Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Mùa hè năm 1990, vào thời điểm sống còn khi đất nước bắt đầu đi từ cải tổ sang tan rã, Mikhail S. Gorbachev đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time rằng “Tôi ghét những lời nói dối.” Đo là một tuyên bố mang tính cách mạng, chỉ bởi nó xuất phát từ miệng một nhà lãnh đạo Liên Xô.
Ngoài mặt, ông chỉ đơn giản đang tung hô chính sách công khai hóa (glasnost) của mình, chính sách cởi mở mới được giới thiệu cùng với cải tổ (perestroika), hay việc cơ cấu lại nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô nhằm cứu đất nước khỏi tình trạng “rơi tự do” về địa chính trị. Gorbachev đã đánh cược rằng quyền thể hiện ý kiến một cách thành thật và tự do – hay một nền báo chí có thể phê bình và điều tra, sách lịch sử không cần đổi tên nhân vật, cùng với một chính phủ trung thực và có trách nhiệm giải trình – sẽ có thể cứu vãn thành trì đang lung lay của chế độ Cộng sản.
Trong cuốn Dismantling Utopia: How Information Ended the Soviet Union, Scott Shane – phóng viên tại Moskva của tờ Baltimore Sun (và hiện giờ đang làm việc cho tờ Times) – viết rằng: đối với nhà lãnh đạo Liên Xô, glasnost là “một cái đèn khò có thể thổi sạch lớp sơn cũ đang bong tróc khỏi xã hội Liên Xô. Nhưng hệ thống cộng sản đã chứng minh rằng nó là một mồi lửa.”
Người phương Tây luôn ca ngợi Gorbachev vì lòng dũng cảm của ông khi bắt đầu canh bạc này – ngay cả khi ông đánh mất cả một đế quốc trong tiến trình đó – nhưng ông đã làm điều đó vì chịu áp lực. Ý tưởng rằng việc đề cao sự thật có thể giải phóng Liên Xô khỏi tham nhũng và ốm yếu không phải là mới. Gorbachev đã lặp lại và sử dụng các lập luận của một phong trào bất đồng chính kiến mà suốt nhiều thập niên đã nhấn mạnh rằng sự thật là hình thức phản kháng thiết yếu của họ.
Nếu Liên Xô là ví dụ lớn nhất của thế kỷ 20 về một chế độ sử dụng tuyên truyền và thông tin để kiểm soát các công dân của mình – hay 70 năm thao túng tin giả – thì dịp kỷ niệm một trăm năm Cách mạng Bolshevik là một thời điểm quan trọng để đánh giá lại cách mà nó tạo ra một làn sóng phản kháng mạnh mẽ trong xã hội dân sự “ngầm” tại Moskva và Leningrad.
Phản kháng nội bộ thực sự chống lại chế độ Liên Xô bắt đầu nổi lên trong những năm 1960, vào thời điểm nhiệt độ chính trị trong nước đang chuyển từ thời kỳ hậu Stalin hừng hực sang lạnh lẽo trở lại. Đàn áp bắt đầu với phiên tòa xét xử các nhà văn trào phúng Yuli Daniel và Andrei Sinyavsky vào đầu năm 1966. Khi các đợt phản kháng và các phiên tòa tiếp diễn sau đó, phe bất đồng chính kiến đã phải đối mặt với một tình trạng lưỡng nan thú vị: làm thế nào để chống đối hiệu quả nhất trong bối cảnh thông tin họ có đang ngày càng nhiều. Gần như hàng ngày, họ đều được nghe chi tiết về những cuộc thẩm vấn, những câu chuyện được truyền lại về cuộc sống trong các trại lao động, cũng như những cuộc lùng sục và bắt bớ.
Nhóm bất đồng chính kiến có thể lựa chọn hình thức tuyên truyền riêng của mình, nhấn mạnh cuộc bức hại và biến vốn từ ngữ phong phú của Liên Xô về những kẻ “côn đồ” và “phần tử phản xã hội” thành những áng văn dài cay đắng chống lại nhà nước. Nhưng họ đã không làm vậy. Thay vào đó, họ đã chọn cách truyền đạt một cách phi cảm xúc và trong trẻo nhất có thể. Họ đã đạt được những gì chúng ta có thể gọi là sự khách quan.
Nhiều thế hệ công dân Liên Xô đã tự đào tạo mình để nghĩ về sự thực như một khái niệm mang tính tương đối. Các bài báo đã được đọc như những câu chuyện nhằm tôn vinh nhà nước chứ không phải phản ánh thực tế. Và người ta cũng bị tách biệt thành những con người riêng tư, thường khác biệt với khuôn mặt và lời nói chốn công cộng của họ.
Do xã hội Liên Xô được xây dựng dựa trên sự lừa dối kéo dài hàng thập niên này, điều đáng chú ý và khiến ta yên tâm là việc nói thật và nói rõ ràng vẫn có quyền lực lớn lao trong số cho các nhà bất đồng chính kiến vào những năm 1960. Và thực sự là vậy. Hãy nghe Lyudmila Alexeyeva, một trong những nhà sáng lập của một tạp chí ngầm quan trọng nhằm tôn vinh sự thật, tờ A Chronicle of Current Events, mô tả về sự cuốn hút gần giống với tôn giáo:
“Đối với từng người trong chúng tôi, làm việc cho tờ Chronicle có nghĩa là cam kết trung thành với sự thật, nó có nghĩa phải gội sạch bản thân khỏi mọi dơ bẩn của việc ‘suy nghĩ nước đôi’ vốn đã tràn ngập mọi giai đoạn trong đời sống Liên Xô,” bà viết. “Tác động của Chronicle là không thể đảo ngược. Mỗi người trong chúng tôi đã trải qua điều này một mình, nhưng ai cũng biết những người khác cũng đã trải qua cuộc tái sinh đạo đức này.”
Với cam kết sẽ buộc Liên Xô phải chịu trách nhiệm giải trình trước luật pháp quốc gia và các hiệp ước quốc tế, A Chronicle of Current Events đã đại diện cho sự tái sinh của xã hội dân sự. Đó là một cộng đồng nhỏ, và là một cộng đồng chỉ tồn tại trên những trang giấy mỏng như vỏ hành tây của samizdat,[1] những ấn bản bất hợp pháp do các nhóm bất đồng chính kiến tự xuất bản, nhưng đây là nơi mọi người có thể hành động như một công dân, chứng kiến và tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền và dân quyền.
Tờ Chronicle đã làm việc một cách ngay thẳng. Các số báo được in tại Moskva và sau đó được truyền tay. Nếu ai đó có một số thông tin muốn truyền đi, họ có thể viết nó trên một tờ giấy và chuyển nó cho người mà trước đây cho họ bản sao của tạp chí, người này sau đó sẽ chuyển nó về lần lượt theo từng mắt xích trong chuỗi. Điểm đầu nguồn có các biên tập viên như Natalya Gorbanevskaya, “nhà biên soạn” đầu tiên của tạp chí, theo cách mà họ thích tự gọi mình. Sau này bị bắt giữ bởi cơ quan an ninh quốc gia, K.G.B., vào năm 1969, Gorbanevskaya đã bị nhốt trong một viện tâm thần cho đến năm 1972.
Trong khoảng 65 số báo, xuất bản từ năm 1968 đến năm 1983, Chronicle đã trở thành một danh mục ghi chép lại những vụ lạm dụng, trấn áp bất đồng chính kiến bằng một giọng văn trung lập nhất có thể. Đó là một nỗ lực hết sức cần mẫn để công bố những thông tin mà sẽ chẳng bao giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thức của Liên Xô. Trong tạp chí này, người ta có thể đọc được chi tiết các phiên tòa chính trị được xử kín và các câu chuyện về những gì mà Chronicle gọi là “cuộc bức hại không qua xét xử,” hiểu sâu hơn về quá trình bắt bớ của K.G.B., đọc những tài liệu mật vốn dĩ chỉ dành cho những người cầm quyền, tìm hiểu về các cuộc bức hại tôn giáo và văn hoá liên tục xảy ra, và cập nhật tin tức về các tù nhân chính trị ở phương Đông.
Đây là một nỗ lực tự tạo ra một nguồn tin tức có giá trị và có thể kiểm chứng được. Chronicle yêu cầu những người đóng góp tin tức phải “thật cẩn thận và chính xác” với bất kỳ thông tin nào họ đưa ra/truyền đi và thậm chí còn thường xuyên xuất bản thông tin đính chính những ấn phẩm trước (đây là việc làm tiên phong mà một số cơ quan truyền thông phương Tây phải nhiều năm sau mới áp dụng). Theo vị học giả chuyên nghiên cứu về tình trạng bất đồng chính kiến ở Liên Xô Peter Reddaway, viết vào năm 1972, “mục đích của Chronicle là sự cởi mở, không bí mật, tự do thông tin và biểu đạt. Tất cả những khái niệm này được gộp vào một từ tiếng Nga, glasnost.”
Hành động này trực tiếp chống lại mệnh lệnh mà nhà lãnh đạo Bolshevik, Vladimir Lenin, ban hành cho báo chí trong thời kỳ tiền Cách mạng Nga hồi năm 1901. Báo chí khi ấy “không chỉ là một nhà tuyên truyền và kích động tập thể, mà còn là một nhà tổ chức tập thể” – nói cách khác là một công cụ để củng cố sức mạnh của nhà nước. Đối với nhà biên soạn Alexeyeva, Chronicle đại diện cho một cái gì đó rất khác biệt và không có tiền lệ ở Liên Xô: “Một nguồn thông tin trung thực về các tầng nấc ẩn giấu trong xã hội chúng ta.”
K.G.B. đã không nương tay với hành động này, và Gorbanevskaya chỉ là người đầu tiên trong số rất nhiều biên tập viên bị bắt giữ và bỏ tù. Tuy nhiên, vào những năm 1970, việc thu thập bằng chứng thực tế này đã trở thành phương thức hành động chủ yếu của các nhà bất đồng chính kiến, đặc biệt là trong số những nhân vật nổi bật nhất của phong trào như Andrei Sakharov, nhà vật lý Liên Xô, người đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1975. Trong một số trường hợp, đó là những người mà công việc đòi hỏi họ nghiêng về sự thật – nhiều người trong số họ là các nhà khoa học, một nghề mà chính họ đã lựa chọn trước khi bắt đầu trở thành nhà bất đồng chính kiến nhằm thoát khỏi bất kỳ lĩnh vực nào có thể bị bóp méo bởi ý thức hệ cộng sản.
Năm 1975, Liên Xô, với suy nghĩ rằng mình đang thông minh hơn phương Tây, đã ký Định ước Helsinki. Bản hiệp ước mang lại sự công nhận quốc tế đối với những lãnh thổ mà nước này giành được sau Thế chiến II, nhưng cũng đòi hỏi họ phải tuân thủ các quy chuẩn nhân quyền quốc tế. Các nhà bất đồng chính kiến ở Moskva coi đây là một cơ hội: Họ có thể sử dụng cam kết này để chống lại bộ máy cộng sản, bằng cách tuyên bố rằng họ có quyền được công bố mọi vi phạm.
Nhóm Theo dõi Moskva Helsinki (Moscow Helsinki Watch Group), theo tên gọi sau này, đã đi theo phong cách của Chronicle, tạo ra một loạt các báo cáo, tất cả đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và đôi khi dài đến hàng trăm trang. Trong số những báo cáo đầu tiên là cuộc điều tra về việc bức hại người Tatar ở Crimea và tình trạng bữa ăn nghèo nàn của các tù nhân. Các báo cáo đã được gửi đến các đại sứ quán phương Tây, cũng như lưu hành dưới dạng samizdat. Ngay sau đó, các tổ chức giám sát tương tự cũng đã xuất hiện ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu và thậm chí ở Mỹ. Nhóm Theo dõi Helsinki (Helsinki Watch), một tổ chức có trụ sở tại New York, đã trở thành tổ chức mà chúng ta biết tới ngày nay dưới tên gọi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch).
Liệu hành trình “ngầm” nhằm tìm kiếm sự thật dựa trên các báo cáo khách quan, thận trọng này có góp phần thúc đẩy sự tan rã của Liên Xô?
Thật khó để xác định, vì còn có rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt về kinh tế, cũng góp phần vào sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô vào cuối những năm 1980. Nhưng nó đã ảnh hưởng đến cách Liên Xô tan rã. Không giống như Trung Quốc, vốn cũng phải đối mặt với một thách thức lớn đối với quyền lực của đảng cộng sản vào năm 1989, Liên Xô không thể hy vọng tự cải cách chỉ bằng perestroika (về kinh tế). Việc Gorbachev thông qua khái niệm glasnost đã thừa nhận rằng cũng cần phải thay đổi xã hội dân sự nữa.
Các nhà bất đồng chính kiến đã tạo ra kỳ vọng rằng có thể sẽ có một loại ngôn ngữ khác, một ngôn ngữ thể hiện được thực tế mà không bị sàng lọc qua các mệnh lệnh của Liên Xô. Họ khao khát sự trung thực và minh bạch ở một quốc gia mà ngay cả tỷ lệ tự tử cũng được coi là bí mật nhà nước. Samizdat cung cấp một phương tiện để họ đạt được mục đích này.
Và những sự thật, không ngừng xếp chồng lên nhau, đã trở thành cách mà các nhà bất đồng chính kiến xây dựng một nước Nga khác, nơi mà họ hy vọng một ngày nào đó có thể đứng lên và vượt qua tất cả những điều dối trá.
Gal Beckerman là tác giả của cuốn “When They Come For Us, We’ll Be Gone” cuốn sách viết về lịch sử của phong trào Do Thái tại Liên Xô, đồng thời cũng sắp ra mắt một cuốn sách mới về truyền thông xã hội trước khi có internet.
———
[1] Đây là từ chỉ các ấn phẩm, báo chí bí mật, hoặc bị cấm, ngoài luồng, do các (nhóm) cá nhân tự xuất bản mà không được chính quyền cho phép lưu hành chính thức. Được mượn từ tiếng Nga, từ này gồm hai phần: sam (nghĩa là tự) và izdat (viết tắt của từ izdatel’stvo, nghĩa là nhà xuất bản) (NBT).
Nguồn: Gal Beckerman, “How Soviet Dissidents Ended 70 Years of Fake News”, The New York Times, 10/04/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét