Lãnh đạo cao nhất Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, tại hội nghị với chính phủ hôm 30/12/2019.
Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – lại khuấy động dư luận khi phát biểu tại một hội nghị giữa lãnh đạo chính phủ và chính quyền các địa phương, diễn ra hôm 30 tháng 12.
Rất nhiều người Việt sửng sốt khi xem, hoặc nghe ông Trọng tuyên bố: Nhờ nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, tốt hơn năm ngoái (2018)!
Sau khi dẫn hàng loạt số liệu để chứng tỏ kinh tế - xã hội năm nay phát triển một cách ngoạn mục, ông Trọng dẫn thêm một ý kiến nêu trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB): “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam!” (1).
Không phải tự nhiên mà công chúng sửng sốt rồi xúm vào dè bỉu nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Nhận định đó hoàn toàn mâu thuẫn với thực trạng chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam!
Tuy nhiên ông Trọng không bịa ra nhận định vừa kể. Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam gần giống với một ý trong một báo cáo mà WB công bố hồi đầu tháng này...
Đó là một báo cáo chuyên đề có tên “TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” (2).
Báo cáo có hai phần. Phần 1 – Những diễn biến kinh tế gần đây - do một người Việt tên là Đinh Tuấn Việt soạn thảo với góp ý của sáu người Việt khác (Nguyễn Việt Anh, Đoàn Hồng Quang, Triệu Quốc Việt, Phạm Minh Đức, Nguyễn Phương Anh, Vũ Hoàng Quyên). Phần 2 – Tầm quan trọng của các thị trường vốn để huy động tài chính dài hạn – do Ketut Kusuma và Zsolt Bango hợp soạn cùng với bốn người khác là Alwaleed Alatabani, Jing Zhao, Mamoudou Nagnalen Barry và Ngô Hà Quân.
Theo WB, báo cáo do Jacques Morisset làm chủ biên và thuộc Chương trình Nghiên cứu - Phát triển thị trường vốn của WB với chính phủ Việt Nam. Chi phí do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) hỗ trợ.
Báo cáo không tệ nhưng trở thành tệ vì ông Trọng cố tình… cắt gọt, diễn giải sai lệch nhận định của nhóm soạn thảo báo cáo. Ở phần “Tóm lược Tổng quan”, nhóm soạn thảo báo cáo viết như thế này: Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018...
Theo nhóm soạn thảo, có hai yếu tố khiến kết quả tăng trưởng của Việt Nam “tương đối tốt đẹp” là nhờ “tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình”. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo cảnh báo, tăng trưởng sẽ “khó có thể kéo dài vì ít nhiều vẫn nhờ vào tình trạng chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Trung Mỹ”. Nói cách khác, kết quả tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay không hề liên quan đến “nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân”!
Nếu dành thời gian đọc toàn bộ “TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam”, ai cũng có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều ẩn họa. Song song với những lời lẽ hoa mỹ có tính chất động viên để đối tượng tự điều chỉnh là vô số cảnh báo về đủ loại rủi ro và rõ ràng ông Trọng không đủ thật thà khi cố tình gạt bỏ những cảnh báo ấy!
Nếu thật sự tự trọng và có đủ ý thức trách nhiệm, chắn chắn ông Trọng không thể hăm hở truyền cảm hứng cho đồng chí, đồng bào một cách lệch lạc: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”.
Nhóm soạn thảo chỉ nhận định “mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu”, điều đó khác rất xa với khẳng định “mây đen phủ lên toàn cầu”. Tương tự không thể vừa khoe, WB cho rằng “mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam”, vừa lờ đi chuyện chính WB nhắc nhở, kinh tế Việt Nam “chưa đạt được nhiều tiến triển trong những năm qua, thậm chí còn bị tụt một bậc trong năm 2020, sau khi có tiến triển tốt từ năm 2010 đến 2016 (tăng trên 20 bậc)”.
Và chẳng phải chỉ có thế, khi cố tình nhấn nhá “mặt trời” chỉ “tỏa sáng ở Việt Nam”, ông Trọng còn gạt bỏ nhiều sự thật khác mà nhóm soạn thảo báo cáo lưu ý, chẳng hạn, Việt Nam nên phấn đấu để sớm có một chỗ trong “chỉ số trái phiếu toàn cầu”, điều mà nhiều quốc gia bình thường ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đạt được từ lâu! Lẽ nào Việt Nam trở thành lẻ loi, lạc loài chỉ vì… phần còn lại của thế giới chìm trong bóng tối?..
“TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” vừa phân tích, vừa giải thích về vai trò, vị trí của các thị trường vốn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Nếu đọc báo cáo với tinh thần cầu thị sẽ có rất nhiều người Việt cảm thấy âu lo cho tương lai của xứ sở và dân tộc khi đang có quá nhiều ẩn họa chực chờ.
Trung tuần tháng này, Moody’s (Moody’s Investors Service - tổ chức chuyên xếp hạng về mức độ tín nhiệm đối với hoạt động tín dụng toàn cầu) loan báo hạ triển vọng tín nhiệm đối với các khoản nợ do chính phủ Việt Nam bảo lãnh xuống mức “tiêu cực” (3). Trong khi chính phủ Việt Nam hối hả triệu tập đại diện các cơ quan hữu trách, ra lệnh kiểm điểm vì trả nợ cho WB trễ hạn (4), cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ (5) thì Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước mạnh dạn “biên tập” nhận định của WB, lên “dây cót” động viên “toàn đảng, toàn dân, toàn quân” rằng thế giới thì… âm u và “mặt trời” chỉ… “tỏa sáng ở Việt Nam”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét