Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

7360 - Google chấp nhận bị kiểm duyệt để trở lại thị trường Trung Quốc



Một nhân viên an ninh Trung Quốc đứng trước biểu hiệu Google tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 21/04/2016 REUTERS

Tập đoàn Google của Mỹ hiện đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm đáp ứng những yêu cầu về kiểm duyệt của Bắc Kinh để có thể quay trở lại thị trường Trung Quốc, sau 8 năm bị gián đoạn. Một nhân viên của Google vừa thông báo tin trên với hãng tin AFP hôm nay, 02/08/2018.
Do bị kiểm duyệt gắt gao và bị nhiều vụ tấn công tin tặc, vào năm 2010, Google đã rút công cụ tìm kiếm của họ ra khỏi Trung Quốc. Từ đó cho đến nay, nhiều dịch vụ của tập đoàn này vẫn bị chặn tại quốc gia hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới. Nay để có thể quay trở lại thị trường béo bở này, Google đang thử nghiệm một công cụ tìm kiếm, có tên là « Dragonfly » ( Chuồn Chuồn ), được thiết kế đặc biệt để có thể sàng lọc những trang mạng và những từ khóa bị cấm ở Trung Quốc.
Theo nhân viên của Google, xin được giấu tên, mã nguồn của dự án này có thể được tham khảo và được thử nghiệm trên mạng tin học nội bộ của Google, xác nhận những thông tin của báo chí Mỹ. Nhưng Taj Meadows, phát ngôn viên của Google ở châu Á, đã từ chối phủ nhận hay xác nhận sự tồn tại của dự án công cụ tìm kiếm Dragonfly.
The Intercept, trang mạng đầu tiên tiết lộ về dự án Dragonfly, cho biết công cụ tìm kiếm này là để sử dụng cho hệ điều hành Android trên các điện thoại thông minh smartphone. Theo trang mạng này, danh sách đen các từ bị cấm sẽ bao gồm các từ « nhân quyền », « dân chủ », « tôn giáo », «  biểu tình ». Công cụ tìm kiếm còn có khả năng phát hiện và ngăn chận những trang web bị chính quyền Bắc Kinh cấm truy cập.
Trung Quốc hiện có một hệ thống kiểm duyệt Internet rất chặt chẽ, chặn được các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter hay Google và Gmail, cũng như chặn nhiều cơ quan truyền thông của phương Tây. Các mạng của riêng Trung Quốc như Weibo hay WeChat thì phải tự kiểm duyệt những nội dung bị xem là nhạy cảm : chỉ trích chế độ, tôn giáo, tai tiếng về y tế,….
Trong bối cảnh như vậy, các tập đoàn công nghệ thông tin của nước ngoài luôn gặp tình thế khó xử : hoăc là nhân nhượng chính quyền Bắc Kinh, hoặc từ bỏ thị trường khổng lồ này.
Thông tin về dự án công cụ tìm kiếm mới của Google dĩ nhiên là khiến cho giới hoạt động nhân quyền rất thất vọng. AFP trích lời ông Patrick Poon, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế : «  Đấy sẽ là một ngày đen tối đối với quyền tự do Internet, nếu Google chấp nhận những quy định rất gắt gao về kiểm duyệt để có thể thâm nhập vào thị trường này, đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền ». Rất lo ngại, Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Google không nên chấp nhận những nhân nhượng như vậy.
Thật ra thì Google chưa bao giờ rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Tuy đã rút đi công cụ tìm kiếm vào năm 2010, nhưng tập đoàn Mỹ vẫn còn 3 văn phòng và hơn 700 nhân viên ở Trung Quốc, đồng thời tiếp tục nhận các khoản thu từ quảng cáo ở nước này. Mùa đông vừa qua, Google đã thông báo sẽ mở một trung tâm nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo ở Bắc Kinh và sẽ hợp tác với tập đoàn Internet Tencent của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo AFP, việc thiết lập công cụ tìm kiếm đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc có thể gặp rắc rối, do thái độ bất bình của nhân viên Google. Gần đây, đã có hơn 4 ngàn nhân viên của tập đoàn này ký vào một kiến nghị yêu cầu Google không ký một hợp đồng khổng lồ với quân đội Mỹ, vì theo họ, sự hợp tác này là trái với những giá trị của tập đoàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét