Vào lúc 4h30 sáng, hàng trăm người đã tràn ra đường bên ngoài ga Namguro ở Seoul. Họ không tới đây để đón tàu, vốn chỉ hoạt động sau một giờ nữa. Họ cũng không bị thu hút bởi các quán ăn sáng (bán xúc xích và bánh mỳ dẹt), các phòng hát trên lầu (cung cấp dịch vụ karaoke) hoặc các spa dưới tầng hầm (cung cấp những gì ai cũng biết). Thay vào đó, họ đến đây để cung cấp sức lao động của mình nhằm đổi lấy một ngày lương tại bất kỳ công trường xây dựng nào đang cần thêm lao động. Trong khi chờ được trả giá, họ hút thuốc, ngồi xổm và ho. Và họ không nói tiếng Hàn mà là tiếng Quan thoại.
Hàn Quốc từng là một nước xuất khẩu lao động ròng. Vào những năm 1970, các công nhân của các công ty nước này đã xây dựng những con đường ở Ả Rập Saudi, thường vào ban đêm dưới ánh đèn. Nhưng những người nhập cư, bao gồm cả những người Trung Quốc đang tập trung tại Namguro, hiện chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong lực lượng lao động.
Bất chấp những lo lắng về việc làm trong nền kinh tế của các con hổ, tỷ lệ thất nghiệp của họ vẫn thấp một cách đáng ghen tị: dưới 4% ở tất cả các nước này. Nỗi lo lắng lâu dài của họ sẽ là sự thiếu hụt không phải về việc làm mà là về những người trong độ tuổi lao động. Dân số trong độ tuổi lao động truyền thống (từ 15-64) đã giảm ở cả bốn nền kinh tế. Đến năm 2040, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động so với số người cao tuổi của họ sẽ còn thấp hơn cả Nhật Bản ngày nay. Trong khoảng thời gian 20 năm tới, những con hổ này sẽ già đi nhanh như tình trạng Nhật Bản đã trải qua trong hơn 30 năm.
Tỷ lệ sinh của các con hổ thuộc nhóm mười nước thấp nhất trên toàn thế giới: thấp đến mức mỗi năm số sinh mới dự kiến chỉ bằng 55% so với lứa thế hệ cha mẹ của họ. Chính phủ các nước này đã cố gắng mà không đạt nhiều thành công để đảo ngược xu hướng này. Một số thậm chí đã thử cả biện pháp mai mối. Mạng lưới Phát triển Xã hội Singapore đã tổ chức các bữa ăn tối, xem phim và chơi cờ. Một cơ quan mai mối có chứng nhận sẽ giúp bạn tìm được đối tác lý tưởng của mình với sự trợ giúp của trò xếp hình Lego. Tại Đài Loan, chính phủ đã tổ chức các chuyến tham quan bằng xe đạp và hẹn hò nhanh, bên cạnh các sự kiện khác. Nhưng một quan chức cấp cao đã thẳng thừng đánh giá rằng: “Hoàn toàn vô tác dụng”.
Một lý do là văn hóa làm việc ở đây. “Nếu một quốc gia yêu cầu người dân của họ làm việc cả ngày đêm thì không có gì lạ khi tỷ lệ sinh quá thấp như vậy”, theo lời Joyce Yang, người đã bỏ một việc làm về quan hệ công chúng tại Đài Bắc sau quá nhiều lần kết thúc ngày làm việc lúc nửa đêm. Tại Hàn Quốc, chính phủ của Tổng thống Moon đã giảm thời gian làm việc tối đa xuống còn 52 giờ (mặc dù các trường hợp ngoại lệ vẫn tồn tại). Cô Yang đã chọn một giải pháp triệt để hơn: chuyển sang Úc, từ đó cô kêu gọi 30.000 người theo dõi mình trên Facebook từ bỏ thói quen tham công tiếc việc. Cô nói “Người Đài Loan không có thời gian để sống”.
Thời gian là một hạn chế; một hạn chế khác nữa là chi phí. Mặc dù toàn xã hội được hưởng lợi từ sức sống của mỗi thế hệ mới, nhưng chi phí nuôi dạy trẻ em đè nặng lên một nhóm duy nhất: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Với cha mẹ già phải chăm lo cộng với rất ít sự giúp đỡ từ chồng (đàn ông chỉ làm 1/5 công việc gia đình ở Hàn Quốc) và sự trợ giúp không thỏa đáng từ nhà nước, nhiều phụ nữ đã chọn kết hôn muộn nếu kết hôn, và chỉ có một con, nếu muốn sinh nở.
Tình trạng khó khăn của họ càng trở nên tồi tệ hơn bởi một trong những điều các con hổ tự hào nhất: sự cam kết đối với giáo dục. Mặc dù các con hổ này đều cung cấp giáo dục công chất lượng tử tế, nhiều phụ huynh cảm thấy phải chi tiền cho những trường tư đắt tiền và việc học thêm. Một số nỗ lực bổ sung này có thể giúp nâng cao kiến thức và năng suất trong tương lai cho trẻ em. Nhưng phần lớn trong số đó chỉ là nhằm tạo dựng hồ sơ, một nỗ lực để cải thiện vị trí của đứa trẻ trong dòng người xếp hàng xin vào các trường đại học tốt nhất, và để giành được những công việc tốt nhất sau khi ra trường. Giáo dục đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó việc một phụ huynh chi thêm tiền và thời gian buộc những người khác cũng phải chạy theo.
Tại Hàn Quốc, ông Moon đã hứa sẽ thực hiện nhiều hành vi giảm tải giáo dục. Ông muốn hợp nhất các trường đại học vào một mạng lưới duy nhất, san phẳng hệ thống phân cấp các trường và thậm chí không khuyến khích các nhà tuyển dụng thuê nhân viên trên cơ sở hồ sơ học tập. Một số những đề xuất này dường như không thể thực hiện được. Các nhà phê bình gọi đó là “cuộc chiến đối với chế độ nhân tài”. Nhưng có một sự phân biệt giữa tài năng, thứ cần được tưởng thưởng, với những nỗ lực lãng phí để chứng minh tài năng, thứ gây tổn hại. Các “mẹ hổ” có nguy cơ làm tổn thương chính các con hổ của mình.
Đối mặt với gánh nặng này, một số phụ huynh đã gian lận bằng cấp cho con cái. Một bài báo khoa học năm 2009 về yếu tố tiền thân di truyền của bệnh tật được cho là do con gái của Cho Kuk, Bộ trưởng Tư pháp của ông Moon, làm đồng tác giả, mặc dù lúc đó cô ấy chỉ là một học sinh. Ông Cho đã buộc phải từ chức trong tai tiếng.
Giải pháp
Để cải thiện cấu trúc độ tuổi bất lợi, các con hổ sẽ phải kết hợp tuần làm việc ngắn hơn với cuộc sống làm việc dài hơn. Họ sẽ cần nhiều người như Neo Kwee Leng hơn. Khi gần 60 tuổi, ông từ bỏ công việc kinh doanh tiểu thương của mình để dành cả ngày hoạt động tại trung tâm “Loving Heart”, một trung tâm dành cho người cao tuổi ở Singapore. Đó không phải là nghỉ hưu: ông tham gia với tư cách là nhà quản lý. Đó hóa ra cũng không phải là một công việc nhẹ nhàng hơn. Khoảng 100 người ghé thăm hàng ngày, mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Một số người đến kiểm tra y tế, một số vào chơi đàn ukulele, còn những người khác vào chỉ để trò chuyện.
Vì vậy, ông Neo đã nâng cấp các kỹ năng quản lý, học Excel và phân tích dữ liệu. “Phần khó khăn nhất là thị lực của tôi”, ông nói. Ông cũng đã điều hành các hội thảo về sử dụng điện thoại thông minh. Quá trình đào tạo lại – của ông và những người khác – nằm trong chương trình SkillsFuture, một chương trình của chính phủ nhằm thúc đẩy văn hóa học tập trọn đời.
Tại các nền kinh tế con hổ, “trọn đời” có thể thực sự dài. Cũng như việc các nước này có tỷ lệ sinh thấp nhất, họ cũng là những nước có tuổi thọ cao nhất. Ngay cả ở tuổi 60, người dân của họ vẫn có thể sống thêm 25 năm nữa hoặc hơn, đủ thời gian để thành thạo cả Excel và ukulele.
Một cách khác để những con hổ đối phó với tình trạng già hóa dân số là cho phép nhập cư nhiều hơn. Người nước ngoài chiếm 6% lực lượng lao động tại Đài Loan và khoảng 3,3% tại Hàn Quốc. Đó là mức thấp theo tiêu chuẩn phương Tây, nhưng cao hơn Nhật Bản, nơi người nước ngoài chỉ chiếm 2%. Ở Hồng Kông và Singapore, sự phụ thuộc vào người nhập cư còn lớn hơn nhiều. Phần lớn dân số Hồng Kông (39%) được sinh ra ở nơi khác, bao gồm hơn 2,2 triệu người từ các vùng khác của Trung Quốc. Người sinh ra ở nước ngoài vẫn chiếm các vị trí cao trong các tòa án, cơ quan quản lý và thậm chí cả lực lượng cảnh sát. Thành phố cũng phụ thuộc vào hơn 380.000 người giúp việc và bảo mẫu (hầu hết đến từ Philippines và Indonesia), những người chiếm hơn 8% lực lượng lao động.
Singapore có 1,4 triệu lao động nước ngoài, tức hơn một phần ba lực lượng lao động. Chính phủ tin rằng người nhập cư là cần thiết để làm những công việc có tay nghề thấp mà người Singapore sẽ không muốn làm. Một sách trắng năm 2013 dự báo dân số sẽ tăng lên mức 6,9 triệu người vào năm 2030, từ mức 5,7 triệu hiện nay. Sách trắng đã vô tình tiết lộ giới hạn độ mở của Singapore. Dự báo này làm dấy lên lo ngại rằng những người nhập cư sẽ làm quá tải cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của thành phố. Trong một trong những cảnh tượng hiếm hoi nhất ở Singapore, một vài ngàn người đã biểu tình trong một công viên, một số giơ cao các tấm biển ghi “Singapore dành cho người Singapore”.
Nhập cư không phải là cách duy nhất để tận dụng lợi thế lực lượng lao động dồi dào của những nước khác. Bên cạnh nhập khẩu lao động, các con hổ cũng có thể xuất khẩu vốn. Bằng cách cho vay và đầu tư ra nước ngoài, họ cũng tận dụng được lực lượng lao động nước ngoài mà không gặp phải tất cả những khó khăn trong việc đưa những công nhân đó sang nước mình. Tại Hồng Kông, thu nhập ròng hàng năm từ các tài sản nước ngoài này đã lên tới gần mức 2.500 USD mỗi người.
Các con hổ đã tích lũy các khoản đầu tư ở nước ngoài bằng cách liên tục bán nhiều thứ cho phần còn lại của thế giới hơn so với mức họ mua. Thặng dư tài khoản vãng lai của Singapore năm ngoái là một con số khổng lồ, lên tới 18% GDP. Sự mất cân bằng thương mại này chưa gây ra nhiều chú ý hay chỉ trích từ Mỹ. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Suy cho cùng, bốn nền kinh tế này đều xứng đáng được thế giới chú ý kỹ càng.■
(Còn tiếp 1 phần)
Nguồn: “Will age weaken the Asian tiger economies?”, The Economist, 05/12/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét