Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

10324 - “Tổng thống loạn”: Thời kỳ kiềm chế Trump đã chấm dứt

Washington Post - Tác giả: Philip Rucker
Dịch giả: Sydney Trần
Trong hai năm, họ đã cố gắng dạy kèm và hạn chế ông. Họ đã dạy ông lịch sử, giải thích các khác biệt tinh tế và đánh bại những tai tiếng. Họ nài nỉ ông phải cân nhắc cẩn thận, khuyên nhủ và chuẩn bị các đề tài thảo luận để cố gắng thuyết phục nhóm bảo thủ đang ủng hộ ông bớt bồn chồn đòi bằng được một sự đột phá. Nhưng cuối cùng, họ đã thất bại.
Đối với Tổng thống Trump, thời kỳ kiềm chế đã chấm dứt. Từng người một, các cố vấn dày dạn được coi là những bức tường cản trở sự bốc đồng liều lĩnh của Trump rồi cũng đã bị gạt sang một bên hoặc, như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm thứ Năm vừa rồi, từ chức trong một hành động phản kháng phi thường.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker (R-Tenn.,) nói ví von rằng “nhà trẻ cho người già” nay đã đóng cửa.
Trump sẽ bước vào năm thứ ba với tư cách là một tổng thống không bị ràng buộc. Ông phải chiến đấu với những người mà ông xem là kẻ thù, quyết tâm thực hiện những lời hứa cứng rắn trong cuộc tranh cử vừa rồi và lo sợ bất kỳ sự chia rẽ nào trong liên minh chính trị của ông.
Cho đến nay, thành quả thật lộn xộn. Chính phủ liên bang đóng cửa. Thị trường chứng khoán đang sụt rớt tự do. Các đồng minh nước ngoài đang lên tiếng báo động. Các thế lực thù địch như Nga thì hoan hô cổ vũ. Và các nhà lập pháp theo đảng Cộng hòa khi xưa ngại bất đồng với Trump thì bây giờ lại công khai phê phán.
“Tôi muốn ông ta thành công, nhưng tôi thấy mình đang ở một vị trí mà cách tốt nhất tôi có thể giúp tổng thống là nói lên sự thật theo nhận xét của tôi” ông TNS Lindsey O. Graham (R S.C.), một người thân tín và là bạn thường xuyên chơi gôn với Trump đã nói khi ông phản đối kịch liệt quyết định đột ngột rút quân khỏi Syria của Trump, mặc kệ lời khuyên của các cố vấn quân sự.
Chung quanh Trump bây giờ là những người chỉ biết vâng dạ. So với đại tướng Mattis và các các cựu tướng quân khác đã cố gắng kiềm hãm Trump, thì công việc của những người dưới trướng bây giờ là làm theo lời Trump, ngay cả khi họ không đồng ý. Trump đã chỉ định một số viên chức, kể cả chức Chánh Văn Phòng mới của Nhà Trắng của Mick Mulvaney, trong vai trò là “tạm thời.” Có nghĩa là họ phải hết sức làm hài lòng Trump truớc khi được trao quyền chính thức. Và Trump cũng đang bêu riếu gay gắt ông chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome H. Powell, người mà Trump đổ lỗi là đang làm cho thị trường Mỹ tuột dốc. Trump còn nói là đáng lẽ ông đã không nên chọn Powell vào chức vụ này.
Trong khi đó, những người thân thích trong gia đình Trump thì đang được lên chức. Con rể của ông – Jared Kushner – hiện là một đàm phán viên ngày càng có ảnh hưởng với các chính phủ ngoại quốc, chẳng hạn như nước Ả Rập. Kushner đã được phái đi cùng với Phó Tổng thống Pence và Mulvaney để đàm phán một thỏa thuận chi tiêu với các nhà lãnh đạo tại Quốc Hội trước khi chính phủ đóng cửa.
Tổng thống ngày càng bị cô lập Donald Trump đã giải thích tư duy của mình trong cuộc phỏng vấn ngày 27/11 với tờ The Washington Post: “Tôi có linh tính và đôi khi linh tính của tôi giúp tôi biết nhiều hơn là trí tuệ của bất cứ ai.”
Đầu năm nay, Trump đã bắt đầu bất chấp khuyên can của các cố vấn kinh tế như Gary Cohn, người đã từ chức vào tháng 3, và dựa vào bản năng theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc của mình để tăng thuế nhập cảng.
Nhưng sự ra đi của Mattis kèm theo các hệ lụy về an ninh quốc gia đã gây ra một cú sốc lo lắng cho Washington và các quốc gia trên thế giới. Sự lo lắng này vượt xa những lo lắng về các chính sách thương mại trước đó của Trump.
“Trump là vị tổng thống loạn,” theo lời ông Barry McCaffrey, một đại tướng bốn sao nay đã nghỉ hưu.
Tướng McCaffrey nói thêm: “Trong mắt các đồng minh và các chuyên gia về sức mạnh an ninh quốc gia của chúng ta, thì Trump là một kẻ bất tài và bốc đồng. Trump đã đưa ra những quyết định tồi tệ làm mất lòng các đồng minh rồi đi ăn nằm với những người đe dọa đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.”
Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Charles E. Schumer (DN.Y.) gọi tuần này là một “tuần lễ hỗn loạn nhất của một tổng thống hỗn loạn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.”
Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, ông nói thêm: “Chính phủ của chúng ta đang thiếu sự lãnh đạo ổn định và có kinh nghiệm. Với nhiều người nghỉ việc như vầy, nó sẽ còn trở nên bất ổn hơn nữa. Tổng thống đang đưa ra quyết định mà không cần tư vấn, không cần chuẩn bị, và thậm chí không có được đến sự liên lạc giữa các bộ phận và cơ quan liên quan đến vấn đề.”
Hãy nhìn vào những vụ từ chức hoặc sa thải gần đây.
Mattis, một cựu đại tướng thủy quân lục chiến đáng kính, một người lãnh đạo được toàn thế giới tôn trọng, đặc biệt là trong số các nước NATO, đã nghỉ việc sau khi Trump không nghe ông cố vấn và rút quân ra khỏi Syria. Lá thư từ chức của ông là một lời quở trách sâu sắc về thế giới quan của Trump. Một cách nhìn thế giới mà ông xem là mối đe dọa với nền trật tự toàn cầu đã được Hoa Kỳ đã giúp xây dựng trong bảy thập kỷ vừa qua.
John F. Kelly, một tướng thủy quân lục chiến khác được kính trọng bởi mọi người vì kinh nghiệm chiến trường, cũng đã bị truất phế khỏi chức vụ chánh văn phòng Nhà Trắng sau khi có bất đồng với Trump vì phương thức quản lý quá kỷ luật. Trump có mời một số người thay thế nhưng bị họ từ chối. Cuối cùng Trump chọn Mulvaney để thay thế Kelly – ít nhất là tạm thời. Mulvaney đã thề với Trump rằng ông chỉ sẽ cố gắng quản lý nhân viên chứ không quản lý Trump.
Nikki Haley trong tư cách đại sứ Liên Hiệp Quốc đã thể hiện xu hướng độc lập và công kích Nga cùng các đối thủ khác của Mỹ hơn Trump cũng sẽ từ chức trong tháng này. Trump đề cử bà Heather Nauert, người từng làm việc truyền thông cho ông trên chương trình Fox News, thay thế với tư cách là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao.
Đầu năm nay, Trump đã bãi nhiệm H.R. McMaster, một trung tướng quân đội và một nhà nghiên cứu quân sự, khỏi chức vụ cố vấn an ninh quốc gia. Người thay thế là John Bolton, một thành viên kỳ cựu của nhóm tân bảo thủ từ thời George W. Bush. Người ta nghĩ rằng Bolton sẽ thích hợp với những bốc đồng của Trump hơn là McMaster.
“Trump muốn hoàn toàn tự do làm những gì ông ta muốn, bất cứ khi nào ông ta muốn, và ông ta sắp được toại nguyện. Đó là nỗi kinh hoàng không chỉ đối với Quốc hội mà đối với cả thế giới” ông Thomas Wright thuộc Viện Brookings nói.
Rex Tillerson, ngoại trưởng đầu tiên của Trump và là một giám đốc điều hành có kinh nghiệm lâu năm, gần đây đã mô tả sự vô ích của việc cố gắng kiềm chế Trump. Ông nói Trump là một người “khá vô kỷ luật, không thích đọc, không đọc báo cáo tóm tắt, không muốn tìm hiểu chi tiết về nhiều thứ, mà chỉ thích nói, ‘Đây là điều tôi tin ”
Trong một cuộc phỏng vấn với Bob Schieffer của CBS News, Tillerson giải thích: “Trump thường nói : ‘Đây là những gì tôi muốn làm, và đây là cách tôi muốn làm,’ và tôi phải trả lời Trump rằng: ‘Thưa Tổng Thống, tôi hiểu những gì ông muốn làm, nhưng ông không thể làm điều đó và theo cách đó, vì nó vi phạm luật pháp.”
Trump đã sa thải Tillerson vào tháng 3 vừa rồi sau nhiều tháng căng thẳng và thay thế Tillerson bằng Mike Pompeo, người có mối quan hệ cá nhân tốt hơn với Trump.
Ông David Axelrod, một chiến lược gia chính trị, người từng là cố vấn Nhà Trắng cho Tổng thống Barack Obama, nói : “Trong cách suy nghĩ của Trump và một số người ủng hộ ông ấy, thì ông ta đang gạt bỏ những nhân vật có thể ngăn cản những hành động theo bản năng của Trump để thực thi những gì ông ta cam kết trong lúc tranh cử.”
“Tuy nhiên, bản năng của ông ta rất bốc đồng, hầu như nó luôn luôn dựa trên một nền tảng chính trị hẹp hòi và thường bị thúc đẩy bởi sự bất chấp. Trump không được kiềm chế là một vấn đề đáng sợ.”
Đồng thời, một số thể chế dùng để kiểm soát các bốc đồng của Trump cũng đang bị vô hiệu quả. Quyết định rút quân khỏi Syria của Trump là một điều bất ngờ với Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, vì ông không được tham vấn.
Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan (R-Wis.) và người lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell (R-Ky.), sau khi nhận được thỏa hiệp với Nhà Trắng về con số chi tiêu của ngân sách, cuối cùng cũng không thể ngăn chặn chính phủ ngưng hoạt động sau Trump trở cờ vì bị Rush Limbaugh, Ann Coulter và những người trong nhóm truyền thông bảo thủ khác chỉ trích.
“Đây là sự chuyên chế của những người làm chương trình phát thanh, phải không?” thượng nghị sĩ về hưu Corker đặt câu hỏị “những người Cộng hòa có còn thực sự tin tưởng vào hướng đi của Trump không? Bộ chúng ta là con nít à.”
Một số nhà cố vấn cũ và đồng minh của Trump cũng có cùng mối quan ngại về cách hành xử của Trump gần đây. Một cựu quan chức chính quyền cấp cao cho biết, một “sự can thiệp” có thể là cần thiết. Và một chiến lược gia của đảng Cộng hòa làm việc chặt chẽ với Nhà Trắng đã gọi tình huống hiện giờ là “nghiêm trọng, nghiêm trọng, nghiêm trọng.”
Chiến lược gia này, được giấu tên để có thể nói thẳng, đã so sánh Trump với tổng thống Richard M. Nixon và George W. Bush. “Khác với thời Nixon, hiện giờ không có ai là người lớn.” Có Phó Tổng Thống cũng như không. Ông ta chỉ biết gật gù; không được như cựu Phó Tổng Thống Cheney.
Kể từ khi bị thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng trước, Trump rất bận tâm với những lo lắng về sự sống còn của quyền lực chính trị của mình. Đảng Dân chủ sẽ tiếp quản Hạ Viện vào ngày 3 tháng 1, thế nào cũng sẽ có thêm một loạt điều tra về tư cách, tài chính cá nhân và những cáo buộc tham nhũng trong chính quyền của Trump.
Trong khi đó, các cuộc điều tra liên bang khác cũng đang leo thang. Cuộc điều tra liên quan với Nga của Cố vấn đặc biệt Robert S. Mueller III đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm hơn. Cuộc điều tra đó, cũng như một cuộc điều tra khác của liên bang về các khoản tiền thanh toán bất hợp pháp cho những phụ nữ có liên hệ tình dục với Trump, đã là cái bẫy bắt giữ luật sư riêng của Trump Michael Cohen, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và cựu chủ tịch tranh cữ Paul Manafort, trong số những người khác.
Trong một vụ khác, tuần trước Trump đã phải đồng ý đóng cửa quỹ từ thiện mang tên gia đình của ông sau khi Bộ Trưởng Tư Pháp New York, bà Barbara Underwood, nói rằng hội từ thiện đó đã có những “hoạt động theo mô hình bất hợp pháp thật sửng sốt.”
Ian Bremmer, một chuyên gia đối ngoại và là chủ tịch của nhóm Eurasia Group, cho rằng mặc dù có nhiều phản ứng trên toàn cầu về sự ra đi của Mattis, việc Trump sa thải Stephen K Bannon khỏi chức vụ chiến lược gia của Nhà Trắng hồi năm ngoái mới thật sự quan trọng hơn.
“Sự bớt giảm chức năng thiệt hại mà chính quyền Trump có thể gây ra cho thế giới từ việc sa thải Bannon đáng kể hơn là sự hỗn loạn và nguy hiểm từ vụ từ chức của ông Mattis,” ông Bremmer nói.
“Trên thực tế, Bannon là một người có khả năng thuyết phục, có nhiều ảnh hưởng và quyền lực vì được Trump nghe lời. Bannon mới là người muốn làm đảo lộn, phá hỏng hoàn toàn các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.”
Mặc dầu vậy, còi báo động cũng đã kêu vang tuần trước ở những cơ quan thiết lập các chính sách đối ngoại. Việc Mattis từ chức đã được các tổ chức xem là một hành động quan trọng phi thường.
Eliot A. Cohen, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Bush và cũng là một nhà phê bình TT Trump, đã viết trên tạp chí Đại Tây Dương như sau: “Hàng ngũ của chính phủ cao cấp hiện giờ chỉ còn những người không xương sống và những kẻ cơ hội, những kẻ mưu mô và lo toan cho sự nghiệp riêng mà thôi.”
“Họ sẽ cố gắng thao túng Trump, hoặc sẽ thực hiện một số nỗ lực yếu ớt để phá hoại ông ta,” ông Cohen nói thêm, “nhưng cuối cùng họ cũng sẽ theo Trump.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét