Một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Kilis, sát
biên giới với Syria, ngày 22/12/2018.AFP Photos/DHA/STR
Rút quân, Mỹ để lại miền bắc Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ rảnh tay truy diệt phong trào võ trang Kurdistan, đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống thánh chiến Hồi Giáo. Nhưng liệu tổng thống Erdogan có đủ khả năng quân sự chiến thắng Daech theo « giao kèo » trao đổi với tổng thống Donald Trump hay không ?
Ai trúng kế ai ?
Theo nhiều viên chức Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan đã thuyết phục được đồng nhiệm Mỹ Donald Trump tin tưởng vào khả năng của Ankara, một mình thừa sức tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của Daech.
Tổng thống Donald Trump cũng xác nhận là ông « tin cậy » vào đồng nhiệm Erdogan để « diệt trừ tận gốc » tổ chức Daech.
Trên thực tế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công khai tuyên bố chỉ chờ Mỹ rút lực lượng đặc biệt đang bố trí tại miền bắc Syria, sẽ thẳng tay « chôn vùi » dân quân Kurdistan-Syria, thành phần nồng cốt trên bộ trong cuộc chiến chống Daech.
Ankara lo ngại sắc tộc Kurdistan nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố.
Lợi bất cập hại
Thế nhưng, hầu hết giới phân tích đều không chia sẻ thái độ lạc quan của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan là nạn nhân của chính bản thân mình khi bán cho Donald Trump ý tưởng là Thổ Nhĩ Kỳ đủ sức triệt thánh chiến. Lý do là, cho dù có được Mỹ trợ giúp trực tiếp đi nữa, thì phải mất nhiều thời gian mới có thể lập được một lực lượng Ả Rập thân Thổ Nhĩ Kỳ đủ đông, đủ mạnh để bảo vệ miền đông Syria, theo nhận định của chuyên gia Nicolas Heras, thuộc viện nghiên cứu New American Security, với AFP. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng viễn chinh. Những căn cứ cuối cùng của Daech nằm trong sa mạc thuộc miền đông và miền trung Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến 400 cây số. Còn nhiệm vụ tiêu diệt cơ sở Daech gần biên giới Irak sẽ do quân đội Syria và dân quân Shia Irak phụ trách.
Bản thân quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau hai chiến dịch quy mô vào năm 2016 và 2018 chỉ quanh quẩn khu vực gần biên giới, không triệt tiêu được nhóm thánh chiến Al Qaida có tên mới là Hayat al-Cham (HTS). Do vậy, theo chuyên gia Pháp Fabrice Balanche, khả năng cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là « ngăn chận tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trỗi dậy bằng biện pháp khóa biên giới và thỉnh thoảng tung quân đột kích đối phương ».
Ngay một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ là Sinan Ulgen, viện nghiên cứu Edam tại Ankara, cũng nghi ngờ khả năng hậu cần của quân đội, nếu muốn hành quân xa biên giới đến 400 km, trong vùng đất địch.
Khi cam kết với Donald Trump về khả năng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan không có một chiến lược nào cả. Mục tiêu thực sự của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là « tiêu diệt lực lượng Kurdistan-Syria », theo thẩm định của Lina Khatib, chuyên gia Anh ở Luân Đôn. Bởi vì để tiêu diệt Daech, phải có một chiến lược toàn diện, phối hợp quốc tế, không thể bỏ qua các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị. Không có Mỹ, Daech sẽ có điều kiện phục hồi. Đánh một mình mà không thắng, thì chính bản thân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là mục tiêu trả thù của Daech.
Tạo điều kiện cho Mỹ rút quân, sau 7 năm tham chiến, không chắc là một thành công của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét