Ảnh minh họa: Một dự án điện mặt trời của EVN ở Phú Yên.
Một công ty Trung Quốc vừa trúng gói thầu 728 tỷ đồng tại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Việc này làm dấy lên lo ngại về những vấn đề thường xuyên gặp phải với các nhà thầu Trung Quốc khi họ thực hiện dự án tại Việt Nam như chất lượng kém, đội vốn...Gói thầu mà công ty Trung Quốc vừa thắng thầu là gói thầu số 7, gồm thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2, được gọi tắt là gói thầu EPC thuộc dự án nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2.
Kỹ thuật bỏ thầu của Trung Quốc
Kỹ thuật bỏ thầu của Trung Quốc
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26 tháng 12 năm 2018, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu liên quan luật đấu thầu của Việt Nam. Luật đấu thầu của Việt Nam đưa ra nhiều tiên chí, nhưng trong đó tiêu chí quan trọng là nhà thầu nào bỏ thầu giá thấp nhất thì nhà thầu ấy đạt được nhiều điểm và có khả năng thắng thầu. Ông nói tiếp:
“Riêng về nhiệt điện thì nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ giá rất thấp, nên việc họ thắng thầu cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, nhiệt điện của chúng ta thì thiếu vốn, do đó EVN vay vốn của Trung Quốc, vì vậy các nhà thầu Trung Quốc có lợi thế đấu thầu với các nhà máy điện của EVN. Dư luận thì lo ngại công nghệ chưa được hiện đại của các nhà máy điện đó, đặc biệt là tác động gây ô nhiễm môi trường chưa được tính toán đầy đủ. Theo như một số nghiên cứu thì nếu tính đầy đủ các chi phí về môi trường thì rất có thể, các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc không hề rẻ như là được báo cáo.”
Theo Bộ kế hoạch đầu tư, Trung Quốc hiện đầu tư hơn 1.600 dự án tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn 11,2 tỉ USD, là một trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Sở dĩ có nhiều lo ngại dự án điện mặt trời Vĩnh Tân khó tránh khỏi việc thi công chậm tiến độ, chất lượng công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành... vì trước đây nhiều dự án có yếu tố Trung Quốc đã dính bê bối như, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện bị chậm tiến độ, tự ý thay đổi thiết kế, đội vốn lên hàng trăm triệu USD. Hay như dự án xây dựng sân vận động Mỹ Đình vào năm 2001, công ty Trung Quốc trúng thầu đã sử dụng thiết bị không đúng với hợp đồng, không rõ nguồn gốc...
Ngoài ra, hàng loạt các dự án nhiệt điện lớn như dự án nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Uông Bí… do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng không ít lần làm chủ đầu tư lo lắng, khi các nhà thầu dọa bỏ lại những dự án dở dang. Hầu hết các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Tạ Cao Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận xét:
“Phía Trung Quốc người ta có một cái kỹ thuật là bao giờ người ta cũng bỏ thầu với giá rất thấp, các đối thủ khác sẽ bị thua. Nhưng trong quá trình cung cấp thiết bị, thì người ta thay đổi những cái hàng hóa, thay đổi những thiết bị so với ban đầu, thay đồi công nghệ mà mình không kiểm soát được. Đây là cái cách mà Trung Quốc làm để thắng các đối thủ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Theo tôi nghĩ, chúng ta cấm Trung Quốc bỏ thầu cũng không được, vì đó là thông lệ quốc tế.”
Cần có sự giám định của ban tư vấn độc lập
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thầu dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng hoặc do những ràng buộc liên quan đến điều khoản vay vốn, thì hợp đồng phải hết sức chặt chẽ để ràng buộc nhà thầu.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Rõ ràng nguồn vốn của Việt Nam hạn chế, mà việc đi vay cũng không phải là dễ dàng, vì vậy việc nhà thầu Trung Quốc thắng thầu vì họ có thể góp đến 80% cũng là một trong những lý do. Tôi cũng xin lưu ý là hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu về công nghệ điện mặt trời, và giá điện mặt trời cung cấp hiện nay là rẻ nhất trên thế giới. Do đó rất có thể công nghệ đó giúp cho Trung Quốc thắng thầu dự án điện mặt trời này.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, một dự án lớn như Dự án điện mặt trời ở Vĩnh Tân, thì đối với nhà thầu Trung Quốc nên có sự giám định của ban tư vấn độc lập. Theo ông, Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật hoàn toàn có thể giúp đánh giá một cách độc lập về hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án này có thể có, cũng như những tác động liên quan đến môi trường. Hay đối với điện mặt trời thì xem diện tích sử dụng đất có hợp lý hay chưa?
Một người dânVĩnh Tân bày tỏ lo ngại khi nghe tin nhà thầu Trung Quốc sẽ thi công gói thầu điện mặt trời tại địa phương mình:
“Cái đó thuộc về quyền hành của nhà nước, nhà nước muốn bảo vệ dân thì nhà nước phải nghiên cứu. Còn nhà nước để cho dân sống thì sống, chết thì chết thì cứ để cho Trung Quốc làm thôi. Thì nhiệt điện vẫn còn đó, khu ký túc xá của công nhân Trung Quốc, họ không ở đây mà họ đi cách đó mấy chục cây số họ ở, họ ở đây thì họ sợ công nhân của họ bị ô nhiễm, bị ảnh hưởng sức khỏe. Còn người dân Việt Nam mình thì không ai lo nên phải ở đó hít không khí ô nhiễm mà chết. Có ai đứng ra bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam không?”
Theo ông Tạ Cao Minh, mặc dù vận dụng luật đấu thầu quốc tế, nhưng Việt Nam cũng có thể nghiên cứu để ban hành những quy định riêng của bản xứ, nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế bớt các sản phẩm của Trung Quốc. Theo ông cần có sự can thiệp của chính phủ Việt Nam thì mới làm được, chứ một cá nhân, một tổ chức khi đã đưa đấu thầu thì rất khó có thể làm được gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét