Hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng và Khá "Bảnh". (Ảnh minh họa)
Nguyên thủ Việt Nam 75 tuổi và thanh niên 26 tuổi mà báo chí trong nước nói là “giang hồ mạng” cùng lọt vào danh sách các nhân vật được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 của Google. Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Trọng lọt vào danh sách này.
Tổng bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu danh sách 5 người được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam, trong khi Khá “Bảnh”, một YouTuber từng có gần 2 triệu người theo dõi, đứng ở vị trí thứ hai sau cố thi sĩ Xuân Quỳnh, vốn được Google vinh danh hồi tháng Mười bằng việc đưa hình ảnh chân dung của bà lên trang chủ.
Theo các nội dung tìm kiếm thịnh hành trong năm 2019 được Google thống kê, người Việt tìm thông tin về ông Trọng nhiều nhất là giữa tháng Tư, khi mạng xã hội tràn ngập các tin tức chưa được kiểm chứng về tình hình sức khỏe của ông sau chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.
Các cụm từ tìm kiếm liên quan được sử dụng nhiều gồm “tình hình sức khỏe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, “Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhập viện”, “Bệnh viện Chợ Rẫy”, “hôn mê” hay “tai biến mạch máu não”.
Trước các thông tin đồn đoán khi đó, nhất là ý kiến trên tờ “The Diplomat” về điều được cho là “cuộc khủng hoảng kế nhiệm”, giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về chính trường Việt Nam, hôm 22/4 cho rằng “quả bóng hiện nằm trên sân của Việt Nam nhằm ngăn chặn đồn đoán và thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng”.
“Giả sử những đồn đoán về bệnh tình của ông Trọng là đúng, điều quan trọng là phải biết được Tổng bí thư Trọng đã bị nặng đến mức nào. Nếu ông chỉ bị nhẹ, thì có lẽ còn quá sớm để bắt đầu suy đoán về một cuộc khủng hoảng kế nhiệm”, ông Thayer đánh giá. “Chúng ta cần phải chờ xem liệu ông có hồi phục sau một thời gian nghỉ dưỡng và có thể tiếp tục làm việc, dù khối lượng công việc có thể giảm đi nhiều”.
Ít lâu sau đó, Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng về sức khỏe của nguyên thủ 75 tuổi, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng” và rằng “ông sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn là người khai mào chiến dịch chống tham nhũng mà nhiều người gọi là “chiến dịch đốt lò”, mới được nhắc tới trong vụ xử MobiFone mua AVG, khi bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngỏ lời “xin lỗi” ông Trọng vì “những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của mình”, trong đó có vụ “nhận hối lộ 3 triệu đôla”.
Trong khi đó, Khá “Bảnh”, người báo chí Việt Nam gọi là “giang hồ mạng” hay “giang hồ sống ảo”, cũng nằm trong danh sách các nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất năm 2019 của Google cùng với ông Trọng.
Những cụm được người dùng Internet Việt sử dụng để tìm thông tin liên quan tới thanh niên 26 tuổi có tên thật là Ngô Bá Khá gồm “Khá ‘Bảnh’ đi tù mấy năm?”, “Khá ‘Bảnh’ đốt xe”, “Khá ‘Bảnh’ lên VTV1” hay “Khá ‘Bảnh’ giờ ra sao?”
Báo chí trong nước mới đây đưa tin rằng Khá “Bảnh” hôm 9/12 đã nộp đơn kháng án sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 10 năm và 6 tháng tù giam về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc” hồi giữa tháng 11.
Các hình ảnh và video về vụ xử này cho thấy rằng nhiều thanh niên đứng bên ngoài tòa án ở tỉnh Bắc Ninh vẫy gọi “anh ơi”, “Khá ơi” hay “giữ sức khỏe nhé” khi nhân vật này được giải tới nơi xét xử.
Mới đây, theo Tiền Phong, Phó Tổng biên tập của nhật báo này, ông Phùng Công Sưởng, đã nêu trường hợp Khá “Bảnh” tại Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với câu hỏi ngỏ: “Tại sao một trường hợp như Khá “Bảnh”, vi phạm pháp luật, tội phạm, lại được hàng nghìn thanh niên cổ vũ?”
Tin cho hay, lãnh đạo tờ báo với cơ quan chủ quản là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng “đồng thời đặt dấu hỏi về vai trò của Hội Liên hiệp Thanh niên ở địa phương ở đâu, để tương tác, giúp thanh niên nhận ra như thế nào là đúng, là sai, là vi phạm pháp luật”.
Ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, cố thi sĩ Xuân Quỳnh và Khá “Bảnh”, danh sách top 5 các nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam năm 2019 còn có ca sĩ Hàn Quốc Seungri về cáo buộc “môi giới mại dâm” và “đánh bạc” cũng như lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un liên quan tới cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội hồi tháng Hai.
Trong danh sách tìm kiếm thịnh hành, Google cũng liệt kê “những câu hỏi nổi bật” trong năm 2019, trong đó có: “cà khịa là gì?”, “văn hóa giao thông là gì?” hay “đường lưỡi bò là gì?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét