Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

7349 - Những trái bom nước lơ lửng trên đầu dân Việt


                 Cảnh chạy lụt sau vụ vỡ đập Xepian-Xe Nam Noy ở Attapeu, Lào.

Sự kiện một trong các đập chắn nước của Thủy điện Xepian - Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ tối 23 tháng 7, nhấn chìm sáu làng của huyện Sanamxay, khiến hàng ngàn gia đình trắng tay, ít nhất 6.500 người rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, đến nay, lực lượng cứu nạn mới chỉ tìm được 9 thi thể trong số hơn 100 người mất tích,… đã dấy lên mối lo về hàng trăm công trình thủy điện từng được ví von như những trái bom nước lơ lửng trên đầu hàng chục triệu người Việt. Đặc biệt, thảm họa từ thủy điện Xepian - Xe Nam Noy làm người ta liên tưởng đến những cảnh báo về chuỗi thủy điện bậc thang Sơn La – Hòa Bình,…
Ngay sau đó, hệ thống truyền thông chính thức của chính quyền Việt Nam lên tiếng trấn an công chúng rằng, độ an toàn của Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình là “gần như tuyệt đối” (1), thậm chí theo thiết kế thì đập chắn nước của Thủy điện Hòa Bình có thể chịu được lực tác động tương đương… bốn trái bom nguyên tử mà Mỹ đã từng thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối Thế chiến thứ hai, nếu xảy ra động đất cấp 8, cấp 9 thì con đập này cũng không suy suyển (2).

Hệ thống truyền thông chính thức của chính quyền Việt Nam thừa nhận cảnh báo khi chính quyền Việt Nam dự tính xây dựng Thủy điện Sơn La, nếu đập chắn nước của Thủy điện Sơn La vỡ, nước từ trên cao sẽ tràn xuống, khiến đập chắn nước của Thủy điện Hòa Bình vỡ theo, ít nhất sẽ có sáu tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ bị xóa xổ, “khoảng 12 triệu dân sẽ thành... cua, cá hết” song nhờ “trí tuệ Việt Nam, các công đoạn khảo sát chọn vị trí – thiết kế - thi công đều đạt mức tối ưu nên đập Thủy điện Hòa Bình không thể “vỡ ục”, có “rò rỉ, thẩm lậu thì cũng đủ thời gian sửa chữa”...
***
Đập chắn nước của Thủy điện Sơn La, đập chắn nước của Thủy điện Hòa Bình vẫn còn nguyên nhưng từ khi các công trình này và những công trình thủy điện khác thành hình, theo thời gian, mùa mưa đồng nghĩa với thảm họa, mức độ thảm khốc, thiệt hại nhân mạng, thiệt hại tài sản của năm sau luôn luôn cao hơn năm trước…
Chẳng riêng khu vực Tây Bắc – nơi các đợt lũ, lụt cách nay vài tuần đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng, nhiều khu vực trở thành bình địa vì sạt lở, lũ quét, dân chúng Hà Nội cũng lâm nạn, các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì,… đều đang chìm sâu trong nước. Thậm chí 3000 người dân của xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị ngâm trong mực nước ít nhất là ngang thắt lưng từ 21 tháng 7 đến nay (3). Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hà Nội xác nhận với báo giới, Hà Nội có tới tám huyện ngoại thành đang đối diện với thảm họa lũ, lụt. Tới nay, diện tích bị chìm trong nước vẫn còn khoảng 3.000 héc ta (4)… Họa vô đơn chí, nước các con sông vẫn đang dâng lên vừa nhanh, vừa cao, đã có một số cống, đoạn đê bị bục, vỡ. Chủ tịch thành phố Hà Nội đã ra lệnh chuẩn bị để khi cần, có thể di tản khẩn cấp 14.000 gia đình ra khỏi khu vực được xác định là… vùng phân lũ (4)!
Tới giờ này lũ lụt đã làm ít nhất ba người dân Hà Nội thiệt mạng (một người dàn ông và hai đứa trẻ, một 9 tuổi, một 12 tuổi, cùng cư trú ở huyện Chương Mỹ) (5). Còn thiệt hại về tài sản? Ông Chu Phú Mỹ tiết lộ, các ao – đầm nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi, xưởng sản xuất,… vẫn chìm trong nước. Sau khi hối hả chạy lũ, hàng ngàn người dân ở các xã Tân Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ,… thuộc huyện Chương Mỹ vẫn chưa thể trở về tư gia của mình vì nước chưa rút. Ông Mỹ giải thích Hà Nội hứng chịu lũ lớn, lụt sâu là vì “lượng nước lớn chảy từ tỉnh Hòa Bình và huyện Ba Vì về”.
Ông Mỹ chỉ dám nói đến thế vì từ khi thiệt hại do lũ, lụt tăng nhanh, Tổng cục Phòng - Chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn bắt đầu chỉ trích những nhận định, theo đó, lũ lụt trầm trọng là do các thủy điện Sơn La, Hòa Bình ở thượng nguồn sông Đà xả lũ để bảo đảm an toàn cho đập chắn nước của hai công trình này.
Dẫu cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam chưa tự ý đục bỏ các tin đã đưa: Bão đến, mưa lớn, nước từ các nơi đổ về, ngày 7 tháng 7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng – Chống thiên tai cho phép hai nhà máy thủy điện là Sơn La, Hòa Bình được mở cửa xả nước xuống hạ du (6). Ngày 14 tháng 7, cũng cơ quan này ra lệnh cho bộ phận điều hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa thứ ba để xả thêm nước xuống hạ du (7). Ngày 21 tháng 7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng – Chống thiên tai gửi công điện ra lệnh cho bộ phận điều hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả nước nữa (8). Trong bản tin thời sự phát sáng 23 tháng 7, VTV loan báo, sau khi thị sát thực địa, Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chỉ đạo: “Đóng ngay một cửa xả của Thủy điện Hòa Bình, giảm bớt lượng nước dồn về hạ du” (9) – song cách nay vài ngày, Tổng cục Phòng - Chống thiên tai bắt đầu chỉ trích, nhận định lũ, lụt nghiêm trọng là do Thủy điện Hòa Bình xả lũ “không chính xác, gây hoang mang dư luận”. Ông Trần Quang Hài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: Lũ, lụt nghiêm trọng là do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường bởi năm ngoái đã xảy ra!
Theo khuynh hướng ấy, Tổng cục Phòng - Chống thiên tai bác bỏ thắc mắc, phải chăng chín căn nhà nằm ven sông Đà, đoạn chảy ngang thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đổ ụp xuống sông từ chiều 30 đến rạng sáng 31 tháng 7 và 25 căn nhà khác trong khu vực vừa kể đang đối diện với nguy cơ tương tự là do các thủy điện Sơn La, Hòa Bình đồng loạt đóng, mở các cửa xả lũ một cách đột ngột (?). Cơ quan này giải thích, tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng, tài sản của gần 40 gia đình chỉ vì khu vực này có mưa quá lớn, kéo dài cả tháng, địa tầng đã “no” nước, kết cấu yếu (10).
Không may cho Tổng cục Phòng - Chống thiên tai là đợt lũ, lụt này xâm hại tính mạng, tài sản, lợi ích quá nhiều người thành ra một số chuyên gia không thể phụ họa. Ngày 1 tháng 8, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam, ông Vũ Trọng Hồng, một Giáo sư Tiến sĩ từng là Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (tiền thân của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) khẳng định, nhận định khu vực ngoại thành Hà Nội lụt nặng do ảnh hưởng từ việc Thủy điện Hòa Bình xả lũ là “hoàn toàn đúng thực tế”. Ông Hồng lưu ý, việc Thủy điện Hòa Bình đóng hay mở cửa xả không chỉ phụ thuộc vào tình hình mưa lũ mà còn do quy trình tích nước ngược theo hệ thống bậc thang từ trên cao, vì thế đã gây ra một loại lũ khác, đó là “lũ nhân tạo. Ông Hồng nhấn mạnh: Vừa qua, Thủy điện Hòaòa Bình đã gây ra một đợt lũ nhân tạo (11).
***

Cuộc tranh luận tại sao lũ, lụt ở Tây Bắc, ngoại thành Hà Nội trong những ngày vừa qua trở thành hết sức nghiêm trọng có thể sẽ còn kéo dài. Dẫu chưa có kết luận cuối cùng nhưng rõ ràng, loại bỏ yếu tố Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình xả lũ mang lại nhiều lợi ích: Không ai có thể quy kết trách nhiệm, ảnh hưởng đển “sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng” khi biến việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trên khắp Việt Nam thành “chủ trương lớn”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam – chủ đầu tư và cũng là nơi điều hành hoạt động của Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình – không phải bận tâm đến nguy cơ bị kiện, đòi bồi thường thiệt hại. Thiệt hại thực tế, đẩy hàng trăm ngàn gia đình vào tình trạng khốn cùng là do thiên tai, vì “biến đổi khí hậu”, cho nên chỉ cần “động viên” các nạn dân là… đủ.

Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình vẫn còn đó. Sắp tới bên trên Thủy điện Sơn La còn có Thủy điện Lai Châu (bậc trên cùng của hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đà). Khuyến cáo của đủ loại chuyên gia về tác hại lâu dài của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với môi trường, dân sinh, nông nghiệp, sinh hoạt, an sinh xã hội,… vẫn không lọt vào tai, khiến bất kỳ viên chức hữu trách nào động não.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét