Không phải chỉ trong
hàng ngũ công an mới có người đang đặt câu hỏi trên. Tất cả những kẻ
đang nắm quyền hành và hưởng lợi lộc nhờ chế độ Cộng Sản cũng ôm nỗi băn
khoăn này. Đảng mất mình đi đâu?
Có người đã chọn rồi: Đi Mỹ!
Trên mạng Internet đã thấy hình ngôi nhà một ông phó thủ tướng đương
quyền mua ở Anaheim, California, USA. Cả hình bằng lái xe ở California
của con trai ông ta. Trong đảng họ phá lẫn nhau cho nên mới tiết lộ cho
bà con biết, còn hàng ngàn căn nhà khác vẫn được giữ kín “bảo vệ đảng.”
Chắc chắn nhiều cán bộ cao cấp cũng tìm đường chạy từ lâu rồi. Và họ
cũng biết một quy tắc của nghề đầu tư là “Không để trứng tất cả vào
chung một cái giỏ.” Nếu rớt, trứng bể hết. Cho nên, những kẻ quyền cao
nhất, thế mạnh nhất, “đông tiền” nhất, họ đều biết phải “phân tản”
(diversify) các món đầu tư cho tương lai. Một căn nhà ở Mỹ, một cái khác
ở Đức, vài ba địa chỉ ở Úc, gửi tiền của đi chỗ nào xa xa nước
Việt Nam đều tốt cả. Mà phải chọn những nơi an toàn. An toàn nhất là
những nước dân chủ tự do. Chọn nơi nào có hệ thống tư pháp công bằng,
trong sạch, tài sản của mình được luật pháp bảo vệ, không sợ có đứa nó ỷ
quyền chiếm mất - như ở nước Việt Nam. Đem tiền sang các nước đó không
những khỏi lo bị cướp mà dùng làm vốn sẽ sinh lợi cao hơn. Những nước có
truyền thống dân chủ lâu đời cũng là những nước kinh tế lên cao nhất,
nhờ tinh thần trọng pháp và luật lệ bảo vệ quyền tư hữu. Cho nên, các
đồng chí chưa chắc đã mua nhà ở Quảng Châu, Côn Minh, Bắc Kinh, mà còn
đem tiền sang các nước tư bản chính hiệu. Đó là tín hiệu con tàu sắp
chìm, đàn chuột bỏ chạy trước.
Đảng mất mình đi đâu? Không phải
ai cũng có tiền và có địa vị để chuẩn bị đường rút lai sang Tàu, sang
Úc, Canada, Pháp, Đức, hay sang Mỹ.
Cho nên, đang lo lắng nhất
bây giờ chắc là những người công an. Khẩu hiệu “Đảng còn thì mình còn”
đã được nêu lên từ thời Trần Quốc Hoàn, Mai Chí Thọ. Công an tự nhận họ
đóng vai “chó săn;” nhưng hãnh diện rằng họ “làm chó săn cho cách mạng!”
Bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản tài tình đã dựng hai chữ “cách
mạng” như một vị thần hoàng để họ chui vào cung đình chia nhau ăn thủ
lợn. Cái gì phục vụ“cách mạng” thì tốt, thì cao quý. Gán cho ai nhãn
hiệu “phản cách mạng” thì xúi giục đám “quần chúng” côn đồ chửi bới,
chém giết (Cải Cách Ruộng Đất), ám sát (Coi gương Khái Hưng, Tạ Thu
Thâu, Phan Văn Hùm) ném phân vô cửa nhà người ta (Coi Hoàng Minh Chính,
Trần Khải Thanh Thủy), hoặc đem vùi xuống đất đen (Coi Phan Khôi, Nguyễn
Hữu Đang, Trần Dần). Núp dưới bóng thần “cách mạng” đó, công an “phục
vụ cách mạng” là công an an tốt, đáng tự hào. Họ có thể hãnh diện nhìn
nhận công an gắn bó keo sơn với đảng; họ hô to khẩu hiệu “Đảng còn thì
mình còn” mà không thấy xấu hổ về cái vai trò ăn bám như loài ký sinh
trùng.
Nhưng bây giờ, bức mặt nạ “cách mạng” đã rớt xuống. Đảng
lệ thuộc ngoại bang đến mức không dám gọi tên những con tàu ăn cướp dân
mình là Tàu Trung Quốc mà bắt các báo đài phải gọi là “tàu lạ.” Dân bèn
chế nhạo: Coi chừng Người Lạ, Hàng Lạ! Chế độ gọi là “cách mạng” đã từng
“học tập Mao Chủ Tịch” chia rẽ dân tộc, gây đấu tranh giai cấp, gây
chiến tranh Nam Bắc, người Việt giết người Việt cho Trung Cộng thừa cơ
chiếm quần đảo Hoàng Sa. Những công an dẫn đám côn đồ đàn áp các cuộc
biểu tình đòi Hoàng Sa, Trường Sa của dân Sài Gòn, dân Hà Nội, phải tự
nhìn thấy họ đang bị Đảng Cộng Sản xua đi phục vụ đế quốc đỏ Trung Hoa.
“Mình còn” nhưng “Nước mất” thì ai sẽ trả lời cho con cháu đây?
Chính công an cũng thấy rõ chế độ bây giờ chỉ còn là một bộ máy cường
quyền liên kết với tư bản đỏ tham nhũng, trục lợi. Đó là hậu quả không
thể tránh được ở bất cứ nước nào do một chế độ độc tài đảng trị cầm
quyền. Đảng còn ăn cướp được thì mình còn được ăn cướp. Nhưng họ cũng
thấy hình ảnh những ngôi biệt thự xa hoa của những bí thư tỉnh ủy to lớn
sang trọng hơn nhà mình trăm lần, ngàn lần. Họ đã thấy hình phòng khách
trong nhà cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu toàn bảo vật quốc gia. Gần đây
là hình trong nhà Nông Đức Mạnh, tường cũng dát vàng với hai cái ngai
vàng chạm hình rồng, bắt chước vua chúa đời xưa. Người có học nhìn cảnh
đó phải cảm thấy thương hại đám cựu tổng bí thư đua đòi “trưởng giả học
làm sang” bày trò khoe khoang nhơ nhuốc! Ngoài những “của nổi” này, các
vua chúa đỏ còn bao nhiêu “của chìm” cất giấu trong các ngân hàng, trong
thị trường chứng khoán và bao nhiêu ngôi biệt thự đã mua ở ngoại quốc?
Công an vẫn phải đóng vai “chó săn,” nhưng bây giờ họ đang làm chó săn
cho loài vua chúa nhố nhăng đó chứ chẳng có thứ cách mạng nào cả.
“Đảng còn thì mình còn nhưng đảng mất mình đi đâu?” Đó là câu hỏi đang
ám ảnh những người công an biết suy nghĩ. Ở Việt Nam, Bắc Hàn và Trung
Quốc. Một mối lo ám ảnh nặng nề nhất là “ngàn năm bia miệng.”
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn không phải là người nhỏ mọn. Nhưng trước khi qua
đời ông không thể không nhắc đến tên một tay chỉ huy công an ở Hải
Phòng, mà nhờ cuốn sách “Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn” của ông bây giờ cả
nước biết họ biết tên. Họ và tên ông này là Trần Đông, thường vụ thành
ủy, giám đốc sở công an Hải Phòng. Trần Đông đã vu cáo, đầy đọa nhiều
nhà văn, chỉ để chứng tỏ mình tích cực tham dự chiến dịch vu cáo “nhóm
xét lại chống đảng.” Bỏ tù mấy nhà văn làm lễ dâng công với Lê Đức Thọ,
nhờ thế Trần Đông được thăng quan, lên làm tới chức thứ trưởng. Con cháu
ông Trần Đông có cảm thấy nhục nhã khi biết cha, ông mình đã làm những
việc thất đức đó hay không?
Bùi Ngọc Tấn không muốn thanh toán
mối thù riêng. Ông phải viết ra vì món nợ chung với bao nhiêu bạn tù bị
guồng máy độc tài hãm hại. Không kể hết thì những mối oan khiên không
bao giờ được cởi. Nhà thơ Hoàng Hưng viết lá thư mở đầu cuốn sách đã
thông cảm nỗi lòng Bùi Ngọc Tấn. Cho nên ông đã viết những lời hứa,
những lời nguyền: “Còn một ngày cũng sống sao cho ra sống! Vì thế chúng
ta phải viết! Họ không muốn ta viết, ta phải viết! Họ sợ ta viết, ta
phải viết! Họ cấm ta viết, ta phải viết!...” Những người không viết,
họ có thể quay phim, có thể chụp hình. Vì vậy những bức ảnh ngai vàng
trong nhà Nông Đức Mạnh mới được đưa lên mạng. Người phóng viên cầm máy
ảnh trong tay chứng kiến cảnh vàng son lố bịch đó tự cảm thấy mình phải
giúp tất cả đồng bào trông thấy cuộc sống xa hoa nhố nhăng của các vua
chúa đỏ! Người biên tập trong tòa báo cũng đồng ý. Dòng họ Nông sẽ đi
vào lịch sử không phải vì ông Nông Đức Mạnh làm lãnh tụ Đảng Cộng Sản
một thời. Cả cuộc đời làm tổng bí thư của ông ta không ai nhớ Nông Đức
Mạnh đã làm gì, đã nói được câu nào cho ra hồn. Nhưng từ nay ai cũng nhớ
hình ảnh hai cái ngai vàng chạm đầu rồng trong nhà Nông Đức Mạnh!
“Đảng còn thì mình còn nhưng đảng mất mình biết trốn đi đâu?”
Không ai trốn được ngàn năm bia miệng!
Những người công an bây giờ biết nhiều hơn, nhìn lại các thủ lãnh đời
trước cũng phải thấy nhục, phải xấu hổ: Cả ngành công an đã thối nát
ngay từ thủa ban đầu, không phải chỉ vì những tên như Trần Đông. Trần
Quốc Hoàn, trùm công an toàn quốc cũng “phục vụ cách mạng” bằng việc
“dẫn gái” và giết người bịt miệng. Hoàn đã đưa cô gái từ miền thượng du
về cho Hồ Chí Minh, hai bác cháu dùng xong rồi đem thủ tiêu người phụ nữ
xấu số bằng tai nạn ô tô. Vũ Thư Hiên đã kể rõ chuyện trong Đêm Giữa
Ban Ngày. Ngàn năm bia miệng, biết trốn đi đâu?
Tất cả các chế độ
độc tài thối nát đều sẽ tan rã. Những người công an phải đọc được các
tín hiệu báo trước chế độ đang tan rã. Một gia đình nông dân ở huyện
Thạnh Hóa, tỉnh Long An đứng giữa chợ đả đảo chế độ Cộng Sản. Cậu con
trai đã không ngần ngại hô khẩu hiệu “Tiêu diệt Đảng Cộng Sản!” “Tiêu
diệt! Tiêu diệt!” Người mẹ còn hô to: “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!” Mà
họ không chỉ hô một, hai lần! Lòng người dân phải chứa chất nỗi phẫn uất
đến mức nào họ mới dám liều mạng hô to những tiếng “chết người” như
vậy!
Chế độ độc tài chuyên chế nào cũng phải tan rã. Dân Việt Nam
không ngu, không hèn hơn dân các nước Đông Âu. Công an mật vụ ở các
nước này đã ngửi thấy mùi chế độ tan rã trước tháng 11 năm 1989. Cho nên
khi chứng kiến cơn thủy triều dân chủ tự do dâng lên chính họ bỏ rơi
Đảng Cộng Sản. Cuộc cách mạng ở Đông Đức không thể thành công nếu các
công an Stassi đang gườm súng quyết định bắn vào đám biểu tình ngay
trong ngày đầu ở thành phố Dresden. Dân thủ đô Praha nước Tiệp không thể
tiến chiếm “Lâu Đài” nếu chính các công an không buông súng để ủng hộ.
Đảng Cộng Sản Liên Xô tan hàng khi chính các sĩ quan KGB ngoảnh mặt đi,
không cứu, dù chỉ bắn một phát súng. Trong cả ba nước đó, không một ai
cất một ngón tay lên cứu Đảng Cộng Sản!
Không một người nào nhỏ một giọt
nước mắt tiếc thương! Tất cả cũng từng thuộc lòng câu: “Đảng còn thì
mình còn!” Nhưng chính họ cũng nhiều đêm nằm vắt tay lên trán tự hỏi:
“Đảng mất mình biết trốn đi đâu?” Và họ đã lựa chọn: Mình đứng về phía
những người dân oan ức! Dân còn thì mình còn!
(Đoạn video biểu tình chống chế độ ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ngày 10 tháng Hai năm 2015 có nối kết trên mạng là http://youtu.be/uRW1SBR0zZ4 , nhưng có thể đoạn phim này đã bị tiêu hủy rồi. Chúng tôi mới mở ra và chỉ thấy một hình mở đầu, chúc quý vị may mắn hơn).
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ làm tất cả để tìm ra hung thủ giết chính khách đối lập Boris Nemtsov.Trong
bức điện gửi mẹ ông Nemtsov, công bố trên trang web điện Kremlin, ông
Putin chia buồn và ca ngợi sự trung thực của ông Nemtsov. Ông Nemtsov bị bắn bốn phát vào lưng trên chiếc cầu gần điện Kremlin. Các lãnh đạo phương Tây đòi điều tra minh bạch. Gửi
người mẹ 86 tuổi của ông Nemtsov, ông Putin nói: “Chúng tôi sẽ làm tất
cả để những kẻ gây ra tội ác đê hèn và bất chấp đạo lý, cùng những kẻ
đứng đằng sau, phải chịu trừng phạt.” Thủ tướng Dmitry Medvedev
nói ông Nemtsov là “con người nguyên tắc”, là người “hành động cởi mở,
trước sau như một, không bao giờ phản bội quan điểm của mình”. Ông
Nemtsov, 55 tuổi, từng là phó thủ tướng dưới thời Tổng thống Boris
Yeltsin nhưng đã mâu thuẫn với ông Putin và trở thành người chống đối
quan trọng, đặc biệt quanh khủng hoảng Ukraine.
'Tàn bạo'
Ông Thorbjorn Jagland, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu, đã lên án vụ sát hại. Ông
viết trên tài khoản Twitter: "Tôi cảm thấy sốc và kinh hoàng trước vụ
sát hại lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov. Hung thủ cần phải đối mặt với
công lý". Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng lên án vụ sát hại
"tàn bạo" và kêu gọi chính phủ Nga "nhanh chóng" thực hiện một cuộc điều
tra "công bằng và minh bạch".
Ảnh chụp năm 2000 khi ông Putin gặp ông Nemtsov
Ông Nemtsov bị bắn chết vào lúc
23:40 giờ ngày 27/2, giờ địa phương, khi đang đi qua Cầu Bolshoy
Kamenny cùng một người phụ nữ khác, Bộ Nội vụ Nga cho biết. Kẻ tấn
công đã nổ súng từ một chiếc xe hơi màu trắng và sau đó tẩu thoát, một
nguồn tin cảnh sát nói với hãng thông tấn Nga Interfax. Trong khi đó, hãng tin Meduza của Nga nói "nhiều người" đã bước ra từ chiếc xe và bắn chết ông Nemtsov. Một trong các đồng nghiệp của ông Nemtsov trong đảng Tự do Nhân dân Nga, Ilya Yashin, xác nhận cái chết của ông Nemtsov. "Tôi có thể thấy thi thể của ông Boris Nemtsov nằm ngay trước mặt," ông được trang tin lenta.ru dẫn lời nói. Nhiều người đã đến đặt hoa tại hiện trường nơi xảy ra vụ nổ súng.
Các lãnh đạo đối lập Nga, Ilya Yashin (trái) và
Ksenia Sobchak, phản ứng trước tin ông Nemtsov bị sát hại
'Xâm lược'
Trong
tin nhắn cuối cùng đăng trên Twitter, ông Nemtsov đã kêu gọi phe đối
lập của Nga vượt qua sự chia rẽ hiện nay để cùng tham gia vào một cuộc
tuần hành phản chiến do ông khởi xướng vào ngày 1/3. "Nếu bạn ủng
hộ chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nếu bạn ủng hộ chấm dứt
hành động xâm lược của Putin, hãy tham gia vào Cuộc Tuần hành Mùa xuân
tại quận Maryino vào ngày 1/3," ông viết. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sobesednik, ông Nemtsov đã tỏ ra lo ngại cho tính mạng của mình. "Tôi e rằng mình sẽ bị Putin giết chết", ông nói. "Tôi tin rằng ông ta là người đã khơi mào cho chiến tranh tại Ukraine". Ông Putin bị cáo buộc đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine - điều mà ông này đã lên tiếng bác bỏ. Xung đột tại đây nổ ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng Ba năm ngoái. Ít nhất 5.800 người đã thiệt mạng và khoảng 1,25 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Chính
phủ Ukraine, các lãnh đạo phương Tây cũng như Nato nói có nhiều bằng
chứng rõ ràng cho thấy Nga đang chi viện quân đội và khí tài cho phe nổi
dậy. Nhiều ý kiến trong giới quan sát độc lập cũng xác nhận điều này. Moscow,
mặc dù bác bỏ các cáo buộc trên, nhưng cũng thừa nhận nhiều binh lính
của nước này đã 'tình nguyện' gia nhập vào lực lượng nổi dậy ở Đông
Ukraine.
Cái chết của những người chống Putin
Tháng Tư 2003 – Chính khách Sergey Yushenkov bị ám sát gần nhà ở Moscow Tháng Bảy 2003 – Nhà báo Yuri Shchekochikhin chết sau căn bệnh bí hiểm kéo dài 16 ngày Tháng Bảy 2004 – Biên tập viên tạp chí Forbes phiên bản tiếng Nga Paul Klebnikov bị bắn trên đường ở Moscow Tháng Mười 2006 – Nhà báo Anna Politkovskaya bị bắn ngoài căn hộ ở Moscow Tháng
11/2006 – Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko chết, gần ba tuần sau
khi uống trà dính chất polonium ở khách sạn tại London Tháng Ba 2013 - Boris Berezovsky, từng đóng vai trò phân phát quyền lực nhưng sau chống Putin, chết trong nhà ở Anh
Trong khi mọi người đang đua nhau đi hành hương, đi trẩy hội, đi du
xuân trong những ngày đầu năm Tết Ất Mùi, một thanh niên từ phía Bắc
đơn độc khởi hành chuyến đi bộ xuyên Việt để quyên sách tặng người
nghèo.
Đó là cuộc hành trình có một không hai của anh Nguyễn Quang Thạch,
người khởi xướng hệ thống thư viện dân sự ‘Sách hóa Nông thôn Việt Nam’,
một chàng trai bị hỏng mắt nhưng nhiều năm nay đã phấn đấu hiện thực
hóa ước mơ khai sáng dân trí, xóa mù tri thức cho các cộng đồng nông
thôn chiếm đa phần dân số Việt Nam.
Sau 8 năm áp dụng tại nông thôn, sáng kiến ‘Sách hóa nông thôn’ của
anh Thạch đã giúp xây dựng hàng ngàn tủ sách các loại gồm Tủ sách Dòng
họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách hậu phương-quê hương
chiến sĩ, và Tủ sách lớp em tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam.
Từ năm 2010, anh đã đứng ra thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và
Phát triển cộng đồng, một tổ chức NGO được giám sát bởi Liên hiệp các
Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, và đã bỏ việc để có thể đảm nhiệm tất
cả các khâu từ quản lý, vận động chính sách, truyền thông đến gây quỹ
để quyên sách cho các vùng quê nghèo khó, dân trí thấp.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ nhà
cách mạng thư viện trẻ tuổi trong lúc anh đang sải từng bước chân chinh
phục chiều dài đất nước và trái tim của mọi người, kêu gọi sự ủng hộ của
người Việt khắp nơi đóng góp mỗi tháng 1 cuốn sách cho chương trình
‘Sách hóa nông thôn’ để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu sách ở nông
thôn trước năm 2017. Nguyễn Quang Thạch: Tôi đã đeo đuổi chương trình
Sách hóa nông thôn 18 năm nay. Từ năm thứ hai sinh viên, tôi đã xác
định tôi sẽ trở thành một nhà cách mạng thư viện. Từ 1997, tôi đã
nghiên cứu thiết kế ra các mô hình thư viện. Đến 2007, tôi đưa các mô
hình đó vào áp dụng tại nông thôn trước khi chia sẻ với toàn xã hội.
Trong quá trình làm có nhiều thành công ngoài dự kiến. Từ tháng 11/2011
tới nay, tôi áp dụng mô hình gây quỹ. Chính người dân địa phương ở Thái
Bình tự góp tiền mỗi năm 50 ngàn để làm được hơn 30 ngàn quyển sách. Tôi
đã vận động thành công ở cấp huyện và tỉnh. Cho nên, Tết này tôi muốn
đi bộ xuyên Việt vận động ở cấp Bộ Giáo dục để họ ra chủ trương nhân
rộng ra toàn quốc mô hình Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học. Chúng tôi
kêu gọi phụ huynh mỗi năm góp 50 ngàn để mua sách bỏ vào tủ sách trong
lớp học của con họ, tạo nền tảng tri thức nhân văn, nuôi dưỡng sáng tạo
trong mỗi cá thể công dân Việt Nam để tạo thay đổi trong tương lai. Tôi
tiếp tục kêu gọi khoảng 500 ngàn người Việt trong và ngoài nước góp cho
chương trình chúng tôi mỗi tháng 1 cuốn sách tương đương 20 ngàn đồng để
tôi thúc đẩy chương trình Sách hóa nông thôn nhắm đạt 300 ngàn tủ sách
vào năm 2017. Mỗi trường tôi ủng hộ sách cho 2 lớp, sau đó người ta tự
nhân lên.
Trà Mi: Đối tượng phục vụ là học sinh cấp nào trở lên?
Nguyễn Quang Thạch: Từ cấp 1. Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa sách vào trường mầm non để khuyến khích thầy cô giáo đọc sách cho các cháu.
Trà Mi: Nội dung sách tặng là giáo khoa, giáo dục, hay sách truyện các loại?
Nguyễn Quang Thạch: Tôi đưa sách nâng cao, chú
trọng sách mang tinh thần hiện sinh, văn học phương Tây, Mỹ, Nhật nhưng
loại bỏ sách Trung Quốc. Sách Trung Quốc toàn cổ vũ bạo lực, mưu hèn kế
bẩn, chúng tôi không đưa vào cho học trò Việt Nam đọc. Từ nay trở đi,
chúng tôi đưa sách tập làm nhà phát minh của phương Tây để học trò Việt
nuôi dưỡng đam mê khoa học, kỹ năng và giá trị sống.
Trà Mi: Những đầu sách quyên tặng có nhất thiết là sách mới hay có thể là sách đã qua sử dụng?
Nguyễn Quang Thạch: Thông thường sách người ta
tặng quá cũ. Cho nên, mấy năm nay, chúng tôi khuyến khích phụ huynh liên
lạc với nhà sách để mua sách giá thấp. Tôi đề nghị các nhà sách giảm
giá cho họ từ 30-50%. Chúng tôi cổ vũ mọi người tặng sách mới. Một phần
quỹ chúng tôi quyên được thì chúng tôi mua sách mới hoàn toàn. Chúng tôi
còn có các mô hình như Tủ sách Giáo xứ. Ở Thái Bình, tôi làm một tủ
sách đầu tiên và người Công giáo tự nhân rộng. Sắp tới, tôi sẽ viết thư
cho Tổng giám mục Giáo hội Việt Nam đề nghị nhân rộng Tủ sách giáo xứ
ra toàn quốc để mỗi nhà thờ có một hệ thống thư viện. Khi người Công
giáo khám phá tri thức thoải mái, tri thức nhiều cộng với đức tin lớn
thì họ có thể làm được nhiều việc tốt. Còn mô hình Tủ sách dòng họ, các
dòng họ đóng tủ, chúng tôi ủng hộ sách. Số tủ sách này giờ đây quá
nhiều, không thống kê nổi. Với mô hình Tủ sách hậu phương-quê hương
chíên sĩ, mỗi gia đình có vợ là giáo viên ở nông thôn, chồng đi quân
đội, thì chúng tôi ủng hộ khoảng 100 đầu sách để cô giáo đấy cho học trò
mình đọc.
Trà Mi: Tủ sách lớp em khác với Tủ sách phụ huynh thế nào?
Nguyễn Quang Thạch: Tủ sách lớp em dành cho khu
vực miền núi. Nơi đó, cha mẹ học sinh không tự góp tiền mua được, sách
do chúng tôi ủng hộ, nhà trường đóng tủ. Năm nay đi xuyên Việt, tôi bắt
đầu chiến lược gây quỹ trên toàn cục. Tôi sẽ đặt các thùng ‘Chia sẻ
trách nhiệm xã hội’ tại các doanh nghiệp, trường học. Tôi quan niệm xã
hội này xấu có lỗi của từng cá thể, chứ không phải cứ đổ lỗi xã hội rổi
không làm gì cả. Phải hình thành tự cường của người Việt, phải nắm tay
nhau để xây dựng ra hệ thống thư viện.
Trà Mi: Vì sao anh nảy ra ý tưởng đi bộ quyên sách chứ không phải là một hình thức vận động nào khác?
Nguyễn Quang Thạch:: 2010 tôi đã đi xe gắn máy.
Năm nay tôi đi bộ. Thông qua bước chân, sự kiên trì và tận tâm của mình
để hàng triệu người dân Việt phải hành động thật sự. Một ông Thạch bị
hỏng 1 mắt, bị gai đôi cột sống, giờ đi bộ xuyên Việt kêu gọi mọi người chung tay. Ngày đầu tiên tôi đã phát 270 cuốn sách ở Hồ Gươm và trứơc
thư viện quốc gia. Dọc đường, đến mỗi tỉnh chúng tôi xây dựng khoảng 2
tủ sách. Tôi gửi sách qua bưu điện trước. Hôm đó, tôi chỉ tới trao và
nói chuyện với học trò thôi.
Trà Mi: Đi bộ đội nắng đội mua trên một chặng đường quá dài, anh dự kiến hoàn tất chuyến đi trong bao lâu?
Nguyễn Quang Thạch:Hành trình hơn 100
ngày thôi mà giúp được hàng triệu trẻ có sách đọc vào năm 2017 là việc
làm truyền cảm hứng cho xã hội. Ai cũng có thể làm được. Tôi phải hành
động hết mình để tới khi bị hỏng cả hai mắt thì đã hoàn thành được sứ
mạng của mình. Tôi thích đời sống của mẹ Theresa, ông Gandhi. Nhà tôi 3
thế hệ đã làm việc khuyến học. Tôi kế thừa truyền thống nâng cao dân trí
để đất nước này được tôn trọng. Ông Gandhi ngày xưa đi bộ 387km, sau đó
góp phần đưa độc lập lại cho Ấn Độ không tốn một viên đạn.
Trà Mi: Một mình anh, một cá nhân đơn lẻ, làm thế nào kêu gọi sự hưởng ứng của giới hữu trách và sự ủng hộ của người dân?
Nguyễn Quang Thạch: Bằng sự liêm chính và tận tâm, đó là sức mạnh của mọi thứ.
Trà Mi: Những nỗ lực của anh có nhận được sự hỗ trợ từ nhà chức trách như mong muốn hay chưa?
Nguyễn Quang Thạch: Ở cấp tỉnh và cấp Sở, như ở
Thái Bình thì họ đã ủng hộ. Một đất nước 40 năm nay con trẻ không được
đọc sách là quá muộn. Thư viện chậm đi 1 năm là đất nước chậm đi 10 năm.
12 năm học ở nhà trường, mỗi năm đọc 30 đầu sách tử tế thì chắc chắn
đất nứơc này sẽ có hàng triệu công dân đẳng cấp. Phải nghĩ rằng nếu mình
không làm cho đất nước mình giàu mạnh là một điều sỉ nhục. Sách vở sẽ
giúp con người ta sáng tạo và tử tế, nhưng quan trọng nhất là nó còn
nuôi dưỡng sự tự nhục trong mỗi cá thể, nhục khi đất nước nghèo, nhục
khi đất nước thua lân bang.
Trà Mi: Vì sao anh hướng tới sách từ Châu Âu, Châu Mỹ. Thế còn sách nội?
Nguyễn Quang Thạch: Đất nước mình rất yếu về khoa học, cho nên mình cần đưa trực tiếp các giá trị phương Tây vào.
Trà Mi: Còn về lĩnh vực nhân văn, con người? Việt
Nam tự hào có nền văn hóa lâu đời, rất nhiều các tác phẩm văn chương,
văn học. Vì sao anh không hướng tới các đầu sách nội địa?
Nguyễn Quang Thạch: Thời gian tới bọn tôi phải
lọc cái đã. Các sách về tinh thần hòa giải như Trần Nhân Tông, chúng tôi
sẽ cố gắng đưa về, hay như các bộ lịch sử về Lý Công Uẩn , Hai Bà
Trưng, Lý Thường Kiệt chẳng hạn. Tôi muốn đưa tinh thần nhân văn và các
giá trị kích thích sáng tạo, dám nghĩ khác cho học trò để các em có nhận
thức đa dạng, đa chiều, và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn.
Trà Mi: Anh có nghĩ trọng tâm nội dung Sách hóa nông thôn của mình hơi hướng Tây không?
Nguyễn Quang Thạch: Chúng ta cần phải đưa những
thứ mới, hay ho vào, tạo các giá trị mới trong đời sống dân chúng để dần
dần người ta chuyển hóa sang những thứ tử tế. Tính nhân văn và sáng tạo
có trong mỗi cá thể thì nước mới mạnh được. Tôi cũng không muốn đưa
tinh thần Trung Quốc nô lệ vào đầu người Việt như Tam Quốc chí chẳng
hạn. Những truyện như An Dương Vương, khi đất nước bị ngoại bang xâm
chiếm mà thần Kim Quy lại bảo ‘Giặc sau lưng’ để cha giết con, tạo ra
tiềm thức huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt ở đất nước này. Những cái
như thế phải bỏ. Truyện Tấm Cám chẳng hạn, là một chuyện ác, tôi không
đưa về cho các em. Bây giờ mình làm thế nào để dân tộc này sau 50 năm
phải có dàn tên lửa hạt nhân từ biên giới Lạng Sơn mới tốt. Mình mà
không nâng cao dân trí hơn vài chục lần thì mình mất nước với Trung
Quốc. Dân trí phải như Mỹ, Israel thì may ra thắng lại được sức mạnh của
họ. Tôi là một ngừơi rất yêu dân chủ, tôi phải tìm cách để tạo ra các
giá trị đấy.
Trà Mi: Với môi trường ở Việt Nam hiện nay, một
người yêu dân chủ và tìm cách tạo ra tinh thần đó như anh, có gặp những
thách thức, khó khăn nào chăng?
Nguyễn Quang Thạch: Không vấn đề gì. Tôi nói mọi
người thay vì suốt ngày cứ chém gió trên mạng thì hãy đến các khu nhà
trọ công nhân hướng dẫn họ học sách luật để hình thành tinh thần dân chủ
thì hay hơn. Muốn làm việc tử tế để ảnh hưởng cộng đồng, trứơc hết phải
gần xã hội, gần cộng đồng. Đó là lý do tôi bám trụ ở nông thôn rất
nhiều năm để tìm các mặt cắt của xã hội. Cái xấu còn nằm trong văn hóa
xã hội, tiềm thức cộng đồng. Thật ra xã hội Việt Nam ra như thế này là
do bị ảnh hưởng của Khổng giáo quá nhiều: tính háo danh và muốn làm một
chức quan để kiếm chác. Muốn thay đổi thật sự phải đưa vào tiềm thức của
đất nước này đầu vào những sự tử tế, tinh thần hiện sinh của Châu Âu.
Trà Mi: Là người yêu dân chủ, các đầu sách của anh cho học sinh lớp lớn có chú trọng đưa kiến thức pháp luật, kiến thức dân chủ?
Nguyễn Quang Thạch:: Có hai loại dân chủ. Một là
kiến thức dân chủ thực hiện. Hai là kiến thức tiềm ẩn trong các tác
phẩm. Trong các truyện như Túp lều bọc có đầy các giá trị dân chủ. Mọi
người đừng phơi bày ra theo kiểu người Việt ở nước ngoài. Chúng ta đừng
quá thái quá, phải tìm hiểu cặn kẽ sự biến đổi ở trong nước. Các bạn kêu
gọi các giá trị Mỹ, Châu Âu, nhưng các giá trị này phải chuyển hóa vào
trong mỗi cá thể chúng ta. Phải có tri thức rồi tổng hợp, chuyển hóa các
giá trị phù hợp với đặc tính đời sống cộng đồng của mình thì mới bền
vững. Còn nếu theo kiểu áp đặt thì gây bất ổn. Khi nào ngừơi Việt ý thức
được chia sẻ tri thức là tạo dựng đẳng cấp cho người Việt thì mọi
chuyện sẽ tốt đẹp. Nơi nào có thư viện và có nhiều trẻ đọc sách thì nơi
đó sẽ hình thành giá trị dân chủ, nhân văn, và phân biệt đẳng cấp sẽ dần
dần mất đi.
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Người
ta phê nhiều về cụ Khiêu là không phải để phê cụ Khiêu vì nụ hôn không
đúng cách, vì câu đối bậy bạ chôm của Lý Bạch làm người ta liên tưởng
Hoa hậu Việt Nam như một Dương Quý Phi nô lệ tình dục của bọn vua quan
thời phong kiến, mà người ta muốn nói đến chính sách đãi ngộ nhân tài
rất sai trái hiện nay.
Người ta chê trách sự xa hoa kệch cỡm của ông cựu tổng bí thư là nhằm
nói đến sự phá sản của chủ trương chống tham nhũng, sự khủng hoảng
trong chính sách tuyển chọn nhân sự cho bộ máy cầm quyền lãnh đạo đất
nước. Tác giả Tuấn Khanh có một bài viết nói về sư Hung hãn và Hèn nhát
nêu ra hiện tượng đang rất phổ biến ở xã hội Việt Nam hiện nay là mọi
người rất hung hăng cuồng nhiệt vào những chuyện tầm phào nhưng lại tỏ
ra hèn nhát tránh né những chuyện quốc gia đại sự.
Ngoài vài chuyện cụ thể như chuyện về ông gs Khiêu như tôi nêu ở trên
là chưa đúng lắm, còn hầu hết những dẫn chứng khác, Tuấn Khanh đã mô tả
khá chính xác về hiện tượng rất đau lòng đang tràn ngập trong xã hội
chúng ta ngày nay.
"Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do
ngôn luận dân chủ tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy
ngập khác, rằng Trung Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài… trên biển, có
thể đánh chiếm Sài Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam
thì tâm tư tha thiết kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm
cướp – giết tổ quốc mình.
Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng mọi học
thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những điều chỉ
đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện các dự án
bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao nộp sang
biên giới, giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá không cần
lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng – mức giá thấp nhất từ
trước đến nay. Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn chém con heo ra
nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã man, nhưng hèn nhát
câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức tham nhũng đang đục
ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi nghe những kẻ như Trần
Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn những người tố cáo cái
ác như ông Kim Quốc Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang lao đao giữa trùng vây
vô lại.
Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần
phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn
buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa
chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa."
TUẤN KHANH- Hung Hãn và Hèn Nhát.
Tôi đã sống qua hai chế độ nên thật lòng nói rằng, xã hội miền Nam
trước 75, cái hiện tượng hung hãn và hèn nhát không đúng chỗ ấy dường
như rất khó tìm thấy. Nói rằng không có là không đúng, nhưng phổ biến
đậm đặc như hiện nay là hoàn toàn không.
Thời đó vẫn có thanh niên chạy theo mốt, chạy theo thời thượng, chạy
theo các trào lưu ăn chơi, theo các thần tượng showbiz, theo mê tín dị
đoan, nhưng cũng chỉ chạy theo cho vui lúc rảnh rỗi chứ không cuồng
nhiêt đến điên khùng như hiện nay. Và hiện tượng đó cũng là phần lặng,
phần thứ yếu. Còn phần trội phần chủ yếu thì: Lúc nào cũng có một số
đông áp đảo thanh niên chạy theo các trào lưu học thuật, trào lưu triết
học để công khai tranh luận nhau đến tóe lửa, lúc nào cũng có số đông áp
đảo thanh niên có chính kiến khác nhau, theo Mỹ hay chống Mỹ, theo Việt
Cộng hay chống Việt Cộng, theo Quốc gia hay chống Quốc gia, dân chủ hay
độc tài, không chỉ tranh luận trên diễn đàn mà còn cầm súng bắn vào
nhau đến chết để dành phần thắng về mình.
Hồi đó thanh niên không hung hăng với nhau vì chuyện tôi mê Hùng
Cường anh ghét Hùng Cường, không hung hăng với nhau vì tranh giành lộc
cúng mà chỉ hung hăng với nhau vì lý tưởng chính trị và hung hăng với kẻ
thù ngoại bang vì sự sống còn của đất nước.
Bây giờ thì khác hẳn, xã hội đổi thay thụt lùi một cách kinh sợ.
Những gì Tuấn Khanh nêu lên vẫn chưa mô tả hết được toàn cảnh của sự
xuống cấp, nhưng đó là những nét chấm phá ấn tượng. Chỗ cần hung hãn thì
hèn nhát, ngoảnh mặt, ngó lơ và ngược lại.
Tại sao?
Thanh niên và toàn thể công dân được tự do làm và nêu ý kiến về mọi
thứ nhưng trừ lãnh vực chính trị. Khi nói đến chính trị thì phải nói
trong khuôn khổ của đảng theo sự bày vẽ hướng dẫn của đoàn TNCS HCM nếu
là thanh niên, theo Liên Đoàn Lao động nếu là công nhân, theo Hội Nông
Dân nếu là nông dân, theo hội Nhà Văn nếu là văn nghệ sĩ.... .
Ngay trong việc bày tỏ thái độ với bọn Tàu cộng xâm lược thì người
dân cũng không được quyền bày tỏ theo ý và theo cách của mình. Những
người yêu nước chống Tàu cộng xâm lược theo cách của mình đã bị đàn áp,
trù dập, bắt bớ khắp nơi đã làm chùn đi nhuệ khí yêu nước của bao nhiêu
người, là nguyên nhân đưa đến sự hèn nhát hiện nay trước đại sự. Các học
giả đương đại làm sao được phép nêu lên các loại học thuật khác với học
thuật đã được định hướng theo chủ nghĩa xã hội. Sinh viên ngày nay làm
sao được phép công khai nêu ý kiến về các trào lưu triết học ngoài triết
học Mác Lê vô bổ bị nhồi sọ hằng ngày. Làm sao được như Phạm Công Thiện
20 tuổi đã viết hằng chục cuốn sách triết học để đập đổ các tượng đài
triết học đương thời như Nguyễn Văn Trung, Thích Nhất Hạnh... Thanh niên
ngày nay làm sao được phép trào ra nhiệt tình hừng hực trong mình vào
chuyện quốc gia đại sự, vào chuyện chống Tàu xâm lược, chống tham nhũng
cường quyền, vào chuyện đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh cho lẽ
phải... Thế thì sức mạnh cuồn cuộn của tuổi trẻ phải hướng vào đâu để
giải tỏa năng lượng, nếu như không hướng vào những chuyện vô bổ, bậy bạ
mà nhà cầm quyền thả lơ không cấm đoán hoặc chưa nói là còn khuyến khích
như làm fan cuồng bóng đá, fan cuồng giới showbiz, fan cuồng các lễ hội
dân gian, mê tín dị đoan, tôn phục vật chất, giành giật miếng ăn, gấu ó
bạo lực lẫn nhau vì những chuyện lãng nhách....
Người ta hướng sự hung hãn vào đâu và hèn nhát vào đâu thì có nguyên
nhân của nó. Cũng giống y như tác giả Tuấn Khanh, dù anh là một nhạc sĩ
có tâm có tài, một blogger có trách nhiệm và một công dân rất dũng cảm,
nhưng khi viết bài "Hung hãn và hèn nhát" đã phải suy tính để ngòi bút
mình hướng mạnh vào chỗ nào và tránh né chỗ nào. Chỗ xoáy mạnh vào là
chỗ ít nguy hiểm tức là chỗ chỉ nêu ra hiện tượng và chỗ tránh né là chỗ
nhiều nguy hiểm tức là chỗ phân tích nguyên nhân.
Cũng giống như việc phê nụ hôn và câu đối bậy bạ của giáo sư anh hùng
Vũ Khiêu thì ít nguy hiểm hơn là nói về sai trật của chính sách đãi ngộ
và xây dựng nhân tài để sản sinh ra một trí thức như Vũ Khiêu, như Hoàng Quang Thuận...
Cũng giống như việc chê trách sư xa hoa kệch cỡm của nhà riêng ông
cựu tổng bí thư thì dễ hơn là phê phán sự sai trật của chính sách nhân
sự để đưa một người như ông ấy lên đứng đầu và lãnh đạo đất nước trong
bao nhiêu năm. Ngay khi viết, chúng ta cũng cố tránh né chỗ nhiều hiểm
nguy phải không anh Tuấn Khanh?
Tôi hỏi anh là tôi đang chất vấn chính lương tâm tôi. Chúng ta đã
sống đến 40 năm trong chế độ nầy nên chúng ta cũng khó mà khác được anh
nhỉ?
Cái chết của Boris Nemtsov gây sốc cho nhiều người Nga
Boris
Nemtsov, người vừa bị bắn chết ở Moscow khi mới 55 tuổi, là nhân vật có
sức lôi cuốn trong chính trị Nga, một nhà cải cách nổi danh dưới thời
Boris Yeltsin và trở thành người chỉ trích mãnh liệt Vladimir Putin.
Ông cũng là nhà khoa học hạt nhân, nhà hoạt động môi trường và có bốn con. Ông
thành lập nhiều phong trào đối lập sau khi rời quốc hội Nga năm 2003.
Từ năm 2012, ông là đồng chủ tịch đảng Cộng hòa Nga – Tự do Nhân dân đối
lập. Ông lên án Tổng thống Putin vì vai trò của Nga ở Ukraine,
tình hình kinh tế xấu đi và cáo buộc có tham nhũng trong việc chuẩn bị
Olympic Sochi năm 2014. Cùng với những người như Alexei Navalny và
Garry Kasparov, Nemtsov đóng vai trò chính tổ chức các cuộc biểu tình ở
Moscow theo sau bầu cử năm 2011. Ông bị bắt vì tham gia biểu tình và từng bị tạm giam 15 ngày cuối năm 2011.
Ứng viên tổng thống?
Năm 1990, Nemtsov được bầu vào quốc hội Nga. Ông
đứng cạnh Boris Yeltsin khi có âm mưu đảo chính năm 1991. Yeltsin tưởng
thưởng cho lòng trung thành của ông với chức thống đốc vùng Nizhny
Novgorod.
Ông Nemtsov bị bắn chết tại Moscow
Nemtsov khi đó trẻ trung, nói
tiếng Anh thuần thục, biết đối diện truyền thông. Vùng Nizhny Novgorod,
với các ngành công nghiệp quân sự, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư
nước ngoài. Ông nhanh chóng trở thành một trong các chính khách nổi danh, và có tin đồn nói Yeltsin muốn ông kế vị. Năm
1997, Yeltsin phong ông làm phó thủ tướng phụ trách cải tổ kinh tế.
Nhưng Nemtsov sau này ân hận vì nó mở đầu cho sự đi xuống của ông trong
chính trường. Mọi tham vọng tổng thống của ông bị thui chột vì khủng hoảng kinh tế tháng Tám 1998, khiến ông phải rời chính phủ.
Sa sút chính trị
Năm 1999, Nemtsov thành lập Liên minh các lực lượng cánh hữu (SPS), cùng Anatoly Chubais và Yegor Gaidar. Ban đầu đảng này khá thành công, thu được 10% phiếu ở cuộc bầu cử tháng 12 và trở thành nhóm ảnh hưởng trong quốc hội. Nhưng
vài năm sau, SPS thay đổi thái độ với tổng thống Putin, từ ủng hộ có
điều kiện sang công khai đối lập – và đảng mất đi ủng hộ viên. Trong bầu cử 2003, SPS không thu đủ 5% phiếu bầu để có chân trong quốc hội. Nemtsov từ nhiệm khỏi SPS và đi vào kinh doanh. Năm 2011, ông trở thành gương mặt của đối lập, nhưng mấy năm qua ông không còn nổi bật. Mặc dù ông không còn được xem là thuộc về dòng chính trong chính trị Nga, vụ giết ông đã gây sốc cho nhiều người Nga. Ông Kasparov tuyên bố thông điệp đã rõ: “Chống đối Putin và cuộc sống của bạn chẳng có mấy giá trị.”
Cái chết của những người chống Putin
Tháng Tư 2003 – Chính khách Sergey Yushenkov bị ám sát gần nhà ở Moscow Tháng Bảy 2003 – Nhà báo Yuri Shchekochikhin chết sau căn bệnh bí hiểm kéo dài 16 ngày Tháng Bảy 2004 – Biên tập viên tạp chí Forbes phiên bản tiếng Nga Paul Klebnikov bị bắn trên đường ở Moscow Tháng Mười 2006 – Nhà báo Anna Politkovskaya bị bắn ngoài căn hộ ở Moscow Tháng
11/2006 – Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko chết, gần ba tuần sau
khi uống trà dính chất polonium ở khách sạn tại London Tháng Ba 2013 - Boris Berezovsky, từng đóng vai trò phân phát quyền lực nhưng sau chống Putin, chết trong nhà ở Anh
1/ Tin Nga: Lãnh đạo đối lập có tiếng của Nga bị ám sát ở Moscow
Lãnh đạo đối lập chủ chốt và cựu Phó Thủ tướng Nga, Boris Nemtsov, đã bị bắn chết vào tối thứ Sáu ở trung tâm Moscow. Bộ Nội vụ cho biết ông Nemtsov 55 tuổi đã bị bắn bốn phát từ một chiếc xe màu trắng chạy ngang qua khi ông đang đi bộ trên một cây cầu bắc qua sông Moscow ngay bên cạnh Điện Kremlin. Cảnh sát cho biết ông Nemtsov khi đó đang đi cùng một người phụ nữ đến thăm ông từ Ukraine.
2/ Tin Ukraine: Tổng thống Ukraine lên án vụ giết hại lãnh tụ đối lập Nga
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lên án vụ giết hại lãnh tụ đối lập Nga Boris Nemtsov, là người bị bắn chết ở Moscow hôm thứ Sáu sau khi hối thúc dân chúng phản đối Tổng thống Vladimir Putin về vấn đề cuộc chiến ở Ukraine. Ông Poroshenko hôm nay nói rằng ông Nemtsov là “một chiếc cầu” giữa Ukraine và Nga. Chỉ vài giờ trước khi bị bắn, ông Nemtsov đã lên Đài phát thanh Ekho Moskvy để thúc giục dân chúng tham gia cuộc biểu tình chống ông Putin vào Chủ nhật này.
3/ Tin Syria: Chiến binh người Kurd chiếm được thành trì chủ chốt của IS
Những chiến binh người Kurd cho biết họ đã "giải phóng" một thành phố ở đông bắc Syria được coi là thành trì quan trọng của những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Đó là thành phố Tal Hamis thuộc tỉnh Hassakeh. Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết ít nhất 175 tay súng Nhà nước Hồi giáo đã bị tiêu diệt bởi những chiến binh người Kurd và những cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong những ngày gần đây.
Gary Glitter, từng là ca sĩ nổi tiếng tại Anh, bị tòa ở Anh kết án 16 năm tù vì tội xâm phạm tình dục ba bé gái từ 1975 đến 1980. Ông này đã có ba năm thụ án về tội "dâm ô với trẻ em" ở Việt Nam. Năm 2008, ông mãn hạn tù và bị Việt Nam trục xuất về Anh. Nay ở phiên tòa tại Anh, ông bị kết án vì nhiều tội, trong đó có tội quan hệ tình dục với một bé gái dưới 13 tuổi. Chánh án Alistair McCreath nói ông không thấy “có bằng chứng thực tế nào” rằng ông Glitter, tên thật là Paul Gadd, đã ăn năn.
5/ Tin Hoa Kỳ: Buồn vì mẹ chết, lấy súng bắn chết 7 người rồi tự sát
TYRONE, Missouri (NV) - Ông Joseph Jesse Aldridge, 36 tuổi, có thể bị bấn loạn tâm thần vì cái chết của bà mẹ ốm đau, đêm Thứ Năm xách súng đi sang mấy nhà quanh xóm bắn chết thêm bảy người trước khi quay súng tự sát, theo tin của Fox News. Bảy nạn nhân bị giết cùng một người bị thương được phát giác vào khuya Thứ Năm tại bốn căn nhà khác nhau ở Tyrone, một xóm nhỏ gồm vài căn nhà nằm cách ranh giới với tiểu bang Arkansas chừng 40 dặm.
6/ Tin Somalia: Hải tặc Somalia thả bốn người Thái Lan sau gần 5 năm
Bốn ngư dân Thái Lan bị cướp biển Somalia giữ làm con tin gần năm năm qua đã được phóng thích. Phái viên Liên Hiệp Quốc ở Somalia, Nicholas Kay, xác nhận và hoan nghênh việc phóng thích các con tin hôm thứ Sáu. Bị bắt vào tháng Tư năm 2010, những con tin này bị cầm giữ lâu hơn bất cứ ai bị cướp biển Somalia bắt cóc. Liên Hiệp Quốc nói hải tặc Somalia vẫn đang cầm giữ 26 con tin khác, tất cả đều trên tàu FV Naham 3 mang cờ Oman bị cướp ở Ấn Độ Dương vào tháng 3 năm 2012.
7/ Tin Mexico: Bắt giữ một trùm buôn lậu ma túy khét tiếng
Cảnh sát Mexico cho biết đã bắt giữ Servabdo “la Tuta” Gomez, một trong những trùm buôn lậu ma túy khét tiếng nhất nước này. Các giới chức chính phủ cho biết Gomez bị bắt giữ hôm nay tại bang Michoacan miền tây Mexico mà không phải bắn bất kỳ phát đạn nào. Gomez là thủ lĩnh của băng đảng có tên gọi Knights Templar, hiện thống trị cả chính trường lẫn kinh tế khắp Michoacan. Hắn ta là nhân vật mới nhất của Knights Templar bị các giới chức liên bang bắt giữ.
8/ Tin Thái Lan : Đến lượt song thân vợ cũ Thái tử bị bắt
Cha mẹ của cựu Vương phi Srirasmi, vợ cũ của Thái tử Thái Lan, đã bị bắt giam vào hôm qua, 27/02/2015 về tội khi quân. Họ bị tố cáo lạm dụng vị thế của con gái, để thúc đẩy việc bắt giam một phụ nữ. Đây là một tai họa mới giáng xuống đầu gia đình Công nương xấu số từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Thoạt đầu thì người cha Apiruj Suwadee, 72 tuổi và bà mẹ, 66 tuổi, đã dứt khoát phủ nhận vụ việc, nhưng hôm qua, thứ Sáu, sau khi bị cảnh sát thẩm vấn rất lâu, họ như đã nhận tội và bị tống giam ngay, chờ đợi xét xử. Nếu bị xác nhận phạm tội khi quân, họ có thể bị đến 15 năm tù.
9/ Tin Trung Quốc : Một tướng hậu cần bị loại khỏi Quốc hội
Hôm nay 28/02/2015, theo báo chí Trung Quốc, một lãnh đạo cao cấp của quân đội nước này, kiêm đại biểu Quốc hội, chính thức bị điều tra vì tham nhũng. Biến cố xảy ra ít ngày sau khi có thông tin chính thức về chiến dịch tổng kiểm toán Quân đội Trung Quốc. Tướng Lưu Tranh (Liu Zheng), cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm đại biểu Quốc hội, bị tước quyền miễn trừ tư pháp. Trước đó, hồi tháng 1/2015, viên tướng này đã bị bộ Quốc phòng cáo buộc « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng », một từ ngữ nội bộ đảng Cộng sản thường dùng để chỉ hành động tham nhũng.
10/ Tin Đông Nam Á: Các nước láng giềng của TQ tăng cường sức mạnh quân sự
Các nước láng giềng của Trung Quốc đang xúc tiến việc hiện đại hóa quân đội của mình với máy bay chiến đấu, tàu ngầm và những khí tài quân sự khác trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực. Các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam gần đây đều đã chi tiền để mua những mua thêm các loại vũ khí.
11/ Tin Hoa Kỳ: Tổng thống Obama lên án vụ sát hại thủ lĩnh đối lập Nga
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng lên án vụ sát hại thủ lĩnh đối lập tại Nga, cho rằng hành động đó là tàn bạo, độc ác. Thông cáo của tổng thống Barack Obama nêu rõ phía Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Nga hãy tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức, không thiên vị và minh bạch về vụ ám sát để đưa những thủ phạm ra trước công lý. Đánh giá về thủ lĩnh đối lập mới bị bắn chết ở Nga, tổng thống Barack Obama nói rằng ông Boris Nemtsov là một người hoạt động không mệt mỏi cho đất nước Nga, tìm cách đem lại cho công dân Nga những quyền mà mọi con người đều phải được hưởng.
12/ Tin Trung Quốc: Yêu cầu nước ngoài không can dự vào Hong Kong
Trung Quốc hôm thứ Sáu (27/2) tái khẳng định những vấn đề ở Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và các nước khác không có quyền can thiệp. Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản ứng về bản Báo cáo định kỳ sáu tháng về Sự vụ Hong Kong của Bộ Ngoại giao Anh hôm thứ Năm. Ông Hồng nói nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" đã đem lại những thành tựu to lớn ở Hong Kong, và rằng chính phủ trung ương Trung Quốc sẽ kiên định thực hiện nguyên tắc này cùng với Bộ Luật Cơ bản.
Vào
những dịp cuối năm và đầu năm, tôi thường có những việc phải về quê,
nhân đó mà chứng kiến hoặc nghe kể biết bao cảnh “xuống” (theo cách nói
của Tản Đà) của xã hội làng quê truyền thống. Ngoài những sự tranh
giành, chém giết mà báo chí thường nêu, tôi thấy hiện tượng này mới thực
sự đáng lo ngại: ĂN NHẬU và VUI TRÀN CUNG MÂY (tạm gọi như vậy) đến
phát sợ. Có thể kể một số biểu hiện sau:
1. Đám
ma, đám cưới, khao thọ, giỗ chạp mỗi ngày một to, thủ tục mỗi ngày một
rườm rà và thêm những biến tướng mới. Ví dụ: đám ma kéo dài thêm thời
gian quàn thi thể người chết để làm được nhiều các trò cúng tế; đám cưới
thì cưới hai lần cho những người sinh vào các năm Đinh, Nhâm, Quý, để
tránh phải đi “hai lần đò”[1],…
2.
Ngày càng có thêm các cuộc gặp gỡ để ăn nhậu: hội đồng niên, hội đồng
ngũ, hội những gia đình ba con, năm con,… Có gia đình riêng mùa cưới hỏi
giỗ chạp năm nay đã phải bán đi 7 tạ thóc để chi cho việc đi ăn cỗ.
3.
Lượng rượu, bia uống mỗi ngày một nhiều. Kiểu uống “nhâm nhi” của các
cụ xưa gần như không còn nữa. Thay vào đó là kiểu “nốc” rượu: nốc chúc
nhau tại mâm rồi lại mỗi người lần lượt cầm cái chén đi chúc các mâm,
đều uống theo cách “nốc” một phát/ một chén rồi bắt tay - cái tay dính
lem nhem thức ăn. Chúc một vòng, rồi lại vòng nữa, vòng nữa…
4.
Số người bệnh ung thư và bệnh tâm thần mỗi ngày một nhiều. Cũng có một
số người cảm thấy nguyên nhân từ rượu nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng
gì đến các cuộc vui tràn cung mây.
5. Trong mâm
rượu người ta gần như không nói chuyện chính trị - xã hội như ngày
trước, mà chỉ nói những chuyện lên chức lên “lon”, chuyện về các “con”
xe, “con” di động,... Rồi thì thơ phú tuôn ra rào rào trong các cuộc gặp
gỡ này.
Những hiện tượng trên diễn ra một cách
tự phát. Một số người cũng thấy “chướng” vì vừa tốn kém tiền của và thời
giờ lại vừa lố bịch. Nhưng chẳng ai “dại” mà chống lại dòng nước lũ
này. Có người chê trách nhà khác là xa hoa, rởm đời, nhưng đến lượt nhà
mình lại làm như vậy, có khi còn hơn.
Những
điều kể trên, trước mắt, nó làm người dân hoang tưởng rằng cuộc sống
đang “nở hoa”, đang ngày càng thịnh vượng, từ đó quên đi các chuyện bức
xúc, vô lý, khổ đau có thật. Và nhất là nó làm người ta bận rộn, đam mê việc làng đến quên đi việc nước.
Dân quê vốn thiết thực. Đầu óc họ còn lúc nào mà để ý chuyện biển đảo
của đất nước đang ngày càng bị đe doạ nữa. Còn về lâu dài, nó làm cho
con người Việt Nam dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần.
Đến thời điểm nào đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể thò tay mà nhúp
nước Việt Nam dễ dàng.
Điều lạ là những việc như
thế ngày trước (thời bao cấp, thời nguyên vẹn tính chất XHCN) chính
quyền, đoàn thể can thiệp rất sát sao. Chính quyền thậm chí còn cấm ăn
uống trong các đám cưới. Đám nào cố tình, có khi dân quân đến tịch thu
cả rượu thịt đã bày ra mâm. Nhưng ngày nay, chính quyền, trong khi vẫn
rất hà khắc trước những hành động đấu tranh của nhân dân, thì các hiện
tượng xuống cấp văn hoá trên lại được buông, được làm ngơ, được coi là
“bình thường”.
Quan niệm sai? Sự vô trách nhiệm? Hay còn có gì đó thuộc bề sâu của vấn đề còn ẩn khuất?
Xin kể thêm mấy câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ.
Mới
đây trong một cuộc liên hoan, tôi ngồi cùng một vị cựu quan chức, người
ta hỏi sao ông ngoài bảy mươi mà trông lại tráng kiện hơn trước, thì
ông ấy nói rằng, do ông tập pháp luân công (PLC). Khi ngà ngà say, ông
ấy bảo: “Các vị biết vì sao Trung Quốc nó cấm PLC không? Là vì PLC làm
cho con người khoẻ mạnh, cường tráng, tinh thần minh mẫn. Người ta sẽ rủ
nhau theo hết PLC. Tập Cận Bình có lần nói rằng “PLC tranh hết quần
chúng của Đảng là vì thế”.
Tôi được nghe mấy
năm vừa qua, có rất nhiều phóng viên các báo đi Trường Sa. Mục đích
chuyến đi tất nhiên là tìm hiểu, thăm hỏi, động viên chiến sỹ giữ gìn
biển đảo. Tuy nhiên, cảm giác của nhiều phóng viên khi về lại là sự thất
vọng. Thất vọng vì cảnh thiếu thốn và cả tinh thần thiếu tin tưởng của
các chiến sỹ quân đội ta. Và dư âm để lại cho nhiều phóng viên sau
chuyến đi là: ta không thể đấu với Trung Quốc được!
Mới đây TP. Hà Nội chủ trương cho bắn pháo hoa
thường xuyên trên cầu Nhật Tân chứ không chỉ bắn vào những ngày lễ
trọng đại của đất nước. Khi Dư luận phản đối thì một vị quan chức – ông
Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giải thích:
“Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa,
những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó,
những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay”.
Cả
sự vui vẻ nhố nhăng lẫn sự chán nản, thất vọng đều làm tiêu mòn nguyên
khí quốc gia. Những người cầm quyền ấu trĩ, dốt nát hay thờ ơ vô trách
nhiệm, hay thậm chí chủ tâm cứ để mọi sự tự phát phát triển để dân chúng
dần dần mất gốc và bại hoại cả thể xác lẫn tinh thần cho dễ cai quản,
lèo lái? Tôi chưa kết luận là cái nào. Nhưng dù thế nào thì hậu quả của
nó cũng là có hại vô cùng. Và cái nguy hại mang vẻ rất riêng của nó là:
một quá trình mất nước từ từ khiến đa số không quan tâm.
Các
triều đại phong kiến xưa cũng như các nước đế quốc trong thời kỳ tìm
đất thực dân, nhìn chung, họ khuất phục các dân tộc khác bằng vũ lực,
sau đó mới nô dịch bằng văn hoá, tinh thần; tuy nhiên lịch sử cũng cho
thấy nó có thể diễn ra bằng một số con đường khác. Nhà thơ Inrasara (Việt Nam nhìn từ huyền thoại ít được biết đến,
Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 3 – 4/2015) cho rằng quá trình mở
cõi của người Việt về phía Nam được tiến hành bằng cả hai phương thức:
bằng gươm và bằng mỹ nhân. Ngoài Huyền Trân công chúa, về
sau còn có các công chúa khác như Ngọc Khoa, Ngọc Vạn tiếp bước “mượn
màu son phấn đền nợ Ô, Ly”, góp phần hoàn tất quá trình Nam tiến của
người Việt. Nhưng rõ ràng người Việt chỉ thực hiện được điều này bởi có
những ông vua Chăm ham sắc (và coi thường nhân dân) đến độ đánh đổi cả
lãnh thổ quốc gia. Sự đồi bại về văn hoá và tinh thần của người Việt Nam
hôm nay, thiết nghĩ là đã vô hình tạo điều kiện để nhà cầm quyền Bắc
Kinh thôn tính bằng sức mạnh mềm.
Để phân tích
tìm ra nguyên nhân và hậu quả các hiện tượng trên cần có sự khảo sát,
nghiên cứu kĩ hơn. Tuy nhiên, một điều có quy luật là: Nước mất nhưng
văn hoá, tinh thần còn thì vẫn có điều kiện để khôi phục độc lập. Nhưng
mất văn hoá, mất tinh thần dân tộc là mất gốc, dù hiện tại chưa mất nước
nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất nước rất cao.
ĐTT
(24-2-2015)
[1]
Thời xưa, những người tin thuyết số mệnh cho rằng “Trai Đinh, Nhâm, Quý
thì tài/ Gái Đinh, Nhâm, Quý phải hai lần đò”. (Hai lần đò: hai lần lấy
chồng). Để hoá giải điều này, khi cưới, người ta tổ chức hai lần đưa
rước dâu, trong đó một lần mang ý nghĩa tượng trưng (chắc là để đánh lừa
quỷ thần). Nếu chỉ có thế thì cũng không đáng trách lắm, chỉ hơi mệt
cho thủ tục đưa rước dâu. Tuy nhiên ngày nay, nhiều cặp hôn nhân làm hai
lần đám cưới và đưa rước râu ở hai lần cách xa nhau, tức cả hai lần đều
là thật một trăm phần trăm. Như thế sự ngu muội đã đến cực điểm.
Đầu năm Ất Mùi, xin kính chúc các độc giả một năm mới thành công và
thắng lợi. Vì là dịp đầu năm cho nên tôi cũng dành cho bài viết này
những điều trăn trở nhất của mình về đất nước mà tôi sinh sống. Thời đại
này là thời đại mở cửa ra thế giới, nhìn ra xung quanh và ngẫm nghĩ lại
chính mình để thay đổi những điều đang cần thay đổi, điều chỉnh những
cái chưa hay, bãi bỏ những cái trì trệ và phát huy những cái tốt đẹp. Ở
xứ này, có nhiều điều rất kì lạ, kì lạ đến mức khó mà tìm thấy ở nơi nào
trên thế giới. Vấn đề là những điều kì lạ này không phải tự nhiên mà
có, mà tất cả đều xuất phát từ con người. Sau đây xin phép liệt kê những
điều kì lạ đó.
1. Trên thế giới này chỉ có ba quốc gia áp dụng
hình thức sổ hộ khẩu là Trung Quốc, BắcTriều Tiên và Việt Nam. Chưa biết
hình thức này có ích lợi gì không nhưng ba quốc gia này cũng là những
quốc gia bị liệt vào hàng không có nhân quyền. Thử tưởng tượng, đem khẩu
hiệu “nhà nước của dân, do dân và vì dân” ra so sánh với sổ hộ khẩu thì
bỗng dưng cái khẩu hiệu đó mất hiệu lực từ khi nào. Mặc dù là công dân
của nước Việt Nam nhưng lại không được phép tự do chuyển chỗ ở trong
vòng lãnh thổ Việt Nam, đi đâu cũng phải trình phải báo, đăng ký tạm trú
tạm vắng.
2. Thêm một vấn đề nữa cũng liên quan đến cái hộ khẩu.
Đại loại là nếu như Hoa Ký cũng áp dụng hình thức hộ khẩu như Việt Nam
thì khi một người đang sinh sống ở Hawaii nhưng có hộ khẩu ở Alaska, thì
khi người đó mua một chiếc xe ở Hawaii, vẫn phải tìm cách đưa chiếc xe
đó về Alaska mà đăng ký lưu hành. Thật là khó khăn, mất thời gian, công
sức và lãng phí biết bao nhiêu thứ chỉ vì cái hình thức nhảm nhí này.
Cũng chả biết mục đích của hình thức đăng ký lưu hành phương tiện giao
thông này có ý nghĩa gì, chỉ biết là nó vô cùng phiền toái và vô nghĩa.
3. Chưa có quốc gia nào trong mỗi chương trình đại học hay cao đẳng đều
phải có chứng chỉ về lý thuyết triết học Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ
Chí Minh. Các quốc gia khác không tuyên truyền về những lý thuyết đó cho
tầng lớp trí thức tương lai của mình. Với họ, làm người tốt và có ích
cho xã hội là đủ rồi. Nếu hỏi thử các bạn sinh viên xem có thích học
những lý thuyết đó không, chắc chắn đa số câu trả lời sẽ là không. Bản
thân tôi cũng từng học qua, vấn đề là thời gian đi học những môn đó, tôi
chỉ đến cho có mặt điểm danh rồi ngồi dưới làm việc riêng, những sinh
viên khác cũng như vậy, chả ai muốn lắng nghe những lý thuyết suông như
vậy. Đến khi thi cử, thật xấu hổ, nhưng tôi phần học vẹt phần chuẩn bị
tài liệu quay cóp chứ thật tình chẳng thể nào thấm nổi những lý thuyết
đó vào đầu để mà trả lời câu hỏi. Mỗi sinh viên trung bình tốn 3 học kỳ
cho các lý thuyết đó, và cuối cùng cái nhận được là con số không và sự
mơ màng về giá trị nền thể chế.
4. Luật lao động quy định phải
cung cấp sơ yếu lý lịch khi tham gia lao động thậm chí ở những doanh
nghiệp nước ngoài. Trong sơ yếu lý lịch cần nêu rõ thông tin bản thân và
gia đình trước và sau năm 1975 đã và đang làm gì. Thật sự cần thiết
thông tin đó sao? Năng lực làm việc của một người thứ nhất không liên
quan đến gia đình họ và thứ hai cũng chẳng liên quan gì đến cái năm 1975
đó. Và thực tế đã chứng minh, năng suất làm việc của dân Việt Nam được
xếp hàng lè tè ở thế giới và khu vực. Chắc là có liên quan đến năm 1975.
5. Luật Việt Nam quy định không cho phép một người nam mang quốc tịch
nước ngoài và một người nữ mang quốc tịch Việt Nam ở chung một phòng
khách sạn khi hai người không có giấy chứng minh đã kết hôn với nhau.
Tuy nhiên, nếu một người nam mang quốc tịch Việt Nam và một người nữ
mang quốc tịch nước ngoài ở chung một phòng khách sạn thì không sao.
Cũng chẳng có vi phạm gì nếu đó là hai người nam hoặc hai người nữ. Vậy
cuối cùng, mục đích của cái luật đó là gì? Nếu luật đưa ra mà chẳng để
có mục đích gì thì chẳng khác nào làm trò cười cho thiên hạ.
6.
Mới đây Bộ Công thương ra nghị định mới về việc đóng thuế đối với hình
thức kinh doanh qua mạng xã hội, mà phổ biến ở Việt Nam hiện là
Facebook. Điều đáng nói là những quy định mới này rất mập mờ và khó áp
dụng, ví như chuyện kinh doanh qua Facebook thì người bán hàng phải có
nghĩa vụ đóng thuế thế nhưng khi được hỏi là hình thức quản lý và quy
trình kiểm tra thuế như thế nào thì Bộ này lại đẩy trách nhiệm sang Bộ
Tài chính. Sao các Bộ cứ thích làm khó nhau và làm khó người dân như vậy
nhỉ?
Thực sự có những điều ở Việt Nam rất khó hiểu nhưng đến giờ
vẫn còn áp dụng. Trên đây chỉ là một cơ số nhỏ mà tôi cảm thấy băn
khoăn và e ngại nhất cho tình hình xã hội ở Việt Nam nhất. Chắc là còn
nhiều điều kì lạ khác nữa nhưng trong vốn kiến thức nông cạn của tôi
chưa khám phá ra hết. Đầu năm Ất Mùi chỉ xin cầu cho những điều kì lạ ở
Việt Nam sẽ dần thay đổi và biến thành những điều bình thường. Để cho
quốc thái, dân an, và mùa xuân luôn ở lại với đất nước mà đáng lẽ ra đã
là số một ở châu Á như phát biểu của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang
Diệu.
Đọc các hàng tin hàng đầu hiện nay có cảm tưởng rằng Internet đã trở thành phương tiện đáng sợ. Các hoạt động gián điệp mạng và đánh cắp thông tin cá nhân dẫy đầy
trong khi các tội phạm có tổ chức và gián điệp quốc gia rình rập.
Mấy ngày gần đây, công ty cung cấp phần mềm bảo mật quốc tế Kaspersky
loan báo một vụ đánh cắp số tiền chưa từng có từ trước đến nay: 1 tỷ
đôla hay còn hơn nữa từ hàng trăm ngân hàng Âu châu, và một phần mềm
độc hại giống như vi rút Stuxnet đã tự cài đặt luôn và bí mật trong
hàng triệu ổ đĩa cứng của máy tính trên khắp các nước Nga, Trung Quốc,
Ấn Độ, Iran và các nơi khác. Như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định tại hội nghị an ninh
mạng ở California mới đây, an ninh mạng là vấn đề vô cùng quan trọng và
là vấn đề mà mọi người từ các chính phủ đến các công ty tư cho đến các
cá nhân đều cần giải quyết.
Nhưng làm thế nào một người có thể chống lại kỹ năng của các tội phạm
trên mạng hết sức tinh vi hay các nguồn lực của các nhà nước?
Thật sự là không thể. Nếu một chính phủ hay một tội phạm rất muốn xâm nhập vào máy tính của quý vị thì họ sẽ làm được việc đó.
Tuy nhiên các cá nhân, có thể gây khó khăn hơn cho các tay tin tặc,
và thậm chí những người không chuyên môn sử dụng Internet cũng có thể
ngăn chận nhiều vụ tấn công mạng với tập quán đơn giản mà ông Vinton
Cerf, một nhà tiên phong phát minh Internet gọi là “Làm sạch web hiệu
quả.”
Sau đây là một vài thói quen các bạn có thể thực hành ngay:
Hãy tạo mật khẩu hóc búa khó đoán: Hãy bỏ chút thì
giờ cố đoán xem mật khẩu phổ biến nhất đang được sử dụng hiện nay là gì.
Nếu bạn đoán đó là cụm từ “mật khẩu” thì không xa lắm đâu. Trong danh
sách hàng năm của công ty SplashData các mật khẩu thông dụng nhất là
“123456” đứng đầu bảng và đứng hàng nhì là “mật khẩu.” Đó không phải là
những mật khẩu mà là tấm giấy bồi ướt.
Nếu bạn không muốn ai đó xâm nhập vào dữ liệu của mình thì phải gắn
một ổ khóa thật chặt trên cửa. Các mật khẩu khó đoán bao gồm hàng ký tự
với chữ thường xen lẫn chữ hoa, chữ số và các ký tự đặc biệt. Mật khẩu
nên có ít nhất 8 ký tự và dứt khoát không nên có thể tạo thành những từ
như tên con thú cưng hay biểu tượng của trường trung học của bạn. Nếu
bạn không làm gì khác được đề nghị ở đây thì hãy tạo mật khẩu khó đoán.
Đổi mật khẩu: Một sai lầm thứ nhì rất phổ biến là
người sử dụng máy tính tạo một mật khẩu hóc búa, rồi sau đó không bao
giờ thay đổi hoặc dùng nó cho những tài khoản khác nhau.
Chắc chắn, quản lý một danh sách mật khẩu phức tạp luôn thay đổi rất mất
công. Nhưng cuối cùng không có mật khẩu nào không thể phá được, và dùng
chúng cho các tài khoản khác nhau là một cách mời gọi tin tặc. Nếu bạn
thấy khó theo dõi tất cả các mật khẩu khó nhớ đó (đừng ghi xuống giấy)
có nhiều dịch vụ quản lý mật khẩu và những ý kiến bên ngoài đó tương đối
dễ và bảo đảm. Xóa bộ nhớ cache: Xóa cache trong tất cả các thiết
bị bạn sử dụng trong một ngày như computer ở nhà, computer ở sở, iPad
của bạn bè v ..v.. Mỗi lần bạn sử dụng trình duyệt như Firefox hay
Chrome, nó đều giữ lại thông tin bạn đã truy cập vào đâu và làm gì.
Thường thì đây là yếu tố được mặc định, mỗi một trang web mà bạn truy
cập và tất cả các những gì bạn tải lên mạng hay tải xuống đều lưu lại
trên máy trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.
Bất kỳ người nào khác muốn xem cache đó và đánh cắp các chi tiết hoạt động trực tuyến của bạn sẽ rất dễ.
Đừng dùng mạng Wi-Fi miễn phí: Nói về Wi-Fi thì câu
châm ngôn “Không có buổi ăn trưa nào miễn phí” hay “Có làm mới có ăn”,
không còn áp dụng trong trường hợp nào đúng hơn trường hợp này. Con số
ngày càng tăng các quán cà phê, quán rượu, cửa hàng hay các nơi công
cộng khác đang cung cấp cho những người sử dụng điện thoại di động đang
rất cần dữ liệu có thể truy cập Internet bằng hệ thống mạng không dây
Wi-Fi, thường thì thậm chí không cần mật khẩu. Các dịch vụ này có thể
thuận tiện, những chúng cũng mở cửa mọi thứ trên thiết bị của bạn. Trừ
phi thực sự cần, bằng không thì đừng sử dụng nó.
Hãy sử dụng HTTPS: viết tắt của cụm từ ‘hyper-text
transfer protocol secure’ hay giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật.
HTTPS là một biến thể của giao thức HTTP được thêm vào lớp bảo mật và
mã hóa trong khi người sử dụng đang truy cập mạng. Liên lạc giữa người
sử dụng và trang web HTTPS được mã hóa và cũng chứng minh sự xác thực,
có nghĩa là HTTPS có thể được sử dụng để phát hiện các trang web giả
thường được dùng trong kỹ thuật tấn công trung gian “man in the middle”.
Hãy cẩn thận với ổ cứng di động USB: Đây là ổ đĩa
cứng nhỏ dễ sử dụng trên các nền tảng máy tính và có thể lưu trữ một số
lượng lớn dữ liệu. Đó là lý do vì sao USB trở nên rất thông dụng để trao
đổi và lưu trữ dữ liệu. Nhưng chúng cũng có thể là nguồn lây lan virus
và phần mềm độc hại từ người sử dụng này sang người sử dụng khác không
ai ngờ. Trước khi cắm ổ USB vào computer của mình hãy suy nghĩ một chút
xem những người sử dụng trước mình là ai.
Cẩn thận trước khi nhấp chuột: Đây là một trong
những lời khuyên hầu như ai cũng biết, nhưng nhiều người vẫn mắc phải
sai lầm. Một trong những cách phổ biến nhất và vẫn thành công mà các kẻ
xấu làm cho computer của bạn bị virus, hoặc thậm chí cả toàn bộ mạng bị
virus, qua kỹ thuật lừa đảo gọi là “phishing”. Mặc dù có nhiều biến
thức, một vụ tấn công lừa đảo bắt đầu khi một người nào đó mở một tập
tin đính kèm trong email, trông có vẻ hợp pháp, nhưng kỳ thực ngay tức
khắc làm cho computer của người sử dụng bị nhiễm virus.
Nếu có ai gửi cho bạn một tập tin hay một địa chỉ trang web mà bạn
không yêu cầu, cho dù họ có hứa hẹn gì đi nữa như nếu mở ra “Bạn sẽ rất
thích!”, đừng nhấp vào đó. Cố gắng đừng sử dụng computer công cộng: Còn tùy theo
hoàn cảnh của bạn, việc này có thể khó khăn. Đối với những ai không có
computer hay không có phương tiện truy cập web, thì cà phê Internet vẫn
rất thông dụng. Tuy nhiên, một computer càng được được nhiều người khác
nhau sử dụng thì lại càng có cơ nhiễm virus hay chứa phần mềm gián điệp
có thể lưu giữ các thao tác trên bàn phím của người sử dụng máy, tài
khoản email và các trang web truy cập.
Một số người tránh né bằng cách mang theo phần mềm vô hiệu hóa sự
theo dõi trên USB của họ - như Tor hay Psiphon có thể giúp tránh né
tường lửa và bạn ẩn danh. Tuy nhiên chúng chúng vẫn còn hơi phức tạp và
không phải là phần mềm bảo vệ cấp thấp
Sử dụng các phần mềm chống virus: Trong nỗ lực nhằm
giữ cho Internet càng “sạch” càng tốt, bạn có một bộ phận điều chỉnh.
Hàng chục dịch vụ chống virus mà bạn có thể sử dụng từ Kaspersky, đã
được nói đến phần trước, cho đến Norton, TrendMicro và nhiều chương
trình khác. Một số miễn phí, một số phải mua, và họ cung cấp nhiều mức
độ bảo vệ. Tuy nhiên, cuối cùng chống virus là cách tuyệt hay để có được
giới chuyên môn giúp đi một bước trước các tin tặc.
Đứng cho rằng bạn biết người bạn đang trò chuyện:
Điều tự nhiên bạn cho rằng mình biết khi bạn nhận được email từ một
người bạn hay vào một trang web mà bạn đã từng truy cập nhiều lần trước
đây, điều bạn đang thấy hay người bạn tin. Tuy nhiên ngày càng có nhiều
tin tặc học cách bắt chước bạn bè hay những người bạn tiếp xúc hoặc tạo
ra những trang web giả trông giống như trang web đáng tin cậy nhưng thật
ra chỉ để thu thập thông tin và dữ liệu về người sử dụng.
Lời khuyên tốt nhất là nếu có một điều gì đó về email của một người
bạn dường như – nói về một đề tài không ngờ tới hoặc sử dụng ngôn từ kỳ
hoặc – hay cân nhắc việc gửi cho họ một thư trả lời hay tốt hơn liên lạc
với họ qua một cách khác để hỏi về nội dung email của họ.
Tránh bị theo dõi : Không phải là điều ngẫu nhiên mà
các trang web tin tức bạn luôn truy cập, biết tên bạn hay các nhà bán
lẽ mà bạn thích nhất, bằng cách nào đó dường như biết chính xác bạn đang
tìm gì. Các trang web mọi loại thường theo dõi chúng ta qua các
“cookies.” Hay các tập tin nhỏ trong các trình duyệt rồi thích ứng các
chi tiết để cho kết quả.
Mỗi trình duyệt có một cách lựa chọn trong việc cài đặt chương trình
bảo mật riêng tư cho phép người sử dụng xóa cookie hay cho phép từ chối
nhận chúng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng các trang web thường hạn chế các
dịch vụ đối với những người không chấp nhận cookie.
Nếu bạn không muốn công cụ tìm kiếm lớn như Google biết mọi thứ bạn
đang tìm kiếm, hay xét đến việc dùng một trong những công cụ tìm kiếm
“không theo dõi” chẳng hạn như DucDuckGo.com, không có cookie cũng không
có chế độ theo dõi.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về làm thế nào để giữ an toàn trực tuyến,
và các công cụ nào bạn có thể sử dụng để bảo vệ sự riêng tư của mình và
tránh kiểm duyệt của chính phủ, hãy truy cập sổ tay “Vô hiệu hóa kiểm duyệt” trên mạng của chúng tôi.
Xã hội Việt Nam đang
rất sôi động. Một sức sống như đang bừng bừng trẻ trung với bề ngoài
của nó. Hào nhoáng. Chộn rộn. Mỗi ngày, khi trên báo chí hay truyền hình
ra một đề bài lá cải, khắp nơi nhộn nhịp tham gia bàn tán như các cô
cậu học sinh mùa thi được thử thách tâm sinh lý. Ở các ngã tư đường, các
quán nhậu, các diễn đàn facebook… đâu đâu người ta cũng bàn tán về đề
thời sự mới nhất. Một ông già hom hem ngấu nghiến hôn cô gái trẻ được
báo chí ghi lại, lập tức trở thành quốc sự. Nền dân chủ lý sự tầm ruồng
phất cao ngọn cờ ngời sáng với 2 phe: một bên thì đập ngực đem tất cả
vốn liếng đạo đức để chỉ trích, một bên thì chống nạnh, viện dẫn mọi tư
duy cấp tiến để nói rằng đó là chuyện bình thường, thậm chí đáng yêu.
Quốc sự về nụ hôn của một cụ già trỗi máu xuân tình dĩ nhiên không quên
bàn về nước dãi của cụ còn để lại trên gò má căng phính lông tơ của cô
gái trẻ. Quốc sự về hình ảnh đó cũng có đủ mọi lời bảo vệ bằng cách đưa
ảnh một vị lãnh tụ khác cũng hay hôn phụ nữ, đàn ông và trẻ con như một
truyền thống đáng noi theo. Dĩ nhiên, khi đã tranh luận, mỗi phe càng
nói càng hăng. Ngôn ngữ mỗi lúc một mạnh bạo, thậm chí rất hung hãn.
Sự hung hãn của một dân chủ xã hội đầy sôi động đó cũng được mô tả bằng
bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân
cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ
hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương
Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ
hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch
Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân
nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. Loại câu nói đủ biết
hạng người nào, tri thức kiểu gì đang đứng trên đầu dân chúng.
Một khi chuyện hôn hít của một ông già, chuyện đánh nhau vỡ đầu giành
lộc, chuyện hung hãn đánh nhau giữa đường rồi cùng nhập viện… nay đã trở
thành quốc sự hạng một, chiếm lĩnh mọi sự quan tâm của quốc dân, thì đó
cũng là một chỉ dấu của con đường đến mạt vận.
Người Việt hôm
nay dường như rất hung hãn trong những chuyện tự do ngôn luận dân chủ
tầm ruồng, bỏ quên hay tránh né về những điều nguy ngập khác, rằng Trung
Cộng đã dựng xong sân bay, pháo đài… trên biển, có thể đánh chiếm Sài
Gòn trong 24 giờ. Thế nhưng tướng quân đội Việt Nam thì tâm tư tha thiết
kêu gọi dân chúng không nên ghét bỏ kẻ đang lăm lăm cướp – giết tổ quốc
mình.
Người Việt hôm nay dường như rất hung hãn trong cách dùng
mọi học thuật để chứng minh đối phương đồi bại hay tiến bộ trong những
điều chỉ đáng liếc qua và lãng quên, nhưng giỏi cười qua loa với chuyện
các dự án bauxite thua lỗ trầm trọng mà vẫn phải tiếp tục, ngày đêm giao
nộp sang biên giới, giỏi giả lơ khi giá xăng được tuyên hô sẽ lên giá
không cần lý do, khi dầu thế giới chỉ có giá 50 USD/ thùng – mức giá
thấp nhất từ trước đến nay.
Người Việt hôm nay dường như đủ hung
hãn chém con heo ra nhiều mảnh, reo hò và tắm máu như thời các bộ lạc dã
man, nhưng hèn nhát câm miệng không dám bàn về tài sản các quan chức
tham nhũng đang đục ruỗng tổ quốc mình. Người ta im lặng hèn nhát khi
nghe những kẻ như Trần Văn Truyền chỉ bị kỷ luật giơ cao đánh khẽ, còn
những người tố cáo cái ác như ông Cao Kim Hoa, báo Người Cao Tuổi, đang
lao đao giữa trùng vây vô lại.
Cái cần phải hung hãn, thì người
ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông
lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó,
hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện
thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.
Hung hãn và hèn nhát, hai mặt
đối lập của số đông trong một nước, cho thấy sự sục sôi của chủ nghĩa
duy lợi đang lây lan như một loại virus trọng bệnh, mà tỷ lệ nghịch với
làn sóng đó, là sức sống còn cho một quốc gia.
1/ Tin Hoa Kỳ: Đưa máy bay tuần thám hiện đại nhất ra Biển Đông
Vào lúc mối lo ngại trước việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông ngày càng tăng, Hoa Kỳ đã có phản ứng cụ thể. Một sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ ngày 27/02/2015 tiết lộ : Hoa Kỳ đã bắt đầu cho loại trinh sát cơ tối tân nhất của mình là P-8A Poseidon đi tuần tra trên khu vực Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, sự tồn tại của các phi vụ trinh sát này được công khai xác nhận. Trong một thông báo, Hải quân Hoa Kỳ cho biết là các chiếc P-8A đã được triển khai tại Philippines trong ba tuần lễ từ đầu tháng Hai cho đến ngày 21/02/2015.
2/ Tin Syria: IS bắt cóc 220 người theo Cơ đốc giáo
Một tổ chức tranh đấu Syria cho biết số người Syria theo Cơ đốc giáo bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo bắt cóc ở vùng đông bắc Syria đã tăng tới ít nhất 220 người. Đài Quan sát Nhân quyền Syria, trụ sở đặt tại Anh, nói rằng phiến quân đã bắt những người đó trong 3 ngày qua khi chúng chiếm 10 ngôi làng trong tỉnh Hassakeh.
3/ Tin Việt Nam: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sắp thăm Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí sắp sang Việt Nam để giám sát hoạt động rà phá bom mìn sau chiến tranh và thúc đẩy hợp tác an ninh song phương. Thông báo hôm 25/2 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Thứ trưởng Rose Gottemoeller sẽ có mặt tại Việt Nam từ ngày 1/3 đến ngày 3/3.
Một tòa án Nam Triều Tiên đã đảo ngược một đạo luật gây tranh cãi đã có từ nhiều thập niên ngăn cấm quan hệ tính dục ngoài hôn nhân. Với 7 phiếu thuận và hai phiếu chống, Tòa án Hiến pháp hôm nay hủy bỏ lệnh cấm ngoại tình năm 1953. Chánh thẩm Park Han Chul nói rằng “Cho dù ngoại tình nên bị chê trách là vô đạo đức, quyền lực nhà nước không nên can thiệp vào đời sống riêng tư của cá nhân.”
5/ Tin Liên Hiệp Quốc: UNESCO đòi LHQ triệu tập cuộc họp khẩn
Tổng Giám đốc cơ quan Liên Hiệp Quốc UNESCO ngày 26/02/2015, yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo -EI- đã phá hủy các pho tượng thời Cổ đại tiền Hồi giáo ở viện bảo tàng Mossul, miền Bắc Irak. Lời kêu gọi của UNESCO được đưa ra sau khi quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cho lưu hành trên mạng một đoạn video cho thấy người của họ kéo đổ các pho tượng để dùng búa đập nát.
6/ Tin Hong Kong: Tù sáu năm vì hành hạ người giúp việc
Một phụ nữ Hong Kong bị tù sáu năm vì hành hạ người giúp việc quốc tịch Indonesian trong vụ gây quan ngại quốc tế. Ngoài án tù, Law Wan-tung, 44 tuổi và có hai con, cũng phải trả khoản tiền phạt 15,000 đô la Hong Kong (1,934 USD). Bà Law Wan-tung vào đầu tháng này bị kết tội lạm dụng thể xác, hăm dọa và không trả lương cho người giúp việc của mình. Trong phiên xử, cô Erwiana Sulistyaningsih mô tả cô bị người chủ Hong Hong đánh đập và bỏ đói.
7/ Tin Trung Quốc: Soạn luật để đưa quân ra nước ngoài
Trung Quốc soạn luật để có thể đưa quân 'chống khủng bố' ra nước ngoài, theo tin của Reuters ngày 27/02/2015. Hãng tin này trích lời giới chuyên gia cho hay điều 76 trong luật về chống khủng bố sẽ cho phép cả quân đội và lực lượng an ninh Trung Quốc thực hiện các chiến dịch ở nước ngoài. Sự thay đổi trong khung pháp lý này đến từ một bước chuyển biến trong học thuyết quân sự của Trung Quốc. Nước này có nhiều hoạt động kinh tế, các quyền lợi trải rộng từ châu Á sang Trung Đông và cả châu Phi.
8/ Tin Nam Triều Tiên: Cứu xét trả tiền để Bình Nhưỡng trả tự do cho tù binh
Chính phủ Nam Triều Tiên đang cứu xét việc thành lập một quỹ bằng tiền mặt để dùng trong chương trình trao đổi tù binh với Bắc Triều Tiên. Hầu hết người dân Seoul muốn những người tù được trả tự do là tù binh Bắc Triều Tiên bị giam giữ kể từ năm 1953. Thủ tướng Nam Triều Tiên vừa mới được bổ nhiệm Lee Wan-koo, nói với Quốc hội trong tuần này là ông muốn đưa về nước những tù binh bị giam tại Bắc Triều Tiên trong hơn 60 năm cũng như những người khác bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
9/ Tin Hoa Kỳ: Tình báo Mỹ lo ngại Trung Quốc mở rộng các đảo ở Biển Đông
Lãnh đạo tình báo Mỹ cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các « tiền đồn » ở Biển Đông là một phần của nỗ lực « hung hăng » nhằm xác quyết chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã tuyên bố như trên ngày 26/02/2015, trong cuộc điều trần về các mối đe dọa toàn cầu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Tuyên bố của ông Clapper phản ánh mối longại của Washington về những hoạt động của Bắc Kinh bồi đắp các đảo trên Biển Đông, để có thể xây các bến đậu cho tàu thuyền hoặc các sân bay trên đó.
http://vi.rfi.fr/20150227-my-bien-dong//
10/ Tin Bắc Hàn: Dọa "thánh chiến tàn bạo" chống Mỹ
Bắc Hàn cao giọng đe dọa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trước khi hai đồng minh này bắt đầu cuộc tập trận hỗn hợp quy mô vào thứ hai tới đây. Bắc Hàn hôm qua trích đăng bình luận của tờ Rodong Sinmun nói rằng vũ khí nguyên tử không phải là sản phẩm độc quyền của Hoa Kỳ và Washington sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng nước Mỹ được an toàn. Bắc Hàn đe dọa sẽ tiến hành một cuộc thánh chiến không thương xót chống lại Mỹ bởi lẽ Washington chọn thái độ đối đầu với Bình Nhưỡng.
CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM PHẦN KẾT LUẬN – Ngô Đình Nhu (1910 - 1963)
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ
Phật dạy "TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ". Thâm ý cao siêu của lời
dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên
tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi vị trí
đã mất tác dụng, mà vẫn cứ cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt,
và những kết quả đã thu hoạch được lại có thể bị mất.
Phải trụ vào cho đúng lúc mới tiến được. Và phải không trụ
vào cho đúng lúc mới bảo đảm được vừa những thắng lợi đã chiếm, vừa con đường
tiến cho tương lai.
TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ là một chân lý thể hiện trong những sự việc
vĩ đại của loài người, cũng như trong các sự việc nhỏ nhặt của cá nhân trong đời
sống thường ngày.
Nhiều Cộng Đồng đã phôi thai được một nền văn minh vì nhờ
trong một lúc nào đó, các nhà lãnh đạo đã ý thức được một cách sung mãn những vị
trí cần phải trụ vào. Nhưng sau đó hoặc vì sự thiếu lãnh đạo, hoặc vì thử
thách, do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, vượt qua mức độ mà sinh lực của Cộng Đồng
có thể ứng phó nổi, nên Cộng Đồng vẫn tiếp tục trụ vào một vị trí không còn là
sinh lộ nữa. Do đó, nền văn minh vừa mới phôi thai, đã ngừng phát triển và lâu
ngày thành cằn cỗi và chết dần như cây khô.
Các Dân Tộc Da Đỏ ở Bắc Mỹ đã phôi thai một nền văn minh trụ
vào sự thích nghi hóa đời sống thường ngày với vũ trụ thiên nhiên bao quanh
mình. Ví dụ, thay vì tìm cách chế áo dầy hoặc cách xây nhà cửa giữ được sức
nóng để chống lại với giá lạnh của mùa Đông, người Da Đỏ lại chủ trương huấn
luyện cơ thể từ lúc nhỏ để chịu đựng được các thời tiết.
Thái độ của người Da Đỏ là một thái độ tùng phục, cố gắng
thích nghi hóa cơ thể với vũ trụ thiên nhiên. Thái độ mặc áo và xây nhà là một
thái độ dùng phương tiện thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên.
Vì đã lựa chọn con đường như vậy cho nên nền văn minh phôi
thai của người Da Đỏ đã đào tạo được một loại người mà sức chịu đựng đối với
thiên nhiên lên đến một mức độ phi thường. Và sự thông cảm của họ với thiên
nhiên vượt đến một trình độ ít có.
Trên lĩnh vực này, người Da Đỏ đã khiến tất cả mọi người đều
thán phục. Và người mà ông Baden Powell, nhà sáng lập ra phong trào hướng đạo
thế giới, lấy làm mẫu là người Da Đỏ.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của con người có giới hạn, sức mạnh
của thiên nhiên lại vô bờ bến. Tự trụ mình vào công cuộc phi thường rèn luyện
cơ thể để chống lại với thiên nhiên, người Da Đỏ đã dấn thân vào một con đường
không có lối thoát.
Các nhà lãnh đạo Da Đỏ không nhìn thấy sự bế tắc đó nên
không lúc nào nghĩ cần phải chấm dứt sự trụ vào đó. Vì vậy cho nên, vừa mới
phôi thai, nền văn minh Da Đỏ đã ngưng phát triển và lần lần cằn cỗi.
Theo những tài liệu khảo cổ mà chúng ta được biết tới ngày
nay thì các Dân Tộc ở chung quanh Bắc Cực và các Dân Tộc ở trên các Quần Đảo ở
Thái Bình Dương đều lâm vào một tình trạng tương tự. Tự trụ vào công cuộc mang
sức chịu đựng của con người để chống lại thiên nhiên. Lúc đầu khi trụ vào vị
trí đó, Cộng Đồng phôi thai được một nền văn minh. Nhưng khi vị trí không còn
thích nghi nữa, Cộng Đồng không biết thoát ra đúng lúc. Lỗi lầm đó đã đưa Cộng
Đồng đến chỗ chết.
Ví dụ dưới đậy lại còn rõ rệt hơn nữa.
Luân lý Khổng Mạnh đã tạo cho Cộng Đồng Dân Tộc Trung Hoa, một
trật tự xã hội bền vững với thời gian, một cách chưa từng thấy trong lịch sử
nhân loại. Suốt trong mấy ngàn năm, trật tự xã hội kiên cố, do luân lý Khổng Mạnh
tạo nên, không có cuộc chấn động nào lay chuyển nổi. Nhờ trật tự xã hội vô cùng
vững chắc đó, văn minh Trung Hoa phát triển đến tột độ và soi sáng khắp cả một
bầu trời. Các triều đại Trung Hoa, kể cả các triều đại Hán Tộc và các triều đại
ngoại lai, Mông Cổ và Mãn Thanh, đều bị chinh phục bởi sức kiên cố của trật tự
xã hội của Khổng Mạnh. Các nhà lãnh đạo đều trụ vào đó và gia công xây đắp cho
trật tự Khổng Mạnh càng thêm vững chắc.
Vì vậy mà cho đến khi
nền văn minh Trung Hoa, vì quá trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh, nên sinh lực
phát triển đã suy đi, không một nhà lãnh đạo nào nhìn thấy. Mài miệt trong sự
thán phục một trật tự xã hội đã cằn cỗi và thành đá, không một nhà lãnh đạo nào
nhìn thấy nền văn minh Trung Hoa đã ngưng phát triển. Nếu không bị sự tấn công
của Tây phương, có lẽ đến ngày nay, Trung Hoa còn ngon giấc triền miên trong
cái trật tự xã hội Khổng Mạnh của mình. Trụ vào trật tự xã hội Khổng Mạnh để
phát triển nền văn minh. Nhưng chính cũng vì trụ vào đó quá mức độ thời gian,
nên văn minh đã ngưng phát triển.
Thâm ý của lời Phật dạy "Trụ mà không trụ" là bao
quát như vậy đó.
Nhưng trong đời sống của cá nhân, lời dạy "trụ mà không
trụ" cũng chi phối sâu xa đến các hành vi thông thường.
Trong sách Gia Ngữ có chép lại đại khái như sau:
Thầy Tử Hạ một hôm hỏi Đức Khổng Tử: "Đức Khổng Tử sánh
với những người học trò như Nhan Hồi, Tử Cống và Tử Lộ thì sao ?
Đức Khổng Tử trả lời: "Nhan Hồi thủ tín hơn ta. Tử Cống
thuyết khách hơn ta. Tử Lộ chiến trận hơn ta".
Thầy Tử Hạ lại hỏi: "Thế vì sao Nhan Hồi, Tử Cống và Tử
Lộ lại tôn Đức Khổng Tử làm thầy ?"
Đức Khổng Tử trả lời: "Vì Nhan Hồi thủ tín mà không biết
phản tín. Tử Cống hay biện thuyết mà bất cập tảo biện. Tử Lộ biết dũng mà không
biết khiếp, biết cương mà không biết nhu".
Thầy Nhan Hồi biết trụ vào chữ tín mà không biết không trụ
vào chữ tín.
Thầy Tử Cống biết trụ vào biện thuyết mà không biết không trụ
vào biện thuyết.
Thầy Tử Lộ biết trụ vào dũng mà không biết không trụ vào
dũng.
Đức Khổng Tử vượt lên trên hết tất cả vì trong mọi trường hợp,
ngài biết trụ vào đúng lúc và biết không trụ vào đúng lúc.
Phải biết trụ để có vị trí phát triển, nhưng phải biết không
trụ để bảo đảm cho phát triển tiếp tục.
Sự phát triển của văn minh Tây phương đến mức độ bao trùm khắp
nhân loại và khắp các lĩnh vực của đời sống, như chúng ta mục kích ngày nay, là
một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Sinh lực đó bắt nguồn từ chỗ
người Tây phương đã thấu triệt nguyên tắc "Trụ mà không trụ" và đã
đưa nó lên thành một lợi khí khoa học và sắc bén để tìm hiểu vũ trụ. Trong bất
cứ ngành nào của kỹ thuật Tây phương, lịch sử phát triển của ngành đó đều mang
dấu vết của nguyên tắc "Trụ mà không trụ". Ví dụ dưới đây là thông
thường nhất.
Khi quang học mới phôi thai, tất cả các nhà vật lý học Tây
phương lúc bấy giờ, Descartes, Fermat, Malus, Huygens đều trụ vào thuyết
"ánh sáng phát quang theo đường thẳng" để khảo sát, thí nghiệm và tìm
ra những định luật của quang học hình học. Quang học hình học, như chúng ta đã
biết, là những bậc thang đầu tiên và vô cùng quan trọng của quang học.
Nhưng, những thế hệ các Nhà Vật Lý Học sau đó, mục kích nhiều
hiện tượng quang học mà thuyết "ánh sáng phát quang theo đường thẳng"
không làm sao giải thích được. Fresnel, Young và Newton, mặc dầu vẫn công nhận
sự nghiệp di sản của quang học hình học, đã nhìn thấy đúng lúc giới hạn của
thuyết "ánh sáng phát quang theo đường thẳng" và nhận thức đã đến lúc
không nên trụ vào đó nữa.
Nếu không trụ vào đó nữa, tất nhiên phải trụ vào một vị trí
khác để tiếp tục phát triển Quang Học. Do đó, thế hệ các Nhà Quang Học này trụ
vào thuyết "ánh sáng phát quang theo làn sóng" để khảo cứu thí nghiệm
và cuối cùng phát minh những định luật mới về quang học vừa bao quát, vừa phong
phú hơn. Tất cả sự nghiệp quang học ba động đều xây dựng trên thuyết mới này.
Giả sử thế hệ các nhà vật lý học đầu tiên không trụ vào thuyết
"ánh sáng phát quang theo đường thẳng" thì sự nghiệp quang học hình học
không bao giờ thành hình, và những bậc thang đầu tiên đó của ngành quang học,
không bao giờ được xây dựng lên và sự phát triển của quang học không được manh
nha.
Nhờ những bậc thang đầu tiên đó, thế hệ các Nhà Vật Lý Học
sau mới vói tay lên được đến các hiện tượng lạ lùng đối với thuyết "ánh
sáng phát quang theo đường thẳng". Nhưng, giả sử các Nhà Vật Lý Học của thế
hệ này không đập phá được sự trụ vào thuyết "đường thẳng’ thì sự phát triển
của quang học đã ngừng ở đó và lâu ngày sẽ cằn cỗi mà chết dần.
Nhưng trong thực tế, họ đã biết không trụ đúng lúc nên đã bảo
đảm được sự tiếp tục phát triển của quang học.
Đến giai đoạn này, lịch sử phát triển của quang học cũng đủ
để thuyết minh cho tính cách sắc bén của nguyên tắc "Trụ mà không trụ",
trong mọi lĩnh vực phát triển.
Nhưng, quang học còn phát triển hơn nữa. Và thành tích phát
triển gần đây của quang học, lại chỉ rõ hơn nữa rằng, văn minh Tây phương đã
khoa học hóa và chính xác hóa nguyên tắc "Trụ mà không trụ" để biến
nó thành một kỹ thuật vô cùng hiệu quả để phát triển.
Sau thế hệ các Nhà Quang Học ba động, một thế hệ vật lý học
giả khác lại phát minh ra nhiều hiện tượng vật lý, mà thuyết "ánh sáng
phát quang theo làn sóng" cũng không thể giải thích được. Cũng như lần trước,
các Nhà Quang Học chấm dứt đúng lúc sự trụ vào quang học ba động. Nhưng lần
này, các Nhà Quang Học đã xem việc không nên trụ vào quang học ba động, như là
một phương pháp phát minh. Thế hệ của De Broglie lại trụ vào thuyết "ánh
sáng phát quang thành ly tử di chuyển theo làn sóng" để khảo sát, thí nghiệm
và phát minh nhiều định luật về quang học bao quát hơn thêm và phong phú hơn
thêm. Tất cả sự nghiệp quang học xạ tử ba động đều xây dựng trên thuyết mới
này. Và những phát minh tối tân nhất hiện nay về các quang tuyến đều căn cứ
trên sự nghiệp quang học xạ tử ba động.
Nhưng sự nghiệp xạ tử ba động sẽ không bao giờ có, nếu sự
nghiệp quang học ba động không thành hình. Và sự nghiệp ba động không bao giờ
có nếu sự nghiệp quang học hình học không thành hình. Nhờ trụ mà có quang học
hình học. Rồi nhờ không trụ mà có quang học phát triển. Rồi nhờ trụ mà quang học
ba động thành hình. Rồi nhờ không trụ mà quang học ba động phát triển. Rồi nhờ
trụ mà quang học xạ tử ba động thành hình.
Chúng ta có thể đoán rằng, cơ thức "Trụ mà không trụ"
sẽ theo đó mà tiếp tục diễn tiến, và vạch con đường cho sự phát triển không ngừng
của quang học.
Những sự kiện trên có
giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực quang học mà cho tất cả các ngành của
khoa học Tây phương.
Những sự kiện trên có giá trị, không phải riêng cho lĩnh vực
khoa học mà cho tất cả các ngành của khoa học Tây phương, nghĩa là cho tất cả
các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực chính trị như chúng ta sẽ thấy
dưới đây.
Tóm lại "Trụ mà không trụ" là một chân lý phát triển.
Một điều đáng cho chúng ta nêu lên làm một câu hỏi, là chính Đông Phương đã tìm
ra chân lý trên, nhưng vì sao văn minh Đông Phương, Ấn Độ, cũng như Trung Hoa,
lại trụ vào một vị trí cố định từ mấy ngàn năm ? Những trả lời câu hỏi này vượt
ra rất xa khuôn khổ của lời kết luận này.
Trở lại vấn đề chính trị của Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam
trong thời kỳ hiện tại, đề tài của tập sách này, chúng ta nhận thấy các điểm
sau đây:
Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay và trong trình độ
tiến hóa của nhân loại hiện nay, các vấn đề của Dân Tộc Việt Nam, trong thời kỳ
này chỉ có thể tìm được một giải đáp nếu chúng ta trụ vào vị trí Dân Tộc.
Đương nhiên là vị trí Dân Tộc mà chúng ta đã quan niệm trong
suốt mấy trăm trang của tập sách này, không thể là một vị trí Dân Tộc bế quan tỏa
cảng, hẹp và nông như dưới các triều đại quân chủ xưa kia. Vị trí Dân Tộc mà
chúng ta quan niệm là một vị trí Dân Tộc nằm trong khung cảnh thế giới, với tất
cả các dây liên hệ tinh thần và vật chất cần phải có.
Nhưng vị trí trụ vào phải là vị trí Dân Tộc.
Đến lúc nào chúng ta
cần phải chấm dứt sự trụ đóng vị trí Dân Tộc nói đây để bảo đảm cho sự phát triển
tương lai của Dân Tộc, đúng theo nguyên tắc "TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ"?
Chắc chắn trong thời kỳ này của Cộng Đồng Dân Tộc, chưa có sự
chấm dứt nói đây. Thời kỳ này gồm nhiều thế hệ sắp đến. Chúng ta phải tin tưởng
vào sự sáng suốt của các nhà lãnh đạo sau này, để quyết định đúng lúc sự thôi
không trụ vào vị trí hiện tại.
Các nhà lãnh đạo cộng sản ở miền Bắc đã trụ vào lý thuyết cộng
sản trong thời kỳ tranh giành độc lập. Chúng ta đã thấy trong các trang trên, sự
đi đúng đường một phần nào của họ trong một giai đoạn. Nhưng chúng ta cũng đã
phân tích các lý do vì sao sự tiếp tục trụ đóng vào phương tiện cộng sản hiện
nay, là một lối bế tắc cho sự nghiệp tiến hóa của Dân Tộc. Chẳng những như
chúng ta đã phân tích, sự tiếp tục trụ đóng vào lý thuyết cộng sản sẽ không làm
sao giải quyết được công cuộc phát triển cho Dân Tộc, mà lại còn mở cửa đưa các
thế hệ sau này, vào một đời sống vô cùng đen tối không lối thoát.
Trung Cộng tự mình cũng chưa giải quyết được vấn đề phát triển
cho Dân Tộc Trung Hoa. Từ ngày các sự viện trợ của Nga đã chấm dứt, các công cuộc
phát triển của Trung Cộng hoàn toàn đình trệ. Do đó, tự đặt mình vào vòng ảnh
hưởng của cộng sản, nghĩa là của Trung Cộng, các nhà lãnh đạo Bắc Việt tự mình
đã từ bỏ công cuộc phát triển cho Dân Tộc.
Hơn nữa, sự phát triển của một khối người gần 800 triệu dân
như của Trung Cộng, là một mối đe dọa cho toàn thế giới. Và vì vậy công cuộc
tìm phát triển của Trung Cộng tự nó, dù mà Trung Cộng không có gây hấn với ai cả,
cũng gây nhiều kẻ thù. Những người này nhất định sẽ cản trở không để cho Trung
Cộng phát triển.
Các biến cố chính trị gần đây đều xác nhận sự phân tích
trên. Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của Dân Tộc Việt Nam vào với số mạng của
Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ công cuộc phát triển
đang cần thiết cho sự sống còn của Dân Tộc.
Trung Cộng giải quyết không được công cuộc phát triển của
Dân Tộc Trung Hoa. Nhưng số người 800 triệu dân cần phải nuôi, là một thực tế
không thể phủ nhận được. Sự bành trướng mà Trung Cộng bắt buộc phải thực hiện
dưới áp lực nhân khẩu kinh khủng đó đã mở màn. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì
một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng nói trên sẽ là chúng ta. Chỉ
tưởng tượng đến viễn cảnh đó cũng đủ cho chúng ta khủng khiếp.
Vì vậy cho nên, công cuộc chống sự xâm lăng của miền Bắc,
không lúc nào khẩn thiết cho Cộng Đồng Dân Tộc Việt Nam bằng trong lúc này.
Và vì vậy cho nên, chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh
đạo miền Bắc, kịp thời nhận định đã đến lúc, vì sự tiến hóa của Dân Tộc, không
còn nên tiếp tục sự trụ đóng vào phương tiện cộng sản nữa.
SÁCH THAM KHẢO
BAINVILLE (Jacques) Histoire de France (Plon)
CHURCHIIL (S. Winston) Mémoires sur la Deuxième guerre
mondiale (I à VI) (Plon)
COOMARASWAMY (Awanda K.) Hindouisme et Bouddhisme
DE GAULIE (Charles) Mémoires de Guene (I à III) (Plon)
DURANT (Will) Histoire do la Civillisation (I à IX)
ETIENNE (Gilbert) La Voie Chinoise (Tiers Monde)
FALL (Bernard) Indochine 1946-1962 (L histoire que nous
vivous)
GEORGE (Piene) Géographie sociale du Monde (Presses
universitaires de France)
HAYWARD (Fernand) Histoire des Papes
KOESTLER (Arthur) Le Lotus et le Robot (Calmann-lévy)
LACOUTURE (Jean) La Fin d une Guerre. Indochine 1954
(Editions du Seuil)
LE THANH KHOI Histoire du Viet Nam
MAO TSE TUNG La Guerre Révolutionnaire
MARX (Karl) Le Manifester du Parti Communiste. La Lutte des
Classes
MAUROIS (André) Histoire d angletère
MENDE (Tibor) Converstions avec Nehru. Aux Pays des
Moussons. Asie du Sud-est. L inde devant l orage. La Chine et son Ombre. Des
Mandarins à Mao
MITTERAND (Francois) La Chine au Défi
MIGOT (André) Le Bouddha (le club francais du livre)
NEHRU (Jawaharlal) The Discovery of India. Glimses of World
History (Meridian books, London)
PERROUX (Francois) L economie des jeunes nations;
Industrialisation et groupement des nations
RIBBENTROP (Joachim Von) De Londres à Moscou
RUSSELL (Bertrand) La Philosophie Occidentale
SAINT PHALLES (Alexandre de) Tour du Monde (I à VI)
SCHWEITZER (Dr Albert) Les Grands Penseurs de l inde
SPENGLER (Oswald) Le Déclin de l occident (I et II)
(Gallimard)
TABOULET (Georges) La Geste francaise en Indochine (I et II)
TOYNBEE (Amold) A Study of History (I à XI) (Oxford). A
Study of History (Abridgement by D. C. Somerveil I et II). La civillisation à l
épreuve. Guerre et Civillsation. L histoire, un Essai d interpretation
(Gallimard). Le Monde et l Occident
TOURNOUX (J.) Secrets d’état (Plon)
TRUMAN (Harry) Mémoires (I et II)
VU QUOC THUC Economie Communaliste au Viet Nam
ENCYCLOPÉDIE DE LA PLÉIADE Histoire Universelle (I à III);
Litérature Universelle (I à III)
HISTOIRE ILLUSTRÉE DE LA RUSSIE (Gallimard)
Ghi chú của bản đồ Nam Tiến:
Từ Thế Kỷ 10 về trước, biên giới nước ta từ Đèo Ngang trở ra
Bắc. Năm 1069 Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, đưa ranh giới nước ta đến Cửa Việt.
Năm 1306 Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua
Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Lý, tức Quảng Trị và Thừa
Thiên ngày nay.
Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa.
Đến thời Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), Nguyễn Phúc Chủ
(1675-1725) tiến chiếm đất Chiêm Thành và Chân Lạp.
Năm 1788 Nguyễn Phúc Ánh chiếm đất Gia Định, nhưng chung
quanh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long còn có 12 lãnh chúa địa phương, mỗi người
chiếm cứ một vùng. Phải mất một thời gian, Nhà Nguyễn mới hoàn tất cuộc bình định
trên đường Nam Tiến để có lãnh thổ như ngày nay.