Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

10432 - Luật ANM: cản trở chính với người dân hay doanh nghiệp?


BBC 

Giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam có lẽ sẽ chịu tác động nhiều của Luật An ninh mạng, theo Luật sư Trần Quốc Hải.

Một luật sư từ Hà Nội cho rằng Luật An ninh mạng (ANM) sẽ gây cản trở lớn nhất cho các công ty khởi nghiệp, trong lúc đại diện nhóm Save NET có quan điểm chính người dân sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của luật này.
Luật An ninh Mạng, được quốc hội Việt Nam phê duyệt hồi tháng 6/2018, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trả lời BBC hôm 31/12, Luật sư Trần Vũ Hải bình luận Luật ANM "chưa chắc đã điều chỉnh mạnh mẽ mạng xã hội" mà có lẽ là "đánh vào giới khởi nghiệp doanh nghiệp là chính". Cô Nguyễn Vi Yên, một thành viên sáng lập của nhóm Save NET cho rằng "ảnh hưởng lớn nhất của Luật ANM sẽ là đối với người dân".
Cô cho biết một nhóm các luật sư và chuyên gia luật cùng các thành viên của nhóm Save NET đã hoàn thành biên soạn cuốn cẩm nang "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết" và sẽ được công khai vào đúng ngày Luật ANM có hiệu lực.
Vài ngày trước, Hội nhà báo Việt Nam vừa công bố "Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam", áp dụng cho cả nhà báo có thẻ và "chưa được cấp thẻ", những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.
Theo bộ quy tắc có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, các nhà báo Việt Nam, nhóm nghề nghiệp đóng vai trò tạo dư luận và cầu nối giữa truyền thông và người dân, bị yêu cầu được làm và không được làm một số việc cụ thể trên mạng xã hội.
"Tuy người dân có thể tự điều chỉnh đôi chút, sự điều chỉnh lớn nhất rất đáng tiếc lại là chính từ các nhà báo trên mạng xã hội. Theo tôi đây là một sự sai lầm lớn của chính quyền khi các nhà báo mất vai trò dẫn dắt nhất định. Sẽ có các cây bút khác nổi lên," Luật sư Trần Vũ Hải nhận định.
Ông tiên đoán rằng các cây bút trên mạng xã hội vào năm 2019 sẽ trở nên khôn ngoan hơn.
"Một mặt họ tự điều chỉnh và viết sắc nét hơn, nhưng cũng khó bắt bẻ được. Mặt khác họ cũng sẽ chưa bị Facebook hay Google "bán mình".
"Trong năm 2019, chúng ta sẽ thấy có một sự chuyển đổi bất ngờ và lý thú trên mạng xã hội Việt Nam. Còn đến năm 2020 thì chúng ta phải chờ xem liệu nhà nước Việt Nam có bắt buộc cưỡng chế được Facebook và Google được không".
"Thực ra Luật ANM chưa chắc đã điều chỉnh mạnh mẽ mạng xã hội như người ta tưởng tượng ra mà có lẽ là đánh vào giới khởi nghiệp doanh nghiệp là chính", ông bình luận tiếp.
"Luật ANM đưa ra những căn cứ pháp lý trước đây mơ hồ thì hiện nay những lực lượng khác nhau của an ninh sẽ có căn cứ để cho rằng họ có quyền can thiệp vào những hoạt động kinh doanh của giới công nghệ. Đó là điều đáng tiếc nhất."

Cô Nguyễn Vi Yên, một trong các thành viên của nhóm Save NETBản quyền hình ảnhFACEBOOK NGUYEN VI YEN
Image captionCô Nguyễn Vi Yên, một trong các thành viên của nhóm Save NET

Cô Vi Yên từ nhóm SAVENET nhận định rằng ảnh hưởng của Luật ANM đối với những người bất đồng chính kiến là cao nhưng sẽ chưa phải là quan trọng nhất vì "từ trước đến nay chính quyền Việt Nam đã có đủ luật để xử lý bất đồng như Điều 109 hay Điều 117 của Bộ luật Hình sự mới".
"Khi Luật này cho phép Bộ Công an nắm bắt những thông tin về sở thích, sở trường, quan điểm chính trị của người dân, nó không chỉ là vấn đề can thiệp quyền riêng tư mà còn reo rắc nỗi sợ len lỏi vào ý nghĩ của chúng ta.
"Đó là điều nguy hiểm khi nó khiến cho người dân phải tự kiểm duyệt mình," cô Vi Yên nói với BBC hôm 27/12 từ CH Czech.
Liệu Google và Facebook có hợp tác với chính quyền Việt Nam?
Theo Luật sư Trần Vũ Hải, hai tập đoàn Facebook và Google "không có cơ sở gì để họ hợp tác với chính quyền Việt Nam để xử lý các cây bút trên mạng", ít nhất là trong năm 2019.
Ông cho rằng các hãng này còn quan tâm liệu Việt Nam có thực hiện đúng các công ước quốc tế mà Việt Nam tham dự hay không.

Facebook và Google là các tập đoàn công nghệ có mạng xã hội được nhiều người dùng ở Việt NamBản quyền hình ảnhLEON NEAL
Image captionFacebook và Google là các tập đoàn công nghệ có mạng xã hội được nhiều người dùng ở Việt Nam

Ngày 13/12, tờ The Financial Times có bài viết đưa tin Google, Facebook cùng các tập đoàn đăng bài viết khác đã thúc giục Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu các tập đoàn này phải lưu trữ dữ liệu trong nước.
"Chỉ ít ngày trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ khác đã thúc giục Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu các tập đoàn này phải lưu trữ dữ liệu trong nước, trong lúc Hà Nội cùng tham gia gây sức ép toàn cầu lên quyền lực của những gã khổng lồ internet của Mỹ.
"Thông qua Liên minh Internet châu Á (Asia Internet Coalition), tổ chức vận động hành lang khu vực, các hãng này cho rằng yêu cầu nội địa hóa dữ liệu sẽ kìm hãm đầu tư, gây hại cho tăng trưởng kinh tế và làm tổn hại tới cả các công ty nước ngoài lẫn trong nước có hiện diện trực tuyến".

Đại diện các sứ quán EU gặp chính phủ Việt Nam hôm 21/12 để thảo luận về Luật An ninh mạng.Bản quyền hình ảnhFACEBOOK EU IN VIETNAM
Image captionĐại diện các sứ quán EU gặp chính phủ Việt Nam hôm 21/12 để thảo luận về Luật An ninh mạng.

EU bày tỏ quan ngại về Luật ANM

Mặc dù Bộ Công an nhiều lần khẳng định Luật ANM 'không trái với các điều ước quốc tế như WTO hay CPTPP, đó chỉ là quan điểm của bộ này, theo luật sư Trần Vũ Hải.
"Chưa thấy Bộ Tư pháp hay chuyên gia pháp luật nào của Việt Nam lên tiếng cả."
"Bản thân luật ANM, bên Cộng đồng Châu Âu (EU) đã có sự phản ánh và không đồng tình với nhiều quy định của luật này trong cuộc làm việc cách đây hơn một tuần với đại diện của chính phủ Việt Nam trong đó có Bộ trưởng Mai Tiến Dũng".
"Chúng ta hãy chờ xem khi xem xét thông qua các hiệp định thương mại, chẳng hạn với EU, họ có yêu cầu Việt Nam thay đổi luật này hay không," Luật sư Trần Vũ Hải cho biết.
Phái đoàn EU tại Việt Nam tuyên bố EU đã nêu quan ngại về Luật ANM với chính phủ Việt Nam trong cuộc họp hôm 21/12.
"Đại sứ EU cùng với các vị Đại sứ và Đại biện lâm thời của các nước thành viên EU tại Việt Nam đã có buổi làm việc trong ngày hôm nay với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng để thảo luận về Luật An ninh mạng mới của Việt Nam và về dự thảo Nghị định thi hành Luật này hiện đang trong quá trình tham vấn công khai.
"Tại buổi làm việc trên tinh thần xây dựng này, chúng tôi đã chia sẻ những quan ngại liên quan tới các vấn đề cụ thể trong quy định của Luật sẽ tác động tới Thương mại và Đầu tư giữa EU và Việt Nam, về tính tương thích của các quy định pháp luật Việt Nam này với Quy định chung của EU về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR), về sự tôn trọng của Việt Nam đối với các quyền căn bản và các quyền tự do của công dân, và về chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam," trang Facebook của EU in Vietnam đăng tin.

Ảnh bìa cuốn "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết" của nhóm Save NETBản quyền hình ảnhSAVE NET
Image captionẢnh bìa cuốn "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết" của nhóm Save NET

Cẩm nang "Luật ANM - Những điều cần biết" nói gì?
"Một khi Luật An ninh mạng đã đi vào hiệu lực, chỉ có một cách duy nhất để bảo vệ quyền riêng tư cũng như tự do ngôn luận của người dân là tự mình nhận thức được quyền của mình và tự tìm kiếm tri thức để bảo vệ điều đó," cô Vi Yên cho biết lý do vì sao nhóm SAVENET quyết định biên soạn cuốn cẩm nang "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết".
"Nhóm SAVENET đã nhờ đến sự hỗ trợ của các luật sư và chuyên gia luật để biên soạn cuốn "Luật An ninh mạng - Những điều cần biết" để cung cấp kiến thức cho người dân, giúp họ có hiểu biết rõ hơn và biết luật này sẽ có tác động đến họ như thế nào và phải làm gì để tự bảo vệ mình khi luật đi vào hiệu lực," cô nói.
Cuốn cẩm nang gồm ba chương chính: Khái quát về An ninh mạng và các vấn đề liên quan; Tìm hiểu Luật an ninh mạng của Việt Nam và Các khuyến nghị.
Được biết cuốn cẩm nang sẽ được phát hành chủ yếu là bản mềm trên website của Save NET và được chia sẻ qua một số tổ chức khác.
Với ngôn ngữ được đơn giản hóa để phù hợp với số đông người đọc, nhóm biên tập kỳ vọng cuốn cuốn cẩm nang đưa được cái nhìn đa diện và khách quan về Luật ANM, và tin rằng đây là "công cụ hữu ích cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét