Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

18211 - Quân đội phục vụ đảng hay tổ quốc?




Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN. Ảnh: Getty ImagesNguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN. Ảnh: Getty Images

Trong bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhiệm vụ cao cả của quân đội là bảo vệ tổ quốc và nhân dân trước nạn ngoại xâm. Quân đội chỉ trung thành với tổ quốc và nhân dân của mình. Quân đội cũng chỉ hậu thuẫn và chịu sự lãnh đạo của chính phủ thành lập hợp pháp hoặc được chuyển quyền hợp pháp trên nền tảng nhân dân thực hiện quyền tự do của mình. Nhưng đối với Việt Nam hiện nay, thể chế độc tài mang danh chủ nghĩa xã hội, coi “quân đội nhân dân” là của riêng của đảng Cộng sản.
Hôm 19 Tháng Mười Hai, 2019, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội nhân dân, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã viết một bài dài với tựa đề “75 Năm Quân Đội Việt Nam Anh hùng Vững Bước Dưới Lá Cờ Vinh Quang Của Đảng”. Ngay với cái tựa rất kêu này, ông Trọng đã ca tụng quân đội hết lòng nhưng đặt hào quang của quân đội dưới sự vinh quang của đảng CSVN, thay vì nói đó là sự vinh quang của tổ quốc Việt Nam. Như vậy ngay từ trong bản chất, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đồng hoá tổ quốc chính là đảng. Từ đó quân đội phục vụ, trung thành với đảng cũng chính là phục vụ và trung thành với tổ quốc.
Đây là một lối lý luận vừa nguỵ biện hàm hồ vừa quy chụp một cách vô lối. Trong thâm tâm, ông Trọng muốn mọi người coi đảng là người sản sinh ra tổ quốc và từ đó đảng cũng sản sinh ra quân đội, cho dù nhóm từ “quân đội nhân dân” đã chỉ rõ ra rằng quân đội ấy là từ nhân dân mà ra. Vì thế, quân đội chịu sự lèo lái của đảng, phục tùng đảng, phục vụ đảng là hợp lý, chứ không phải phục vụ tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân.
Trong bài của mình, ông Trọng đã viết một câu mà ai đọc cũng phải thấy ngược đời. “Quân đội ta luôn mang bản chất giai cấp công nhân, thực sự là công cụ sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành của đảng”. Đã mang bản chất giai cấp theo sự gán ghép của đảng, tất nhiên quân đội phải chịu sự lãnh đạo của đảng tức của giai cấp đã sản sinh ra nó. Và đó cũng là nền tảng dùng để xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu do đảng đưa ra. Những nhóm từ bảo vệ tổ quốc, bảo vê nhân dân hay vì hạnh phúc nhân dân chỉ là những bổ từ nhằm che đậy sự trắng trợn của đảng giành lấy về mình mọi thứ, cũng như để bớt bị khinh bỉ mà thôi.
Trong lịch sử tranh quyền và xâm lược của mình, đảng CSVN đã nhiều lần thực hiện sự lãnh đạo đầy độc đoán và sai lầm để đẩy hàng triệu thanh niên vào lò lửa chiến tranh. Ngày nay ông Trọng gọi đó là “những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh” của đảng, bất chấp sự tàn phá đất nước và vô vàn đau khổ của nhân dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ. Nhưng thử hỏi hàng bao nhiêu thế kỷ trước, các triều đại Việt Nam không có đảng mà quân đội vẫn chiến đấu anh dũng và đẩy lùi biết bao cuộc xâm lăng của Tàu. Còn ngày nay đảng nói mình lập nhiều “chiến công hiển hách” thì sự hiển hách ấy do đâu mà có? Ngay như trong thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, chính lòng yêu nước của mọi tầng lớp người Việt là động lực mạnh mẽ bẻ gãy xiềng xích nô lệ trong lúc người cộng sản không dám xuất hiện công khai, lại thừa cơ ra sức tiêu diệt các đảng phái quốc gia yêu nước để chiếm công đầu.
Qua bài viết vừa phổ biến của mình, ai cũng thấy rõ trong thâm tâm ông Trọng muốn đưa ra một thông điệp buộc quân đội và hàng ngũ tướng tá phải nghe theo lời đảng, chỉ trung thành với đảng tức trung thành với phe phái ông ta. Vì một lý do đã được khẳng định từ lâu, đảng là người có công lao duy nhất thành lập quân đội ngay từ những ngày đầu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao lúc này ông Trọng lại phải nhấn mạnh những điều đã được nói tới nhiều lần, Quân Đội Nhân Dân là do đảng lập ra và khẳng định bản chất giai cấp của quân đội? Đó là vì trong tình hình hiện nay, đảng sợ bị tuột tay không nắm được quân đội giúp đảng củng cố quyền lực phe nhóm mình trước và trong khi đại hội đảng diễn ra vào đầu năm 2021.
Ông Trọng cũng biết sợ hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của thành phần quân nhân trẻ các cấp trong các đơn vị quân đội vẫn diễn ra âm ỉ thường xuyên. Đó là mối lo to lớn nhất của đảng dù cho các cây bút tuyên giáo đang ra sức chống lại trên khắp các trang báo của tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và Công An Nhân Dân, hay Tạp chí Cộng sản trong chuyên mục “Chống Diễn Biến Hoà Bình”. Nhưng đó là những tờ báo bán không ai mua, viết không ai đọc, in ra để biếu không hoặc bán cho các cơ quan chính phủ và hệ thống trại giam.
Được biết trong thời gian hơn một năm vừa qua, trong số 70 cán bộ cấp trung ương bị ông Trọng đưa vào lò có đến 12 tướng lãnh quân đội và công an; một số khác bị mức kỷ luật cảnh cáo. Con số khá lớn này chắc chắn đã làm rúng động nội bộ các tướng tá. Nó không khỏi làm dao động số đông tướng lãnh tham ô khác chưa bị sờ đến. Nhưng nó cũng đưa đến kết quả tích cực cho ông Trọng là đám này sẽ quy phục phe phái tổng bí thư giúp đánh các phe khác.
Chính vì thế mà ông Trọng buộc phải nắm vững quân đội trong tay, khi chiến dịch đốt lò căng thẳng hoặc các cuộc đấu đá nội bộ có nguy cơ bùng nổ ngoài tầm kiểm soát của trung ương. Thực sự đó cũng là con đường tử thủ của ông Trọng khi các phe phái khác trong đảng liên kết chống lại phe tổng bí thư.
Nói tóm lại bài viết kỷ niệm ngày thành lập quân đội là dịp để ông Trọng cố tình nhai đi nhai lại những chiến thắng đầy vinh quang không phải của quân đội mà là của đảng, kẻ có công lao “vĩ đại” đã đẻ ra quân đội. Ông Trọng muốn cho quân đội thấy phe của tổng bí thư là phe đại diện chính thống nhất trong đảng. Nên quân đội phải tuyệt đối trung thành, tuyệt đối phục tùng và nghe theo ông chứ không nghe ai khác.
Đó cũng là lý do cắt nghĩa vì sao ông Trọng dù đang bệnh hoạn, đi đứng không vững mà cũng cố viết một bài biện luận dông dài như thế. Cũng như sự xuất hiện trong nhiều cuộc mít-tinh nhân ngày kỷ niệm 75 năm thành lập quân đội của ông Trọng, tất cả không nằm ngoài mục tiêu nắm chặt quân đội trong tay để dễ bề thao túng chính trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét