an phường Mỗ Lao cũng có mặt hỗ trợ cho công tác bảo vệ an ninh trật tự bên ngoài, cũng như hỗ trợ cơ quan điều tra”.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội bị bắt? Bài báo nhắc đến gói thầu có nguồn vốn từ Chi sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2016, hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, thời gian thực hiện hợp đồng 270 ngày. 
Ngày 26/12/2016, liên danh Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh đã trúng thầu và thực hiện gói thầu với Sở KH&ĐT Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tứ lúc đó còn là GĐ Sở KH&ĐT TP Hà Nội đã ký phê duyệt nguồn vốn chi thực hiện gói thầu trên.
Liên quan đến gói thầu này, vào tháng 11/2019, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Tiến Học, cựu PGĐ Sở KH&ĐT Hà Nội, Phạm Thị Kim Tuyến, cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh và Lê Duy Tuấn, GĐ kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh.
Công an còn bắt tạm giam chánh văn phòng Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bà Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội bị bắt để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Văn Tứ và bà Phạm Thị Thu Hường, hai nghi can vừa bị bắt. Ảnh: Bộ Công an.

Đúng như một số nhà quan sát dự đoán, có lãnh đạo cấp cao không muốn bỏ qua vụ sai phạm liên quan đến Công ty Nhật Cường và phe cánh Nguyễn Đức Chung sẽ dần bị thanh trừng. Vụ án Nhật Cường hiện thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Hiện tại, ông Chung vẫn đang ngồi vững ở chiếc ghế Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lại từng là GĐ Công an thủ đô nên Chung “Con” khó mà bị xử lý ngay được. Nhưng nếu Chung cứ bị động, tình hình cứ kéo dài thế này thì rủi ro xuất hiện càng lúc càng nhiều.
Về phần Bí thư Hà thành Hoàng Trung Hải, vẫn chưa có tin gì mới về ông này ở cả truyền thông “lề đảng” lẫn “lề dân”. Nhưng nguồn tin từ một số đảng viên thân cận khẳng định rằng, chuyện Hải “nhập kho” chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu điều đó xảy ra, chẳng lẽ năm 2020 lại trở thành “năm đại hạn” với 2 lãnh đạo cấp cao đương nhiệm của thủ đô CSVN?
Video Player
00:00
01:31
Bê bối ở Bộ Y tế
Ngày 28/12, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt phó trưởng phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Liên quan đến vụ án VN Pharma nhập khẩu nhiều loại thuốc giả mạo nguồn gốc xuất xứ, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, phó trưởng phòng quản lý giá thuốc Cục Quản lý dược, Bộ Y tế bị bắt để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án được khởi tố để điều tra về quy trình xem xét, cấp phép cho hồ sơ nhập khẩu 2 loại thuốc là H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, theo hồ sơ giấy tờ là do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, Công ty VN Pharma nhập khẩu. Các loại thuốc này cùng nằm trong nhóm 7-8 loại thuốc do Helix Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu, đã bị Cục Quản lý dược rút giấy phép lưu hành tháng 7/2014, sau khi cơ quan công an phát hiện VN Pharma nhập khẩu lô thuốc điều trị ung thư giả H-Capita 500 mg.

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp/TT

Trước đó, một số người cho rằng vụ bà Nguyễn Thị Kim Tiến đột nhiên thôi chức Bộ trưởng Bộ Y tế vào cuối tháng 11/2019, trong tình hình vụ VN Pharma cho thấy nhiều sai phạm chưa bị xử lý thỏa đáng của Bộ Y tế, là không bình thường.
Lý do bà Tiến chuyển sang chăm sóc sức khỏe lãnh đạo trung ương, được cho là không hợp lý lắm, vì ngay từ đầu những người này đã được “chăm sóc tận răng” bởi các chuyên viên y tế. Nhiều khả năng, đó chỉ là lý do để bà Tiến bị giữ lại trung ương, giống như Đinh La Thăng được cho một chức vô thưởng vô phạt bên Ban Kinh tế Trung ương, trước khi chính thức “vào lò”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét