BTV Tiếng Dân
Sáng 26/11/2019, TAND TP HCM đã tiến hành xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong việc giao đất ở số 15 Thi Sách, quận 1, cho “Vũ nhôm”. Chi tiết đáng lưu ý từ trước khi phiên tòa bắt đầu: Ông Nguyễn Hữu Tín đến tòa bằng xe cứu thương, báo Giao Thông đưa tin.
Theo hình chụp của các báo “lề đảng”, cựu lãnh đạo cấp cao một thời của thành Hồ giờ không chỉ tiều tụy mà đầu tóc bạc trắng. Ông Nguyễn Hữu Tín bị bắt và khởi tố vào ngày 19/11/2018, ở tuổi 61, trong một diễn biến mà một số người cho rằng liên quan đến chiến dịch “đốt lò” ở thành Hồ.
Và chỉ khoảng 1 năm 1 tháng sau khi bị tạm giam, ông Tín từ trạng thái đầu tóc đen nhánh trở thành người đầu tóc bạc trắng, phải đến tòa bằng xe cứu thương. Một cựu lãnh đạo bị tạm giam còn như vậy thì những người đấu tranh vô tội còn bị áp bức đến thế nào?
Trong vụ này, ông Tín ra tòa cùng 4 nhân vật khác là: Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT; Trương Văn Út, cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất đai; Nguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị, thuộc Văn phòng UBND thành phố; Lê Văn Thanh, cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 26, 27 và 30/12/2019.
Zing có đồ họa: Những ai hầu tòa cùng ông Nguyễn Hữu Tín?
Chỉ mới trong phiên xử đầu tiên đã thấy rõ “luật rừng”, khi chủ tọa phiên tòa lưu ý “không lộ tài liệu mật” khi xét xử Nguyễn Hữu Tín, theo VnExpress. Thẩm phán Nguyễn Thị Hà nhắc các luật sư, “hồ sơ vụ án có một số tài liệu chưa được giải mật, đề nghị các luật sư trong quá trình bào chữa, tranh tụng không được làm lộ bí mật Nhà nước, nếu vi phạm sẽ bị xử lý”. Các LS phản ứng, “đã có kiến nghị gửi HĐXX và các cơ quan liên quan đề nghị giải mật, song hôm nay vẫn chưa có văn bản trả lời”.
Có “bí mật Nhà nước” nào trong vụ này? Phải chăng là “bí mật” liên quan đến “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải, cũng là người mà Tổng – Chủ Trọng mất gần 2 năm chưa làm gì được, dù các sai phạm đã quá rõ như vụ Thủ Thiêm và nhiều vụ sai phạm đất đai khác ở thành Hồ? Cho nên bây giờ không được để lộ kẻo “bứt dây động rừng” và “ném chuột vỡ bình”?
VnExpress có clip, ghi lại cảnh ông Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm hầu tòa:
Có lẽ ông Tín học tập từ cựu Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son, nên ngay trong ngày xử thứ nhất, ông Nguyễn Hữu Tín phủ nhận là chủ mưu vụ giao đất vàng cho Vũ ‘nhôm’, VietNamNet đưa tin. Ông Tín thừa nhận tội danh như cáo trạng đã truy tố, nhưng một mực phủ nhận vai trò chủ mưu: “Tôi sai rồi, nhưng nói vai trò tôi chủ mưu thì thực lòng từ đầu đến cuối, tôi không chỉ đạo làm sai gì, không có động cơ, lợi ích riêng tư gì. Mong HĐXX xem xét”.
Người CS gốc Bắc như ông Nguyễn Bắc Son hay CS gốc Nam như Nguyễn Hữu Tín khi ra tòa đều tham sống sợ chết như nhau, tìm mọi cách phủ nhận cáo buộc chủ mưu. Tuy hai vụ án khác nhau, nhưng tình thế của Son và Tín thì tương tự: “Đồng chí X” không chỉ đạo thì 10 ông Son cũng không làm gì được, “lãnh chúa Sài Gòn” không gật đầu thì chục ông Tín cũng không dám làm càn. Hai ông này cũng đối mặt với nguy cơ giống nhau là khả năng phải chết thay cho chủ của mình, dù họ không muốn, nên họ đều có phản ứng giống nhau.
Ông Tín khai thêm, vào năm 2014, dù ông biết nhà đất 15 Thi Sách thuộc tài sản Nhà nước, nhưng khi tiếp nhận công văn 3702 của Bộ Công an gửi UBND TP, đề nghị hỗ trợ thủ tục cho công ty của Vũ “nhôm” thuê, Tín đã có bút phê cho đồng phạm Lê Văn Thanh giao Sở TN&MT hướng dẫn thủ tục. Riêng nội dung 3702 “rất ngắn gọn và đóng dấu tuyệt mật. Lúc đó ông không nhớ được pháp lý đất 15 Thi Sách nên mới nhờ người tham mưu”.
Đến chiều 26/12, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM kêu oan, theo VnEpxress. Ông Đào Anh Kiệt bị cáo buộc cùng cấp dưới gửi công văn tham mưu cho ông Tín ký duyệt chủ trương bán chỉ định khu nhà đất 5.000 m2, số 15 Thi Sách, quận 1, cho Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng.
Khi bị xét hỏi, Kiệt kể: “Bị cáo ký công văn không phải là ký duyệt, mà ký theo dự thảo của Ủy ban, nội dung thể hiện ý chỉ của Ban chỉ đạo 09. Công văn này thực chất chỉ có ý nghĩa là văn bản nhắc việc cho Ủy ban. Còn nếu theo ý chí của mình, bị cáo sẽ không ký vào văn bản này”.
Diễn biến đáng lưu ý khác: Phía tòa án không triệu tập cựu thứ trưởng công an tham gia phiên xử ông Nguyễn Hữu Tín, báo Tiền Phong đưa tin. Theo đó, mặc dù phiên tòa này nhiều lần nhắc đến Vũ “nhôm” nhưng Vũ và một cựu lãnh đạo công an có liên quan là cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân, lại không bị triệu tập đến tòa.
Trần Việt Tân là người ký 2 văn bản, một là công văn ngày 23/6/2014 đề nghị Bộ VH-TT&DL cho Công ty Bắc Nam 79 được nhận quyền thuê đất số 15 Thi Sách, khi nhà đất này còn do Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng quản lý, sử dụng; hai là văn bản ngày 24/10/2014, chính là văn bản 3702 gửi UBND TP HCM đề nghị tạo điều kiện cho Công ty Bắc Nam 79 sớm hoàn tất thủ tục pháp lý và trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT TP HCM thay cho Công ty Phim Giải Phóng. Nghĩa là một cơ quan chuyên làm phim ảnh tuyên truyền cho CS đã bị chính “đồng chí” của mình cướp đất trắng trợn mà không nói được gì.
Nhận định về phiên xử đầu tiên vụ các quan chức thành Hồ giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”:
Để thấy được bản chất của vụ này, có thể so sánh với một vụ “đốt lò” lớn khác vẫn đang diễn ra mà tòa chưa tuyên án, là vụ xử Mobifone mua AVG. Sai phạm hai vụ này khác nhau: Một bên là Công ty AVG bị định giá quá mức khiến tài sản nhà nước thất thoát khoảng 7000 tỉ, bên kia là các mảnh “đất vàng” của thành Hồ được giao cho Vũ “nhôm” với giá thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại gần 1000 tỉ đồng. Nhưng diễn biến hai vụ này có một số nét tương đồng như sau:
Thứ nhất là các “Lê Lai” không hề muốn “cứu chúa”. Nguyễn Bắc Son không thể “một tay che trời” nhưng giờ các tội nghiêm trọng nhất đều quy về ông ta, khiến ông ta có thể nhận án tử. Còn trường hợp Nguyễn Hữu Tín, toàn bộ sai phạm “đất vàng” diễn ra khi anh Hai Nhựt vẫn còn ngồi vững trên ghế Bí thư Thành ủy TP HCM, nên chuyện Tín làm theo chỉ đạo của “anh Hai” là không phải bàn cãi. Vấn đề là đến cả “tài liệu mật”, tòa còn không dám nói đến, thì sao chạm đến được người từng nắm quyền sinh sát ở trung tâm kinh tế của đất nước.
Điểm chung trong tình cảnh của các ông Son, Tín dẫn đến điểm chung thứ hai của hai vụ đại án: Cả hai vụ đều là sai phạm liên bộ, ngành, nhưng chỉ có một cơ quan bị chọn để “tế thần”. Không tính Văn phòng Chính phủ thì cả Bộ Công an, Tài Chính, KH&ĐT đều có liên quan đến vụ Mobifone mua AVG, nhưng chỉ có lãnh đạo Bộ TT&TT cùng các bên liên quan trực tiếp là Mobifone, AVG và Công ty thẩm định AMAX phải hầu tòa.
Với sai phạm “đất vàng”, lời khai của Tín cho thấy, phía công an không thể phủ nhận vai trò của họ trong vụ án này, vì cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân đã ký 2 văn bản để quan chức thành Hồ giao đất cho Vũ “nhôm”, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy lãnh đạo công an nào phải hầu tòa, mà chỉ có những người bị ép giao đất.
Từ điểm chung thứ hai này dẫn đến điểm chung thứ ba: Cả hai vụ đều cho thấy tình thế đang có phần đuối sức, thậm chí là bế tắc, của phe “đốt lò”. Vụ xử Mobifone mua AVG hay vụ xử sai phạm “đất vàng” ở thành Hồ chỉ mới lôi ra được người thừa hành, chưa chạm đến những kẻ chủ mưu thật sự.
Cả “đồng chí X” và “lãnh chúa thành Hồ” đều là các nhân vật mà Tổng – Chủ Trọng muốn cho vào lò để đốt, nhưng phải chăng do thỏa thuận nào đó với “anh Ba”, để có thể nắm ghế quyền lực nhất nước, mà bác Tổng phải né chăng?
Trường hợp anh Ba thì phe “đốt lò” từ cuối năm 2017 đến nay đã liên tục đốt các “nhánh củi”, chứ chưa đụng tới cây củi to nhất. Còn với Hai Nhựt thì chiến dịch truyền thông xoay quanh vụ Thủ Thiêm được khơi dậy từ đầu năm 2018, nhưng đến giờ còn chưa thể khiến Tất Thành Cang “nhập kho”, nói chi tới Lê Thanh Hải.
Tóm lại, phe Tổng – Chủ đã mất 2 năm nhưng mới chỉ đánh được các “mục tiêu mềm”. Trong khi chỉ còn khoảng một năm nữa là đảng CSVN tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 13 để bầu lại các vị trí lãnh đạo cấp cao.
Nếu từ bây giờ tới lúc đó, phe “đốt lò” vẫn chỉ “đốt” được mấy “nhánh củi con” mà bỏ qua “khúc củi to” như thế này, thì khả năng chính phe “đốt lò” sẽ bị phản công sau ĐH 13. Bởi vì: 1. Sức khỏe Tổng – Chủ ngày càng có vấn đề, chắc chắn ông ta sẽ mất quyền lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới; 2. Chưa có gương mặt nào sáng giá trong phe “đốt lò” đủ sức để thay thế công việc của Tổng – Chủ, để tiếp tục thanh trừng phe “củi”, dù là “củi mục”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét