Một nhà nghiên cứu bình luận với BBC rằng việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ trị giá gần trăm triệu đôla "là bước tiếp cận đầu tiên" và "mang tính chất phòng thủ".
VOA Tiếng Việt dẫn nguồn tin giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ ẩn danh nói Việt Nam "có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá 94,7 triệu đôla".
Trang này cũng cho hay, Việt Nam hiện có 24 trường hợp trong chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài với tổng trị giá 69,7 triệu đôla. Các vụ này được ghi nhận "đang trong các giai đoạn khác nhau để triển khai và chuyển giao cho Việt Nam".
'Bước tiến tự nhiên'
Hôm 2/8, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), bình luận với BBC: "Thông tin về việc Việt Nam có ý định nghiêm túc mua vũ khí Mỹ đã xuất hiện râm ran từ lâu rồi ngay sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khi đối với Việt Nam năm 2016."
"Kể từ đó cho tới nay đã có nhiều cuộc trao đổi từ các đoàn quan chức quốc phòng của cả hai phía liên quan tới khả năng Việt Nam mua vũ khí Mỹ, rồi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Mỹ cũng đã có dịp tới Việt Nam chào hàng rồi."
"Bên cạnh đó Việt Nam, cụ thể là lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã nhận chuyển giao và đưa vào biên chế hai tàu cũ của Tuần duyên Mỹ. Vì thế thông tin Việt Nam đặt mua gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ cũng chỉ là một bước tiến tự nhiên tiếp theo trong quan hệ quốc phòng tổng thể ngày càng đi vào chiều sâu giữa hai bên."
"Tuy nhiên, theo tôi đây mới chỉ là những bước tiếp cận đầu tiên của Việt Nam. Cả hai phía sẽ phải làm quen với các quy trình đàm phán và mua bán hết sức phức tạp, đặc biệt là phía Việt Nam."
"Các nhà thầu quốc phòng Mỹ hay các quan chức Mỹ cũng sẽ dần làm quen với kiểu cách đàm phán và mua bán vũ khí đầy tính hành chính và quan liêu của Việt Nam vốn chỉ quen làm việc với các đối tác truyền thống Đông Âu. Số lượng, chủng loại và tính chất của các loại vũ khí trong đợt này cũng là một chỉ dấu. 100 triệu đôla vũ khí chỉ là một con số nhỏ và theo ý kiến riêng của tôi thì các loại vũ khí trong đợt này mà Việt Nam đặt mua của Mỹ sẽ mang tính chất phòng thủ là chủ yếu."
"Chắc chắn số lượng vũ khí này sẽ liên quan đến bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, vì đơn giản ưu tiên số một trong chiến lược quốc phòng Việt Nam hiện tại là ưu tiên hướng biển. Việt Nam cần tiếp cận công nghệ vũ khí phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong các lĩnh vực quốc phòng ưu tiên hiện đại hoá liên quan đến an ninh biển. Xu hướng Việt Nam ngày càng đưa vào trang bị nhiều hơn các loại vũ khí phương Tây là xu hướng đã có từ lâu. Một phần vì Việt Nam muốn đa dạng hoá nguồn cung vũ khí tránh phụ thuộc quá lớn vào Nga và mặt khác do vũ khí phương Tây trong một số mặt hiệu quả hơn, và quá trình chuyển giao nhanh hơn và thuận lợi hơn vũ khí Nga."
Ông Thế Phương cũng đưa ra nhận định: "Bắc Kinh chắc chắn đã và đang theo dõi sát sao hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ, nhưng họ cũng hiểu là hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu đi vào chiều sâu."
"Trung Quốc còn nhiều con bài khác cả về chính trị và ngoại giao để có thể sử dụng. Điều quan trọng là Việt Nam sẽ tận dụng được xung lực từ mối quan hệ quốc phòng VIệt-Mỹ đang thăng hoa trong thời gian này tới mức độ nào. Việt Nam liệu sẽ tận dụng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ đang khởi sắc hiện nay để tăng tốc và hợp lý hoá hiện đại hoá quốc phòng, hay bỏ lỡ nó vẫn là một câu hỏi cần nhiều thời gian hơn nữa để trả lời.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc có trong tay vũ khí Mỹ hay phương Tây là một điều tốt. Tuy nhiên lựa chọn vũ khí nào, sử dụng như thế nào và ở đâu lại là vấn đề mang tính chiến thuật và chiến lược cần nhiều sự tính toán kỹ lưỡng. Việc phối hợp các hệ thống vũ khí mới và các hệ thống vũ khí cũ hệ Đông Âu cần thời gian và công sức nhằm hợp lý hóa các khoản đầu tư, tránh xung đột hệ thống, và trên hết là yếu tố tiết kiệm trong bối cảnh ngân sách quốc phòng hạn hẹp của Việt Nam."
"Nói thế để cho thấy thực chất tiềm năng mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai là rất lớn, nếu phía Mỹ hiểu rõ được nhu cầu và đặc trưng của nền quốc phòng Việt Nam," ông Thế Phương nói với BBC.
Hồi tháng 3/2018, báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam là khách hàng lớn thứ ba của Nga trong buôn bán vũ khí.
Việt Nam đứng thứ ba (10%) trong danh sách mua hàng của Nga, sau Ấn Độ (35%) và Trung Quốc (12%).
Việt Nam cũng là khách hàng thứ ba của Israel (6,3%), sau Ấn Độ (49%) và Azerbaijan (13%).
Với Belarus, Việt Nam là khách hàng số một (26%), tiếp theo là Trung Quốc (26%) và Sudan (23%).
Cộng hòa Czech là đối tác lớn tiếp theo, với Việt Nam là khách hàng thứ ba (11%), sau Iraq (44%), và Mỹ (19%).
Theo trang DefenseNews, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn thấy Hà Nội bớt các giao dịch vũ khí với Nga và mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng chi phí và sự phức tạp của công nghệ vũ khí Mỹ ó thể khiến quá trình chuyển đổi này gian nan.
Từ năm 2005 đến năm 2014, Hà Nội tăng chi tiêu quân sự lên gần 400%, theo website của Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Việt Nam không tăng cường đáng kể việc mua vũ khí Mỹ, ngay cả sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét