Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

10358 - Từ vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình: tất cả các bác sĩ đều có thể đi tù?


Ngày 8-1-2019, phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị can trong vụ tai biến chạy thận tại bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 người chết hồi tháng 5-2017 sẽ diễn ra. Bài viết này muốn đặt một vấn đề mang tính cốt lõi: trách nhiệm của bộ trưởng bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến ở đâu, khi mà rất có thể còn nhiều vụ án tương tự khác lại xảy ra với những bác sĩ phụ trách khoa thận nhân tạo.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố với tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Phân tích giác độ chuyên môn ngành y cho biết (tóm tắt từ cáo trạng): Nguyên nhân gây tử vong của các bệnh nhân trong vụ án chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5-2017 đã được cơ quan giám định kết luận là do tồn dư hóa chất (HF) và (HCL) trong hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo cao gấp 240-260 lần mức cho phép sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO.

Bác sĩ Nguyễn Hương (áo xanh dương đậm, đứng giữa trong ảnh)
Bác sĩ là người trực tiếp điều trị bệnh nhân, chịu trách nhiệm về chẩn đoán và điều trị về mặt y thuật. Bác sĩ thận nhân tạo phải hiểu rõ cấu tạo của máy thận nhân tạo, hệ thống RO và máy rửa màng lọc, hiểu để ra những y lịnh điều trị cho bệnh nhân. Nhưng vấn đề bảo trì máy móc, thay mới các màng lọc RO, các màng lọc tinh, các máy chạy thận phải là trách nhiệm của kỹ sư, phòng trang thiết bị của công ty và của bệnh viện.

Bác sĩ Hoàng Công Lương và tất cả các thầy thuốc ở khoa thận nhân tạo tại các bệnh viên có chuyên khoa này trên toàn quốc, đều không phải là kỹ sư hoặc kỹ thuật viên của phòng Vật tư - thiết bị y tế bệnh viện, càng không phải là người trực tiếp làm công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO theo hợp đồng thầu của bệnh viện để gây ra tồn dư hóa chất dẫn đến tử vong cho các nạn nhân.

Ở vào vị trí bác sĩ điều trị, sau khi thăm khám lâm sàng cho người bệnh và được bộ phận có trách nhiệm chuẩn bị trang thiết bị thông báo việc rửa máy thận, ‘test’ máy thận bình thường, đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống RO (điều kiện bắt buộc và duy nhất để nhận biết an toàn hệ thống trước khi y lệnh lọc máu cho người bệnh) trong giới hạn an toàn, xem xét chỉ số đồng hồ đã báo an toàn, thì bác sĩ mới ra y lệnh lọc máu cho người bệnh.

“Thực tế hoạt động lọc máu thận nhân tạo hiện nay, ngoài việc thăm khám người bệnh đủ sức khỏe lọc máu và quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn sau công tác rửa và ‘test’ máy của điều dưỡng viên, thì bác sĩ điều trị không có gì để nhận biết hệ thống RO sử dụng an toàn hay không an toàn, càng không thể nhận biết được đồng hồ báo an toàn những vẫn có khả năng sai số. Vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát, chuyên môn và kiến thức của bác sĩ điều trị”. Điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thu, BV Bình Dân, Sài Gòn, nhận xét.

Bác sĩ Nguyễn Hương, khoa thận nhân tạo, BV đa khoa Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương cho biết đã bao nhiêu hội nghị về An toàn trong lọc máu được tổ chức sau sự cố BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, nhưng rồi cho đến ngày hôm nay, không ai trả lời được câu hỏi: làm thế nào an toàn cho bệnh nhân và bảo vệ được bác sĩ?.

“Sau khi thay màng RO hay xử lý sát khuẩn hệ thống RO, theo quy chế của bộ Y tế, phải xét nghiệm nước RO thành phẩm đạt tiêu chuẩn AAMI của Mỹ, thì mới được phép chạy thận cho bệnh nhân. Thời gian chờ đợi để trả kết quả là 15 ngày. Trong thời gian đó, ở các nước phát triển, bệnh viện sẽ chạy thận cho bệnh nhân với hệ thống RO dự phòng. Còn ở Việt Nam thì không khả thi, vì khó có bệnh viện nào đầu tư một hệ thống RO dự phòng gần cả tỷ đồng.

Có ý kiến cho rằng trong khi chờ kết quả xét nghiệm nước RO, nên chuyển bệnh nhân qua trung tâm khác. Thực sự, các trung tâm đang quá tải. Chuyển bệnh nhân đi đâu bây giờ? Bác sĩ thận nhân tạo đành phải chạy thận cho bệnh nhân với kết quả an toàn ‘đơn sơ’ bước đầu là ion đồ dịch lọc và conductivity (tạm dịch: cảm biến độ dẫn) của máy chạy thận. Nếu có sự cố, thì nguyên một dàn, từ giám đốc, bác sĩ cho tới trưởng phòng trang thiết bị kéo nhau ra toà. Khi ra toà, anh bác sĩ thân cô thế cô, trực tiếp điều trị bệnh nhân lại lãnh hậu quả nặng nhất. Ở tù vì lỗi không phải của mình! Lỗi tại cơ chế hay sao? Ôi ngán ngẩm!!”. Bác sĩ Nguyễn Hương chia sẻ nỗi niềm.

Tạm gác qua nghi vấn phía công ty bảo trì RO đã giải trình thiếu trung thực, tạm gác luôn khả năng ai đó ăn chặn bớt tiền mua màng RO mới, tái sinh màng cũ bằng acid HCl cực độc và… cực sai, vấn đề lớn nhất đặt ra là từ phía bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng cho đến bao giờ bà mới trả lời được câu hỏi: làm thế nào an toàn cho bệnh nhân và bảo vệ được bác sĩ chuyên trách chạy thân nhân tạo?.

Thực tế thì ngay trong vụ án nhập khẩu thuốc ung thư giả đình đám nhất nước, mà tình tiết vụ án về kẻ thủ ác có liên quan trực tiếp đến người thân của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tiến, song bà bộ trưởng Y tế cũng vẫn chưa bao giờ phải hầu tòa với tư cách ‘người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’.

Rồi giờ đây mặc dù có nhiều bệnh nhân chết vì chạy thận, đồng nghiệp của bà bị đe dọa tù tội, nhưng bà xem ra cũng chẳng bận tâm chi đến câu hỏi của các bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo như bác sĩ Nguyễn Hương, điều dưỡng Nguyễn Thị Bích Thu…

Đó là tội ác, thưa bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét