Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sẽ bị hạn chế việc gặp luật sư cho đến khi kết thúc quá trình điều tra. Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng nói với đài Á Châu Tự Do. Nhà báo Phạm Chí Dũng hiện đang bị tam giam để điều tra với cáo buộc: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 bộ Luật Hình sự.
Luật sư Mạnh cho hay, vào ngày 13/12/2019, các luật sư gồm Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng đã đến Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT), Công an TP.HCM để lập thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng.
Đến ngày 16/12/2019, Cơ quan ANĐT đã ra văn bản thông báo quyết định của Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP.HCM về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi kết thúc điều tra vụ án. Nghĩa là, luật sư không được gặp thân chủ trong suốt quá trình điều tra vụ án.
“Tại vì họ (cơ quan ANĐT - PV) nói là giới hạn cho luật sư tham gia vào giai đoạn điều tra. Lúc này đang là giai đoạn điều tra vụ án. Do họ giới hạn nên luật sư không nắm được thông tin gì cả.
Chỉ nói riêng về phương diện luật pháp thì đúng là theo luật hình sự có cho họ cái quyền được giới hạn luật sư đối với những vụ án thuộc nhóm an ninh quốc gia.”
Hiện nay, Luật sư Mạnh cũng chưa thể khẳng định được đến khi nào mới có thể giam gia bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vì còn tuỳ thuộc vào Cơ quan ANĐT có mở rộng điều tra hay không và khi nào thì kết thúc quá trình điều tra.
“Cái này cũng không thể nào khẳng định được, chỉ biết rằng họ truy tố anh Dũng vào điều 117, nhưng cụ thể là họ sẽ mở rộng để tập trung vào vấn đề gì thì họ không thông báo, mình không nắm hồ sơ nên mình cũng không biết.
Việc kết thúc giai đoạn điều tra còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra họ cho rằng đã đầy đủ thì họ kết thúc. Có những vụ án thực ra là có thể kéo dài đến ngoài cả năm trời.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng việc hạn chế gặp luật sư là thường xuyên xảy ra trong những vụ án có liên quan đến cái gọi là “an ninh quốc gia”.
“Tôi bị bắt vào ngày 16/12/2015. Ngay từ khi họ bắt tôi tại nhà, tôi đã yêu cầu phải cho tôi gặp luật sư khi họ khám nhà. Nhưng ngay lập tức họ có một đại diện của VKS tối cao đi cùng trình cái giấy của Viện trưởng VKS kiểm sát tối cao là không cho tôi tiếp cận với luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra.
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự, đối với các vụ án an ninh quốc gia thì luật sư chỉ có thể tiếp cận với hồ sơ vụ án và gặp thân chủ từ khi kết thúc điều tra thôi. Điều đó trái với Hiến pháp. Bởi vì trong Hiến pháp thì không phân biệt đối xử giữa an ninh quốc gia hay là thường phạm. Hiến pháp nói rằng khi một người bị bắt bị tạm giam thì có quyền gặp luật sư của mình, luật sư cũng có quyền bào chữa cho thân chủ. Thế nhưng mà trong Bộ Luật Tố tụng hình sự thì họ lại nêu điều đó là trái với Hiến pháp của Việt Nam.”
Cựu tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha cũng chia sẻ về quãng thời gian ông bị tạm giam mà không có luật sư:
“Mình không được tiếp xúc với bất kỳ ai, không được tư vấn về pháp luật. Sau khi họ đã dẫn mình đi hết rồi thì mới được gặp luật sư. Có nghĩa là mình đã nói rất nhiều điều bất lợi cho mình.”
Theo đánh giá của luật sư Đài, thời gian tạm giam để điều tra không được gặp luật sư chính là lúc mà những điều tra viên và quản giáo áp chế tinh thần của những người bị tạm giam, buộc phải nhận tội hoặc phải khai theo ý muốn của điều tra viên:
“Khi không được gặp luật sư hoặc không được gặp gia đình thì gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt cả quá trình đó, cơ quan an ninh điều tra cùng với quản giáo của trại áp chế rất nhiều về tinh thần.
Trong hai năm rưỡi tôi bị tạm giam thì đến tận tháng thứ 26 tôi mới được gặp luật sư. Trong 26 tháng đó quản giáo và an ninh nghĩ ra đủ mọi cách để áp chế tinh thần. Ví dụ như tôi bị ăn cơm sống một tháng, họ cho nước uống có mùi rất khó chịu, rồi họ cho đồ ăn thiu, trong nước canh họ cho thêm cả xà phòng vào… Đại khái họ nghĩ rất nhiều cách và cứ lặp đi lặp lại tuần này sang tuần khác.
Nếu như mình không có kinh nghiệm sẽ bị khủng hoảng về tinh thần. Trong khoảng thời gian điều tra như vậy, họ bắt mình phải nhận tội hoặc khi họ hỏi cái gì mình phải trả lời đúng theo ý của họ.”
Về vai trò của luật sư trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, ông Đài cho rằng họ chính là cầu nối giữa người bị tạm giam và gia đình, truyền thông bên ngoài:
“Nếu như khi mình gặp luật sư thì mình sẽ nói với luật sư rằng tôi bị đối xử bất công như vậy, thì luật sư sẽ thông báo ra bên ngoài cho các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước biết, như vậy sẽ giảm được áp lực cho mình.”
Tiến sỹ, nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt giam, khởi tố hình sự vào ngày 21/11/2019 theo điều 117 bộ Luật Hình sự.
Theo đó, người bị buộc tội này có thể phải đối mặt với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét